Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để có thêm tự do?

Làm sao để có thêm tự do?

CHƯƠNG 3

Làm sao để có thêm tự do?

“Ước gì bố mẹ cho mình được ‘phiêu lưu’ một chút”.—Sarah, 18 tuổi.

“Mình luôn hỏi ba má sao không tin tưởng mình mỗi lần mình muốn đi chơi với bạn bè. Họ thường trả lời: ‘Ba má tin con, chỉ là không tin bạn bè của con thôi’”.—Chi, 18 tuổi.

Như Sarah và Chi, bạn khao khát được tự do hơn? Nếu thế, bạn phải gây dựng lòng tin nơi cha mẹ. Nhưng lòng tin giống như tiền, có được thì khó mà đánh mất thì dễ. Và dù được cho bao nhiêu, bạn cũng không bao giờ thấy đủ. Bạn Iliana, 16 tuổi, kể: “Mỗi lần mình muốn đi chơi là y như rằng bị bố mẹ tra hỏi ráo riết. Nào là con đi đâu, với ai, làm gì, rồi khi nào về. Bố mẹ thì bố mẹ chứ, hỏi kiểu đó làm mình khó chịu lắm!”.

Bạn có thể làm gì để được cha mẹ tin tưởng hơn và cho thêm tự do? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy xem tại sao lòng tin là đề tài nhạy cảm giữa nhiều bạn trẻ và cha mẹ của họ.

Thời kỳ đầy biến động

Kinh Thánh cho biết “người nam sẽ lìa cha mẹ” (Sáng-thế Ký 2:24). Dĩ nhiên người nữ cũng vậy. Dù bạn là nam hay nữ, thời niên thiếu là giai đoạn quan trọng nhằm chuẩn bị cho bạn bước sang tuổi trưởng thành, lúc bạn đã có đầy đủ hành trang để ra ở riêng và lập gia đình. *

Tuy nhiên, thời kỳ chuyển tiếp sang tuổi trưởng thành không như một cánh cửa mà bạn chỉ việc bước qua khi đến tuổi. Nó giống như chiếc cầu thang mà bạn phải lên từng bước một trong suốt thời niên thiếu. Nhưng có lẽ bạn và cha mẹ có quan điểm khác nhau về mức độ “thăng tiến” của bạn trên chiếc cầu thang đó. Maria cảm thấy là cha mẹ không tin bạn ấy biết chọn bạn bè. Bạn ấy tâm sự: “Mình đã 20 tuổi rồi mà chuyện đó vẫn còn là vấn đề! Bố mẹ cứ nghĩ mình chưa đủ sức quay lưng lại với những ảnh hưởng xấu. Dù cố giải thích là mình đã làm được rồi nhưng bố mẹ vẫn không yên tâm!”.

Như lời tâm sự của Maria, vấn đề về lòng tin có thể gây ra nhiều căng thẳng giữa các bạn trẻ với cha mẹ. Gia đình bạn có như vậy không? Nếu có, làm sao bạn có thể gây dựng lòng tin nơi cha mẹ? Và nếu đã lỡ đánh mất niềm tin của cha mẹ do hành động thiếu khôn ngoan, bạn có thể làm gì để khắc phục hậu quả?

Chứng tỏ mình đáng tin cậy

Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất nên luôn “cho thấy mình là loại người nào” (2 Cô-rinh-tô 13:5). Dù ông viết câu này không phải chủ yếu hướng đến giới trẻ nhưng các bạn trẻ vẫn có thể áp dụng nguyên tắc trong đó. Việc bạn được tự do bao nhiêu thường tùy thuộc vào việc bạn chứng tỏ mình đáng tin cậy đến mức nào. Điều này không có nghĩa bạn phải hoàn hảo, vì thật ra ai cũng có lúc lầm lỗi (Truyền-đạo 7:20). Nhưng nhìn chung, cách cư xử của bạn có phải là nguyên do khiến cha mẹ mất lòng tin không?

