Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy biết quý mưa

Hãy biết quý mưa

Hãy biết quý mưa

Mưa! Nếu không có thì không biết làm sao! Đúng là khi mưa nhiều quá thì có thể gây ra những trận lụt tai hại. Ngoài ra, đối với những người sống ở vùng hoặc mùa có khí hậu lạnh và ẩm ướt, có lẽ không phải lúc nào họ cũng thích mưa (E-xơ-ra 10:9). Nhưng còn hàng triệu người thường phải chịu thời tiết khô và nóng thì sao? Khi mưa xuống, thật mát mẻ và dễ chịu làm sao!

Đó là trường hợp của người dân ở những vùng được đề cập trong Kinh Thánh, như vùng nội địa Tiểu Á, nơi sứ đồ Phao-lô từng đến truyền giáo. Ông đã nói với những người dân sống ở thành Li-cao-ni: “[Đức Chúa Trời] cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ 14:17). Hãy lưu ý Phao-lô đề cập đến mưa trước, vì nếu không có mưa thì cây cối không mọc được và không có “mùa-màng nhiều hoa-quả”.

Kinh Thánh nói nhiều về mưa. Từ “mưa” bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp xuất hiện hơn một trăm lần trong Kinh Thánh. Bạn có muốn biết thêm về món quà tuyệt vời này không? Đồng thời, bạn có muốn tin chắc hơn nơi tính chính xác của Kinh Thánh về khoa học không?

Kinh Thánh nói gì về mưa?

Muốn có mưa thì cần có một món quà khác không thể thiếu. Chúa Giê-su đề cập đến món quà đó khi nói: “[Cha các ngươi ở trên trời] khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác” (Ma-thi-ơ 5:45). Bạn có để ý thấy Chúa Giê-su nhắc đến mặt trời trước khi nói đến mưa không? Điều này hợp lý vì mặt trời không những cung cấp năng lượng cho cây cối phát triển mà còn chi phối vòng tuần hoàn của nước. Đúng vậy, chính sức nóng của mặt trời làm bốc hơi khoảng 400.000km3 nước biển mỗi năm. Bởi vì Đức Chúa Trời có tên Giê-hô-va là Đấng tạo ra mặt trời, nên thật phù hợp khi Kinh Thánh nói Ngài thâu lên các giọt nước để làm mưa.

Kinh Thánh mô tả vòng tuần hoàn của nước như sau: “Đức Chúa Trời... thâu hấp các giọt nước: rồi từ sa-mù giọt nước ấy bèn hóa ra mưa, đám mây đổ mưa ấy ra, nó từ giọt sa xuống rất nhiều trên loài người” (Gióp 36:26-28). Trong hàng ngàn năm kể từ khi những lời phù hợp với khoa học này được viết ra, con người có nhiều thời gian để tìm hiểu vòng tuần hoàn của nước. Nhưng sách Water Science and Engineering năm 2003 (Khoa học và kỹ thuật về thủy văn) viết: “Hiện nay, chưa ai biết chắc về tiến trình hình thành giọt mưa”.

Các nhà khoa học chỉ biết chắc rằng giọt mưa hình thành từ các hạt cực nhỏ, các hạt này là nhân của những giọt li ti trong mây. Mỗi giọt phải lớn gấp một triệu lần trở lên mới trở thành giọt mưa. Đây là một quá trình phức tạp, có thể mất nhiều giờ. Sách giáo khoa Hydrology in Practice (Ứng dụng thủy văn học) viết: “Có nhiều thuyết giải thích làm thế nào các hạt nhỏ trong mây trở thành giọt mưa, và các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu chi tiết về các giả thuyết này”.

Đấng tạo ra tiến trình hình thành cơn mưa đã hỏi người thờ phượng Ngài là Gióp những câu hỏi khiến ông nhớ lại vị trí thấp kém của mình: “Mưa có cha không? Ai sinh ra các giọt sương móc? Ai ban sự khôn ngoan cho mây... Ai có tài đếm các cụm mây, nghiêng đổ các bầu nước trên trời?” (Gióp 38:28, 36, 37, Bản Dịch Mới). Đến nay, khoảng 3.500 năm sau thời Gióp, những câu hỏi này vẫn làm cho các nhà khoa học đau đầu.

Nước đi theo hướng nào?

Các triết gia Hy Lạp dạy rằng nước sông không phải do mưa, nhưng do nước biển bằng cách nào đó đã chảy trong lòng đất rồi lên các đỉnh núi và trở thành những suối nước ngọt. Một sách bình luận Kinh Thánh cho rằng vua Sa-lô-môn đã nói về khái niệm này. Chúng ta hãy xem xét lời mà vị vua ấy được soi dẫn viết: “Mọi sông ngòi đều đổ ra biển, nhưng biển chẳng hề đầy. Nước trở về nguồn, nơi đó sông ngòi lại tiếp tục chảy ra” (Truyền-đạo 1:7, BDM). Sa-lô-môn có thật sự muốn nói rằng nước biển được dẫn vào lòng núi bằng cách nào đó rồi trở thành nguồn nước ngọt cho sông không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem những người đồng hương của ông nghĩ gì về vòng tuần hoàn của nước. Họ có tin nơi những khái niệm sai lầm không?

