Hạnh phúc được làm người chăn chiên

Hạnh phúc được làm người chăn chiên

Hạnh phúc được làm người chăn chiên

Do Alymbek Bekmanov kể lại

Khi lên ba tuổi, tôi bắt đầu đi chăn chiên (cừu) cùng bác, và tôi dần yêu thích việc chăm sóc những con chiên. Đến năm 17 tuổi, tôi là một người chăn thành thạo. Sau này, tôi còn biết về người chăn chiên theo nghĩa thiêng liêng. Hãy để tôi giải thích tại sao việc phụng sự với tư cách là người chăn như thế đem lại niềm hạnh phúc lớn hơn cho tôi.

Tôi sinh năm 1972 tại nước Kyrgyzstan, trước đây là một nước cộng hòa của Liên Bang Xô Viết. Gia đình lớn của tôi sống trong làng Chyrpykty, bên bờ hồ Issyk Kul xinh đẹp. Vùng xung quanh hồ là nơi thu hút khách đến Kyrgyzstan du lịch. Hiện nay, tôi sống cùng vợ là Gulmira, ở Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan, cách nơi tôi lớn lên khoảng 200km.

Người chăn và chiên

Khi còn nhỏ, vào mùa xuân, tôi và bác dẫn chiên đến đồng cỏ trên núi cao. Đường lên đó hơn 3.000m nên chúng tôi phải đi mất vài ngày. Một số người chăn chọn đường tắt để đến đồng cỏ nhanh hơn. Nhưng họ phải đi gần hẻm núi nên những chiên lạc đôi khi bị thương, thậm chí bị chết.

Trên chuyến hành trình đó, thường có những con sói rình rập để làm hoảng sợ hoặc tấn công chiên, tách chúng ra xa bầy và ăn thịt. Vì thế, bác tôi chọn lối đi dễ và ít nguy hiểm dù phải mất một ngày hoặc hơn. Thỉnh thoảng, tôi muốn đi nhanh nhưng bác ngăn tôi lại và bảo: “Alymbek, hãy nghĩ đến chiên chứ đừng nghĩ đến mình”.

Nơi cánh đồng cỏ xinh đẹp trên núi cao, có những trại được dựng tạm để che chở chiên qua đêm. Một số người chăn không muốn thức dậy sớm nên họ dẫn chiên đến đồng cỏ khi mặt trời đã lên cao. Cho nên, lúc chiên bắt đầu ăn cỏ thì trời rất nóng.

Chẳng bao lâu, những con chiên đứng tụm lại, cúi đầu xuống và thở hổn hển. Vì thế, chúng không thể ăn no, rồi trở nên gầy guộc và yếu ớt. Trái lại, bác tôi dậy từ 4 giờ, khi trời còn tờ mờ sáng. Ông dẫn bầy chiên đến đồng cỏ xanh tươi trước lúc mặt trời mọc. Nhờ vậy, chiên có thể thong thả ăn cỏ trong không khí tươi mát của buổi sáng sớm. Đúng như người ta thường nói: “Nhìn chiên là biết người chăn!”.

Khi chiên nghỉ ngơi sau khi ăn cỏ là lúc thuận tiện để kiểm tra và chữa bệnh cho chúng. Một trong những vấn đề nghiêm trọng là con nhặng đẻ trứng trên rốn của chiên, làm rốn dễ bị viêm và sưng tấy. Nếu không phát hiện sớm, chiên bị đau đến mức có thể đi tách khỏi bầy và chết. Chúng tôi kiểm tra chiên hầu như mỗi ngày nên có thể chữa trị cho chúng. Dù việc này đòi hỏi thời gian và công sức nhưng kết quả là chiên khỏe mạnh và vui sướng.

Mỗi tối, khi trở về trại, chúng tôi kiểm lại số chiên. Chúng vào trại qua một cổng hẹp, đôi khi có đến ba hay bốn con vào cùng lúc. Dù bầy chiên có tới hàng trăm con, nhưng chúng tôi trở thành những người đếm thành thạo đến mức có thể đếm tới 800 con trong vòng 15 đến 20 phút. Điều này đòi hỏi phải tập nhiều nhưng chúng tôi đã làm được!

Khi phát hiện là thiếu một con chiên, bác tôi lấy súng và gậy rồi đi tìm con bị lạc, dù trời mưa và tối. Ông sẽ gọi lớn tiếng, giọng của ông làm cho những thú dữ phải sợ. Rõ ràng, con chiên có cảm giác an toàn khi nghe tiếng gọi đó.

Chúng tôi đặt tên cho từng con chiên theo đặc điểm và tính của mỗi con. Trong mỗi bầy, dường như luôn có những con chiên ương bướng. Vì lý do nào đó, chúng không muốn vâng lời người chăn. Thỉnh thoảng, những con khác có xu hướng hùa theo một con như vậy. Vì thế, người chăn cố gắng huấn luyện và sửa trị những con ương bướng đó. Chẳng hạn, ông để chúng ở trại một mình. Với thời gian, một số con chấp nhận sự uốn nắn và nghe theo sự hướng dẫn của người chăn. Những con vẫn ương ngạnh thì có kết cục là thành món ăn trên bàn.

