Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một hàng rào ảnh hưởng thời tiết

Một hàng rào ảnh hưởng thời tiết

Một hàng rào ảnh hưởng thời tiết

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ÚC

CÓ MỘT thời nó chia cắt tiểu bang Tây Úc từ Bắc chí Nam. Khi được hoàn tất vào năm 1907, hàng rào bằng gỗ và dây thép dài 1.830 kilômét này là kiến trúc dài nhất thế giới so với những kiến trúc cùng loại. Tên chính thức của nó là Hàng Rào Chống Thỏ Số 1.

Như tên của nó ngụ ý, lúc đầu hàng rào này được xây dựng để phòng chống nạn dịch thỏ kéo đàn xuyên khắp nước Úc về hướng tây vào cuối thể kỷ 19. Ngày nay phần lớn hàng rào phòng thủ hơn 100 năm tuổi này vẫn tồn tại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nó trở thành tiêu điểm đáng chú ý về khoa học vì một lý do khác. Dường như hàng rào nhân tạo này gián tiếp ảnh hưởng đến đặc điểm khí hậu địa phương.

Trước khi tìm hiểu làm sao một hàng rào chỉ hơi cao hơn một mét lại có thể ảnh hưởng đến thế, chúng ta hãy nhớ lại lịch sử của kiến trúc nổi bật này.

Cuộc chiến hoài công

Trong cuộc chiến chống lại đàn thỏ xâm lăng, có tới 400 công nhân làm việc từ năm 1901 đến 1907 để xây Hàng Rào Chống Thỏ Số 1. Theo Bộ Nông Nghiệp Tây Úc: “Khoảng 8.000 tấn vật liệu được vận chuyển bằng đường thủy rồi chở bằng xe lửa đến các nhà kho, trước khi được những đàn ngựa, lạc đà và lừa kéo đến các nơi xây dựng hàng rào hẻo lánh”.

Ở hai bên bờ rào, các công nhân khai quang cây cỏ để mở dải đất rộng ba mét. Một số cây bị đốn dùng làm trụ hàng rào, và ở những nơi không có cây, người ta phải nhập những trụ kim loại. Khi hoàn tất, hàng rào đó không những là rào cản đối với thỏ nhưng cũng là con đường gồ ghề xuyên qua lục địa.

Bằng cách dồn những bầy thỏ xâm lăng vào các sân rào, nơi chúng sẽ chết, hàng rào này đóng vai trò như một cái lưới khổng lồ. Tuy nhiên, chúng đã leo được qua hàng rào. Bằng cách nào? Khi đổ xô không ngừng về hướng tây, chúng trèo lên xác những con thỏ khác chất đống cao bên cạnh hàng rào dây thép và nhờ thế tràn qua. Người ta dựng thêm hai hàng rào nữa rẽ ra từ cái đầu tiên. Tổng cộng mạng lưới hàng rào này trải dài 3.256 kilômét.

Một bằng chứng về sự chịu khó của con người

Một nhóm nhỏ người canh gác ranh giới, trong đó có F. H. Broomhall, đi tuần tra dọc theo hàng rào dài tít này. Trong cuốn Hàng rào dài nhất thế giới (Anh ngữ) của ông, Broomhall nói: Nhiệm vụ của người tuần tra... là giữ cho Hàng Rào và lối đi dọc theo đó luôn được tốt..., đốn những bụi rậm và cây để giữ đúng chiều rộng ấn định hai bên bờ rào [và] giữ những cánh cổng, được đặt cách mỗi 32 kilômét dọc theo bờ rào, trong tình trạng tốt và dọn sạch [thỏ] trong các sân bẫy”.

Công việc của người canh gác ranh giới ắt hẳn là một trong những nghề cô độc nhất trên thế giới. Chỉ với những con lạc đà làm bạn đồng hành, mỗi người tuần tra được giao nhiệm vụ giám sát đoạn hàng rào dài nhiều cây số, dường như trải dài vô tận về phía chân trời. Thậm chí một số người tuần tra thiếu cả sự đồng hành của lạc đà, vì họ phải tự đạp xe trên những con đường gồ ghề dọc theo đoạn hàng rào được giao. Ngày nay họ đi tuần tra phần còn lại của bờ rào bằng xe hai cầu tương đối tiện nghi.

