Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời khuyên khôn ngoan về việc sống độc thân và kết hôn

Lời khuyên khôn ngoan về việc sống độc thân và kết hôn

Lời khuyên khôn ngoan về việc sống độc thân và kết hôn

“Tôi nói điều đó... để dắt anh em theo lẽ phải, hầu cho không phân-tâm mà hầu việc Chúa”.—1 CÔ 7:35.

1, 2. Tại sao nên tìm lời khuyên của Kinh Thánh về việc sống độc thân và kết hôn?

Hạnh phúc, thất vọng hoặc lo lắng là những cảm xúc chúng ta thường có trong mối quan hệ với người khác phái. Thế nên, chúng ta cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để vượt qua nỗi thất vọng và lo lắng, nhưng cũng có những lý do khác để xin Ngài dẫn dắt. Chẳng hạn, một tín đồ đang hài lòng với đời sống độc thân có lẽ cảm thấy mình bị gia đình và bạn bè gây áp lực phải kết hôn. Tín đồ khác có lẽ muốn kết hôn nhưng chưa tìm được người thích hợp. Một số anh chị cần sự hướng dẫn cho các trách nhiệm họ phải gánh vác trước khi bước vào hôn nhân. Hơn nữa, cả người độc thân lẫn người đã kết hôn đều cần được che chở khỏi sự vô luân.

2 Những vấn đề ở trên không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta mà còn đến vị thế của mình đối với Đức Giê-hô-va. Nơi chương 7 của lá thư thứ nhất gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô, Phao-lô cho lời hướng dẫn về việc sống độc thân và kết hôn. Mục đích của ông là khuyến khích độc giả “theo lẽ phải, hầu cho không phân-tâm mà hầu việc Chúa” (1 Cô 7:35). Khi xem xét lời khuyên của Phao-lô về các vấn đề quan trọng này, bạn hãy xem hoàn cảnh của mình là cách để phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn, cho dù bạn còn độc thân hay đã kết hôn.

Quyết định quan trọng

3, 4. (a) Điều gì xảy ra nếu bạn bè và gia đình cố gây áp lực để một người kết hôn? (b) Làm thế nào lời khuyên của Phao-lô giúp một người có quan điểm đúng đắn về việc kết hôn?

3 Như xã hội Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, nhiều nền văn hóa ngày nay chú trọng việc kết hôn. Nếu một người nam hoặc nữ qua một độ tuổi nhất định mà chưa kết hôn, thì bạn bè và thân nhân có thể nghĩ rằng cần phải nhắc nhở người ấy. Khi trò chuyện, có lẽ họ gợi ý là người ấy nên cố gắng hơn để tìm bạn đời cho mình. Họ có thể giới thiệu cho người ấy một đối tượng. Thậm chí họ còn tìm cách để hai người độc thân gặp nhau. Đôi khi những hành động này khiến những người trong cuộc bị ngượng, gây rạn nứt và tổn thương tình cảm.

4 Trái lại, Phao-lô không bao giờ buộc người khác kết hôn hoặc sống độc thân (1 Cô 7:7). Ông sống độc thân và thỏa lòng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng ông cũng tôn trọng những người muốn lập gia đình. Tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng có quyền quyết định mình nên kết hôn hay sống độc thân. Những người khác không nên gây áp lực trong vấn đề này.

Thành công khi sống độc thân

5, 6. Tại sao Phao-lô khuyến khích sống độc thân?

5 Một điểm đáng chú ý trong lời của Phao-lô gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô là quan điểm tích cực của ông về việc sống độc thân. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:8). Không như hàng giáo phẩm của khối đạo tự xưng, dù sống độc thân nhưng Phao-lô không xem mình hơn những người đã kết hôn. Thay vì thế, ông nêu rõ thuận lợi của những người sống độc thân phụng sự Đức Chúa Trời. Đó là gì?

6 So với tín đồ đã kết hôn, một tín đồ độc thân thường dễ nhận nhiệm vụ để phụng sự Đức Giê-hô-va. Phao-lô đã nhận đặc ân “làm sứ-đồ cho dân ngoại” (Rô 11:13). Hãy đọc sách Công-vụ từ chương 13 đến chương 20, và theo Phao-lô cùng các giáo sĩ đồng hành với ông đi đến những khu vực khác, rồi thành lập hội thánh ở nhiều nơi. Trong thánh chức, Phao-lô trải qua nhiều gian khổ mà ít người ngày nay gặp phải (2 Cô 11:23-27, 32, 33). Tuy nhiên, niềm vui của ông trong việc giúp nhiều người trở thành môn đồ khiến những gian khổ ông chịu là đáng công (1 Tê 1:2-7, 9; 2:19). Liệu ông có hoàn thành mọi trách nhiệm ấy nếu lập gia đình hoặc có con không? Có lẽ không.

