Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ đã khám phá được gì tại Gít-rê-ên?

Họ đã khám phá được gì tại Gít-rê-ên?

Họ đã khám phá được gì tại Gít-rê-ên?

TRONG nhiều thế kỷ, địa điểm thành Gít-rê-ên cổ đã bị hoang vu. Một thời thành ấy từng nổi tiếng trong lịch sử Kinh Thánh. Hiện nay, bị tước mất sự vinh quang trước đây và bị phủ kín bởi nhiều lớp đất, thành này chỉ còn là một ụ đất. Trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ đã bắt đầu khảo sát những di tích của thành Gít-rê-ên. Những di tích này tiết lộ điều gì về những lời tường thuật trong Kinh Thánh?

Gít-rê-ên trong Kinh Thánh

Ở về phía đông của Thung Lũng Gít-rê-ên, nên Gít-rê-ên đã từng nằm trong vùng phì nhiêu hơn của đất Y-sơ-ra-ên xưa. Đi thẳng ngang trũng về phía bắc là ngọn đồi Mô-rê nơi mà dân Ma-đi-an đóng trại trong khi chuẩn bị tấn công Quan Xét Ghê-đê-ôn và đội quân của ông. Chếch về phía đông một chút, tại chân Núi Ghinh-bô-a, là suối Ha-rốt. Chính tại nơi đây Đức Giê-hô-va đã cắt giảm quân đội của Ghê-đê-ôn đông đến hàng ngàn người chỉ còn lại vỏn vẹn 300 người để chứng minh khả năng giải cứu dân sự Ngài mà không cần đến quân lực hùng mạnh. (Các Quan Xét 7:1-25; Xa-cha-ri 4:6) Trên núi Ghinh-bô-a gần đấy, Sau-lơ, vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, trong một trận chiến quyết liệt, đã bị dân Phi-li-tin đánh bại; Giô-na-than và hai con trai khác của Sau-lơ bị giết, còn Sau-lơ thì tự sát.—1 Sa-mu-ên 31:1-5.

Những câu Kinh Thánh nói đến thành Gít-rê-ên xưa cung cấp những sự tương phản nổi bật. Những câu này nói về sự lạm dụng quyền hành và sự bội đạo của các nhà cai trị Y-sơ-ra-ên và cũng nói về sự trung thành và sốt sắng của các tôi tớ Đức Giê-hô-va. Chính tại Gít-rê-ên, Vua A-háp—người cai trị nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái phương bắc trong hậu bán thế kỷ thứ 10 TCN—đã lập hoàng cung của ông, mặc dù thủ đô chính thức là Sa-ma-ri. (1 Các Vua 21:1) Tại Gít-rê-ên, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va là Ê-li bị Giê-sa-bên, người vợ ngoại quốc của A-háp, đe dọa giết ông. Bà nổi giận vì Ê-li đã dạn dĩ hành quyết các tiên tri của Ba-anh sau cuộc thi thố cho biết ai là Đức Chúa Trời thật mà Ê-li đã thực hiện trên Núi Cạt-mên.—1 Các Vua 18:36–19:2.

Sau đó tại Gít-rê-ên đã xảy ra tội ác. Na-bốt, người Gít-rê-ên, bị giết. Vua A-háp ham muốn vườn nho của Na-bốt. Khi vua đòi lấy đất, Na-bốt trung thành đáp: “Nguyện Đức Giê-hô-va giữ lấy tôi, chớ để tôi nhường cho vua cơ-nghiệp của tổ-phụ tôi!” Câu trả lời theo nguyên tắc này khiến A-háp rất tức giận. Thấy thái độ buồn rầu của vua, Hoàng Hậu Giê-sa-bên sắp đặt một phiên xử giả buộc cho Na-bốt tội phạm thượng. Người vô tội Na-bốt bị kết án và bị ném đá chết và vua chiếm vườn nho của ông.—1 Các Vua 21:1-16.

