Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chấm dứt chiến tranh

Chấm dứt chiến tranh

Chấm dứt chiến tranh

‘Chúng em chỉ mới 12 tuổi. Chúng em không thể gây ảnh hưởng đến chính trị và chiến tranh, nhưng chúng em muốn sống! Chúng em chờ đợi hòa bình. Liệu chúng em sẽ sống để thấy điều đó không?’—Các trẻ em lớp năm

‘Chúng em muốn đi học, đến thăm bạn bè và gia đình mà không sợ bị bắt cóc. Em hy vọng chính phủ sẽ lắng nghe. Chúng em muốn có đời sống tốt hơn. Chúng em muốn có hòa bình’.—Alhaji, 14 tuổi

NHỮNG lời cảm động này nói lên niềm hy vọng chân thành của những người trẻ đã nhiều năm đau khổ vì sự xung đột trong nước. Họ chỉ mong muốn có được một cuộc sống bình thường. Nhưng biến hy vọng thành sự thật không phải là việc dễ làm. Chúng ta sẽ sống để thấy một thế giới hết chiến tranh không?

Trong những năm gần đây, đã có những nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết một số nội chiến bằng cách gây sức ép để hai phe đối lập ký hòa ước. Một số quốc gia đã gửi lực lượng gìn giữ hòa bình để thi hành những hiệp định như thế. Nhưng chỉ một ít quốc gia có tiền hoặc mong muốn giám sát những nước xa xôi nơi mà sự thù ghét và nghi ngờ đã ăn sâu khiến bất cứ hiệp định nào giữa các phe đấu tranh cũng rất mỏng manh. Điều không phải hiếm khi xảy ra là ngọn lửa xung đột lại bùng lên chỉ vài tuần hay vài tháng sau khi lệnh ngừng bắn được ký kết. Như Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm cho thấy, “khó mà thực hiện được hòa bình khi chiến sĩ có ý muốn và khả năng để tiếp tục chiến đấu”.

Đồng thời, những xung đột rắc rối này gieo họa biết bao nơi trên trái đất khiến tín đồ Đấng Christ nhớ đến một lời tiên tri trong Kinh Thánh. Sách Khải-huyền nói về một thời kỳ bước ngoặt trong lịch sử khi người cưỡi ngựa tượng trưng sẽ “cất lấy cuộc hòa-bình khỏi thế-gian”. (Khải-huyền 6:4) Hình ảnh về chiến tranh liên tục này là một phần của điềm tổng hợp cho thấy chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ được Kinh Thánh miêu tả là “ngày sau-rốt”. * (2 Ti-mô-thê 3:1) Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta rằng những ngày cuối cùng này là sự kiện mở đầu cho hòa bình.

Nơi Thi-thiên 46:9 Kinh Thánh giải thích rằng hòa bình thật sự đòi hỏi chiến tranh phải chấm dứt, không chỉ trong một vùng mà ở mọi nơi trên đất. Hơn nữa, câu Thi-thiên này cũng nói rõ sự hủy diệt các vũ khí thường thấy trong thời Kinh Thánh—cung và giáo. Vũ khí đang gia tăng ngày nay cũng phải bị hủy diệt thì loài người mới có thể sống trong hòa bình.

Thế nhưng cuối cùng điều thổi bừng ngọn lửa chiến tranh chính là lòng thù hận và tham lam chứ không phải súng đạn. Sự thèm muốn tức tham lam là nguyên nhân cơ bản của chiến tranh, và lòng căm thù thường dẫn đến sự hung bạo. Để trừ tiệt những cảm xúc tai hại này, người ta cần phải thay đổi lối suy nghĩ. Họ cần được giáo dục về cách sống hòa bình. Vì vậy, nhà tiên tri xưa là Ê-sai nói một cách thực tế rằng chiến tranh chỉ ngừng khi người ta “chẳng còn tập sự chiến-tranh” nữa.—Ê-sai 2:4.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới dạy người lớn và trẻ em về vinh quang của chiến tranh chứ không dạy giá trị của hòa bình. Điều đáng buồn là ngay cả trẻ em cũng đang được huấn luyện để giết người.