7. Làm thế nào hai chị Nhân Chứng độc thân đã tận dụng hoàn cảnh để đẩy mạnh công việc rao giảng?

7 Nhiều tín đồ độc thân tận dụng hoàn cảnh của mình để tham gia nhiều hơn trong công việc rao giảng. Chị Sara và Limbania là hai tiên phong độc thân tại Bolivia. Họ đã chuyển đến một ngôi làng mà trong nhiều năm không có Nhân Chứng đến rao giảng. Ở đây không có điện, điều này có là vấn đề cho họ không? Họ cho biết: “Ở đây không có radio hoặc truyền hình, nên người ta không bị phân tâm. Trong giờ rãnh rỗi, họ đọc sách”. Một số dân làng đưa cho hai chị các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va mà đến nay họ vẫn còn đọc, nhưng các ấn phẩm này đã lâu không còn ấn hành nữa. Vì hầu như mỗi nhà đều có người chú ý nên việc thăm lại từng hộ là điều không dễ. Một phụ nữ lớn tuổi nói với họ: “Chắc tận thế sắp đến rồi vì cuối cùng Nhân Chứng Giê-hô-va cũng đã đến đây”. Chẳng bao lâu sau, một số người trong làng đã đến tham dự nhóm họp.

8, 9. (a) Phao-lô đã nghĩ đến điều gì khi ông nói tích cực về đời sống độc thân? (b) Các tín đồ độc thân có những lợi thế nào?

8 Dĩ nhiên, những tín đồ đã kết hôn cũng đạt kết quả tốt khi chia sẻ tin mừng trong khu vực khó rao giảng. Nhưng đối với một số đặc ân thì những người đã kết hôn hoặc có con khó đảm nhiệm hơn các tiên phong độc thân. Khi viết thư cho các hội thánh, Phao-lô biết vẫn có nhiều việc để làm hầu loan báo tin mừng. Ông muốn mọi người đều có niềm vui như ông. Vì thế, Phao-lô nói những điều tích cực về việc phụng sự Đức Giê-hô-va khi còn độc thân.

9 Một chị tiên phong độc thân ở Hoa Kỳ cho biết: “Một số người tin rằng những người độc thân không thể nào hạnh phúc. Nhưng tôi thấy là hạnh phúc lâu dài tùy thuộc vào mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va. Dù sống độc thân là một sự hy sinh, nhưng cũng là một món quà tuyệt vời nếu biết tận dụng nó”. Về việc tìm kiếm hạnh phúc, chị viết: “Sống độc thân có thể là bước khởi đầu dẫn đến hạnh phúc chứ không phải là một trở ngại. Tôi biết Đức Giê-hô-va yêu thương tất cả mọi người, dù sống độc thân hay đã có gia đình”. Hiện nay, chị vui thích phụng sự tại một nơi cần người công bố Nước Trời. Nếu còn độc thân, bạn có thể dùng sự tự do của mình để gia tăng thánh chức không? Khi làm thế, bạn cũng sẽ thấy đời sống độc thân là món quà quý báu đến từ Đức Giê-hô-va.

Người độc thân muốn lập gia đình

10, 11. Đức Giê-hô-va nâng đỡ những người muốn kết hôn nhưng chưa tìm được người hôn phối thích hợp như thế nào?

10 Sau một thời gian sống độc thân, nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va quyết định lập gia đình. Họ biết mình cần sự hướng dẫn nên xin Đức Giê-hô-va giúp họ tìm được một người hôn phối thích hợp.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:36, NW.

11 Nếu bạn muốn kết hôn với một người cùng ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, bạn hãy cầu nguyện và trao vấn đề này cho Ngài (Phi-líp 4:6, 7). Dù phải chờ bao lâu đi nữa, bạn đừng thất vọng. Hãy tin nơi Đức Chúa Trời đầy yêu thương, Ngài sẽ nâng đỡ để bạn có thể đương đầu với cảm xúc của mình.—Hê 13:6.

