Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao khéo quản lý tiền bạc?

Làm sao khéo quản lý tiền bạc?

Quan điểm của Kinh thánh

Làm sao khéo quản lý tiền bạc?

“Trong khi thu nhập của tôi ngày càng ít thì tiền hóa đơn ngày càng cao. Tôi thường không ngủ được vào ban đêm và tự nhủ làm sao để chu cấp cho gia đình”.—Anh James.

“Tôi từng cảm thấy bị bế tắc và không có lối thoát”.—Chị Sheri.

Trong giai đoạn bất ổn kinh tế, những lời như thế rất thông thường. Bình luận về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, ông Juan Somavia, tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết: “Đây không chỉ đơn thuần là cuộc khủng hoảng trên Phố Wall”. Ông nói thêm: “Nhưng là cuộc khủng hoảng trên mọi nẻo đường góc phố”.

Đột nhiên mất việc hoặc không đủ để trang trải cho các nhu cầu cơ bản của gia đình có thể dẫn đến nhiều lo lắng, thậm chí cảm thấy vô vọng. Có một lúc trong cuộc đời, người viết Kinh Thánh là Đa-vít cảm thấy như thế. Ông đã cầu nguyện: “Sự bối-rối nơi lòng tôi đã thêm nhiều; xin Chúa cứu tôi khỏi sự hoạn-nạn” (Thi-thiên 25:17). Kinh Thánh nói gì về thời chúng ta, và những lời khôn ngoan trong đó có giúp chúng ta cảm thấy an tâm và bình an hơn không?

Khôn ngoan trong thời kỳ khó khăn

Kinh Thánh báo trước trong “ngày sau-rốt” của thế giới này sẽ có “sự khốn khó” và “những thời-kỳ khó-khăn” (2 Ti-mô-thê 3:1; Ma-thi-ơ 24:8, Trịnh Văn Căn). Rõ ràng, những lời này thật sự đang xảy ra! Tuy nhiên, chúng ta không phải tuyệt vọng, vì qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời cho chúng ta sự khôn ngoan cần thiết để đối phó với tình trạng kinh tế bất ổn.

Chẳng hạn, Kinh Thánh giúp chúng ta có quan điểm đúng về tiền bạc. Nơi Truyền-đạo 7:12 có viết: “Vì sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó”. Thật vậy, tiền bạc có thể che chở ít nhiều, nhưng chỉ có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (được tìm thấy trong các trang Kinh Thánh) mới có thể giúp chúng ta luôn được an toàn. Hãy xem một số thí dụ.

Đối phó với giai đoạn kinh tế khó khăn

Hãy siêng năng. “Kẻ làm biếng mong muốn mà chẳng được chi, người siêng năng ước gì có nấy” (Châm-ngôn 13:4, Bản Diễn Ý). Chúng ta rút ra được bài học nào? Hãy cố gắng chứng tỏ mình là một nhân viên thành thật, chăm chỉ. Một nhân viên tốt được nhiều người chủ đánh giá cao. Họ có thể là những người được tuyển vào đầu tiên và là người cuối cùng bị mất việc.—Ê-phê-sô 4:28.

Suy xét chi phí trước khi mua. Chúa Giê-su nói: “Ai trong các người muốn xây một ngôi tháp mà không ngồi xuống tính toán chi phí trước, xem mình có đủ tiền để hoàn thành hay không?” (Lu-ca 14:28, Bản Dịch Mới). Dù Chúa Giê-su minh họa việc một người cần suy xét trước khi trở thành môn đồ ngài, nhưng những lời này cũng đúng theo nghĩa đen. Do đó, hãy chuẩn bị ngân quỹ, liệt kê những nhu cầu và chi phí thật sự cần thiết.

Không phung phí tiền bạc vào những thói xấu. Những thói như cờ bạc, hút thuốc, chất gây nghiện và lạm dụng rượu là xấu xa trước mắt Đức Chúa Trời.—Châm-ngôn 23:20, 21; Ê-sai 65:11; 2 Cô-rinh-tô 7:1.

“Chớ tham tiền” (Hê-bơ-rơ 13:5). Những người yêu tiền bạc sẽ không hạnh phúc và bị vỡ mộng, họ “chuốc lấy nhiều điều đau-đớn” (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Hơn nữa, họ trở thành nô lệ cho lòng tham không đáy, cho dù có bao nhiêu họ cũng không bao giờ cảm thấy đủ.—Truyền-đạo 5:10.

Tập thỏa lòng. “Chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti-mô-thê 6:7, 8). Những người biết thỏa lòng với ít của cải có thể tránh lo lắng thái quá khi kinh tế suy thoái. Vì vậy, hãy tập thỏa lòng với những gì mình có.—Xem khung bên phải.

Không ai trong chúng ta biết ngày mai sẽ như thế nào. Truyền-đạo 9:11 nói: “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho [chúng ta]” (theo bản NW). Vì thế, người khôn ngoan ‘không để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời’, Đấng đã hứa với những người trung thành điều này: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—1 Ti-mô-thê 6:17; Hê-bơ-rơ 13:5.

CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC:

● Kinh Thánh miêu tả thế nào về thời chúng ta?.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

● Ngày nay, chúng ta có thể tìm sự hướng dẫn đáng tin cậy ở đâu?—Thi-thiên 19:7.

● Làm sao tôi có thể đảm bảo tương lai cho gia đình?—Truyền-đạo 7:12.

[Khung/​Hình nơi trang 27]

CÁCH ĐỂ TIẾT KIỆM

Mua sắm: Hãy lên danh sách. Tránh mua đại. Tìm mua hàng giá rẻ. Tận dụng phiếu giảm giá. Mua những món hàng cần thiết khi giảm giá và không vào mùa cháy hàng. Mua với số lượng nhiều khi có thể.

Chi phí trong gia đình: Trong nhiều quốc gia, nên thanh toán hóa đơn đúng hạn để tránh trả thêm phí. Nấu ăn và làm nước uống tại nhà, dùng đồ ăn và thức uống có cồn ở mức vừa phải. Tắt đèn và các thiết bị khi không sử dụng. Nếu có thể, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Bảo trì nhà để tránh thất thoát nhiệt. Xem xét việc sống ở căn hộ nhỏ hơn.

Di chuyển: Nếu cần xe riêng, hãy mua một chiếc xe tốt, không hao xăng. Không cần phải mua xe mới. Khi có thể, hãy kết hợp làm các việc lặt vặt cùng một lúc và đi chung xe với người khác. Nếu không thì dùng phương tiện công cộng, đi bộ hoặc xe đạp. Đi du lịch khi giá giảm và có lẽ nên đi gần nhà hơn.

Điện thoại và giải trí: Bạn có cần điện thoại bàn và điện thoại di động không? Nếu con bạn có điện thoại di động, chúng có tiết kiệm hoặc ngay cả tự xoay sở mà không có điện thoại không? Nếu đăng ký sử dụng truyền hình cáp, bạn có thể cắt giảm chi phí bằng cách giảm bớt số kênh không? * Ra thư viện mượn sách hoặc phim thay vì đi mua.

[Chú thích]

^ đ. 26 Để biết thêm về những đề nghị khác, xin xem tiêu đề “Quản lý tiền bạc” trong sách mỏng Đời sống thỏa nguyện—Làm sao đạt được, trang 6, 7 và Tỉnh Thức! tháng 4-6 năm 2009, trang 5, 6.