Ví dụ, Phao-lô viết: “Chúng tôi... muốn sống lương thiện trong mọi việc” (Hê-bơ-rơ 13:18). Hãy tự hỏi: “Từ trước tới giờ mình có tạo được ‘chữ tín’ với cha mẹ khi thành thật cho họ biết mình đi đâu và làm gì không?”. Vài bạn trẻ đã nhận ra mình cần thay đổi trong khía cạnh này, hãy xem họ phát biểu thế nào. Sau đó hãy trả lời những câu hỏi được liệt kê bên dưới.

Lori: “Mình đã bí mật e-mail cho một bạn nam mình thích. Ba mẹ phát hiện ra và bảo mình ngưng. Mình hứa sẽ ngưng nhưng rồi không giữ lời. Chuyện đó cứ lặp đi lặp lại trong suốt một năm. Mình e-mail cho bạn ấy, ba mẹ phát hiện, mình xin lỗi và hứa không tái phạm nhưng lại chứng nào tật nấy. Cuối cùng ba mẹ không còn tin mình bất cứ điều gì nữa!”.

Theo bạn, tại sao ba mẹ Lori mất lòng tin nơi bạn ấy? ․․․․․

Nếu bạn là ba mẹ Lori, bạn sẽ làm gì, và tại sao? ․․․․․

Sau lần đầu tiên bị ba mẹ nhắc nhở, lẽ ra Lori có thể cư xử có trách nhiệm hơn ra sao? ․․․․․

Hằng: “Hồi trước bố mẹ không tin mình sẽ cư xử đúng mực với các bạn nam, giờ thì mình hiểu tại sao. Mình đã ‘đong đưa’ với hai bạn nam hơn mình hai tuổi. Mình cũng ‘nấu cháo’ điện thoại hàng giờ với họ, và tại các cuộc họp mặt, mình hầu như chỉ nói chuyện với hai bạn ấy. Thế là bố mẹ tịch thu điện thoại của mình trong một tháng và cấm mình đến những nơi có mặt hai bạn ấy”.

Nếu bạn là bố mẹ Hằng, bạn sẽ làm gì, và tại sao? ․․․․․

Bạn nghĩ bố mẹ Hằng hạn chế bạn ấy như thế có quá đáng không? Nếu có thì tại sao? ․․․․․

Hằng có thể làm gì để lấy lại lòng tin của bố mẹ? ․․․․․

Lấy lại lòng tin

Như các bạn trẻ ở trên, nói sao nếu những hành động của bạn cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ thiếu lòng tin nơi bạn? Dù thế thì cũng không phải là vô phương cứu chữa, bạn vẫn có thể lấy lại lòng tin của cha mẹ. Bằng cách nào?

Rất có thể cha mẹ sẽ tin tưởng bạn hơn và cho thêm tự do nếu bạn tạo dựng được “chữ tín” bằng cách cư xử có trách nhiệm. Annette đã hiểu được sự thật đó, bạn ấy nói: “Khi còn nhỏ, bạn chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc được người khác tin cậy. Giờ mình cảm thấy có trách nhiệm hơn và phải cư xử sao cho không đánh mất lòng tin của bố mẹ”. Bài học là gì? Thay vì phàn nàn là cha mẹ thiếu lòng tin nơi mình, hãy tập trung tạo dựng “chữ tín” bằng cách cư xử đáng tin cậy. Rất có thể bạn sẽ được tự do hơn.

Ví dụ, bạn có đáng tin cậy trong những lĩnh vực dưới đây không? Đánh dấu ✔ vào lĩnh vực bạn cần cải thiện.

