Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có nên ăn trầu không?

Bạn có nên ăn trầu không?

Bạn có nên ăn trầu không?

Trên một đường phố ở Nam Á, một người thân thiện mỉm cười để lộ hàm răng đen và miệng đầy nước bọt màu đỏ. Rồi người đó nhổ trên vỉa hè, để lại vết bẩn màu đỏ không đẹp mắt. Người đó đang ăn trầu.

Từ Đông Phi, Pakistan, Ấn Độ, Đông Nam Á đến Papua New Guinea và Micronesia, có hàng trăm triệu người ăn trầu, chiếm khoảng 10% dân số thế giới. Những người bán trầu, đôi khi dẫn con theo, bày hàng trên những cái bàn ở chợ hoặc trên các đường phố. Còn những người khác thì dùng đèn nê-ông màu và thuê những cô gái ăn mặc khêu gợi làm “Tây Thi bán trầu” để thu hút khách hàng.

Trên thế giới, việc bán trầu cau mang lại hàng tỉ đô-la. Vậy trầu cau là gì? Tại sao có nhiều người ăn trầu đến thế? Thói quen ấy ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của họ? Kinh Thánh có quan điểm nào về việc nhai trầu? Làm sao người ăn trầu có thể bỏ thói quen ấy?

Trầu cau là gì?

Cau là quả của cây thuộc họ cọ, một loại cây nhiệt đới ở vùng Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Trầu là lá một cây thuộc họ hồ tiêu. Người ăn trầu gói miếng cau trong lá trầu kèm với một chút vôi sống. Vôi thúc đẩy quá trình tiết ra các chất kích thích thuộc nhóm an-ca-lô-ít (alkaloid). Một số người ăn trầu cho thêm hương liệu, thuốc lào hoặc chất ngọt để làm tăng hương vị.

Miếng trầu cau kích thích việc tiết nước bọt, làm cho nước bọt có màu đỏ như máu. Vì vậy người ăn trầu thường phun nước bọt, thậm chí lúc đang đi xe, đôi khi khiến người đi đường giật mình!

Tai hại của việc ăn trầu!

Theo báo cáo của tạp chí Oral Health, “từ thời xưa, quả cau được dùng rộng rãi vì nghi thức giao tiếp, văn hóa và tôn giáo. Người sử dụng thường xem nó vô hại và nghĩ rằng nó có lợi cho sức khỏe, tạo sự phấn khích và làm ấm cơ thể... Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy nó rất tai hại”. Như thế nào?

Cơ quan phòng chống ma túy tin rằng chất an-ca-lô-ít trong trầu cau có thể gây nghiện. Một số người ăn 50 miếng trầu một ngày! Sau một thời gian, răng của họ biến màu và có thể mắc bệnh về nướu. Theo tạp chí Oral Health, những người có thói quen ăn trầu có thể mắc bệnh niêm mạc miệng, khiến miệng đổi màu nâu đỏ và lớp màng nhầy bị gấp nếp. Họ cũng có thể bị bệnh “niêm mạc miệng mạn tính, ngày càng trầm trọng, để lại sẹo”. Đó là tình trạng xơ hóa màng nhầy của miệng.

Việc ăn trầu còn liên quan đến một dạng ung thư miệng gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy trong miệng, và cũng có thể xảy ra ở phần sau của họng. Ở Đông Nam Á, nhiều người trưởng thành bị ung thư miệng dường như liên quan đến thói quen này. Tại Đài Loan, khoảng 85% trường hợp ung thư miệng là do ăn trầu. Ngoài ra, tờ The China Post cho biết: “Bệnh ung thư miệng tại Đài Loan là một trong mười nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở đảo này, và tỷ lệ mắc bệnh tăng gần bốn lần trong 40 năm qua”.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở những nơi khác. Tờ Papua New Guinea Post-Courier cho biết: “Theo Hiệp hội Y khoa PNG, nhai trầu là một trong những sở thích của dân Papua New Guinea khiến ít nhất 2.000 người chết mỗi năm và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe”. Một bác sĩ và là người chuyên viết bài về y khoa nói: “Tác hại mạn tính của việc ăn trầu cũng đa dạng như việc hút thuốc, hoặc thậm chí có thể hơn”, bao gồm bệnh tim mạch.

Kinh Thánh có quan điểm nào?

Kinh Thánh không phải là sách y học và cũng không đề cập cụ thể đến việc ăn trầu. Tuy nhiên, Kinh Thánh chứa nhiều nguyên tắc giúp chúng ta có đời sống thanh sạch, khỏe mạnh và tốt hơn. Hãy suy nghĩ về những câu Kinh Thánh và những câu hỏi gợi ý sau đây.