Không hoàn toàn thất bại

Dù hàng rào này có lẽ không thể ngăn chặn được sự xâm lăng của thỏ, nhưng nó lại chứng tỏ là một hàng rào hữu hiệu để chống lại một kẻ gây phiền toái khác—một trong những loài chim bản xứ của Úc, đà điểu emu. Năm 1976, hơn 100.000 con chim khổng lồ không biết bay này chọn di cư đến vùng đất trồng trọt trù phú ở phía tây hàng rào. Hàng rào này đã ngăn cản cuộc hành trình của chúng, và người ta phải diệt 90.000 con để cứu phần lớn mùa gặt năm đó.

Sau cuộc khủng hoảng này, 1.170 kilômét hàng rào đã được gia cố hoặc điều chỉnh vị trí để bảo vệ những mảnh đất trồng trọt của Tây Úc khỏi sự di cư của đà điểu emu và những bầy chó rừng lang thang. * Kết cuộc, hàng rào này trở thành ranh giới. Về phía đông là vùng hoang mạc cằn cỗi của miền trung nước Úc. Phía tây trải rộng những cánh đồng thẳng tắp do con người canh tác.

Một bức tường thời tiết ngoài dự định

Sự tương phản hoàn toàn về thảm thực vật này có thể giải thích ảnh hưởng biểu kiến của hàng rào đến thời tiết. Tạp chí khoa học The Helix nói: “Dường như không thể tin được, lượng mưa ở vùng thuộc phía đông hàng rào tăng nhưng ở phía tây lại giảm”. Vì vậy, thảm thực vật bản xứ ở phía đông hưởng nguồn nước thiên nhiên thường xuyên, còn nông dân miền tây ngày càng phải dựa vào việc dẫn thủy nhập điền. Cho biết một lý do có thể giúp lý giải những thay đổi này, tạp chí đó giải thích: “Vì không bám rễ sâu, những cây theo thời vụ thuộc vùng đất trồng trọt phía tây không thoát hơi nước nhiều như những cây bản xứ đâm rễ sâu hơn”.

Bình luận về một yếu tố khác, Tom Lyons, một giáo sư khoa khí quyển, nói: “Giả thuyết của chúng tôi là vì cây bản xứ sẫm màu hơn cây nông nghiệp, nó thoát nhiệt ra không khí nhiều hơn, gây... sự chuyển động trong không khí, hiện tượng này góp phần tạo thành mây”.

Hàng Rào Chống Thỏ có lẽ đã không giúp nông dân Tây Úc thoát khỏi tai họa thỏ. Nhưng ảnh hưởng biểu kiến của nó đến thời tiết và bài học về việc cần phải biết lo xa khi quản lý đất đai có thể vẫn còn có giá trị.

[Chú thích]

^ đ. 15 Ngày nay, hàng rào này được gọi là State Barrier Fence (Hàng Rào Phòng Thủ của Tiểu Bang).

[Bản đồ nơi trang 20, 21]

Hàng Rào Chống Thỏ Số 1

[Hình nơi trang 21]

Thỏ

[Hình nơi trang 21]

Tuần tra hàng rào, đầu thế kỷ 20

[Hình nơi trang 21]

Đà điểu emu

[Hình nơi trang 21]

Trải dài 1.833 kilômét, Hàng Rào Chống Thỏ Số 1 một thời là hàng rào dài nhất thế giới. Hàng rào chia cắt vùng hoang mạc với vùng đất trồng trọt, vì vậy tạo thành bức tường thời tiết

[Nguồn hình ảnh nơi trang 21]

Tất cả tranh màu: Bộ Nông Nghiệp, Tây Úc; hình giữa ở trên: với sự cho phép của Battye Library Image number 003582D