Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có cảm nghiệm được niềm vui của việc biếu tặng?

Bạn có cảm nghiệm được niềm vui của việc biếu tặng?

Bạn có cảm nghiệm được niềm vui của việc biếu tặng?

CHỊ đã tích cực hoạt động trong thánh chức tín đồ Đấng Christ gần 50 năm. Dù ảnh hưởng của tuổi già đã làm cho chị yếu sức, nhưng chị kiên quyết đi tham quan Phòng Nước Trời mới xây xong. Nhờ một anh tín đồ Đấng Christ đỡ, chị bước vào phòng hội và chậm rãi đi thẳng đến mục tiêu—hộp đóng góp. Rồi chị bỏ vào đó khoản tiền khiêm tốn mà chị đã dành dụm cho mục đích này. Chị muốn góp phần nào đó, dù không thể giúp sức trong việc xây cất phòng hội.

Chị tín đồ lớn tuổi này có thể làm cho bạn liên tưởng đến một người trung thành khác—đó là “mụ góa nghèo” mà Chúa Giê-su thấy đã bỏ hai đồng tiền nhỏ bé vào quỹ đền thờ. Kinh Thánh không cho biết về hoàn cảnh của bà, nhưng vào thời đó một người không chồng có thể rất chật vật về tài chính. Chúa Giê-su hẳn đã động lòng thương xót vì thấu hiểu cảnh ngộ khốn khó của bà. Nêu trường hợp của bà để làm gương cho các môn đồ, ngài nhận xét rằng món tiền biếu tặng nhỏ bé của bà tượng trưng cho “hết của mình có, là hết của có để nuôi mình”.—Mác 12:41-44.

Tại sao một người nghèo túng như bà góa này lại hy sinh như thế? Đó là vì bà hết lòng sùng kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và sự thờ phượng Ngài tập trung tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Mặc dù bị giới hạn và không thể làm nhiều được, bà muốn đẩy mạnh công việc phụng sự Đức Chúa Trời, và hẳn bà đã cảm thấy vui mừng thật sự khi đóng góp những gì bà có.

Đóng góp để ủng hộ công việc của Đức Giê-hô-va

Đóng góp về mặt vật chất và tài chính luôn là một phần thiết yếu của sự thờ phượng thanh sạch đồng thời là nguồn vui mừng lớn. (1 Sử-ký 29:9) Sự đóng góp trong thời Y-sơ-ra-ên xưa không chỉ dùng để tô điểm cho đền thờ mà còn giúp duy trì mọi hoạt động hàng ngày về sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Luật Pháp định rõ rằng dân Y-sơ-ra-ên đóng góp một phần mười nông sản của họ để tài trợ cho người Lê-vi phục vụ tại đền thờ. Nhưng người Lê-vi cũng phải đóng góp cho Đức Giê-hô-va một phần mười sản vật mà họ nhận được.—Dân-số Ký 18:21-29.

Dù tín đồ Đấng Christ không còn ở dưới sự ràng buộc của giao ước Luật Pháp, nhưng nguyên tắc liên quan đến việc các tôi tớ của Đức Chúa Trời đóng góp vật chất để ủng hộ sự thờ phượng thật vẫn không thay đổi. (Ga-la-ti 5:1) Vả lại, tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất xem việc đóng góp để tiếp trợ các anh em túng thiếu là một niềm vui. (Công-vụ 2:45, 46) Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở tín đồ Đấng Christ rằng như Đức Chúa Trời đã rộng rãi cung cấp cho họ những điều tốt lành, thì họ cũng nên rộng rãi đối với người khác. Ông viết: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn-bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước-đức, kíp ban-phát và phân-chia của mình có, vậy thì dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền-vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật”. (1 Ti-mô-thê 6:17-19; 2 Cô-rinh-tô 9:11) Thật vậy qua kinh nghiệm cá nhân, Phao-lô có thể xác nhận lời Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