Vì việc làm ác này, Ê-li đã tiên tri: “Chó sẽ ăn thịt Giê-sa-bên tại thành-lũy Gít-rê-ên”. Nhà tiên tri tuyên bố thêm: “Phàm người thuộc về nhà A-háp, kẻ nào chết tại trong thành sẽ bị chó ăn... Quả thật, chẳng có ai giống như A-háp, buông mình làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, vì bị hoàng-hậu Giê-sa-bên xui-giục người”. Tuy nhiên, vì A-háp tự hạ mình xuống khi Ê-li tuyên bố sự phán xét đó, Đức Giê-hô-va phán rằng hình phạt này không thi hành trong đời A-háp. (1 Các Vua 21:23-29) Lời tường thuật Kinh Thánh kể tiếp rằng trong thời người nối nghiệp Ê-li, tức Ê-li-sê, Giê-hu được xức dầu làm vua Y-sơ-ra-ên. Khi cưỡi ngựa vào Gít-rê-ên, Giê-hu ra lệnh ném Giê-sa-bên ra khỏi cửa sổ cung điện, và bà bị giày đạp dưới chân ngựa. Sau đó, người ta thấy những con chó ăn thịt chỉ để lại cái sọ, hai bàn chân và lòng bàn tay mụ mà thôi. (2 Các Vua 9:30-37) Biến cố cuối cùng trong Kinh Thánh liên hệ trực tiếp đến Gít-rê-ên xảy ra sau sự hành hình 70 con trai nhà A-háp. Giê-hu chất đầu lâu của chúng thành hai đống lớn tại cửa thành Gít-rê-ên, sau đó ông giết luôn các đại thần và các thầy tế lễ liên hệ với triều đại A-háp bội đạo.—2 Các Vua 10:6-11.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gì?

Vào năm 1990, một kế hoạch phối hợp để khai quật thành Gít-rê-ên bắt đầu. Tham gia kế hoạch này là Viện Khảo Cổ của Trường Đại Học Tel Aviv (do David Ussishkin đại diện) và Trường Khảo Cổ Anh Quốc tại Giê-ru-sa-lem (do John Woodhead đại diện). Trong bảy giai đoạn (mỗi giai đoạn dài sáu tuần), từ 80 đến 100 người tình nguyện làm việc tại khu khai quật suốt các năm 1990-1996.

Phương pháp khảo cổ hiện đại là khảo sát chứng cớ riêng của mỗi khu khai quật, không cần tham chiếu những ý tưởng và lý thuyết định kiến. Do đó, đối với nhà khảo cổ nghiên cứu các vùng đất nói đến trong Kinh Thánh, sự tường thuật trong Kinh Thánh không phải là ý kiến chung cuộc về đề tài này. Tất cả những nguồn khác và chứng cớ vật chất phải được cứu xét và cân nhắc cẩn thận. Tuy nhiên, như John Woodhead kể lại, không có chứng cớ xưa nào bằng văn bản liên quan đến Gít-rê-ên ngoài một ít chương trong Kinh Thánh. Vậy bất cứ sự điều tra nào cũng cần tới niên đại học và các lời tường thuật của Kinh Thánh. Những nỗ lực của các nhà khảo cổ tiết lộ điều gì?

Khi khai quật các đồn lũy và đồ gốm lên, ngay từ ban đầu rõ ràng là những di tích xưa tận Thời Kỳ Đồ Sắt, chính xác đặt chúng vào giai đoạn Gít-rê-ên trong Kinh Thánh. Nhưng khi tiếp tục khai quật, lại có một số bất ngờ. Đầu tiên là kích thước của địa điểm và các đồn lũy đồ sộ của thành. Những nhà khảo cổ chờ đợi một vị trí với những đồn lũy có thể so sánh với những đồn lũy của Sa-ma-ri xưa, thủ đô nước Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, khi tiếp tục đào, người ta lại thấy rõ rằng Gít-rê-ên còn đồ sộ hơn nhiều. Khu đất dọc theo tường thành dài 300 mét và rộng 150 mét, nên tổng diện tích bên trong các đồn lũy của thành rộng gấp ba lần diện tích của bất cứ thành nào khác được khám phá tại Y-sơ-ra-ên vào thời đó. Bao quanh thành là một thông hào cạn nước, tạo thành hố sâu 11 mét tính từ đồn lũy. Theo Giáo Sư Ussishkin, cái thông hào này là một khía cạnh chưa từng thấy trong thời Kinh Thánh. Ông nói: “Chúng tôi không tìm thấy một cái nào khác nữa giống như cái này ở Y-sơ-ra-ên cho tới thời kỳ Thập Tự Quân”.