‘Hỡi anh em yêu dấu, chúng ta hãy tẩy mình cho sạch khỏi mọi sự ô uế về thể xác lẫn tinh thần, và ngày càng trở nên thánh sạch trong sự kính sợ Đức Chúa Trời’ (2 Cô-rinh-tô 7:1). “Dâng thân thể mình... thánh và đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1). Một người có thể thánh hoặc thanh sạch trước mắt Đức Chúa Trời không nếu người đó làm nhơ bẩn thân thể mình qua việc ăn trầu?

“Nhờ [Đức Chúa Trời] mà chúng ta có sự sống” (Công vụ 17:28). “Mọi món quà tốt lành và hoàn hảo đều từ trên” (Gia-cơ 1:17). Sự sống là món quà quý giá từ Đức Chúa Trời. Một người có quý trọng món quà ấy nếu cứ giữ thói quen này không?

“Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Ma-thi-ơ 6:24). ‘Tôi không để mình bị lệ thuộc bất cứ điều gì’ (1 Cô-rinh-tô 6:12). Một người muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời có nên trở thành nô lệ cho thói quen ô uế, và để thói quen ấy chi phối đời sống mình không?

“Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (Mác 12:31). “Tình yêu thương không làm hại người lân cận” (Rô-ma 13:10, Bản Dịch Mới). Chúng ta có bày tỏ tình yêu thương chân thật với người khác nếu nhổ nước bọt màu đỏ không đẹp mắt và mất vệ sinh trên đường, vỉa hè hoặc những nơi khác không?

Chắc chắn, “ai gieo gì sẽ gặt nấy” (Ga-la-ti 6:7, 8). Đây là một quy luật căn bản của tự nhiên. Nếu gieo thói quen xấu, chúng ta sẽ gặt hậu quả. Tuy nhiên, khi sống phù hợp với ý định Đức Chúa Trời, bao hàm có thói quen tốt, không những chúng ta gặt điều tốt mà còn tìm thấy hạnh phúc thật và lâu dài. Nếu bạn có thói quen ăn trầu nhưng muốn có đời sống tốt hơn và nhiều ân phước qua việc làm điều đúng trước mắt Đức Chúa Trời, làm thế nào bạn có thể bỏ thói quen ấy? Hãy cầu nguyện và xem xét ba bước hiệu quả sau đây mà nhiều người đã thực hiện thành công.

Ba bước để bỏ thói quen

1. Hãy có động lực. Để từ bỏ một thói quen xấu, thay vì chỉ biết điều đó có hại cho sức khỏe, bạn cần có động lực mạnh hơn. Suy cho cùng, dù biết rõ việc nhai trầu, hút thuốc, nghiện ma túy sẽ gây hại cho sức khỏe và đời sống, nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen đó. Để củng cố động lực, tại sao không học biết về Đấng Tạo Hóa và tình yêu thương sâu đậm của ngài đối với bạn qua việc xem xét Kinh Thánh? Hê-bơ-rơ 4:12 cho biết: “Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”.

2. Hãy xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Chúa Giê-su nói: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở; vì ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ thì cửa sẽ mở” (Lu-ca 11:9, 10). Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời thấy bạn cầu nguyện và chân thành tìm kiếm ngài để được hỗ trợ và thêm sức, ngài sẽ không lờ đi. Nơi 1 Giăng 4:8 nói: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương”. Sứ đồ Phao-lô của đạo Đấng Ki-tô đã cảm nghiệm được tình yêu thương ấy. Ông viết: “Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.

3. Hãy tìm sự ủng hộ của người khác. Những người mà bạn kết giao có thể ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động tốt hoặc xấu đến bạn. Châm-ngôn 13:20 cho biết: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. Vậy hãy khôn ngoan chọn người để kết giao! Trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va, có nhiều người từng ăn trầu. Nhưng nhờ kết giao với anh em đồng đức tin và tìm hiểu Kinh Thánh, họ đã nhận thêm sự trợ giúp cần thiết để bỏ thói quen ô uế này.

[Khung/​Các hình nơi trang 24, 25]

HỌ ĐÃ BỎ THÓI QUEN

Tỉnh Thức! phỏng vấn năm người từng ăn trầu nhưng sau đó đã bỏ thói quen ấy. Hãy xem những gì họ nói.

Tại sao anh chị bắt đầu có thói quen ăn trầu?