□ Về nhà đúng giờ quy định

□ Giữ lời hứa

□ Đúng giờ

□ Biết cách chi tiêu

□ Chu toàn việc nhà

□ Tự giác thức dậy

□ Giữ phòng sạch sẽ

□ Nói thật

□ Sử dụng điện thoại hoặc máy tính có chừng mực

□ Nhận lỗi và xin lỗi

□ Khác ․․․․․

Sao không quyết tâm chứng tỏ mình đáng tin cậy trong những lĩnh vực đã đánh dấu? Hãy làm theo những lời khuyên sau của Kinh Thánh: “Lột bỏ nhân cách cũ, là nhân cách chiều theo lối sống trước đây” (Ê-phê-sô 4:22). “Khi anh em nói ‘có’ thì phải là có” (Gia-cơ 5:12). “Mỗi người hãy nói thật với người lân cận mình” (Ê-phê-sô 4:25). “Hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự” (Cô-lô-se 3:20). Dần dần mọi người, trong đó có cha mẹ, sẽ thấy rõ sự tiến bộ của bạn.—1 Ti-mô-thê 4:15.

Nói sao nếu bạn thấy dù đã cố gắng hết sức nhưng cha mẹ vẫn không cho mình tự do như mình đáng được hưởng? Sao không trao đổi với họ về vấn đề đó? Thay vì phàn nàn là sao cha mẹ không tin tưởng mình hơn, hãy lễ phép hỏi họ nghĩ bạn cần làm gì để tạo được lòng tin nơi họ. Giải thích rõ mục tiêu của bạn về điều này.

Đừng kỳ vọng là cha mẹ sẽ “sửa đổi nội quy” ngay lập tức. Cha mẹ muốn chắc chắn là bạn sẽ giữ lời. Hãy tận dụng cơ hội này để chứng tỏ mình đáng tin cậy. Dần dần cha mẹ sẽ tin tưởng hơn và cho bạn thêm tự do. Bạn Hằng phát biểu ở trên đã nghiệm ra rằng: “Gây dựng lòng tin thì khó, đánh đổ thì dễ. Mình rất vui vì đã gây dựng được lòng tin nơi bố mẹ!”.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 2, CHƯƠNG 22

TRONG CHƯƠNG TỚI

Cha mẹ bạn chia tay? Làm sao bạn có thể giữ thăng bằng trong khi thế giới quanh bạn dường như sụp đổ?

[Chú thích]

^ đ. 8 Để biết thêm thông tin, xin xem Chương 7 của sách này.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

‘Không dùng sự tự do làm cớ cho việc làm sai trái’.—1 Phi-e-rơ 2:16.

MẸO

Thay vì so sánh sự hạn chế mình đang phải chịu với sự tự do anh chị trong nhà có, hãy so sánh sự hạn chế mình phải chịu khi còn nhỏ với sự tự do bây giờ mình có.

BẠN CÓ BIẾT...?

“Muốn làm gì cũng được” không phải là dấu hiệu cha mẹ thương bạn nhưng là dấu hiệu của sự bỏ bê.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Mình sẽ cố gắng đáng tin cậy hơn trong những lĩnh vực sau: ․․․․․

Nếu lỡ đánh mất lòng tin của cha mẹ, mình sẽ ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Có lẽ cha mẹ ngần ngại cho bạn thêm tự do dù bạn đã nỗ lực chứng tỏ mình đáng tin cậy, tại sao?

● Cách bạn trò chuyện với cha mẹ có thể ảnh hưởng ra sao đến việc cha mẹ sẵn lòng cho bạn thêm tự do?

[Câu nổi bật nơi trang 24]

“Khi trò chuyện với ba má, mình giãi bày mọi mối quan tâm và vấn đề mình gặp phải. Mình nghĩ nhờ vậy mà ba má dễ tin cậy mình hơn”.—Diệu

[Biểu đồ/Hình nơi trang 23]

Thời kỳ chuyển tiếp để trở nên một người trưởng thành đáng tin cậy giống như chiếc cầu thang mà bạn phải lên từng bước một trong suốt thời niên thiếu

[Biểu đồ]

(Để biết rõ hơn, xin xem ấn phẩm)

TRƯỞNG THÀNH

NIÊN THIẾU

THƠ ẤU