Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thử thách và niềm vui trong việc nuôi dạy tám người con theo đường lối Đức Giê-hô-va

Thử thách và niềm vui trong việc nuôi dạy tám người con theo đường lối Đức Giê-hô-va

Tự Truyện

Thử thách và niềm vui trong việc nuôi dạy tám người con theo đường lối Đức Giê-hô-va

DO JOYCELYN VALENTINE KỂ LẠI

Năm 1989 chồng tôi ra nước ngoài làm việc. Anh hứa sẽ gửi tiền về nhà giúp tôi nuôi tám đứa con. Nhưng nhiều tuần trôi qua, tôi vẫn không được tin tức gì của anh. Rồi qua nhiều tháng, anh vẫn biệt vô âm tín. Tôi luôn tự trấn an là ‘mọi việc suôn sẻ thì anh sẽ về nhà thôi’.

KHÔNG có tiền nuôi con, tôi lâm vào cảnh tuyệt vọng. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, tôi vẫn không tin được là làm sao anh ấy lại có thể bỏ rơi gia đình. Nhưng rồi tôi cũng chấp nhận thực tế phũ phàng là chồng tôi đã bỏ mẹ con tôi. Cho đến nay, sau 16 năm anh ấy vẫn biệt tăm biệt tích. Vì lẽ đó tôi phải một thân một mình nuôi con. Không có chồng đỡ đần, nuôi dạy con thật là vất vả, nhưng khi thấy các con đi theo đường lối Đức Giê-hô-va thì tôi hết sức vui mừng. Tuy nhiên, trước khi kể lại chuyện gia đình tôi đã xoay xở ra sao, tôi xin nói về sự dưỡng dục trong thời thơ ấu của tôi.

Tìm kiếm sự hướng dẫn của Kinh Thánh

Tôi sinh năm 1938 tại hải đảo Jamaica. Tuy không đi nhà thờ nào cả, nhưng cha tôi kính sợ Đức Chúa Trời. Mỗi tối cha thường bảo tôi đọc sách Thi-thiên trong Kinh Thánh cho cha nghe. Chẳng bao lâu, tôi học thuộc lòng được nhiều bài Thi-thiên. Mẹ tôi thì đi một nhà thờ ở địa phương và thỉnh thoảng dẫn tôi theo.

Tại các buổi lễ, chúng tôi được dạy là Chúa Giê-su chính là Đức Chúa Trời và ngài rất thương trẻ con. Chúng tôi cũng được dạy rằng Đức Chúa Trời cho những người tốt lên trời còn những người ác thì Ngài thiêu đốt trong hỏa ngục đời đời. Những điều này làm tôi hoang mang và sợ Đức Chúa Trời. Tôi thắc mắc: ‘Nếu Đức Chúa Trời yêu chúng ta thì làm sao Ngài lại có thể thiêu đốt người ta trong lửa?’

Nghĩ đến hỏa ngục khiến tôi gặp ác mộng. Sau đó tôi học lớp Kinh Thánh hàm thụ với nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm. Họ dạy là người ác sẽ không bị hành hạ đời đời mà bị thiêu thành tro bụi trong lửa hừng. Giáo lý này nghe hợp lý hơn nên tôi bắt đầu đi nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm. Nhưng các giáo lý của họ làm cho tôi hoang mang, vì vậy những dạy dỗ của họ không giúp tôi có được quan điểm đúng về luân lý đạo đức.

Vào thời đó, người ta thường cho rằng gian dâm là điều sai trái. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người khác tin rằng chỉ những người ăn ở với nhiều người cùng lúc mới gọi là gian dâm. Còn hai người chưa kết hôn nhưng chỉ quan hệ tính dục với nhau mà thôi thì không có gì là tội lỗi cả. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Hê-bơ-rơ 13:4) Vì nghĩ thế nên tôi có sáu đứa con không giá thú.

Tiến bộ về thiêng liêng

Vào năm 1965, hai chị Vaslyn Goodison và Ethel Chambers dọn đến cộng đồng ở Bath gần nhà tôi. Họ là tiên phong, tức những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Một ngày nọ, hai chị đến nói chuyện với cha tôi và ông chấp nhận học Kinh Thánh. Nếu lúc đó tôi có ở nhà, chắc thế nào họ cũng nói chuyện với tôi. Mặc dù không tin tưởng Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi cũng quyết định học Kinh Thánh nhằm vạch ra những sai lầm của họ.

