Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lá thư từ Benin

Bây giờ phải làm sao?

Bây giờ phải làm sao?

Đó là một buổi sáng như lệ thường ở Tây Phi. Mùi hương của nhiều loại nước sốt đang sôi, mùi cơm lan tỏa trong không khí. Phụ nữ đi ngang qua, giữ thăng bằng với một bọc rất to trên đầu. Tiếng cười rộn rã pha lẫn tiếng mặc cả hàng hóa. Trời còn sớm nhưng rất nóng.

Khi thấy một Yovo, tức người da trắng, như thường lệ, đám trẻ con vây xung quanh nhảy múa và ca hát. Bài hát bắt đầu với câu: “Yovo, Yovo, xin chào” và kết thúc với lời: “Có quà cho buổi trình diễn không?”. Một cậu bé không hát. Khi tôi đi, em đi theo và ra dấu bằng tay, có vẻ giống ngôn ngữ ký hiệu. Ở Hoa Kỳ, tôi đã học cách đánh vần ngôn ngữ ký hiệu Mỹ, nhưng Benin là nước nói tiếng Pháp.

Tôi vất vả đánh vần tên mình bằng tám ký tự. Gương mặt cậu bé rạng rỡ. Em nắm lấy tay và dẫn tôi đi qua vài con đường hẹp đến nhà em. Đó là một căn nhà thông thường bằng gạch có hai phòng. Gia đình em ấy tập trung lại. Mọi người đều giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Vì không biết làm gì nên tôi ra dấu tên của mình, rồi viết tờ giấy cho biết tôi là giáo sĩ giúp người ta học Kinh Thánh và sẽ trở lại. Vài người hàng xóm không bị khiếm thính cũng đến, tất cả đều gật đầu tán thành. Tôi nghĩ: “Bây giờ phải làm sao?”.

Về nhà, tôi suy nghĩ là phải có ai đó giúp những người này học về lời hứa của Đức Chúa Trời, chẳng hạn lời hứa: “Những kẻ điếc sẽ rỗng tai” (Ê-sai 35:5). Tôi nghiên cứu một chút. Một thống kê gần đây cho biết có 12.000 người khiếm thính và lảng tai ở Benin. Tôi ngạc nhiên khi biết ngôn ngữ ký hiệu Mỹ được dùng để giảng dạy trong nhà trường, chứ không phải ngôn ngữ ký hiệu Pháp. Nhưng, thật đáng buồn khi biết tại đây không có Nhân Chứng Giê-hô-va nào biết ngôn ngữ này. Thở dài, tôi nói với một chị Nhân Chứng địa phương: “Giá như có người nào biết ngôn ngữ ký hiệu Mỹ đến giúp”. Chị đáp: “Chẳng phải chị đã ở đây rồi sao?”. Chị ấy nói đúng! Tôi mua sách và đặt những đĩa DVD bằng ngôn ngữ ký hiệu Mỹ do Nhân Chứng Giê-hô-va phát hành. Lời cầu nguyện của tôi đã được nhậm khi một chị Nhân Chứng biết rõ ngôn ngữ này chuyển từ nước Cameroon đến Benin.

Nhiều người biết tôi đang học ngôn ngữ ký hiệu nên khuyên tôi đến gặp anh Brice, một thợ vẽ bảng hiệu. Xưởng làm việc của anh làm bằng lá cọ đan với nhau, giúp không khí thoáng mát. Trong nhiều năm, anh có thói quen quẹt cọ lên tường nên tường có màu như cầu vồng. Anh vội phủi bụi trên hai ghế đẩu, nhìn chằm chằm vào tôi, đợi tôi mở lời. Tôi đặt đĩa DVD vào máy xách tay. Anh kéo ghế lại gần màn hình nhỏ, rồi ra dấu: “Tôi hiểu! Tôi hiểu!”. Những đứa trẻ hàng xóm tụ tập và nghển cổ để xem. Một đứa la lên: “Tại sao họ xem phim không có tiếng?”.

Mỗi lần tôi trở lại thăm anh Brice, đám đông vây quanh máy DVD ngày càng nhiều. Không lâu sau, anh Brice và những người khác bắt đầu đến dự các buổi họp của đạo Đấng Ki-tô. Việc cố gắng phiên dịch cho họ giúp tôi tiến bộ. Khi nhóm gia tăng, một số người cũng đến tìm tôi. Chẳng hạn, một ngày nọ, chiếc xe già nua của tôi rên rỉ phản kháng khi tôi sa vào ổ gà vì tránh dê và heo đi lạc. Rồi tôi nghe tiếng rầm rầm ở phía sau và nghĩ: “Ôi, lại sắp tắt máy rồi”! Nhưng không phải vậy, một người đàn ông khiếm thính đang chạy sau xe và cố hết sức gợi sự chú ý bằng cách đập vào xe tôi.

Có thêm các nhóm ngôn ngữ ký hiệu Mỹ trong nhiều thành phố khác. Khi ngôn ngữ ký hiệu được sắp xếp trong chương trình hội nghị, tôi được mời làm phiên dịch. Lúc bước lên bục và giây phút chờ đợi diễn giả bắt đầu, tôi nhớ lại lần đầu đến nhiệm sở này. Tôi đã thường nghĩ: “Là giáo sĩ ở châu Phi, mình có thể làm thêm điều gì?”. Nhìn xuống cử tọa, tôi biết câu trả lời, đó là mình làm giáo sĩ giúp người khiếm thính. Tôi không còn tự hỏi: “Bây giờ phải làm sao?”.