Một khía cạnh bất ngờ khác nữa là không có những cấu trúc đồ sộ ở giữa thành. Những số lượng lớn đất màu nâu đỏ được đem vào trong khi xây dựng thành đã được dùng để tạo thành mặt bằng nhô cao—một kiểu bậc thềm rộng, cao hơn mặt đất—bên trong hàng rào bao quanh. Bản Báo cáo sơ khởi thứ hai về những khai quật tại Tel Jezreel dẫn giải rằng bậc thềm nổi bật này có thể là bằng chứng Gít-rê-ên không đơn thuần chỉ là hoàng cung. Bản báo cáo cho biết: “Chúng tôi muốn nêu lên một khả năng là Gít-rê-ên đã từng là căn cứ quân sự trung ương cho quân đội hoàng gia Y-sơ-ra-ên dưới triều Ôm-ri [Ôm-ri và các con cháu ông]... Nơi đây tàng trữ và huấn luyện chiến xa và kỵ binh”. Dựa theo kích thước của bậc thềm cao này, cũng như của hàng rào, ông Woodhead suy đoán rằng đây có thể là một kiểu sân duyệt binh để phô trương sức mạnh quân sự của lực lượng lớn nhất về chiến xa tại Trung Đông thời đó.

Những di tích cổng thành đào lên từ dưới đất là một khía cạnh các nhà khảo cổ đặc biệt chú ý. Chúng cho thấy lối vào của một cổng có ít nhất bốn phòng. Tuy nhiên, vì nhiều phiến đá tại đây đã bị đánh cắp trải qua nhiều thế kỷ nên những vật tìm thấy không đưa đến kết luận gì. Ông Woodhead chủ trương là những di tích cho thấy một cái cổng sáu phòng có kích thước tương tự với các cổng tìm thấy tại Mê-ghi-đô, Hát-so, Ghê-xe. *

Những sự tìm thấy về khảo cổ cho thấy sự tồn tại ngắn ngủi một cách đáng ngạc nhiên về một thành có vị thế rất lý tưởng, cả về mặt quân sự lẫn địa lý. Ông Woodhead nhấn mạnh rằng với tính cách một thành trì rất kiên cố, Gít-rê-ên là địa thế nhất thời—chỉ tồn tại trong một vài thập niên. Nơi này tương phản hoàn toàn với nhiều địa thế then chốt khác trong Kinh Thánh, như Mê-ghi-đô, Hát-so và thủ đô Sa-ma-ri, nhiều lần được xây lại, mở rộng, có dân cư trong suốt nhiều thời kỳ. Tại sao địa thế lý tưởng này lại suy tàn nhanh như thế? Ông Woodhead phỏng đoán rằng A-háp và triều đại của ông hầu như đã làm cho nền kinh tế sụp đổ vì họ phung phí tài nguyên của quốc gia. Kích thước và lực lượng quá đáng của Gít-rê-ên là bằng chứng cho điều này. Chế độ mới dưới quyền Giê-hu rất có thể muốn dẹp đi kỷ niệm về A-háp và vì thế bỏ phế thành này.

Tất cả những chứng cớ khai quật cho đến nay xác nhận rằng địa thế của Gít-rê-ên là một trung tâm chính của Y-sơ-ra-ên trong Thời Kỳ Đồ Sắt. Kích thước và đồn lũy của nơi này phù hợp với sự mô tả trong Kinh Thánh, nói rằng đây là hoàng cung nổi tiếng dành cho A-háp và Giê-sa-bên. Những dấu hiệu là thành này chỉ có người ở một thời gian ngắn trong giai đoạn này đồng ý với lời tường thuật của Kinh Thánh về thành: Nó nhanh chóng nổi tiếng trong triều đại A-háp và rồi, theo lệnh của Đức Giê-hô-va, dường như bị hạ một cách nhục nhã khi Giê-hu “giết hết thảy những người còn sót lại trong nhà A-háp ở Gít-rê-ên, luôn các đại-thần, các bạn-hữu thiết, và những thầy cả của người, chẳng để còn lại một ai hết”.—2 Các Vua 10:11.

Niên đại học về Gít-rê-ên

John Woodhead công nhận: “Khảo cổ học cũng khó tìm được điểm tựa chính xác để định ngày tháng”. Vì vậy khi các nhà khảo cổ nghiên cứu các kết quả của bảy năm khai quật, họ so sánh với những gì tìm thấy ở những địa điểm khảo cổ khác. Điều này dẫn đến việc định lại giá trị và tranh luận. Tại sao? Bởi vì kể từ khi Yigael Yadin, nhà khảo cổ người Do Thái, đã có những cuộc khai quật tại Mê-ghi-đô trong suốt thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, nhiều người trong giới khảo cổ xác nhận là ông đã khám phá được các đồn lũy và các cổng thành có từ thời Vua Sa-lô-môn. Hiện nay, các đồn lũy, đồ gốm, và các cổng tìm thấy tại Gít-rê-ên đang khiến cho một số người thắc mắc về những kết luận này.

