Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao gần gũi với ông bà hơn?

Làm sao gần gũi với ông bà hơn?

Giới trẻ thắc mắc...

Làm sao gần gũi với ông bà hơn?

“Cả ông nội lẫn ông ngoại tôi đều thích kể chuyện. Các câu chuyện này giúp tôi hiểu cảm xúc của chính mình”.​—Joshua.

THỜI XƯA, các thế hệ trong gia đình có tập tục sống gần nhau​—⁠thường dưới một mái nhà. Gần gũi ông bà là lệ thường.

Ngày nay, người trẻ có thể phải sống xa ông bà mình. Ngoài ra, ngày càng có nhiều gia đình bị đổ vỡ vì ly dị. Theo báo The Toronto Star, “ông bà cũng có thể là nạn nhân của ly dị và không được gặp các cháu mình yêu thương”. Trong những trường hợp khác, vấn đề là nhiều người trẻ thường có quan điểm tiêu cực về người lớn tuổi, xem họ là lạc hậu, có cách nhìn, những giá trị và sở thích rất khác chúng. Hậu quả là gì? Nhiều người trẻ không còn gần gũi với ông bà.

Điều này thật đáng tiếc. Như bài trước trong loạt các bài này cho thấy, có quan hệ gần gũi với ông bà mình​—⁠nhất là ông bà biết kính sợ Đức Chúa Trời​—⁠là điều lành mạnh, lợi ích và thích thú. * Một thanh nữ tên Rebekah nói về ông bà mình: “Chúng tôi lúc nào cũng có thể vui cười với nhau”. Một thanh niên tên là Peter cũng cho biết: “Tôi không ngại nói cho ông bà nghe về cảm nghĩ hoặc các dự tính của tôi. Đôi khi tôi cảm thấy dễ nói chuyện với ông bà hơn là với cha mẹ. Tôi cảm thấy mình có thể nói với ông bà về bất cứ điều gì”.

Còn bạn thì sao? Có lẽ bạn đã gần gũi với ông bà khi còn nhỏ. Nhưng bây giờ ở tuổi thanh thiếu niên, có lẽ gần đây bạn đã không để tâm chăm chút cho mối quan hệ này. Nếu vậy, nguyên tắc Kinh Thánh nơi 2 Cô-rinh-tô 6:11-13 rất có thể áp dụng ở đây, đó là “mở rộng lòng” yêu thương của bạn đối với ông bà. Bằng cách nào?

Chủ động

“Mở rộng” hàm ý chủ động. Xét cho cùng, Kinh Thánh nói: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy”. (Châm-ngôn 3:27) Về mối quan hệ với ông bà, có lẽ khi còn nhỏ bạn không có “quyền” làm gì cả. Nhưng bây giờ đã lớn hơn, có lẽ đã trưởng thành, bạn có thể áp dụng một số biện pháp thích hợp.

Chẳng hạn, nếu ông bà ở gần, bạn có thể tập thói quen đến thăm thường xuyên. Tẻ nhạt chăng? Có lẽ, nếu bạn cứ ngồi yên mà chẳng nói năng gì cả. Vậy, hãy bắt chuyện! Bạn có thể nói về điều gì? Nguyên tắc Kinh Thánh nơi Phi-líp 2:4 có thể giúp bạn. Câu này khuyên chúng ta “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. Nói cách khác, hãy biểu lộ sự quan tâm đến ông bà. Cố gắng gợi chuyện để ông bà kể về những gì ông bà hay chú ý đến. Sức khỏe ông bà thế nào? Gần đây ông bà làm gì? Ông bà có thể thích kể lại chuyện ngày xưa. Vậy hãy hỏi ông bà về thời còn trẻ. Hoặc cha hay mẹ mình như thế nào lúc còn nhỏ? Nếu ông bà là tín đồ Đấng Christ, hãy hỏi xem điều gì đã khiến ông bà đến với lẽ thật Kinh Thánh.

Ông bà thường biết rõ lai lịch gia đình, và có lẽ rất sẵn sàng kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện thú vị. Thật vậy, biết đâu bạn lại còn muốn biến những dịp này thành một cuộc nghiên cứu thích thú. Hãy thử phỏng vấn ông bà, có thể ghi chú hoặc thu băng hay thu hình. Nếu phân vân không biết hỏi điều gì, hãy nhờ cha mẹ giúp bạn soạn ra những câu hỏi thích hợp. Rất có thể bạn sẽ biết thêm được nhiều điều giúp bạn hiểu rõ hơn về ông bà, cha mẹ và cả về bản thân mình nữa. Joshua kể lại: “Cả ông nội lẫn ông ngoại đều thích kể chuyện. Các câu chuyện đó giúp tôi hiểu cảm xúc của chính mình”.