Trong lúc học, tôi nêu rất nhiều câu hỏi, và Nhân Chứng dùng Kinh Thánh trả lời mọi thắc mắc của tôi. Nhờ sự giúp đỡ của họ, tôi hiểu ra rằng người chết không còn ý thức gì và không bị đày đọa nơi địa ngục. (Truyền-đạo 9:5, 10) Tôi cũng học biết về hy vọng sống đời đời trong Địa Đàng. (Thi-thiên 37:11, 29; Khải-huyền 21:3, 4) Dù cha tôi không học Kinh Thánh nữa, nhưng tôi bắt đầu dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va ở hội thánh địa phương. Các buổi họp diễn ra một cách yên ổn trật tự, vì thế tôi học hỏi được nhiều hơn về Đức Giê-hô-va. Tôi cũng dự những cuộc hội họp lớn hơn của Nhân Chứng như hội nghị vòng quanh và đại hội địa hạt. Nhờ đó tôi hiểu biết thêm về Kinh Thánh và vì vậy tôi có ước muốn mãnh liệt là thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách Ngài chấp nhận. Tuy nhiên, tôi gặp phải một trở ngại.

Vào thời gian đó, tôi sống không giá thú với một người đàn ông, là cha của ba trong số sáu đứa con của tôi. Nhờ học Kinh Thánh, tôi biết là Đức Chúa Trời lên án quan hệ tính dục ngoài khuôn khổ hôn nhân, vậy nên lương tâm tôi bắt đầu cắn rứt. (Châm-ngôn 5:15-20; Ga-la-ti 5:19) Vì lòng yêu mến lẽ thật trở nên sâu đậm nên tôi muốn điều chỉnh đời sống mình cho phù hợp với luật pháp của Đức Chúa Trời. Cuối cùng tôi quyết định thực hiện điều này. Tôi nói với anh ấy rằng mình nên kết hôn, nếu không thì phải chia tay. Dù anh không cùng niềm tin với tôi, nhưng rồi chúng tôi cũng chính thức kết hôn vào ngày 15 tháng 8 năm 1970—5 năm sau lần đầu tiên Nhân Chứng gặp tôi. Vào tháng 12 năm 1970, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng phép báp têm.

Tôi không bao giờ quên ngày đầu tiên tôi đi rao giảng. Tôi cảm thấy hồi hộp vì không biết làm sao bắt đầu một cuộc thảo luận về Kinh Thánh. Thật sự là tôi thấy nhẹ nhõm khi người chủ nhà đầu tiên không muốn kéo dài cuộc thảo luận. Chẳng mấy chốc sự căng thẳng của tôi sớm tan biến. Đến cuối ngày thì tôi thấy thật vui vì đã nói chuyện được chút ít với nhiều người và còn phát cho họ một số ấn phẩm về Kinh Thánh.

Giúp gia đình vững mạnh về thiêng liêng

Đến năm 1977, tôi có đến tám đứa con. Tôi quyết tâm làm hết sức mình để giúp cả gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va. (Giô-suê 24:15) Thế nên tôi cố gắng đều đặn hướng dẫn buổi học Kinh Thánh gia đình. Đôi khi, vì quá mệt nên tôi ngủ gục trong lúc một đứa con đang đọc bài, và các con phải đánh thức tôi dậy. Tuy vậy, sự mệt mỏi đã không bao giờ cản trở được buổi học Kinh Thánh gia đình.

Tôi cũng thường xuyên cầu nguyện với các con. Vừa khi chúng đủ lớn là tôi dạy chúng tự cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va. Trước khi các con đi ngủ, tôi luôn luôn xem chúng có cầu nguyện hay không. Còn những đứa còn quá bé thì tôi cầu nguyện chung với từng đứa.

Ban đầu chồng tôi chống đối việc tôi dẫn con đi họp. Tuy nhiên vì không muốn trông con lúc tôi đi họp nên anh ấy bớt chống đối. Buổi tối anh rất thích đi chơi với bạn bè, nhưng chỉ nghĩ đến việc phải dẫn theo tám đứa con nheo nhóc cũng đủ làm cho anh cảm thấy ngao ngán! Vì thế, sau này anh còn giúp tôi sửa soạn cho các con đi đến Phòng Nước Trời.

Ít lâu sau, các con tôi quen dự tất cả các buổi họp ở hội thánh và đi rao giảng. Vào kỳ nghỉ hè, chúng thường đi rao giảng với các anh chị tiên phong, tức những người truyền giáo trọn thời gian trong hội thánh. Điều này đã giúp các con tôi ngày càng yêu mến hội thánh và ham thích công việc rao giảng.—Ma-thi-ơ 24:14.