Không đầy một trăm năm sau thời Sa-lô-môn, nhà tiên tri Ê-li của Đức Chúa Trời đã cho thấy ông biết mưa đến từ hướng nào. Lúc đó, cả xứ bị hạn hán trầm trọng trong hơn ba năm (Gia-cơ 5:17). Giê-hô-va Đức Chúa Trời giáng tai họa này cho dân Ngài vì họ phản bội Ngài và thờ thần mưa của dân ngoại giáo Ca-na-an, thần Ba-anh. Tuy nhiên, Ê-li đã giúp dân Y-sơ-ra-ên ăn năn trở lại, và vì thế giờ đây ông sẵn lòng cầu xin Đức Giê-hô-va ban mưa cho họ. Đang lúc cầu nguyện, ông bảo tôi tớ mình “ngó về phía biển”. Khi được báo là “ở phía biển lên một cụm mây nhỏ như lòng bàn tay”, ông biết lời cầu nguyện của mình đã được nhậm. Không lâu sau, “trời bị mây che đen, gió nổi dậy, và có cơn mưa rất lớn” (1 Các Vua 18:43-45). Như vậy, Ê-li chứng tỏ mình biết về vòng tuần hoàn của nước. Ông hiểu rằng mây hình thành ở ngoài biển, được gió thổi về phía đông rồi vào Đất Hứa. Cho đến nay, đó là cách những cơn mưa được hình thành.

Khoảng một trăm năm sau khi Ê-li cầu xin Đức Chúa Trời làm mưa, một nông dân tên là A-mốt đã nêu lên chi tiết quan trọng về nguồn nước mưa. Ông được Đức Chúa Trời phái đi báo cho dân Y-sơ-ra-ên biết về sự phán xét của Ngài vì họ đã áp bức người nghèo và thờ tà thần. Để giúp họ thoát khỏi sự trừng phạt này, A-mốt khuyên họ: “Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, thì các ngươi sẽ sống”. Ông giải thích rằng chỉ nên thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng “gọi nước biển mà đổ nó ra trên mặt đất” (A-mốt 5:6, 8). Sau đó A-mốt đã nhắc lại quy trình tuyệt diệu này của nước và hướng đi của nó (A-mốt 9:6). Như vậy, ông cho thấy rằng các đại dương là nguồn chính của nước mưa.

Điều này đã được ông Edmond Halley chứng minh bằng khoa học vào năm 1687. Tuy nhiên, phải mất một thời gian khá lâu người ta mới chấp nhận điều ông đã chứng minh. Sách Encyclopædia Britannica Online (Bách khoa từ điển Anh Quốc trực tuyến) nói: “Đến đầu thế kỷ thứ 18, vẫn còn tồn tại ý tưởng cho rằng có một vòng tuần hoàn nước trên trái đất, theo đó nước biển được đưa lên đỉnh núi và từ đó chảy xuống mặt đất”. Ngày nay, hầu như ai cũng biết sự thật về hướng đi của nước. Sách trên giải thích: “Nước biển bốc hơi lên rồi ngưng tụ lại trong khí quyển, sau đó nước rơi xuống đất thành mưa, chảy vào sông và đổ trở lại biển”. Vậy, rõ ràng lời của Sa-lô-môn nói về vòng tuần hoàn của nước, được đề cập nơi Truyền-đạo 1:7, chính là chu trình của mây và mưa.

Bạn nên làm gì?

Những người viết Kinh Thánh đã mô tả vòng tuần hoàn của nước một cách chính xác. Đây là một trong vô số những bằng chứng nổi bật cho thấy Kinh Thánh được Đấng Tạo Hóa là Đức Giê-hô-va soi dẫn (2 Ti-mô-thê 3:16). Đành rằng, vì con người không biết gìn giữ trái đất nên có lẽ làm cho thời tiết bị xáo trộn, khiến vùng này bị lũ lụt, vùng khác bị hạn hán. Nhưng từ lâu Đấng tạo ra vòng tuần hoàn nước đã hứa rằng Ngài sẽ can thiệp và “diệt trừ những ai làm hư hại trái đất”.—Khải-huyền 11:18, Trần Đức Huân.

Trong khi chờ đợi, làm thế nào bạn có thể tỏ lòng biết ơn về mưa, một trong những món quà của Đức Chúa Trời? Một cách là tìm hiểu Lời Ngài, tức Kinh Thánh, và làm theo sự hướng dẫn trong sách ấy. Nhờ đó, bạn có triển vọng sống sót để vào thế giới mới và được hưởng mãi mãi tất cả những gì Đức Chúa Trời ban cho. Thật vậy, “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” đều đến từ Đức Giê-hô-va, Đấng tạo ra mưa.—Gia-cơ 1:17.

[Biểu đồ/Hình nơi trang 16, 17]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

HƠI NƯỚC NGƯNG TỤ

NƯỚC MƯA

HƠI NƯỚC THOÁT RA TỪ THỰC VẬT

NƯỚC BỐC HƠI

PHẦN NƯỚC MƯA CHẢY VÀO SÔNG

NƯỚC NGẦM

[Các hình nơi trang 16]

Trong khi Ê-li cầu nguyện, tôi tớ ông “ngó về phía biển”