Tuy vậy, đừng quên là ông bà cũng rất chú ý đến cuộc sống và các sinh hoạt của bạn. Kể cho ông bà nghe về những gì mình đang làm, tức là bạn mời ông bà dự phần vào đời sống bạn. Điều này chắc chắn khiến bạn gắn bó với ông bà hơn nữa. Một thanh niên ở Pháp tên là Igor nói: “Tôi và bà ngoại thích uống trà trong tiệm cà phê, bàn về những gì hai bà cháu chúng tôi vừa mới làm gần đây”.

Tôi và ông bà có thể cùng làm gì?

Một khi đã bắt đầu nói chuyện với nhau, có lẽ bạn và ông bà có thể tiến đến việc cùng nhau làm một điều gì đó. Chỉ cần suy nghĩ một chút, bạn và ông bà có thể tìm ra đủ mọi hoạt động mà cả hai có thể cùng tham gia. Người trẻ Dara nhớ lại: “Cả bà nội lẫn bà ngoại đều dạy tôi nấu ăn, đóng hộp, nướng bánh, trồng cây và làm vườn”. Amy đã cùng ông bà dự các cuộc họp mặt và nghỉ hè gia đình. Tùy theo tuổi tác, một số ông bà rất năng động. Aaron thích chơi gôn với bà ngoại. Joshua đi câu cá và làm những công việc quanh nhà với ông nội.

Nếu ông bà là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, có thể điều thật vui thích là cùng tham gia với ông bà trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, chẳng hạn như nói chuyện với người khác về Kinh Thánh. Igor đã được đi cùng bà ngoại đến một đại hội quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ba Lan. Igor nói: “Đối với chúng tôi, đó là một kinh nghiệm đáng nhớ mà chúng tôi vẫn còn thích nhắc lại”. Đành rằng không phải ông bà nào cũng có thể đi lại nhiều như vậy, nhưng dành thì giờ cho ông bà là điều rất đáng làm.

Một di sản thiêng liêng

Trong thời Kinh Thánh, một phụ nữ tên là Lô-ít đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cháu ngoại Ti-mô-thê trở thành một người xuất sắc trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. (2 Ti-mô-thê 1:5) Không có gì lạ khi ngày nay nhiều ông bà là tín đồ Đấng Christ cũng đóng vai trò như thế. Joshua nói về ông bà mình: “Ông bà đã phụng sự Đức Giê-hô-va từ trước khi tôi sinh ra, vì vậy tôi hết sức kính trọng ông bà, không chỉ vì họ là ông bà tôi mà còn là những người trung kiên với Đức Chúa Trời”. Amy cho biết: “Ông bà tôi luôn nói là rất được khích lệ và vui mừng khi thấy tôi trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Song, gương tốt và lòng sốt sắng của ông bà đối với Đức Giê-hô-va với tư cách những người tiên phong [người truyền giáo trọn thời gian] đã khích lệ tôi tiếp tục làm tiên phong”.

Chris nói rằng bà ngoại là “người động viên tôi nhiều nhất trong việc học hỏi và trở nên thành thục”. Anh nói thêm: “Tôi sẽ không bao giờ quên lời bà dặn: ‘Đối với Đức Giê-hô-va chúng ta phải hết sức cố gắng’ ”. Ông bà của Pedro đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự tiến bộ về thiêng liêng của anh. Anh nói: “Kinh nghiệm của ông bà giúp tôi rất nhiều. Ông bà luôn dẫn tôi đi rao giảng, và tôi rất biết ơn về điều này”. Đúng vậy, gần gũi với ông bà biết kính sợ Đức Chúa Trời có thể giúp bạn phụng sự Đức Chúa Trời trọn vẹn hơn.

Ông bà ở xa

Nếu ông bà của bạn ở xa thì sao? Nếu có thể, hãy thăm viếng thường xuyên và cố gắng giữ liên lạc. Hornan chỉ gặp ông bà ba lần mỗi năm, nhưng anh nói: “Tôi gọi điện thoại cho ông bà mỗi Chủ Nhật”. Cũng ở xa ông bà như Hornan, Dara cho biết: “Ông bà rất chú ý đến đời sống tôi, và chúng tôi gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử cho nhau hầu như mỗi tuần”. Thư điện tử và điện thoại cũng tiện lợi, nhưng chớ nên xem thường hiệu quả của việc viết thư tay. Nhiều người trẻ đã ngạc nhiên khi biết được ông bà đã giữ lại mọi lá thư mà họ viết từ lúc còn nhỏ. Thư có thể được đọc đi đọc lại​—⁠và được nâng niu trân trọng. Vậy hãy ráng viết thư!

Ông bà thường đặc biệt yêu thương các cháu. (Châm-ngôn 17:6) Dù ở gần hay xa, có nhiều cách để xây đắp và duy trì mối quan hệ gần gũi với ông bà. Vậy hãy cố gắng làm điều này.

[Chú thích]

^ đ. 6 Xem bài “Young People Ask . . . Why Should I Get to Know My Grandparents?” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-4-2001.