Người chăn theo nghĩa khác

Năm 1989, tôi học võ thuật và trở thành một người giỏi về môn này. Năm sau, tôi được gọi gia nhập quân đội Xô Viết. Trong thời gian đó, bạn bè cùng học võ thuật với tôi trước đây lập thành một băng đảng. Khi tôi trở về quê ở Kyrgyzstan, họ bảo nếu tham gia với họ thì tôi sẽ có mọi thứ. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, tôi biết Nhân Chứng Giê-hô-va.

Các Nhân Chứng giải đáp những câu hỏi mà từ nhỏ tôi luôn thắc mắc như “Tại sao con người chết?”. Qua những cuộc thảo luận, tôi hiểu rằng con người chết là do tội lỗi của người đầu tiên là A-đam (Rô-ma 5:12). Qua Kinh Thánh, tôi cũng biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phái Con Ngài là Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Nếu thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va và Con Ngài, chúng ta có thể được xóa tội lỗi. Nhờ thế, chúng ta có triển vọng sống mãi mãi trong địa đàng, phù hợp với ý định ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.—Thi-thiên 37:11, 29; 83:18; Giăng 3:16, 36; 17:1-5; Khải-huyền 21:3, 4.

Những thắc mắc của tôi được các Nhân Chứng giải đáp dựa trên Kinh Thánh, rõ ràng và dễ hiểu đến mức tôi thốt lên: “Đúng rồi! Phải như vậy chứ!”. Từ đó, tôi không còn muốn kết thân với bạn bè trước đây nữa. Nhiều lần, họ đã cố thuyết phục tôi trở lại nhóm, nhưng ước muốn học và làm theo những lẽ thật Kinh Thánh mạnh đến mức có thể giúp tôi chống lại cám dỗ ấy và trở thành người chăn chiên theo nghĩa thiêng liêng.

Vào khoảng thời gian đó, có một người chữa bệnh bằng đức tin nổi tiếng trong vùng đến thăm mẹ tôi. Một ngày nọ khi tôi về nhà, người phụ nữ đó đang gọi hồn người chết. Bà nghĩ tôi có tài năng đặc biệt và khuyến khích tôi đến nhà thờ Hồi giáo để nhận bùa hộ mạng, bà cho rằng nó sẽ giúp tôi. Suýt nữa thì bà thuyết phục được tôi và khiến tôi nghĩ rằng làm thế mình sẽ có khả năng chữa bệnh.

Hôm sau, tôi đi gặp các Nhân Chứng đang thảo luận Kinh Thánh với tôi và kể chuyện đó cho họ. Họ cho tôi xem những câu Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va lên án mọi hình thức ma thuật vì có liên quan đến ác thần (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-13). Trong vài đêm, tôi không ngủ được vì ảnh hưởng của ác thần. Các Nhân Chứng dạy tôi cách cầu nguyện phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va và không lâu sau, tôi không còn bị ác mộng nữa. Vì thế, tôi tin chắc là mình tìm thấy Đấng Chăn Chiên chân chính, Đức Giê-hô-va.

Tôi được biết rằng Đa-vít, người viết nhiều bài Thi-thiên, cũng từng là người chăn chiên khi còn trẻ. Ông gọi Đức Giê-hô-va là “Đấng chăn-giữ tôi”, và cảm xúc của ông về Ngài trở nên quý báu đối với tôi (Thi-thiên 23:1-6). Tôi muốn noi gương Chúa Giê-su, Con Ngài, “Đấng chăn chiên lớn” (Hê-bơ-rơ 13:20). Tại hội nghị được tổ chức ở thành phố Bishkek vào năm 1993, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua việc làm báp-têm trong nước.

Một buổi họp quan trọng

Nhiều người thân của tôi cũng như hàng xóm bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Có khoảng 70 người trong làng nhóm lại gần hồ Issyk Kul. Một người thân của tôi, là trưởng làng, cũng rất chú ý. Ông nói sẽ sắp đặt một buổi họp lớn để chúng tôi giải thích thêm về niềm tin mới của mình. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương xúi giục người dân cản trở công việc rao giảng của chúng tôi. Họ âm mưu dùng buổi họp này để khiến người ta chống lại chúng tôi.

Vào ngày ấy, khoảng 1.000 người nhóm lại, gồm dân đến từ ba làng gần đó. Có vài Nhân Chứng tham dự, một người bắt đầu giải thích niềm tin của mình dựa trên Kinh Thánh. Chưa đến năm phút sau, một người dân đứng dậy và lớn giọng đặt những câu hỏi khiêu khích. Những lời buộc tội và đe dọa phát ra, đám đông bị kích động đến mức muốn đánh chúng tôi.