12. Tại sao một tín đồ Đấng Christ phải suy xét cẩn thận khi có người muốn kết hôn với mình?

12 Một người không mạnh mẽ về thiêng liêng hoặc ngay cả người không cùng đức tin có thể muốn kết hôn với một tín đồ độc thân có ước muốn lập gia đình. Nếu bạn ở trong trường hợp đó, hãy nhớ rằng khi chọn lầm người thì chính bạn sẽ đau khổ. Nỗi đau ấy còn tệ hơn nỗi cô đơn khi sống độc thân. Một khi đã kết hôn, bạn bị ràng buộc với người hôn phối suốt đời, cho dù đời sống của bạn tốt hơn hay xấu đi (1 Cô 7:27). Do đó, đừng để nỗi tuyệt vọng khiến bạn chọn bước vào hôn nhân để rồi sau này phải hối tiếc.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:39.

Chuẩn bị cho hôn nhân

13-15. Trong quá trình tìm hiểu, hai người nên thảo luận một số vấn đề nào có thể gây sóng gió cho hôn nhân?

13 Dù khuyến khích người khác sống độc thân phụng sự Đức Giê-hô-va, Phao-lô không xem thường những ai quyết định lập gia đình. Thay vì thế, ông được soi dẫn để đưa ra lời khuyên hầu các cặp sắp kết hôn thấy rõ cuộc sống hôn nhân như thế nào và giúp họ gắn bó với nhau suốt đời.

14 Một số cặp đang tìm hiểu cần điều chỉnh những mơ ước về tương lai. Trong giai đoạn tìm hiểu, hai người có thể thấy tình yêu giữa họ là đặc biệt và chắc chắn sẽ có hôn nhân hạnh phúc. Rồi họ bước vào hôn nhân với những mơ mộng và tin rằng không gì có thể cướp đi hạnh phúc của họ. Suy nghĩ như thế là không thực tế. Sự lãng mạn của đời sống hôn nhân đem lại niềm vui, nhưng chỉ điều đó thôi thì không giúp người chồng và người vợ đối phó với sóng gió trong hôn nhân.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:28. *

15 Nhiều người mới lập gia đình ngạc nhiên, thậm chí thất vọng, khi thấy người hôn phối có quan điểm khác với mình trong những vấn đề quan trọng. Hai người có thể bất đồng trong việc chi tiêu, giải trí, sống ở đâu và bao lâu đi thăm gia đình hai bên. Mỗi người có những khuyết điểm có thể khiến người kia khó chịu. Trong quá trình tìm hiểu, họ dễ xem nhẹ những vấn đề quan trọng như thế, nhưng khi đã kết hôn thì chính những vấn đề ấy khiến gia đình lục đục. Thế nên, hai người cần bàn rõ các vấn đề mà họ quan tâm trước khi tiến tới hôn nhân.

16. Tại sao hai người nên thống nhất cách đương đầu với các vấn đề trong hôn nhân?

16 Để hôn nhân hạnh phúc, cả hai phải thống nhất cách giải quyết các vấn đề. Họ nên nhất trí về cách sửa dạy con và chăm lo cho cha mẹ. Hai người không nên để cho những khó khăn trong đời sống gia đình chia cách họ. Qua việc áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh, họ sẽ giải quyết và chịu đựng nhiều vấn đề mà vẫn hạnh phúc.—1 Cô 7:10, 11.

17. Các cặp vợ chồng lo lắng điều gì để “chăm lo các việc đời nầy”?

17 Phao-lô nói đến một thực trạng khác trong hôn nhân nơi 1 Cô-rinh-tô 7:32-34. (Đọc). Những ai đã kết hôn thì “chăm lo các việc đời nầy”, chẳng hạn như thực phẩm, quần áo, chỗ ở và những vấn đề khác. Tại sao lại như thế? Chẳng hạn khi còn độc thân, một anh có thể hăng say làm thánh chức. Nhưng khi đã kết hôn, anh thấy mình phải dành một phần thời gian và năng lực trước kia dành cho thánh chức để chăm sóc vợ, hầu vợ vui lòng. Điều này cũng áp dụng cho người vợ. Đức Giê-hô-va đã thấy được nhu cầu này. Ngài biết cặp vợ chồng không thể dành thời gian và năng lực cho việc phụng sự Ngài như khi còn độc thân. Họ phải dành một phần thời gian và năng lực để củng cố hôn nhân.

