Bạn có biết?
Ngoài Kinh Thánh, có bằng chứng nào cho thấy dân Y-sơ-ra-ên từng làm nô lệ ở Ai Cập?
Kinh Thánh tường thuật rằng sau khi người Ma-đi-an đem Giô-sép đến Ai Cập, tộc trưởng Gia-cốp cùng gia đình đã rời Ca-na-an chuyển sang Ai Cập. Họ định cư tại Gô-sen, một vùng ở châu thổ sông Nin (Sáng 47:1, 6). Dân Y-sơ-ra-ên “cứ thêm lên và trở nên lớn mạnh”. Vì thế, dân Ai Cập ghê sợ dân Y-sơ-ra-ên và bắt họ làm nô lệ.—Xuất 1:7-14.
Một số nhà phê bình thời nay đã chế nhạo lời tường thuật trên. Họ cho rằng đó là chuyện hư cấu. Nhưng có bằng chứng cho thấy người Se-mít * từng làm nô lệ ở Ai Cập.
Chẳng hạn, các nhà khảo cổ đã khai quật những khu định cư cổ xưa ở miền bắc Ai Cập. Giáo sư John Bimson nói rằng có bằng chứng cho thấy ít nhất 20 khu định cư của người Se-mít ở miền bắc Ai Cập đã từng tồn tại. Ngoài ra, nhà nghiên cứu về Ai Cập cổ đại là ông James Hoffmeier cho biết: “Trong giai đoạn kéo dài từ khoảng năm 1800 TCN đến 1540 TCN, Ai Cập đã thu hút nhiều người Tây Á nói tiếng Se-mít đến nhập cư”. Ông nói thêm: “Giai đoạn này trùng với thời đại của các tộc trưởng và phù hợp với thời gian, hoàn cảnh được nói đến trong Sáng thế”.
Có bằng chứng khác ở miền nam Ai Cập. Một mảnh giấy cói có niên đại từ khoảng năm 2000 TCN đến khoảng 1600 TCN ghi lại tên của những nô lệ làm việc cho một gia đình ở miền nam Ai Cập. Trong số đó có hơn 40 tên tiếng Se-mít. Những nô lệ này làm việc bếp núc, dệt hoặc lao động chân tay. Ông Hoffmeier nhận xét: “Chỉ trong một gia đình ở Thebaid [miền nam Ai Cập] đã có hơn 40 người Se-mít làm việc nên hẳn số người Se-mít ở khắp Ai Cập, đặc biệt ở châu thổ sông Nin, phải là con số đáng kể”.
Nhà khảo cổ học là ông David Rohl cho biết một số tên của nô lệ trong mảnh giấy cói đó rất giống với những tên trong Kinh Thánh, chẳng hạn như Y-sa-ca, A-se và Siếp-ra (Xuất 1:3, 4, 15). Ông kết luận: “Đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy có một thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên từng làm nô lệ ở Ai Cập”.
Giáo sư Bimson cho biết: “Lời tường thuật trong Kinh Thánh về việc dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập và cuộc xuất hành là có cơ sở lịch sử vững chắc”.
^ đ. 4 Tên Se-mít bắt nguồn từ Sem, là tên của một trong ba con trai của Nô-ê. Rất có thể hậu duệ của Sem gồm người Ê-lam, A-si-ri, Canh-đê thời ban đầu, Hê-bơ-rơ, Sy-ri và một số chi phái Ả Rập.