Thời kỳ thử thách

Để cải thiện tình hình tài chính gia đình, chồng tôi bắt đầu ra nước ngoài làm việc. Anh xa gia đình trong một thời gian dài nhưng đều đặn về thăm nhà. Tuy nhiên, đến năm 1989 thì anh đi luôn không trở về nữa. Như đã kể trên, mất đi người chồng đã làm tôi đau khổ tột cùng. Nhiều đêm tôi khóc lóc và khẩn thiết nài xin Đức Giê-hô-va an ủi và giúp tôi chịu đựng. Tôi cảm nghiệm được Ngài đáp lời cầu nguyện của tôi. Những câu Kinh Thánh như Ê-sai 54:4 và 1 Cô-rinh-tô 7:15 cho tôi bình an và sức mạnh để tiếp tục sống. Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, người thân và bạn bè cũng động viên tinh thần và giúp tôi về mặt vật chất. Tôi thật biết ơn Đức Giê-hô-va và dân Ngài về sự trợ giúp này.

Chúng tôi cũng gặp những thử thách khác. Một lần nọ, một con gái của tôi bị khai trừ khỏi hội thánh vì có hành vi trái với Kinh Thánh. Tôi rất thương các con nhưng tôi vẫn đặt việc trung thành với Đức Giê-hô-va lên trên hết. Vì vậy trong thời gian đó, tôi và các con khác tuyệt đối vâng theo sự hướng dẫn của Kinh Thánh trong việc đối xử với người bị khai trừ. (1 Cô-rinh-tô 5:11, 13) Vì không hiểu lập trường của chúng tôi nên một số người đã chỉ trích gia đình tôi gay gắt. Tuy nhiên, sau khi con gái tôi được nhận vào hội thánh trở lại thì con rể nói là rất cảm phục sự kiên quyết của chúng tôi trong việc theo sát nguyên tắc Kinh Thánh. Giờ đây con rể tôi cùng gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va.

Đối phó với vấn đề tài chính

Lúc chồng tôi bỏ gia đình, thu nhập của tôi không đều đặn và gia đình không còn được anh chu cấp nữa. Hoàn cảnh này đã giúp chúng tôi biết hài lòng với mức sống đơn giản và quý trọng tài sản thiêng liêng hơn là việc đeo đuổi mục tiêu vật chất. Các con tôi càng học giúp đỡ và yêu thương nhau thì chúng càng gần gũi nhau hơn. Khi những đứa lớn bắt đầu đi làm thì chúng giúp những đứa nhỏ hơn. Con gái lớn của tôi, Marseree, đã giúp em út là Nicole học hết trung học. Ngoài ra, tôi mở được một tiệm nhỏ bán thực phẩm. Mức thu nhập khiêm tốn đã giúp tôi chăm lo cho một số nhu cầu vật chất của gia đình.

Đức Giê-hô-va đã không bao giờ bỏ chúng tôi. Một lần nọ, tôi nói với một chị tín đồ Đấng Christ là chúng tôi không thể dự đại hội địa hạt vì tài chính eo hẹp. Chị nói: “Chị Val à, khi chị nghe có đại hội thì chị nên thu xếp hành lý chuẩn bị lên đường! Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp cho gia đình chị”. Tôi đã làm theo lời khuyên của chị ấy. Đức Giê-hô-va đã và vẫn còn tiếp tục cung cấp cho chúng tôi. Gia đình tôi chưa hề vắng mặt một hội nghị hay đại hội nào vì lý do tiền bạc.

Năm 1988, Bão Gilbert tàn phá Jamaica, và chúng tôi phải rời bỏ nhà cửa để đi ẩn trú ở một nơi an toàn hơn. Khi cơn bão tạm lắng, tôi và con trai rời khỏi nơi tạm trú để trở lại xem xét căn nhà đổ nát của chúng tôi. Lúc tìm kiếm lại đồ đạc, tôi chợt nhìn thấy một món đồ mà tôi muốn đem về. Thình lình gió lại rít lên, nhưng tôi vẫn cố giữ món đồ đó. “Mẹ ơi, mẹ bỏ ti-vi xuống đi. Mẹ có phải là vợ của Lót không?” (Lu-ca 17:31, 32) Câu nói đó của con trai đã làm tôi tỉnh ngộ. Tôi bỏ cái ti-vi ướt đẫm nước mưa xuống, và hai mẹ con tôi chạy ra khỏi vùng đó để lánh nạn.

