Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chủ nghĩa vật chất là gì?

Chủ nghĩa vật chất là gì?

Quan điểm của Kinh Thánh

Chủ nghĩa vật chất là gì?

CON NGƯỜI được sinh ra với khả năng thiên về thiêng liêng và nhu cầu thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, con người được tạo nên từ những nguyên tố vật chất, nên cũng có nhu cầu và khả năng hưởng thụ vật chất. Một số tín đồ Đấng Christ có dư dật của cải vật chất. Phải chăng điều này tự nó chứng tỏ họ thiên về vật chất và thiếu tính thiêng liêng? Trái lại, có phải những ai nghèo ít bị chủ nghĩa vật chất ảnh hưởng thì có lẽ thiên về thiêng liêng hơn?

Chắc chắn bạn sẽ đồng ý rằng chủ nghĩa vật chất không phải chỉ đơn thuần là có dư dật của cải hoặc tài sản. Hãy xem xét những gương sau đây trong Kinh Thánh để hiểu rõ chủ nghĩa vật chất thật sự là gì và làm thế nào tránh khỏi những nguy hiểm do nó gây ra cho tính thiêng liêng.

Họ đã từng có tiền của và danh vọng

Trong thời Kinh Thánh, một số tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời đã từng có dư dật tiền của và danh vọng. Chẳng hạn, Áp-ra-ham “rất giàu-có súc-vật, vàng và bạc”. (Sáng-thế Ký 13:2) Gióp nổi danh là người “lớn hơn hết trong cả dân Đông-phương” vì ông có nhiều gia súc và rất nhiều tôi tớ. (Gióp 1:3) Các vua Y-sơ-ra-ên như Đa-vít và Sa-lô-môn cực kỳ giàu có.—1 Sử-ký 29:1-5; 2 Sử-ký 1:11, 12; Truyền-đạo 2:4-9.

Có những tín đồ Đấng Christ giàu có trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất. (1 Ti-mô-thê 6:17) Một người tên Ly-đi, “quê ở thành Thi-a-ti-rơ, làm nghề buôn hàng sắc tía, vẫn kính-sợ Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 16:14) Thuốc nhuộm màu tía và quần áo có màu này thì đắt tiền và thường dành cho những người có địa vị cao hoặc giàu có. Do đó, chính Ly-đi chắc hẳn đã ở một mức độ giàu có nào đó.

Trái lại, một số người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va trong thời Kinh Thánh rất nghèo khổ. Thiên tai, tai nạn, và chết chóc khiến một số gia đình lâm vào cảnh nghèo khó. (Truyền-đạo 9:11, 12) Hẳn là những người nghèo này phải rất khó chịu khi nhìn thấy những người khác hưởng tiền của và tài sản vật chất! Dù thế, điều sai lầm là xét đoán những ai có tiền của là thiên về vật chất, hoặc kết luận rằng những ai không có tiền của là đang phụng sự Đức Chúa Trời cách trọn vẹn hơn. Tại sao? Hãy xem xét căn nguyên của chủ nghĩa vật chất là gì.

Sự tham tiền bạc

Một tự điển định nghĩa chủ nghĩa vật chất là “sự chú tâm về của cải vật chất hoặc đặt nặng về vấn đề này hơn những gì thuộc về tinh thần hoặc thiêng liêng”. Do đó, chủ nghĩa vật chất bắt nguồn từ sự ham muốn, những gì chúng ta coi là ưu tiên, và trọng điểm trong đời sống. Điều này được chứng minh rõ ràng bởi hai gương sau đây trong Kinh Thánh.

Đức Giê-hô-va mạnh mẽ khuyên răn Ba-rúc, thư ký của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Có lẽ Ba-rúc nghèo vì hoàn cảnh thời đó ở Giê-ru-sa-lem và vì ông kết thân với Giê-rê-mi, một người không được dân ưa thích. Thế nhưng, Đức Giê-hô-va nhận xét: “Còn ngươi, ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có [“tiếp tục”, NW] tìm-kiếm”. Có thể Ba-rúc bắt đầu thiên về vật chất, phát triển sự chú tâm đến sự giàu có hoặc sự an toàn về vật chất của người khác. Đức Giê-hô-va nhắc nhở Ba-rúc rằng Ngài sẽ cứu ông thoát khỏi sự hủy diệt sắp giáng trên Giê-ru-sa-lem nhưng Ngài không bảo toàn tài sản của ông.—Giê-rê-mi 45:4, 5.

Chúa Giê-su cho một minh họa về một người cũng bận tâm như thế về những thứ vật chất. Người này chỉ chú tâm vào tiền của ông có hơn là dùng tài sản này để đẩy mạnh việc phụng sự Đức Chúa Trời. Người giàu nói: “Ta phá cả kho-tàng và cất cái khác lớn hơn,... rồi sẽ nói với linh-hồn ta rằng: Linh-hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui-vẻ”. Rồi Chúa Giê-su phán: “Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai? Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”.—Lu-ca 12:16-21.

Ý chính của hai lời tường thuật này là gì? Chúng giúp chúng ta thấy rằng một người thiên về vật chất, không phải vì người đó có bao nhiêu tài sản, nhưng do việc đặt ưu tiên vào những thứ vật chất. Sứ đồ Phao-lô nói: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”. (1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Chính sự quyết tâm làm giàu và ham muốn của cải vật chất gây ra những vấn đề.

Cần tự kiểm điểm

Tín đồ Đấng Christ thận trọng tránh cạm bẫy của chủ nghĩa vật chất bất kể tình trạng kinh tế của họ. Quyền lực của sự giàu có làm cho lầm lạc và có thể làm nghẹt tính thiêng liêng. (Ma-thi-ơ 13:22) Một sự thay đổi, từ chú tâm về những điều thiêng liêng sang của cải vật chất, có thể xảy đến trước khi chúng ta nhận ra sự việc, và đưa đến những hậu quả đáng buồn.—Châm-ngôn 28:20; Truyền-đạo 5:10.

Do đó, tín đồ Đấng Christ nên xem xét những ưu tiên và mục tiêu của họ trong đời sống. Dù có ít hoặc nhiều về vật chất, những người có thiêng liêng tính cố gắng theo lời khuyên của Phao-lô là “đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”.—1 Ti-mô-thê 6:17-19.