Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Niềm vui của việc ban cho

Niềm vui của việc ban cho

“Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.​—CÔNG VỤ 20:35.

Tại sao một số người ăn mừng Lễ Giáng Sinh?

Như Chúa Giê-su nói ở trên, việc ban cho giúp người nhận cũng như người cho đều hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc đó, nhiều người xem việc tặng quà là một trong những yếu tố quan trọng nhất của Lễ Giáng Sinh. Theo một cuộc thăm dò, thậm chí trong cuộc khủng hoảng kinh tế của năm vừa qua, tại Ai Len, mỗi hộ định chi tiêu khoảng 660 đô la Mỹ để mua quà tặng Giáng Sinh.

Tại sao gây khó khăn?

Nhiều người nghĩ rằng việc tặng quà Giáng Sinh gây căng thẳng nhiều hơn là hạnh phúc. Tại sao thế? Nhiều người cảm thấy bị ép buộc phải mua các loại quà mà mình không có khả năng. Và vì mọi người đều đi mua quà cùng thời điểm, nên sự đông đúc cũng như việc xếp hàng dài khiến nhiều người bực bội khi mua sắm.

Các nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp bạn?

“Hãy cho” (Lu-ca 6:38) *. Lời của Chúa Giê-su cho thấy ngài không giới hạn việc tặng quà vào thời điểm nhất định nào đó trong năm. Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ tặng quà cách tự nguyện, là nét đặc trưng của đời sống.

“Mỗi người hãy làm theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hay bị ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu thương người nào hiến tặng một cách vui lòng” (2 Cô-rinh-tô 9:7). Một tài liệu bình luận về Kinh Thánh giải thích tính chất cơ bản trong lời khuyên này là “không bao giờ nên tặng vì bị ép buộc”. ‘Người hiến tặng một cách vui lòng’ không có cảm giác bị ép buộc phải tặng món quà nào đó cho người nào đó vào một thời điểm nào đó. Nhưng, cách tặng quà vào mùa Giáng Sinh thường như thế.

“Sự đóng góp từ đáy lòng làm Đức Chúa Trời vui lòng, vì ngài muốn một người đóng góp tùy theo những gì mình có chứ chẳng phải những gì mình không có” (2 Cô-rinh-tô 8:12). Đức Chúa Trời không đòi hỏi những người thờ phượng ngài rơi vào cảnh nợ nần vì mua quà tặng đắt tiền. Thay vì thế, khi một người cho “tùy theo những gì mình có”, thì đối với Đức Chúa Trời, món quà ấy không phải là tạm được mà là điều làm ngài “vui lòng”. So với thông điệp “Hãy mua ngay rồi trả sau” của các nhà quảng cáo trong mùa lễ này thì những lời trên trong Kinh Thánh thật khoan khoái làm sao!

^ đ. 8 Khi dịch phần này, một số bản dịch Kinh Thánh chỉ dùng từ “cho”. Tuy nhiên, trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, dạng động từ này ám chỉ hành động tiếp diễn. Để truyền đạt đầy đủ ý nghĩa mà Chúa Giê-su dùng, Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) dịch là “hãy cho”.