Sự đóng góp của tín đồ Đấng Christ ngày nay

Ngày nay tôi tớ Đức Giê-hô-va vẫn dùng tài sản để giúp đỡ nhau và ủng hộ công việc của Đức Chúa Trời. Ngay cả những người có tài chính eo hẹp đóng góp tùy theo hoàn cảnh của mình. “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cảm thấy có trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va là phải khéo léo trong việc sử dụng các quỹ đóng góp này. (Ma-thi-ơ 24:45) Quỹ được dùng để điều hành văn phòng chi nhánh, phiên dịch và sản xuất Kinh Thánh cùng các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, sắp đặt những cuộc họp lớn của đạo Đấng Christ, huấn luyện và phái các giám thị lưu động cùng giáo sĩ đến nhiều nơi, cứu trợ nạn nhân bị tai ương, đồng thời cho nhiều mục đích thiết yếu khác. Chúng ta hãy bàn đến một mục đích như thế, đó là giúp để xây cất nơi thờ phượng.

Vài lần mỗi tuần tại Phòng Nước Trời, Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm lại để được lợi ích qua sự giáo dục về thiêng liêng và sự kết hợp lành mạnh. Tuy nhiên tại nhiều xứ, vì tình trạng kinh tế nên các Nhân Chứng địa phương không thể xây cất Phòng Nước Trời nếu không có sự giúp đỡ trong giai đoạn đầu. Do đó, vào năm 1999 Nhân Chứng Giê-hô-va bắt đầu một chương trình dùng quỹ của những xứ giàu để giúp xây Phòng Nước Trời ở những xứ nghèo. Ngoài ra, hàng ngàn tình nguyện viên đã đóng góp thì giờ và kỹ năng, thường là làm việc ở những vùng hẻo lánh xa xôi của những xứ này. Trong lúc xây dựng, các Nhân Chứng địa phương học những kỹ năng xây cất và bảo trì, và nhờ Quỹ Xây Cất Phòng Nước Trời mà các anh em địa phương có thể mua dụng cụ và vật liệu. Các Nhân Chứng hiện đang sử dụng những phòng này biết ơn sâu đậm các anh em đồng đạo đã đóng góp thì giờ và tiền bạc. Nhân Chứng địa phương cũng đóng góp hàng tháng để bảo trì Phòng Nước Trời mới và giúp trang trải chi phí xây cất, như vậy giúp xây dựng thêm Phòng Nước Trời.

Phòng Nước Trời được xây cất bằng cách dùng phương pháp và vật liệu địa phương. Tuy không lộng lẫy, những phòng này đẹp đẽ, thực tiễn và ấm cúng. Khi chương trình xây cất đó bắt đầu vào năm 1999, chừng 40 xứ có tài chính eo hẹp đã được trợ giúp. Kể từ đó, chương trình xây cất đã mở rộng để bao gồm 116 xứ, tức hơn phân nửa các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Trong 5 năm qua, có hơn 9.000 Phòng Nước Trời được xây cất dưới sự sắp đặt này, trung bình hơn 5 phòng mới mỗi ngày! Dầu vậy, trong 116 xứ này, vẫn còn cần 14.500 Phòng Nước Trời mới. Với sự ban phước của Đức Giê-hô-va và lòng sẵn sàng, rộng rãi của các Nhân Chứng trên khắp thế giới, hy vọng rằng sẽ có đủ ngân khoản để đáp ứng nhu cầu này.—Thi-thiên 127:1.

Phòng Nước Trời đẩy mạnh sự gia tăng

Nỗ lực lớn lao này đã ảnh hưởng thế nào đến các Nhân Chứng địa phương và công việc rao giảng Nước Trời? Tại nhiều khu vực, có sự gia tăng đáng kể về số người tham dự buổi họp sau khi Phòng Nước Trời mới được xây cất. Một trường hợp điển hình được thấy trong báo cáo ở Burundi: “Khi Phòng Nước Trời vừa xây xong, liền có đầy người. Thí dụ, một Phòng Nước Trời được xây cất cho một hội thánh trung bình có khoảng 100 người dự buổi họp. Phòng Nước Trời mới của họ có chỗ ngồi thoải mái cho 150 người. Đến khi phòng được hoàn tất thì có 250 người tham dự buổi họp”.