Chúng học cách giết người

Năm 14 tuổi, Alhaji đã trở thành lính giải ngũ. Em chỉ được mười tuổi khi bị quân nổi loạn bắt và huấn luyện để chiến đấu bằng súng trường AK-47. Sau khi bị cưỡng bách đi lính, em đi cướp đồ ăn và thiêu hủy nhà cửa. Em cũng giết người và gây thương tật cho người ta. Ngày nay, Alhaji thấy khó quên được chiến tranh và thích nghi với đời sống thường dân. Abraham, một lính trẻ em khác, cũng đã học cách giết người và miễn cưỡng nộp vũ khí của mình. Em nói: “Nếu họ bảo tôi đi nơi khác mà không có súng, tôi không biết sẽ làm gì, làm sao sinh sống”.

Có hơn 300.000 lính trẻ em—cả trai lẫn gái—vẫn đang chiến đấu và chết trong những cuộc nội loạn không ngừng gây đau khổ trên đất. Một người cầm đầu cuộc phiến loạn giải thích: “Chúng tuân theo lệnh; chúng không nghĩ đến việc trở về với vợ hay gia đình; và chúng không biết sợ”. Thế nhưng, những trẻ em này muốn và đáng được đời sống tốt hơn.

Trong những nước phát triển, người ta khó có thể hình dung được hoàn cảnh kinh khủng của người lính trẻ em. Dù vậy, nhiều trẻ em Tây Phương đang tập tành chiến tranh ngay trong nhà mình. Như thế nào?

Thí dụ hãy xem trường hợp của José ở miền đông nam Tây Ban Nha. Em là một thanh niên thích tập võ. Em rất hãnh diện về thanh gươm samurai mà cha đã mua cho em làm quà Giáng Sinh. Và em say mê những trò chơi video, nhất là những trò bạo động. Vào ngày 1-4-2000, em bắt chước hành động hung hăng của một nhân vật anh hùng trong video. Trong một cơn múa may điên cuồng, em giết cha, mẹ và em gái mình bằng thanh gươm cha đã cho em. Em giải thích với cảnh sát: “Tôi chỉ muốn ở một mình trên thế gian này; tôi không muốn cha mẹ đi tìm tôi”.

Bình luận về ảnh hưởng của sự giải trí hung bạo, tác giả kiêm sĩ quan Dave Grossman ghi: “Chúng ta đang tiến đến giai đoạn chai cứng khiến việc gây tổn thương đau đớn trở thành một nguồn giải trí: cảm thấy vui thú thay vì kinh tởm. Chúng ta đang học cách giết người, và sự thích thú làm điều đó”.

Cả Alhaji và José đều học cách giết người. Cả hai đều không có ý định trở thành kẻ sát nhân, nhưng lối suy nghĩ của họ đã bị hư hỏng vì một sự tập luyện nào đó. Sự tập tành như thế—dù là trẻ em hay người lớn—cũng gieo mầm mống của sự hung bạo và chiến tranh.

Học tập hòa bình thay vì chiến tranh

Không thể nào có được hòa bình lâu dài khi người ta đang học tập chém giết. Cách đây nhiều thế kỷ, nhà tiên tri Ê-sai viết: “Ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn [của Đức Chúa Trời]! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”. (Ê-sai 48:17, 18) Khi có sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời và học cách yêu thích luật pháp Ngài, người ta sẽ kinh tởm sự hung bạo và chiến tranh. Ngay bây giờ, cha mẹ có thể lo sao để những trò chơi của con cái không khuyến khích tính hung bạo. Người lớn cũng có thể học cách vượt qua sự thù ghét và tham lam. Qua nhiều kinh nghiệm, Nhân Chứng Giê-hô-va đã nhận thấy rằng Lời Đức Chúa Trời có quyền lực biến đổi nhân cách.—Hê-bơ-rơ 4:12.