Ngay lúc đó, một anh của tôi, người mới bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, đứng về phía chúng tôi. Mọi người đều sợ và tránh xa vì biết anh có tài đánh nhau. Anh rất can đảm đứng giữa chúng tôi và những người hung hãn, rồi chúng tôi an toàn rời khỏi đó. Trong những năm sau, nhiều người tham dự buổi họp ấy đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Hiện nay, trong 1.000 người dân của làng, có hơn 50 người là Nhân Chứng.

Yêu con gái của người chăn chiên

Vài tháng trước khi một hội nghị lớn của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Moscow, Nga, diễn ra vào tháng 7 năm 1993, tôi đã gặp chị Gulmira, là Nhân Chứng đến từ một làng của Kyrgyzstan. Gia đình chị cũng từng làm nghề chăn chiên. Năm 1988, khi công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Liên Bang Xô Viết vẫn bị cấm đoán, mẹ của Gulmira bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với chị Nhân Chứng tên là Aksamy. Vào thập niên 1970, chị Aksamy là người Kyrgyzstan đầu tiên trở thành Nhân Chứng trong vùng đó.

Không lâu sau, Gulmira cùng mẹ học Kinh Thánh với chị Aksamy. Năm 1990, cả hai mẹ con chị đều làm báp-têm trở thành Nhân Chứng. Ít lâu sau, ước muốn trong lòng chị Gulmira thôi thúc chị làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian.

Trong hai năm sau đó, thỉnh thoảng tôi mới gặp Gulmira vì chúng tôi sống cách xa nhau khoảng 160km. Tháng 3 năm 1995, tôi quyết định tìm hiểu Gulmira. Vì thế, tôi đến nhà cô ấy vào một buổi sáng. Nhưng tôi đã sốc khi biết ngày hôm sau Gulmira sẽ đi phục vụ tại chi nhánh Nga, cách đó hơn 5.633km!

Vào lúc đó, tôi đang làm tiên phong và bắt đầu học tiếng Nga vì chúng tôi chưa có ấn phẩm trong tiếng Kyrgyzstan. Trong ba năm, tôi và Gulmira viết thư cho nhau và thống nhất để có chương trình đọc Kinh Thánh giống nhau, nhờ thế chúng tôi có thể trao đổi những điều thiêng liêng. Lúc này, tôi đang phụng sự trong hội thánh tiếng Kyrgyzstan đầu tiên trong nước, nằm tại thị trấn Balikchi.

Cùng vợ phụng sự Đức Giê-hô-va

Năm 1998, Gulmira đến Kyrgyzstan du lịch và chúng tôi kết hôn ở đấy. Tôi được mời làm việc ở chi nhánh Nga, nơi vợ tôi đang phụng sự. Thật vui mừng biết bao vì tôi đã quyết định học tiếng Nga trước đó! Với thời gian, tôi được tham gia trong ban dịch thuật để cung cấp các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong tiếng Kyrgyzstan. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan và kiên nhẫn. Và tất nhiên, Gulmira là cộng sự đắc lực của tôi.

Năm 2004, nhóm dịch thuật của chúng tôi được chuyển đến Bishkek. Ở đó, tôi được bổ nhiệm để phụng sự trong ủy ban giám sát hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Kyrgyzstan. Lúc ấy, cả nước có bảy hội thánh tiếng Kyrgyzstan và hơn 30 hội thánh tiếng Nga. Hiện nay, có hơn 20 hội thánh tiếng Kyrgyzstan và nhiều nhóm nhỏ khác, chiếm khoảng 40% số Nhân Chứng ở Kyrgyzstan là khoảng 4.800.

Vợ chồng tôi quyết định học tiếng Anh vì có thể giúp chúng tôi trong thánh chức. Cũng một phần nhờ điều này mà chúng tôi được mời đến trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Hoa Kỳ vào năm 2008. Ở đó, tôi được tham dự trường đặc biệt dành cho những người phụ trách công việc rao giảng trong nước của họ.

Hiện nay, vợ chồng tôi thấy mình có khả năng hơn để chăm lo cho người tại Kyrgyzstan về nhu cầu tâm linh. Qua những kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi thật sự thấy Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Chiên yêu thương. Tôi hoàn toàn cảm nghiệm được lời của bài Thi-thiên trong Kinh Thánh: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì. Ngài khiến tôi an-nghỉ nơi đồng-cỏ xanh-tươi, dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh. Ngài bổ lại linh-hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công-bình, vì cớ danh Ngài”.—Thi-thiên 23:1-3.

[Hình nơi trang 20]

Bầy chiên của chúng tôi trên đồng cỏ

[Hình nơi trang 20]

Chúng tôi đếm chiên mỗi buổi tối để biết chắc không thiếu con nào

[Hình nơi trang 21]

Với vợ tôi hiện nay