Chị Pauline: Cha mẹ chỉ cho tôi cách ăn trầu khi tôi còn nhỏ. Đây là phong tục của làng tôi trên một đảo của Papua New Guinea.

Chị Betty: Cha cho tôi ăn trầu lúc tôi hai tuổi. Khi ở tuổi thiếu niên, tôi từng mang theo rất nhiều cau, vì thế tôi trông giống cây cau! Tôi nghiện đến mức điều đầu tiên tôi làm mỗi sáng là ăn trầu.

Anh Wen-Chung: Tôi bắt đầu ăn trầu khi 16 tuổi. Việc ăn trầu được xem là sành điệu và dấu hiệu của sự trưởng thành. Tôi muốn được mọi người chấp nhận.

Chị Jiao-Lian: Tôi bán trầu để kiếm sống. Để bán được hàng, tôi cần biết chắc hàng của mình có chất lượng tốt, thế nên tôi bắt đầu thử. Điều này dẫn đến thói quen ăn trầu.

Thói quen này ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của anh chị?

Chị Jiao-Lian: Miệng, răng và môi của tôi bị biến màu đỏ như máu. Tôi thấy ngượng khi xem lại những bức ảnh thời đó. Bây giờ môi tôi vẫn bị loét.

Chị Pauline: Tôi từng bị loét miệng, buồn nôn và tiêu chảy.

Chị Betty: Tôi chỉ nặng 35kg, quá gầy so với chiều cao của một người trưởng thành như tôi. Răng tôi trông rất xấu, tôi thường làm sạch và đánh bóng bằng miếng bùi nhùi thép rửa xoong.

Anh Sam: Tôi bị tiêu chảy và mắc bệnh về nướu. Bây giờ tôi chỉ còn một cái răng! Tôi đã dùng miếng bùi nhùi thép để đánh bóng răng nhưng chẳng giúp được gì.

Tại sao anh chị bỏ thói quen ấy?

Chị Pauline: Tôi đọc Kinh Thánh nơi 2 Cô-rinh-tô 7:1 cho biết Đức Chúa Trời muốn chúng ta “tẩy mình cho sạch khỏi mọi sự ô uế về thể xác”. Tôi quyết định cố gắng làm hài lòng Đấng Tạo Hóa.

Anh Sam: Tôi muốn thần khí của Giê-hô-va Đức Chúa Trời tác động trên đời sống mình. Vì vậy, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi cưỡng lại cám dỗ ăn trầu. Ngài đáp lời cầu nguyện của tôi. Tôi đã không ăn trầu khoảng 30 năm.

Chị Jiao-Lian: Khi đọc Kinh Thánh, tôi thấy cụm từ “hỡi những người tội lỗi, hãy rửa sạch tay mình” (Gia-cơ 4:8). Lời chỉ dẫn này thực sự tác động đến tôi. Liệu có đúng không khi tôi dùng và bán trầu cau dù biết điều này gây hại? Lúc đó, tôi quyết định “rửa sạch tay mình” khỏi thói quen làm ô uế về thể chất và tâm linh.

Anh chị nhận được lợi ích nào khi bỏ thói quen đó?

Anh Wen-Chung: Tôi bắt đầu ăn trầu để được bạn bè chấp nhận. Nhưng giờ đây tôi có điều quý giá hơn nhiều, đó là mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo.

Anh Sam: Hiện nay sức khỏe tôi tốt hơn và tôi có được mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nhờ không lãng phí tiền bạc cho thói quen xấu đó, tôi có thể chăm sóc gia đình chu đáo hơn.

Chị Pauline: Tôi thấy mình trong sạch và không còn làm nô lệ cho thói quen xấu. Răng của tôi trắng và chắc. Nhà và vườn của tôi không còn những vỏ cau và vết bẩn màu đỏ xấu xí.

Chị Betty: Tôi có một lương tâm trong sạch và sức khỏe tốt hơn nhiều. Tôi có thể vừa dạy học vừa phụng sự với tư cách người rao truyền tin mừng trọn thời gian của đạo Đấng Ki-tô.

[Các hình]

Chị Betty

Chị Pauline

Anh Wen-Chung

Chị Jiao-Lian

Anh Sam

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Nghiện ăn trầu có thể dẫn đến những bệnh trầm trọng

Răng biến màu và bị bệnh về nướu

Xơ hóa màng nhầy miệng

Ung thư biểu mô tế bào vảy trong miệng

[Hình nơi trang 22]

Quả cau được gói trong lá trầu