Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phát huy tính ham thích tìm tòi

Phát huy tính ham thích tìm tòi

Phát huy tính ham thích tìm tòi

“Bản tính con người là luôn thắc mắc. Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta đã bắt đầu đặt câu hỏi. . . Thậm chí có thể nói rằng lịch sử loài người hình thành từ những câu hỏi và lời giải đáp mà họ đưa ra”.—Octavio Paz, nhà thơ người Mexico.

Tại sao một đầu bếp sáng tạo ra một món ăn mới? Điều gì thôi thúc một nhà thám hiểm đi khám phá những vùng đất xa xôi, bất chấp mọi nguy hiểm? Tại sao trẻ em luôn đặt câu hỏi? Thường đó là do trí tò mò.

Bạn thì sao? Những khái niệm mới lạ hoặc những câu hỏi thú vị có khơi gợi trí tò mò của bạn không? Có bao giờ bạn thắc mắc: Sự sống bắt nguồn từ đâu? Tại sao chúng ta hiện hữu? Có Thượng Đế không? Từ khi chúng ta còn nhỏ, trí tò mò đã thôi thúc chúng ta nêu lên nhiều câu hỏi tương tự và đi tìm nguyên do của sự việc. Khi bị một điều nào đó thu hút, chúng ta nỗ lực để tìm tòi về điều ấy. Do đó, tính tò mò có thể dẫn đến những khám phá thú vị. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra nhiều vấn đề, ngay cả tai họa.

Cần thận trọng và tự chủ

Nếu không được kiềm chế, tính tò mò có thể dẫn đến nguy hiểm. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ tò mò rờ vào cái lò nóng thì hậu quả thật khôn lường. Tuy nhiên nếu đặt đúng chỗ, tính tò mò, hay thích tìm tòi, có thể thúc đẩy chúng ta đào sâu và mở rộng kiến thức. Nói thế có phải mọi điều đều đáng để tìm tòi không?

Hiển nhiên, có những điều không nên tìm hiểu vì chúng rất tai hại. Khi tò mò về tài liệu khiêu dâm, ma thuật, những giáo phái kỳ lạ hoặc phe cực đoan, chúng ta có thể bị ảnh hưởng tai hại. Trong những lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực khác, chúng ta nên noi theo thái độ của người đã cầu xin Thượng Đế: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không”.—Thi-thiên 119:37.

Bên cạnh đó, có những điều không có hại nhưng cũng không có lợi, và không thật sự cần thiết. Chẳng hạn, có ích gì chăng khi tìm hiểu đời sống riêng tư của các ngôi sao màn bạc hoặc những nhân vật nổi tiếng, thuộc lòng thành tích của một vận động viên hoặc đội thể thao, và theo dõi mọi thông tin về những mẫu xe mới nhất hoặc những máy móc tối tân? Trong nhiều trường hợp, làm “chuyên gia” trong những lĩnh vực này không đem lại lợi ích gì.

Một gương về tính ham thích tìm tòi

Hãy xem mặt tốt của tính tò mò qua trường hợp của ông Alexander von Humboldt, một nhà tự nhiên học và cũng là nhà thám hiểm người Đức sống vào thế kỷ 19. Người ta đã lấy tên ông đặt cho một dòng hải lưu ở vùng biển phía tây của Nam Mỹ (Humboldt Current).

Có lần ông Humboldt nói: “Từ lúc còn rất trẻ, tôi đã mơ ước được đi đến những vùng đất xa xôi, những nơi mà người Châu Âu ít khi đặt chân tới”. Ông cho biết đó là lúc “lòng [ông] bừng lên những niềm đam mê mãnh liệt không thể cưỡng lại được”. Đến năm 29 tuổi, ông tham gia một cuộc thám hiểm kéo dài 5 năm đến vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ. Với những kiến thức thu thập được, ông viết một bộ sách dài 30 tập về chuyến đi ấy.

Mọi thứ đều thu hút sự chú ý của ông Humboldt, từ nhiệt độ dưới đại dương, những loài cá, đến các loài cây cỏ ông thấy trong chuyến đi. Ông trèo đèo, lội suối, dong thuyền vượt đại dương. Công trình nghiên cứu của ông đặt nền tảng cho nhiều bộ môn khoa học hiện đại. Tất cả đều xuất phát từ lòng ham thích tìm tòi của ông, và niềm đam mê hiểu biết ấy đã theo ông suốt đời. Theo lời của nhà văn người Mỹ là Ralph Waldo Emerson, “ông Humboldt là một thiên tài. . . xuất hiện để cho chúng ta thấy trí óc con người có khả năng mạnh mẽ và phong phú đến mức nào”.

Một lĩnh vực đáng để tìm tòi

Dĩ nhiên ít có ai trong chúng ta được trở thành những nhà thám hiểm hoặc có khả năng đóng góp cho khoa học. Tuy nhiên, có một lĩnh vực chúng ta có thể bỏ công sức để tìm hiểu. Việc làm đó sẽ mang lại cho chúng ta lợi ích không gì sánh bằng. Qua lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Cha trên trời, chúng ta biết mình nên tìm hiểu về lĩnh vực nào. Ngài nói: “Sự sống vĩnh phúc chính là nhận biết Cha là Đức Chúa Trời chân thật duy nhất và Chúa Cứu Thế Giê-su mà Cha sai đến”.—Giăng 17:3, Bản Dịch Mới.