Vì sao có sự gia tăng như thế? Một lý do là vì những nhóm người công bố Nước Trời không có chỗ nhóm họp chính thức và phải nhóm lại dưới gốc cây hay trong cánh đồng, điều này đôi khi khiến người khác nghi ngờ. Tại một xứ, sự bạo động giữa các sắc tộc liên hệ đến những nhóm nhỏ như thế, nên luật pháp quy định tất cả các buổi họp tôn giáo phải được tổ chức ở nơi thờ phượng.

Có phòng họp riêng cũng giúp Nhân Chứng Giê-hô-va cho cộng đồng thấy rằng họ không phải là môn đồ của một mục sư nào đó. Trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Zimbabwe viết: “Trước đây, các anh em trong vùng này thường nhóm lại ở nhà riêng, và dân địa phương liên kết hội thánh với chủ nhà nơi các Nhân Chứng họp lại. Họ nói các anh em thuộc nhà thờ của ‘ông A ông B nào đó’. Mọi điều này nay đang thay đổi vì người ta thấy rõ hàng chữ nhận diện mỗi phòng là ‘Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va’ ”.

Vui lòng biếu tặng

“Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”, sứ đồ Phao-lô viết. (2 Cô-rinh-tô 9:7) Hiển nhiên, sự đóng góp to lớn là rất hữu ích. Nhưng phần lớn quỹ đóng góp cho công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va đến từ những hộp đóng góp ở Phòng Nước Trời. Dù nhiều hay ít, mọi sự đóng góp đều đáng kể và quan trọng. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đã ngồi ở nơi mà ngài có thể thấy bà góa nghèo đóng góp hai đồng tiền nhỏ. Các thiên sứ và Đức Giê-hô-va cũng thấy điều đó. Thậm chí chúng ta không biết tên bà góa đó, nhưng Đức Giê-hô-va đảm bảo sao cho hành động bất vị kỷ của bà được ghi lại trong Kinh Thánh cho muôn đời về sau.

Ngoài việc xây cất Phòng Nước Trời, sự đóng góp của chúng ta ủng hộ mọi khía cạnh thiết yếu khác của công việc Nước Trời. Qua cách góp phần này, chúng ta có lý do để vui mừng và “càng thêm lòng tạ ơn Đức Chúa Trời”. (2 Cô-rinh-tô 9:12) Các anh em tín đồ của chúng ta ở Benin cho biết: “Mỗi ngày nhiều lời cầu nguyện tạ ơn được dâng lên cho Đức Giê-hô-va về sự viện trợ tài chính của đoàn thể anh em quốc tế”. Còn tất cả chúng ta là những người đã góp phần tài trợ cho công việc Nước Trời cảm nghiệm được niềm vui qua sự biếu tặng của tín đồ Đấng Christ!

[Khung/​Hình nơi trang 22, 23]

Những cách mà một số người chọn để đóng góp

ĐÓNG GÓP CHO CÔNG VIỆC TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

Nhiều người để riêng hoặc dành ra một số tiền để bỏ vào hộp có ghi “Đóng góp cho công việc rao giảng trên khắp thế giới—Ma-thi-ơ 24:14”.

Mỗi tháng, các hội thánh gửi những món tiền này đến trụ sở Nhân Chứng Giê-hô-va phục vụ trong nước của họ. Những món tiền tặng tự nguyện có thể gửi thẳng đến Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, c/o Office of the Secretary and Treasurer, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201-2483, hay đến trụ sở chi nhánh phục vụ xứ bạn. Ngân phiếu nên đề tên “Watch Tower”. Cũng có thể tặng nữ trang hay những vật quý giá khác. Nên kèm theo một lá thư vắn tắt nói rõ đây là một tặng phẩm không cần hoàn lại.

