Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Hê-rốt gặp những trở ngại nào khi tái thiết đền thờ tại Giê-ru-sa-lem?

Lúc đầu, vua Sa-lô-môn xây đền thờ Giê-ru-sa-lem trên một ngọn đồi, có tường chắn ở phía đông và phía tây để tạo nên những khoảng sân bằng phẳng xung quanh khu đền thánh. Vì muốn xây một đền thờ nguy nga tráng lệ hơn đền thờ của vua Sa-lô-môn, nên Hê-rốt đã bắt tay vào việc tu sửa và mở rộng đền thờ cũ.

Những người thiết kế công trình của Hê-rốt mở rộng khu đất phẳng phía bắc đền thờ để nới rộng khoảng sân ở đó. Về phía nam, khoảng sân được mở rộng thêm 32m. Để hoàn thành công trình này, ông đã cho làm một loạt vòm đá và một bức tường chắn kiên cố. Tại một số chỗ, bức tường có chiều cao 50m.

Hê-rốt cố gắng không làm cho người Do Thái cảm thấy khó chịu vì họ rất yêu mến đền thờ. Ông cũng không muốn cản trở các hoạt động thờ phượng và dâng lễ vật tại đền thờ. Sử gia Do Thái Josephus cho biết rằng Hê-rốt thậm chí còn huấn luyện các thầy tế lễ Do Thái làm thợ đá và thợ mộc để những người không phận sự miễn vào các nơi thánh.

Hê-rốt qua đời trước khi công trình hoàn tất. Đến năm 30 công nguyên (CN), việc tái thiết đền thờ đã kéo dài 46 năm (Giăng 2:20). Cháu chắt của Hê-rốt là A-ríp-ba II đã hoàn thành công trình này vào giữa thế kỷ thứ nhất CN.

Tại sao dân ở đảo Man-ta nghĩ rằng sứ đồ Phao-lô là kẻ sát nhân?

Nữ thần công lý (trái) đánh nữ thần bất công

Một số dân ở đảo Man-ta có lẽ bị ảnh hưởng bởi những ý niệm của tôn giáo Hy Lạp. Hãy xem điều gì xảy ra sau khi Phao-lô bị đắm tàu và dạt vào đảo Man-ta, như được nói đến nơi sách Công vụ trong Kinh Thánh. Khi sứ đồ Phao-lô cầm bó củi bỏ vào lửa để sưởi ấm cho những người bạn đồng hành đi cùng ông trên con tàu bị đắm, một con rắn độc bò ra và cắn vào tay ông. Lúc đó, những người dân trên đảo nói: “Ông này chắc chắn là kẻ sát nhân, nên dù đã thoát chết ở ngoài biển nhưng Công lý vẫn không để ông ta sống”.Công vụ 28:4.

Từ “Công lý” ở đây được dịch từ một từ Hy Lạp là “di’ke”. Theo một nghĩa nào đó thì từ này có thể mang nghĩa là công lý. Tuy nhiên, trong thần thoại Hy Lạp, Dike là tên của nữ thần công lý. Người ta cho rằng vị nữ thần này quan sát các việc làm của con người, rồi báo cáo với thần Dớt về những bất công chưa được vạch trần để những người phạm tội bị trừng phạt. Vì vậy, theo một nguồn tài liệu, cư dân ở đảo Man-ta có lẽ đã nghĩ: “Dù thoát chết ở ngoài biển nhưng số mạng của Phao-lô đã bị định đoạt và giờ đây nữ thần công lý Dike bắt được ông... qua con rắn độc”. Nhưng họ đã thay đổi quan điểm khi thấy Phao-lô không hề hấn gì.