Thật vậy, đối với những người ham hiểu biết, không gì mang lại thỏa nguyện bằng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời thật có danh là Giê-hô-va và con Ngài là Chúa Giê-su. Chẳng hạn, hãy nhớ lại những câu hỏi về nguồn gốc sự sống được nêu ở đầu bài. Bên cạnh đó, còn có những câu hỏi sau đây: Tại sao có quá nhiều đau khổ trên thế giới? Trái đất có bị con người tàn phá, thậm chí hủy diệt không? Đức Chúa Trời sẽ làm gì để nhân loại không phải gánh chịu kết cuộc đó? Lời giải đáp cho những câu hỏi này không những thỏa mãn trí tò mò của chúng ta mà còn mang lại “sự sống vĩnh phúc”, như Chúa Giê-su đã nói. Tại sao chúng ta tin chắc vào viễn cảnh ấy?

Lý do là vì viễn cảnh này được ghi trong Kinh Thánh, là Lời của chính Đức Chúa Trời soi dẫn. Ông Phao-lô, một sứ đồ của Chúa Giê-su, đã khẳng định: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

Hãy nghĩ xem, sứ đồ Phao-lô nói rằng Kinh Thánh có thể trang bị những kiến thức giúp chúng ta làm việc lành. Nhờ Kinh Thánh, chúng ta biết cách nhìn mọi việc theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Còn ai hiểu biết và khôn ngoan bằng Ngài? Nhà tiên tri Ê-sai được Ngài hướng dẫn để viết những lời sâu sắc như sau: “Đức Giê-hô-va phán: Ý-tưởng ta chẳng phải ý-tưởng các ngươi, đường-lối các ngươi chẳng phải đường-lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”.—Ê-sai 55:8, 9.

Bạn có muốn tìm hiểu các đường lối và ý tưởng cao siêu của Đức Chúa Trời không? Bạn có tò mò muốn xem Kinh Thánh nói gì về điều đó không? Bạn có háo hức muốn biết Đức Chúa Trời sẽ làm gì để chấm dứt mọi đau khổ và sẽ ban ân phước nào cho những người biết vâng lời Ngài không? Nếu có, lời mời sau đây trong Kinh Thánh dành cho bạn: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao! Phước cho người nào nương-náu mình nơi Ngài!”.—Thi-thiên 34:8.

Cảm xúc của một người có lòng thành khi tìm ra chân lý trong Kinh Thánh giống như cảm xúc của một người lần đầu tiên được thấy ánh sáng. Sứ đồ Phao-lô cũng từng thốt lên: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33). Quả vậy, sự thông biết và khôn ngoan của Đức Chúa Trời vô hạn đến nỗi chúng ta phải có đời sống vô tận mới hiểu được. Vì thế, trước mắt chúng ta là viễn cảnh thật tuyệt vời: một đời sống không bao giờ nhàm chán và luôn có điều mới lạ để tìm tòi học hỏi.

Hãy phát huy lòng ham thích tìm tòi!

Đa số chúng ta sẽ không bao giờ trở thành những nhà thám hiểm hay nhà phát minh nổi tiếng. Và có lẽ trong một đời người, chúng ta cũng không thể nào tìm hiểu hết những thứ mà mình muốn. Dù vậy, đừng để mất đi lòng ham thích tìm tòi. Hãy phát huy lòng ham thích học hỏi mà Đức Chúa Trời đã yêu thương ban cho bạn.

Hãy tận dụng khả năng tuyệt vời này và đạt đến sự hiểu biết chính xác về những gì Đức Chúa Trời dạy dỗ qua Lời Ngài là Kinh Thánh. Nếu làm thế, bạn sẽ có được đời sống thú vị cũng như đầy ý nghĩa ngay bây giờ, và có thể trông mong tiếp tục tìm tòi học hỏi cho đến muôn đời. Thật vậy, Kinh Thánh nói: “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt-lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được”.—Truyền-đạo 3:11.

[Khung/​Các hình nơi trang 21]

Bạn có biết không?

• Hàng thế kỷ trước khi hình dạng trái đất được xác định nhờ ông Columbus và Magellan, Kinh Thánh đã cho biết trái đất hình cầu chứ không bằng phẳng.—Ê-sai 40:22.

• Từ rất lâu trước khi các phi hành gia nhìn thấy quả địa cầu lơ lửng trên không trung, Kinh Thánh đã cho biết rằng trái đất lơ lửng trong không gian.—Gióp 26:7.

• Cảm xúc có thể tác động đến sức khỏe, Kinh Thánh đã cho biết điều này từ hàng ngàn năm trước khi những nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về mối tương quan ấy.—Châm-ngôn 14:30.

• Cách đây khoảng 3.000 năm, Kinh Thánh đã miêu tả một cách đơn giản chu trình của nước trong hệ sinh thái, hệ thống tối cần để duy trì sự sống.—Truyền-đạo 1:7.

Bạn không ngạc nhiên sao khi thấy những sự kiện khoa học nói trên đã được Kinh Thánh đề cập từ rất lâu trước khi con người khám phá ra? Thật vậy, Kinh Thánh là kho tàng kiến thức không thể thiếu trong đời sống và đang chờ đợi bạn khám phá.

[Hình nơi trang 19]

Alexander von Humboldt