18. Sau khi kết hôn, một số người phải điều chỉnh những gì liên quan đến việc giải trí với bạn bè?

18 Chúng ta còn học được điều gì nữa qua lời của Phao-lô? Nếu cặp vợ chồng phải lấy đi một phần thời gian và năng lực từ việc phụng sự Đức Chúa Trời để chăm sóc nhau, chẳng phải họ cũng nên lấy bớt thời gian, năng lực từ việc vui chơi với bạn bè hay sao? Nếu người chồng vẫn dành nhiều thời gian để chơi thể thao với bạn bè thì vợ anh sẽ cảm thấy thế nào? Hoặc nếu người vợ vẫn dành nhiều thời gian làm những điều mình thích với bạn bè thì chồng chị sẽ nghĩ gì? Người hôn phối không được quan tâm có thể sẽ cảm thấy cô đơn, không hạnh phúc và không được yêu thương. Điều này sẽ không xảy ra nếu cả hai vợ chồng cố gắng hết sức để củng cố hôn nhân.—Ê-phê 5:31.

Đức Giê-hô-va đòi hỏi thanh sạch về đạo đức

19, 20. (a) Tại sao những người đã lập gia đình cần được che chở khỏi sự vô luân? (b) Nếu một cặp vợ chồng xa nhau lâu ngày thì sẽ gặp nguy cơ nào?

19 Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va kiên quyết giữ thanh sạch về đạo đức. Một số người quyết định lập gia đình để tránh sự vô luân. Dù vậy, hôn nhân không tự nó che chở một người khỏi điều này. Vào thời Kinh Thánh được viết ra, người dân chỉ được bảo vệ khi họ ở trong một cái thành kiên cố. Nếu đi ra ngoài thành khi có kẻ cướp, người đó có thể bị cướp hoặc bị giết. Tương tự thế, những người đã kết hôn chỉ được che chở khỏi sự vô luân khi họ làm theo luật pháp của Đấng sáng lập hôn nhân.

20 Phao-lô đề cập đến những điều luật này nơi 1 Cô-rinh-tô 7:2-5. Quan hệ với chồng là một đặc quyền của người vợ, người chồng cũng chỉ có đặc quyền ấy với vợ mình mà thôi. Mỗi người cần chu toàn “bổn-phận” của mình với người hôn phối, nói cách khác quan hệ chăn gối là điều mà mỗi người đã lập gia đình có quyền được hưởng. Tuy nhiên, một số cặp vợ chồng xa nhau lâu ngày, chẳng hạn như đi du lịch riêng hoặc đi làm xa nhà, và vì thế họ không thực hiện “bổn-phận” với nhau. Thật bi kịch nếu vì một lúc “không thìn mình” mà một người chịu thua sự cám dỗ của Sa-tan và phạm tội ngoại tình. Trái lại, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những người chồng muốn chu cấp cho gia đình, đồng thời không muốn hôn nhân gặp vấn đề.—Thi 37:25.

Lợi ích của việc làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh

21. (a) Tại sao sống độc thân hoặc kết hôn là một quyết định khó khăn? (b) Tại sao lời khuyên nơi 1 Cô-rinh-tô chương 7 rất hữu ích?

21 Quyết định về việc sống độc thân hoặc kết hôn là một trong những quyết định khó khăn nhất. Ai cũng là người bất toàn, và đây là nguồn gốc của hầu hết các vấn đề trong mối quan hệ giữa con người. Vì thế, ngay cả những người được Đức Giê-hô-va ban phước cũng không hoàn toàn tránh được nỗi thất vọng, cho dù còn độc thân hay đã lập gia đình. Nếu áp dụng lời khuyên khôn ngoan nơi 1 Cô-rinh-tô chương 7, bạn có thể hạn chế tối đa các vấn đề trên. Dù còn độc thân hay đã kết hôn, bạn sẽ được lợi ích khi làm Đức Giê-hô-va vui lòng. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:37, 38, NW). Được Đức Giê-hô-va chấp nhận là mục tiêu cao quý nhất mà bạn có thể đạt đến. Khi được Ngài chấp nhận, bạn sẽ tiến đến đời sống trong thế giới mới. Ở đó, mối quan hệ nam nữ sẽ không còn áp lực như ngày nay.

[Chú thích]

Bạn có thể trả lời không?

• Tại sao không nên gây áp lực để người khác kết hôn?

• Làm thế nào bạn có thể tận dụng thời gian còn độc thân để phụng sự Đức Giê-hô-va?

• Hai người đang tìm hiểu có thể chuẩn bị cho những khó khăn trong hôn nhân như thế nào?

• Tại sao hôn nhân không tự nó che chở một người khỏi sự vô luân?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 14]

Khi tận dụng thời gian để mở rộng thánh chức, những tín đồ độc thân có niềm vui

[Hình nơi trang 16]

Sau khi kết hôn, một số người phải điều chỉnh những gì?