TẶNG CÓ ĐIỀU KIỆN VÀ SỰ ỦY THÁC

Có thể ủy thác món tiền cho Watch Tower. Tuy nhiên, khi người tặng yêu cầu, thì món tiền sẽ được hoàn lại. Muốn biết thêm chi tiết, xin hãy liên hệ với Office of the Secretary and Treasurer tại địa chỉ trên.

KẾ HOẠCH TỪ THIỆN

Ngoài việc biếu luôn, có những cách tặng khác để hỗ trợ công việc Nước Trời trên khắp thế giới. Những cách này bao gồm:

Bảo hiểm: Có thể chỉ định Watch Tower được thừa hưởng tiền bảo hiểm nhân mạng hoặc tiền trong quỹ hưu trí.

Tài khoản ngân hàng: Tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận gửi tiền, hoặc tài khoản hưu trí cá nhân có thể được ủy thác hoặc giao cho Watch Tower khi người tặng qua đời, theo đúng luật lệ của ngân hàng ở địa phương.

Chứng khoán và trái phiếu: Chứng khoán và trái phiếu có thể tặng cho Watch Tower.

Bất động sản: Bất động sản bán được có thể biếu bằng cách tặng luôn, hoặc trong trường hợp nhà ở, biếu với điều kiện người tặng có thể tiếp tục ở đấy khi còn sống. Nên liên hệ với văn phòng chi nhánh trong nước bạn ở, trước khi chuyển nhượng bất động sản nào.

Khoản trợ cấp hàng năm: Khoản trợ cấp hàng năm là sự sắp đặt mà một người chuyển nhượng tiền hoặc chứng khoán cho Watch Tower. Bù lại, hàng năm người tặng, hoặc những người do người tặng chỉ định, nhận được một khoản tiền trợ cấp có quy định rõ cho đến khi qua đời. Người tặng được trừ thuế vào năm khoản trợ cấp được thiết lập.

Di chúc và tờ ủy thác: Tài sản hay ngân khoản có thể để lại cho Watch Tower bằng cách lập tờ di chúc hợp pháp, hoặc có thể chỉ định Watch Tower làm cơ quan thừa hưởng trong hợp đồng ủy thác. Tờ ủy thác nhằm trợ giúp một tổ chức tôn giáo có thể có lợi khi khai thuế.

Như hàm ý trong nhóm từ “kế hoạch từ thiện”, những sự đóng góp này nói chung đòi hỏi người tặng phải dự tính phần nào. Để giúp những ai muốn đóng góp cho công việc trên khắp thế giới của Nhân Chứng Giê-hô-va qua một kế hoạch từ thiện nào đó, một sách mỏng bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha đã được soạn thảo, mang tựa đề Charitable Planning to Benefit Kingdom Service Worldwide. Sách mỏng này viết ra để cung cấp thông tin về những hình thức biếu tặng khác nhau có thể thực hiện ngay hoặc chuyển nhượng tài sản sau khi qua đời. Sau khi đọc sách mỏng này và tham khảo ý kiến của những cố vấn thuế khóa hoặc pháp lý, nhiều người đã có thể ủng hộ công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới đồng thời được lợi tối đa khi khai thuế. Nếu muốn có sách này, có thể hỏi trực tiếp Charitable Planning Office.

Muốn biết thêm chi tiết, bạn có thể viết thư hoặc gọi điện thoại cho Charitable Planning Office, ở địa chỉ dưới đây hay địa chỉ văn phòng của Nhân Chứng Giê-hô-va phục vụ xứ bạn.

Charitable Planning Office

Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania

100 Watchtower Drive,

Patterson, New York 12563-9204

Điện thoại: (845) 306-0707

[Các hình nơi trang 20, 21]

Nơi họp cũ và mới của Nhân Chứng Giê-hô-va

Zambia

Cộng Hòa Trung Phi