Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Trọn bộ New World Translation of the Holy Scriptures (Kinh Thánh Thế Giới Mới) đã được phát hành trong 43 thứ tiếng và 3 hệ thống chữ Braille cho người mù. Ngoài ra, bản Kinh Thánh Thế Giới Mới phần tiếng Hy Lạp xuất bản trong 18 thứ tiếng khác và 1 hệ thống chữ Braille. Tính đến tháng 7 năm 2007, tổng số cuốn được in là 143.458.577.

Văn bản được gọi là “Lời chúc phước của các thầy tế lễ” ghi nơi Dân-số Ký 6:24-26, là văn bản Kinh Thánh xưa nhất hiện nay. Văn bản đó được khắc trên hai miếng bùa hộ mạng bằng bạc, cuốn lại như cuộn giấy, thuộc niên đại cuối thế kỷ thứ bảy hoặc đầu thế kỷ thứ sáu TCN.—BIBLICAL ARCHAEOLOGY REVIEW, HOA KỲ.

Tính đến ngày 31-12-2006, số ngôn ngữ và phương ngữ mà ít nhất một sách trong Kinh Thánh đã đăng ký xuất bản là 2.426—tăng 23 ngôn ngữ so với năm trước.—UNITED BIBLE SOCIETIES, ANH.

Khoảng 28% người Mