Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thành Giê-ru-sa-lem xưa bị hủy diệt khi nào?—Phần 2

Thành Giê-ru-sa-lem xưa bị hủy diệt khi nào?—Phần 2

Thành Giê-ru-sa-lem xưa bị hủy diệt khi nào?​—Phần 2

Các bảng đất sét thật sự cho thấy gì?

Đây là bài thứ hai của loạt bài đăng trong hai số Tháp Canh liên tiếp, thảo luận những câu hỏi chuyên sâu xoay quanh thời điểm thành Giê-ru-sa-lem cổ xưa bị hủy diệt. Hai bài này đưa ra những lời giải đáp dựa trên Kinh Thánh và được nghiên cứu kỹ nhằm giải tỏa thắc mắc cho một số độc giả.

Sơ lược phần 1:

▪ Các sử gia thế tục cho rằng Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 587 TCN *.

▪ Theo niên đại Kinh Thánh, sự hủy diệt đó xảy ra năm 607 TCN.

▪ Kết luận của các sử gia thế tục dựa trên sự ghi chép của các sử gia cổ đại và danh sách của Ptolemy.

▪ Một số ghi chép của các sử gia cổ đại có những sai sót đáng kể và không phải lúc nào cũng hòa hợp với thông tin trên những bảng đất sét. *

Kinh Thánh nói dân Do Thái bị lưu đày tại Ba-by-lôn ‘cho đến khi mãn hạn bảy mươi năm, để cho ứng-nghiệm lời của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra’. Khi nào họ được giải phóng? Vào “năm thứ nhứt đời Si-ru, vua Phe-rơ-sơ [Ba Tư] trị-vì” (2 Sử-ký 36:21, 22). Kinh Thánh cũng như lịch sử thế tục công nhận thời kỳ lưu đày này chấm dứt sau khi Si-ru chinh phục Ba-by-lôn và giải phóng dân Do Thái, nhờ thế họ về đến Giê-ru-sa-lem năm 537 TCN. Vì Kinh Thánh nói rõ thời kỳ lưu đày kéo dài 70 năm nên nó phải bắt đầu năm 607 TCN.

Tuy nhiên, đa số học giả cho rằng Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 587 TCN. Nếu vậy, thời kỳ lưu đày chỉ là 50 năm. Tại sao họ kết luận thế? Họ tính toán dựa trên các tài liệu bằng chữ hình nêm cổ xưa có thông tin về Nê-bu-cát-nết-sa II và những người kế vị ông1. Trong đó có nhiều tài liệu được viết bởi những người sống trong và gần thời điểm Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Tuy nhiên, sự tính toán đưa đến năm 587 TCN có đáng tin cậy không? Những tài liệu này thật sự cho thấy gì?

Để trả lời những câu hỏi đó, hãy xem xét ba loại tư liệu mà các học giả thường dựa vào: (1) Biên niên sử Ba-by-lôn, (2) các bảng tài chính và (3) các bảng thiên văn.

Biên niên sử Ba-by-lôn.

Đó là gì? Là tập hợp những bảng ghi chép các sự kiện nổi bật trong lịch sử Ba-by-lôn.2

Các chuyên gia nói gì? R. H. Sack, chuyên gia hàng đầu về tài liệu bằng chữ hình nêm, nói rằng Biên niên sử cung cấp dữ liệu không đầy đủ về các sự kiện quan trọng *. Ông viết rằng các sử gia phải xem xét “các nguồn tài liệu khác... nếu muốn xác minh điều gì thật sự đã xảy ra”.

Tư liệu cho thấy gì? Những ghi chép lịch sử trong Biên niên sử Ba-by-lôn không đầy đủ3. (Xin xem  khung bên dưới). Vậy, câu hỏi đặt ra là: Những kết luận dựa vào nguồn thông tin không đầy đủ như thế có đáng tin cậy không?.

Các bảng tài chính.

Đó là gì? Phần lớn bảng tài chính thuộc thời kỳ Tân Ba-by-lôn là những biên nhận hợp lệ, có ghi ngày, tháng và năm của vua đang cai trị. Chẳng hạn, một bảng ghi một giao dịch vào “ngày 27 Nisan, năm thứ 11 [triều đại] Nebuchadrezzar [cũng gọi là Nebuchadnezzar II], vua Ba-by-lôn”4.

Khi một vua băng hà hoặc bị phế ngôi và vua khác lên ngôi, những tháng còn lại trong năm, sau thời điểm đó, được xem là năm lên ngôi của vua mới *5. Nói cách khác, sự chuyển tiếp giữa hai vua ấy xảy ra trong cùng một năm, theo lịch Ba-by-lôn. Vì thế, điều hợp lý là các bảng được ghi chép trong năm lên ngôi của vua mới phải đề ngày, tháng sau khi vua tiền nhiệm băng hà hoặc bị phế ngôi.

Các chuyên gia nói gì? R. H. Sack đã xem xét nhiều bảng tài chính thuộc thời kỳ Tân Ba-by-lôn. Năm 1972, ông viết rằng những bảng chưa được công bố của Bảo tàng Anh Quốc mà ông có cơ hội tham khảo thì “làm xáo trộn” những kết luận trước đây về sự chuyển tiếp giữa triều đại của vua Nebuchadnezzar II (Nê-bu-cát-nết-sa II) và con trai ông là Amel-Marduk (cũng gọi là Ê-vinh-mê-rô-đác)6. Như thế nào? Những bảng đã công bố cho thấy Nê-bu-cát-nết-sa II vẫn cai trị đến tháng thứ sáu của năm cuối ông trị vì (năm thứ 43). Tuy nhiên, theo những bảng mới được giải mã này, vào tháng thứ tư thứ năm của năm mà người ta nghĩ là năm cuối Nê-bu-cát-nết-sa II cai trị, Amel-Marduk đã lên ngôi rồi7. Rõ ràng, có sự mâu thuẫn.

Tư liệu cho thấy gì? Có nhiều mâu thuẫn khác về sự chuyển tiếp giữa các vua. Chẳng hạn, có tài liệu cho thấy Nê-bu-cát-nết-sa II vẫn cai trị đến tháng thứ mười, sáu tháng sau khi người kế vị ông được xem là đã bắt đầu cai trị8. Mâu thuẫn tương tự cũng xảy ra đối với sự chuyển tiếp giữa triều đại của Amel-Marduk và vua được cho là kế vị ông là Neriglissar9.

Tại sao những mâu thuẫn này đáng chú ý? Như được đề cập ở trên, Biên niên sử Ba-by-lôn còn thiếu nhiều chi tiết. Vì thế, có lẽ chúng ta chưa có một trình tự thời gian liên tục về thời kỳ Tân Ba-by-lôn10. Liệu còn có các vua nào khác cai trị trong thời kỳ đó? Nếu có, những năm họ cai trị phải được tính vào thời kỳ Tân Ba-by-lôn. Vì thế, cả Biên niên sử Ba-by-lôn lẫn những bảng tài chính đều không đưa ra cơ sở để xác minh chắc chắn rằng Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 587 TCN *.

Các bảng thiên văn.

Đó là gì? Là các bảng bằng chữ hình nêm miêu tả vị trí mặt trời, mặt trăng, các hành tinh và ngôi sao, kèm theo thông tin lịch sử tương ứng, như năm trị vì của vua nào đó. Chẳng hạn, nhật ký thiên văn được thấy ở bên dưới có ghi một hiện tượng nguyệt thực xảy ra vào tháng thứ nhất của năm đầu vua Mukin-zeri trị vì11.

Các chuyên gia nói gì? Các chuyên gia đồng ý rằng người Ba-by-lôn đã lập nhiều bảng biểu và tài liệu thống kê để tiên đoán thời điểm các hiện tượng nguyệt thực có khả năng xảy ra nhất12.

Nhưng có thể nào họ tính cả những hiện tượng nguyệt thực đã xảy ra trước thời họ? Giáo sư John Steele nhận xét: “Trong quá trình soạn thảo, có thể họ đã đoán một số thông tin xưa nhất bằng cách dùng tài liệu thống kê để tính ngược lại13. (Chúng tôi in nghiêng). Giáo sư David Brown tin rằng có những sự kiện trên các bảng biểu thiên văn được tiên đoán không lâu trước khi chúng xảy ra, nhưng ông cũng thừa nhận rằng có thể một số thông tin về thời điểm xảy ra nguyệt thực là do “những người sao chép sống từ thế kỷ thứ 4 TCN trở đi đã tính ngược lại14. Nếu đúng là những người sao chép đã làm thế, và không có bằng chứng nào xác minh kết quả họ tính, có thể nào hoàn toàn tin cậy tài liệu của họ không?

Cứ cho là một hiện tượng nguyệt thực đã xảy ra đúng vào ngày ghi trên bảng, điều đó có nghĩa là thông tin về lịch sử tương ứng cũng chính xác không? Chưa chắc. Học giả R. J. van der Spek giải thích: “Những người biên soạn là chiêm tinh gia, chứ không phải sử gia”. Theo ông, những phần về lịch sử trên các bảng được ghi chép “khá đại khái”, và ông khuyến cáo phải “cẩn thận khi sử dụng” những thông tin như vậy.15

Tư liệu cho thấy gì? Hãy xem bảng VAT 4956. Dòng đầu tiên trên bảng này ghi: “Năm thứ 37 [triều đại] Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn”16. Sau đó là sự miêu tả chi tiết về vị trí mặt trăng và các hành tinh so với các ngôi sao và chòm sao. Ngoài ra, trên bảng cũng ghi một hiện tượng nguyệt thực. Các học giả nói rằng những vị trí này phù hợp với những gì đã xảy ra vào năm 568/567 TCN. Nếu vậy, năm thứ 18 đời vua Nê-bu-cát-nết-sa II, khi ông hủy diệt Giê-ru-sa-lem, là năm 587 TCN. Tuy nhiên, có phải những dữ liệu thiên văn này chỉ phù hợp với năm 568/567 TCN?

Trên bảng, có một hiện tượng nguyệt thực được tính là xảy ra vào ngày 15 Simanu, tháng thứ ba theo lịch Ba-by-lôn. Đúng là có một hiện tượng nguyệt thực xảy ra vào tháng ấy của năm 568 TCN, vào ngày tương đương ngày 4 tháng 7 (lịch Julius). Tuy nhiên, cũng có một hiện tượng nguyệt thực xảy ra trước đó 20 năm, vào ngày 15 tháng 7 năm 588 TCN.17

Nếu 588 TCN là năm thứ 37 đời vua Nê-bu-cát-nết-sa II trị vì thì năm thứ 18 sẽ là năm 607 TCN, đúng năm căn cứ trên Kinh Thánh là thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt! (Xin xem  biểu đồ thời gian bên dưới). Có bằng chứng nào khác trên bảng VAT 4956 ủng hộ năm 607 TCN không?

Ngoài hiện tượng nguyệt thực ấy, trên bảng có 13 lời miêu tả về vị trí mặt trăng và 15 lời miêu tả về vị trí các hành tinh. Những dữ liệu này cho biết vị trí mặt trăng hoặc các hành tinh so với một số ngôi sao hoặc chòm sao.18 Trên bảng cũng có ghi tám khoảng thời gian giữa các thời điểm mọc và lặn của mặt trời và mặt trăng18a.

Vì sự miêu tả về vị trí mặt trăng đáng tin cậy hơn, nên các nhà nghiên cứu đã phân tích kỹ 13 lời miêu tả này trên bảng VAT 4956. Họ phân tích thông tin dựa trên một chương trình máy tính có thể hiển thị vị trí các thiên thể ở một ngày nào đó trong quá khứ19. Kết quả là gì? Trong 13 lời miêu tả, họ thấy không phải tất cả đều phù hợp với vị trí mặt trăng năm 568/567 TCN, nhưng tất cả lại phù hợp với vị trí mặt trăng 20 năm trước, là 588/587 TCN.

Một trong những lời miêu tả phù hợp với vị trí mặt trăng năm 588 TCN hơn là 568 TCN được thấy trên bảng ở trang trước. Dòng 3 của bảng miêu tả vị trí của mặt trăng vào “đêm ngày 9 [Nisanu]”. Thế nhưng, những học giả đầu tiên tin điều đó xảy ra năm 568 TCN (theo cách viết của thiên văn học là năm -567) vẫn giữ quan điểm của mình, dù biết trong năm 568 TCN, mặt trăng ở vị trí đó vào “ngày 8 Nisanu, không phải ngày 9”. Họ cho rằng thầy ký lục đã ghi “8” thành “9”.20 Tuy nhiên, lời miêu tả trên dòng 3 của bảng hoàn toàn đúng với vị trí mặt trăng ngày 9 Nisanu năm 588 TCN21.

Rõ ràng, nhiều dữ liệu thiên văn trên bảng VAT 4956 phù hợp với năm 588 TCN, là năm thứ 37 đời vua Nê-bu-cát-nết-sa II trị vì. Điều này ủng hộ kết luận là thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 TCN, đúng như Kinh Thánh cho thấy.

Tại sao nên tin cậy Kinh Thánh?

Hiện nay, đa số sử gia tin rằng Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 587 TCN. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, Giê-rê-mi và Đa-ni-ên nói rõ rằng những người Do Thái bị lưu đày 70 năm, không phải 50 năm (Giê-rê-mi 25:1, 2, 11; 29:10; Đa-ni-ên 9:2). Dựa vào những lời đó, kết luận hợp lý là Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 TCN. Như phần trên cho thấy, có một số bằng chứng ngoài Kinh Thánh ủng hộ kết luận này.

Các chuyên gia nhiều lần đặt nghi vấn về tính xác thực của Kinh Thánh. Tuy nhiên, lần này đến lần khác, những khám phá mới chứng minh cho lời tường thuật trong Kinh Thánh *. Những người tin Kinh Thánh có lý do xác đáng để làm thế. Niềm tin của họ dựa trên bằng chứng cho thấy Kinh Thánh chính xác về lịch sử, khoa học và lời tiên tri. Chính điều đó khiến họ tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:16). Tại sao bạn không tự mình kiểm chứng? Có thể bạn cũng sẽ kết luận như vậy.

[Chú thích]

^ đ. 5 TCN là “trước công nguyên”.

^ đ. 14 Lưu ý: Những chuyên gia thế tục được trích lời trong bài này không chấp nhận là Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 TCN.

^ đ. 18 Năm lên ngôi không được tính vào số năm cai trị của một vua; đó là những tháng còn lại của năm, từ lúc vua ấy lên ngôi đến khi chính thức cai trị.

^ đ. 21 Các năm được xem là năm cai trị của các vua Tân Ba-by-lôn đều có bảng tài chính. Khi cộng số năm các vua ấy cai trị và tính ngược trở lại vua đầu tiên của Tân Ba-by-lôn là Nabonidus, dẫn đến 587 TCN là năm Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Tuy nhiên, cách tính này chỉ đúng nếu mỗi vua nối ngôi vua trước đó trong cùng năm, không có sự gián đoạn.

^ đ. 36 Để có những ví dụ cụ thể, xin xem sách Kinh-thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?, chương 4 và 5, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Bảng thống kê nơi trang 23]

 (Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

BIÊN NIÊN SỬ BA-BY-LÔN—BỘ TƯ LIỆU KHÔNG ĐẦY ĐỦ

Theo quan điểm truyền thống, thời kỳ Tân Ba-by-lôn kéo dài 88 năm. Tuy nhiên, Biên niên sử Ba-by-lôn chỉ cung cấp dữ liệu của 35 năm.

NĂM KHÔNG CÓ DỮ LIỆU

NĂM CÓ DỮ LIỆU

BM 21901

BM 21946

BM 35382

THỜI KỲ TÂN BA-BY-LÔN

BA TƯ

Nabopolassar

Nebuchadnezzar II

Amel-Marduk

Nabonidus

Neriglissar

Labashi-Marduk

BM 25127

BM 22047

BM 25124

[Nguồn tư liệu]

BM 21901 and BM 35382: Photograph taken by courtesy of the British Museum; BM 21946: Copyright British Museum; BM 22047, 25124, 25127: © The Trustees of the British Museum

[Khung/​Hình nơi trang 24]

NHẬT KÝ THIÊN VĂN BM 32238

Bảng này miêu tả các hiện tượng nguyệt thực, nhưng nó được soạn thảo sau khi hiện tượng nguyệt thực cuối cùng xảy ra, khoảng 400 năm kể từ hiện tượng đầu tiên. Thầy ký lục không chứng kiến tất cả các hiện tượng, vì thế có thể ông đã dùng toán học để xác định thời điểm xảy ra những hiện tượng ở đầu bảng. Những tính toán đó có thể không phải là nguồn thông tin đáng tin cậy về niên đại lịch sử, trừ khi có thêm bằng chứng ủng hộ kết luận của ông.

[Nguồn tư liệu]

© The Trustees of the British Museum

[Khung/​Hình nơi trang 26, 27]

BẢNG VAT 4956 THẬT SỰ CHO THẤY GÌ?

Tại sao cần biết? Dòng 3 của bảng ghi rằng vào “đêm ngày 9” tháng thứ nhất (Nisanu/Ni-san), “mặt trăng ở vị trí 1 cu-bít trước [sao] ß Virginis”. Tuy nhiên, năm 1915, hai ông Neugebauer và Weidner viết về năm 568 TCN (năm dẫn đến kết luận Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 587 TCN) rằng “mặt trăng ở vị trí 1 cu-bít trước ngôi sao này vào ngày 8 Ni-san, không phải ngày 9 Ni-san”. (Chúng tôi in nghiêng). Tuy nhiên, vị trí mặt trăng hoàn toàn đúng với ngày 9 Ni-san năm 588 TCN, là năm dẫn đến 607 TCN.

Ngày 9 hay ngày 8?

(1) Nơi hình, chúng ta thấy rõ ký hiệu trong tiếng Akkad tượng trưng cho số 9.

(2) Trong bản chuyển tự của những chữ bằng hình nêm này, hai ông Neugebauer và Weidner đã đổi “9” thành “8”.

(3) Chỉ phần cước chú cho thấy trong nguyên bản là “9”.

(4) Ngay cả trong bản dịch tiếng Đức, họ ghi là “8”.

(5) Năm 1988, hai ông Sachs và Hunger phát hành một bản chuyển tự sát với nguyên bản, ghi là “9”.

(6) Trong bản dịch tiếng Anh, họ ghi “9” nhưng giải thích “ngày đúng là 8”.

[Nguồn tư liệu]

bpk/Vorderasiatisches Museum, SMB/Olaf M. Teßmer

[Khung nơi trang 28]

Chú giải cho “Thành Giê-ru-sa-lem xưa bị hủy diệt khi nào?—Phần 2”

1. Chữ hình nêm là dạng chữ bằng ký hiệu do thầy ký lục dùng bút sắc nhọn tạo trên bề mặt của bảng đất sét mềm.

2. Assyrian and Babylonian Chronicles, tác giả A. K. Grayson, xuất bản năm 1975, tái bản năm 2000, trang 8.

3. Thời kỳ Tân Ba-by-lôn bắt đầu thế kỷ thứ bảy TCN, khi các vua thuộc vương triều Canh-đê cai trị đế quốc Ba-by-lôn. Vua đầu tiên là Nabopolassar, cha của Nê-bu-cát-nết-sa II. Thời kỳ này chấm dứt khi vua cuối cùng là Nabonidus bị vua Ba Tư là Si-ru đánh bại năm 539 TCN.

4. Neo-Babylonian Business and Administrative Documents, tác giả Ellen Whitley Moore, xuất bản năm 1935, trang 33.

5. Archimedes, Volume 4, New Studies in the History and Philosophy of Science and Technology, “Observations and Predictions of Eclipse Times by Early Astronomers”, tác giả John M. Steele, xuất bản năm 2000, trang 36.

6. Amel-Marduk 562-560 B.C.—A Study Based on Cuneiform, Old Testament, Greek, Latin and Rabbinical Sources. With Plates, tác giả Ronald H. Sack, xuất bản năm 1972, trang 3.

7. Các bảng BM 80920 và BM 58872 có đề tháng thứ tư và thứ năm của năm Ê-vinh-mê-rô-đác lên ngôi. Những tài liệu này do ông Sack phổ biến trong Amel-Marduk 562-560 B.C.—A Study Based on Cuneiform, Old Testament, Greek, Latin and Rabbinical Sources. With Plates, trang 3, 90, 106.

8. Bảng trong Bảo tàng Anh Quốc (BM 55806) có đề tháng thứ mười, năm thứ 43.

9. Các bảng BM 75106 và BM 61325 có đề tháng thứ bảy và thứ mười của năm được xem là năm cuối (năm thứ hai) vua Ê-vinh-mê-rô-đác trị vì. Tuy nhiên, bảng BM 75489 có ghi tháng thứ hai năm lên ngôi của Neriglissar, người kế vị Ê-vinh-mê-rô-đác.—Catalogue of the Babylonian Tablets in the British Museum, tập VIII, (Tablets From Sippar 3) tác giả Erle Leichty, J. J. Finkelstein và C.B.F. Walker, xuất bản năm 1988, trang 25, 35.

Catalogue of the Babylonian Tablets in the British Museum, tập VII, (Tablets From Sippar 2) tác giả Erle Leichty và A. K. Grayson, xuất bản năm 1987, trang 36.

Neriglissar—King of Babylon, tác giả Ronald H. Sack, xuất bản năm 1994, trang 232. Tháng trên bảng là Ajaru (tháng thứ hai).

10. Hãy xem xét trường hợp của vua Neriglissar. Trong một lời khắc, Neriglissar nói ông là “con trai của Bêl-shum-ishkun”, “vua Ba-by-lôn”. (Chúng tôi in nghiêng). Một lời khắc khác gọi Bêl-shum-ishkun là “hoàng tử khôn ngoan”. Từ rubû trong nguyên ngữ, dịch là “hoàng tử”, là một tước hiệu cũng có nghĩa là “vua, người cai trị”. Có mâu thuẫn về sự chuyển tiếp giữa triều đại của Neriglissar và Amel-Marduk, người được cho là tiền nhiệm ông. Vậy, có thể nào Bêl-shum-ishkun đã cai trị giữa triều đại hai vua đó? Giáo sư R. P. Dougherty thừa nhận rằng “không thể bỏ qua bằng chứng về dòng dõi quý tộc của Neriglissar”.—Nabonidus and Belshazzar—A Study of the Closing Events of the Neo-Babylonian Empire, tác giả Raymond P. Dougherty, xuất bản năm 1929, trang 61.

11. Astronomical Diaries and Related Texts From Babylonia, tập V, do Hermann Hunger biên tập, xuất bản năm 2001, trang 2, 3.

12. Journal of Cuneiform Studies, tập 2, số 4, năm 1948, “A Classification of the Babylonian Astronomical Tablets of the Seleucid Period”, tác giả A. Sachs, trang 282, 283.

13. Astronomical Diaries and Related Texts From Babylonia, tập V, trang 391.

14. Mesopotamian Planetary Astronomy-Astrology, tác giả David Brown, xuất bản năm 2000, trang 164, 201, 202.

15. Bibliotheca Orientalis, tập 50, số 1 và 2, tháng 1-3 năm 1993, “The Astronomical Diaries as a Source for Achaemenid and Seleucid History”, tác giả R. J. van der Spek, trang 94, 102.

16. Astronomical Diaries and Related Texts From Babylonia, tập I, tác giả Abraham J. Sachs, do Hermann Hunger hoàn tất và biên tập, xuất bản năm 1988, trang 47.

17. Babylonian Eclipse Observations From 750 BC to 1 BC, tác giả Peter J. Huber và Salvo De Meis, xuất bản năm 2004, trang 186. Theo bảng VAT 4956, hiện tượng nguyệt thực này xảy ra ngày 15 tháng thứ ba theo lịch Ba-by-lôn; như vậy tháng Simanu bắt đầu 15 ngày trước. Nếu hiện tượng nguyệt thực xảy ra ngày 15 tháng 7 năm 588 TCN, theo lịch Julius, thì ngày đầu tiên của tháng Simanu sẽ là 30 tháng 6/1 tháng 7 năm 588 TCN. Vì thế, tháng thứ nhất theo lịch Ba-by-lôn (Nisanu) hẳn bắt đầu hai tháng trước, tức ngày 2/3 tháng 5. Nếu năm xảy ra hiện tượng nguyệt thực này là năm bình thường thì nó bắt đầu ngày 3/4 tháng 4. Nhưng dòng 6 của bảng VAT 4956 cho biết có một tháng được thêm (tháng nhuận) sau tháng thứ mười hai (tháng cuối, hay Addaru) của năm trước đó. (Bảng có ghi: “ngày 8 tháng XII2”). Do đó, năm mới chính thức bắt đầu ngày 2/3 tháng 5. Thế nên, hiện tượng nguyệt thực này xảy ra vào năm 588 TCN là phù hợp với thông tin trên bảng.

18. Theo Berichte über die Verhandlungen der Königl. Sächsischen Gesellschaft der Wissenschaften zu Leipzig (Reports Regarding the Discussions of the Royal Saxonian Society of Sciences at Leipzig); tập 67; ngày 1-5-1915; trong bài “Ein astronomischer Beobachtungstext aus dem 37. Jahre Nebukadnezars II” (An Astronomical Observer’s Text of the 37th Year Nebuchadnezzar II), tác giả Paul V. Neugebauer và Ernst F. Weidner, trang 67-76, có 13 lời miêu tả về vị trí mặt trăng so với một ngôi sao hay chòm sao. Ngoài ra, có 15 lời miêu tả về vị trí các hành tinh (trang 72-76). Ký hiệu hình nêm cho mặt trăng thì rõ ràng, nhưng một số ký hiệu cho tên các hành tinh và vị trí của chúng lại không rõ (Mesopotamian Planetary Astronomy—Astrology, tác giả David Brown, xuất bản năm 2000, trang 53-57). Do đó, những lời miêu tả về vị trí các hành tinh dễ bị hiểu theo nhiều cách. Vì mặt trăng dễ theo dõi nên cũng có thể nhận ra và xác định khá chắc chắn vị trí của những thiên thể được miêu tả trên bảng VAT 4956 và có liên hệ với mặt trăng.

18a. Chẳng hạn, một trong những khoảng thời gian này được tính từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trăng lặn vào ngày đầu tiên của tháng và hai thời điểm sau đó trong tháng. Các học giả đã liên kết những khoảng thời gian này với những ngày nhất định trên lịch (“The Earliest Datable Observation of the Aurora Borealis”, tác giả F. R. Stephenson và David M. Willis, trong Under One Sky—Astronomy and Mathematics in the Ancient Near East, do John M. Steele và Annette Imhausen biên tập, xuất bản năm 2002, trang 420-428). Để tính những khoảng thời gian này, các quan sát viên thời xưa hẳn đã dùng một loại đồng hồ nào đó. Kết quả tính toán của họ không đáng tin cậy (Archimedes, Volume 4, New Studies in the History and Philosophy of Science and Technology, “Observations and Predictions of Eclipse Times by Early Astronomers”, tác giả John M. Steele, xuất bản năm 2000, trang 65, 66). Việc xác định vị trí mặt trăng so với những thiên thể khác là chính xác hơn nhiều.

19. Sự phân tích này được thực hiện bằng phần mềm thiên văn có tên TheSky6™. Ngoài ra, cũng có sự hỗ trợ của phần mềm miễn phí là Cartes du Ciel/Sky Charts (CDC) và chương trình chuyển đổi lịch của Đài thiên văn Hải quân Hoa Kỳ. Vì những ký hiệu hình nêm cho vị trí của các hành tinh dễ bị hiểu theo nhiều cách nên những vị trí này không được dùng trong việc nghiên cứu nhằm xác định năm mà nhật ký thiên văn này (VAT 4956) nói đến.

20. Berichte über die Verhandlungen der Königl. Sächsischen Gesellschaft der Wissenschaften zu Leipzig (Reports Regarding the Discussions of the Royal Saxonian Society of Sciences at Leipzig); tập 67; ngày 1-5-1915; “Ein astronomischer Beobachtungstext aus dem 37. Jahre Nebukadnezars II, (-567/66)(An Astronomical Observer’s Text of the 37th Year Nebuchadnezzar II), tác giả Paul V. Neugebauer và Ernst F. Weidner, trang 41.

21. Dòng 3 của bảng VAT 4956 miêu tả: “Mặt trăng ở vị trí 1 cu-bít [hay 2°] trước [sao] ß Virginis”. Kết quả của sự phân tích được đề cập ở trên cho thấy ngày 9 Nisanu, mặt trăng ở vị trí 2°04ʹ trước và 0° dưới sao ß Virginis. Kết quả này được xem là trùng khớp với lời miêu tả.

[Bảng thống kê nơi trang 25]

 (Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM BỊ HỦY DIỆT NĂM 587 TCN HAY 607 TCN?—BẢNG VAT 4956 ỦNG HỘ NĂM NÀO?

◼ Bảng miêu tả các hiện tượng thiên văn xảy ra năm thứ 37 vua Nê-bu-cát-nết-sa II trị vì.

◼ Nê-bu-cát-nết-sa II hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm thứ 18 triều đại của ông.—Giê-rê-mi 32:1.

Nếu năm thứ 37 vua Nê-bu-cát-nết-sa II trị vì là 568 TCN thì Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 587 TCN.

610 TCN

600

590

580

570

560

Nếu năm thứ 37 vua Nê-bu-cát-nết-sa II trị vì là 588 TCN thì Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 TCN, đúng năm được xác định dựa trên Kinh Thánh.

◼ Bảng VAT 4956 ủng hộ năm 607 TCN nhiều hơn.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 22]

Photograph taken by courtesy of the British Museum