Hãy xem trường hợp của Hortêncio. Anh là một thanh niên khi bị bắt đi lính. Sự huấn luyện quân sự nhằm vào mục đích “làm chúng tôi thấm sâu ý muốn giết người và không còn biết sợ chém giết”, anh giải thích. Anh chiến đấu trong một cuộc nội chiến kéo dài ở Phi Châu. Anh thừa nhận: “Chiến tranh làm ảnh hưởng đến cá tính tôi. Ngay cả ngày nay tôi vẫn nhớ mọi điều mình đã làm. Tôi rất ân hận về những gì tôi bị bắt phải làm”.

Khi một người bạn cùng đi lính nói với Hortêncio về Kinh Thánh, điều đó tác động đến lòng của anh. Lời Đức Chúa Trời hứa nơi Thi-thiên 46:9 là sẽ chấm dứt mọi hình thức chiến tranh, đã làm anh cảm kích. Càng học hỏi Kinh Thánh, anh càng ít muốn chiến đấu. Chẳng bao lâu, anh và hai người bạn bị đuổi ra khỏi quân đội, và họ dâng đời sống mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. “Lẽ thật Kinh Thánh giúp tôi biết yêu thương kẻ thù”, anh Hortêncio giải thích. “Tôi nhận thức rằng khi chinh chiến, tôi quả thật đang phạm tội với Đức Giê-hô-va, vì Đức Chúa Trời nói rằng chúng ta chớ giết người đồng loại. Để thể hiện tình yêu thương đó, tôi phải thay đổi lối suy nghĩ và không xem người ta là kẻ thù”.

Những kinh nghiệm có thật đó cho thấy sự giáo dục về Kinh Thánh quả thật đẩy mạnh hòa bình. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều này. Nhà tiên tri Ê-sai nói rằng sự giáo dục của Đức Chúa Trời liên quan trực tiếp đến hòa bình. Ông báo trước: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn”. (Ê-sai 54:13, chúng tôi viết nghiêng). Nhà tiên tri này cũng thấy trước thời kỳ dân của mọi nước kéo đến sự thờ phượng thật của Giê-hô-va Đức Chúa Trời để học biết về đường lối Ngài. Kết quả là gì? “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”.—Ê-sai 2:2-4, chúng tôi viết nghiêng.

Phù hợp với lời tiên tri đó, Nhân Chứng Giê-hô-va tham gia vào một công việc giáo dục trên khắp thế giới mà tới nay đã giúp hàng triệu người vượt qua được sự thù ghét, là căn nguyên của chiến tranh giữa con người.

Một sự bảo đảm về hòa bình thế giới

Ngoài việc cung cấp sự giáo dục, Đức Chúa Trời cũng đã thành lập một chính phủ, tức một “nước”, có thể bảo đảm hòa bình. Điều có ý nghĩa đặc biệt là Kinh Thánh miêu tả Đấng Cai Trị do Đức Chúa Trời chọn, tức Chúa Giê-su Christ, là “Chúa Bình-an”. Kinh Thánh cũng cam đoan thêm rằng “quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi”.—Ê-sai 9:5, 6.

Chúng ta có gì bảo đảm rằng sự cai trị của Đấng Christ sẽ loại trừ được mọi chiến tranh? Nhà tiên tri Ê-sai nói thêm: “Thật, lòng sốt-sắng của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy!” (Ê-sai 9:6) Đức Chúa Trời có ý định và khả năng duy trì hòa bình lâu bền. Chúa Giê-su hoàn toàn tin cậy vào lời hứa này. Đó là lý do tại sao ngài dạy môn đồ cầu nguyện cho Nước Trời đến và cho ý Đức Chúa Trời được thành tựu. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Khi lời cầu xin chân thành đó cuối cùng được nhậm, chiến tranh sẽ không còn bao giờ gây tai họa trên đất nữa.

[Chú thích]

^ đ. 6 Muốn xem xét bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng, xem chương 11 của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 7]

Sự giáo dục về Kinh Thánh đẩy mạnh hòa bình thật