Giờ đây tôi vẫn còn run khi nhớ lại mình đã liều mạng vì một cái ti-vi. Nhưng tôi rất vui khi nghĩ đến lời cảnh giác về thiêng liêng của con tôi vào lúc đó. Nhờ được hội thánh dạy dỗ về Kinh Thánh, con trai tôi đã có thể giúp tôi tránh bị thương tích và có lẽ tránh bị nguy hại về thiêng liêng.

Cơn bão tàn phá hết đồ đạc và nhà cửa khiến cho chúng tôi rất nản lòng. Rồi anh em tín đồ Đấng Christ đến khuyến khích chúng tôi nương cậy nơi Đức Giê-hô-va trước sự mất mát và tiếp tục tích cực rao giảng. Các anh em cũng giúp chúng tôi xây lại căn nhà. Công việc tình nguyện đầy hy sinh và yêu thương do các Nhân Chứng từ Jamaica và từ nước ngoài thực hiện đã làm chúng tôi vô cùng cảm động.

Đặt Đức Giê-hô-va lên trên hết

Sau khi học xong, con thứ nhì của tôi là Melaine bắt đầu làm tiên phong. Sau đó Melaine nhận lời mời phụng sự ở một hội thánh khác. Như vậy là Melaine phải nghỉ việc. Mặc dù việc làm đó cho phép Melaine trợ giúp gia đình rất nhiều về mặt tài chính, nhưng chúng tôi tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo cho chúng tôi nếu mỗi người trong gia đình đều đặt quyền lợi Nước Trời lên trên hết. (Ma-thi-ơ 6:33) Về sau, con trai tôi, Ewan, cũng được mời phụng sự với tư cách là tiên phong. Ewan cũng giúp đỡ tài chính cho gia đình, nhưng chúng tôi khuyến khích Ewan nên nhận lời mời và chúc cho Ewan được ân phước của Đức Giê-hô-va. Tôi không bao giờ làm nhụt chí các con trong việc nới rộng công việc Nước Trời, và những người còn lại trong gia đình đã chẳng bao giờ phải sống thiếu thốn. Ngược lại, chúng tôi cảm thấy vui hơn và đôi khi chúng tôi còn giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày nay, tôi thật vui mừng khi thấy các con “làm theo lẽ thật”. (3 Giăng 4) Melaine hiện đang theo chồng trong công tác giám thị vòng quanh. Một con gái khác là Andrea và chồng làm tiên phong đặc biệt. Andrea cùng chồng đi thăm các hội thánh những khi anh thay thế giám thị vòng quanh. Còn Ewan và vợ làm tiên phong đặc biệt, đồng thời Ewan là một trưởng lão của hội thánh. Riêng Ava-Gay thì cùng chồng phục vụ tại trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Jamaica. Jennifer, Genieve và Nicole cùng chồng và các con sốt sắng phục vụ trong hội thánh. Marseree thì sống với tôi, hiện nay hai mẹ con tôi thuộc về hội thánh Port Morant. Các ân phước của tôi thật là lớn lao vì tất cả tám người con của tôi đều tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va.

Đến lúc lớn tuổi sức khỏe tôi kém đi. Tôi bị bệnh thấp khớp kinh niên, tuy vậy tôi vẫn làm tiên phong. Nhưng cách đây ít lâu, đi bộ lên các ngọn đồi gần nhà cũng rất là khó nhọc cho tôi. Thật khó để tiếp tục đi rao giảng. Tôi thử đạp xe đạp, và thấy dễ hơn là đi bộ. Thế nên tôi mua một chiếc xe cũ. Thoạt đầu, các con tôi cảm thấy buồn khi nhìn người mẹ bị đau khớp mà còn cố gắng đạp xe. Tuy nhiên, các con rất vui khi thấy tôi tiếp tục công việc rao giảng theo như ý nguyện của tôi.

Nhìn thấy những người học với tôi chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh mang lại cho tôi niềm vui khôn tả. Tôi luôn luôn cầu xin Đức Giê-hô-va giúp cả gia đình tôi giữ lòng trung thành với Ngài cho đến cuối cùng và cho đến muôn đời. Tôi ngợi khen và cảm tạ Đức Giê-hô-va, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, đã giúp tôi đối phó với những thử thách trong việc nuôi dạy tám người con theo đường lối của Ngài.—Thi-thiên 65:2.

[Hình nơi trang 10]

Với các con, dâu, rể và các cháu

[Hình nơi trang 12]

Hiện nay tôi đi xe đạp để rao giảng