Chẳng hạn, đồ gốm tìm thấy tại Gít-rê-ên giống hệt với đồ gốm của lớp địa tầng tại Mê-ghi-đô mà Yadin đã liên kết với triều đại Sa-lô-môn. Cấu trúc và kích thước của cái cổng tại hai địa thế tương tự nhau, nếu không muốn nói là giống hệt nhau. Woodhead nói: “Tất cả các bằng chứng cho thấy một trong hai trường hợp: hoặc địa thế Gít-rê-ên có vào thời Sa-lô-môn hoặc các vật tìm thấy ở các địa thế khác [Mê-ghi-đô và Hát-so] có niên đại thời A-háp”. Vì Kinh Thánh liên kết rõ ràng địa thế Gít-rê-ên với thời A-háp, ông cho là việc chấp nhận rằng những gì trong các lớp địa tầng phản ảnh thời gian cai trị của A-háp là điều hợp lý hơn. David Ussishkin tán thành: “Kinh Thánh nói rằng Sa-lô-môn xây Mê-ghi-đô—Kinh Thánh không nói chính ông xây các cổng đó”.

Có thể biết lịch sử Gít-rê-ên không?

Những điều khám phá về khảo cổ và việc tranh luận về vấn đề này có gieo sự nghi ngờ đối với lời tường thuật của Kinh Thánh về Gít-rê-ên hoặc Sa-lô-môn không? Thực ra, việc tranh luận về khảo cổ ít có tương quan trực tiếp đến lời tường thuật trong Kinh Thánh. Ngành khảo cổ học xem xét lịch sử dựa trên căn bản khác với cơ sở của lời tường thuật trong Kinh Thánh. Nó đặt ra những vấn đề khác và nhấn mạnh những điều khác. Chúng ta có thể so sánh học viên Kinh Thánh và nhà khảo cổ với các du khách đi trên những con đường tương đối song song. Một du khách thì đang lái xe trên đường, còn người kia thì đang đi bộ bên lề đường. Họ tập trung và quan tâm đến những điều khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của họ thường bổ sung cho nhau thay vì trái nghịch nhau. So sánh cảm tưởng của hai du khách có thể dẫn đến những sự thông hiểu thú vị.

Kinh Thánh có ghi lại các biến cố và các người thời xưa; ngành khảo cổ cố gắng tìm lại thông tin về các biến cố và các người này bằng cách xem xét bất cứ vết tích liên hệ nào có thể được tìm thấy vẫn còn lại trong đất. Tuy nhiên, thường thường các di tích rất thiếu sót và khiến cho người ta biện giải đủ cách. Về bình diện này, trong sách Archaeology of the Land of the Bible—10,000–586 B.C.E., Amihai Mazar bình luận: “Công việc của lãnh vực khảo cổ... phần lớn là một nghệ thuật cũng như là sự phối hợp kỹ năng đào tạo và chuyên nghiệp. Không phương pháp cứng rắn nào có thể đảm bảo sự thành công, và tính linh động cũng như ý tưởng sáng tạo của các giám đốc trong ngành thì bắt buộc phải có. Bản tính, tài năng, và lẽ thường của nhà khảo cổ không kém phần quan trọng hơn so với cách đào tạo và tài nguyên sẵn có cho ông”.

Ngành khảo cổ đã xác nhận sự tồn tại của một trung tâm hoàng gia và quân sự quan trọng tại Gít-rê-ên, một trung tâm đã tồn tại trong thời gian hết sức ngắn ngủi trong giai đoạn lịch sử trùng với triều đại A-háp—y như Kinh Thánh kể lại. Có nhiều câu hỏi thích thú khác đã được nêu lên mà các nhà khảo cổ có thể nghiên cứu thêm nhiều năm nữa. Tuy nhiên, những trang sách của Lời Đức Chúa Trời, cuốn Kinh Thánh, tiếp tục nói rõ ràng, cung cấp cho chúng ta lời tường thuật đầy đủ theo cách mà các nhà khảo cổ không thể nào làm được.

[Chú thích]

^ đ. 13 Xem bài “The Mystery of the Gates” trong Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 15-8-1988.

[Các hình nơi trang 26]

Những khai quật tại Gít-rê-ên

[Hình nơi trang 28]

Tượng thần của người Ca-na-an tìm thấy tại Gít-rê-ên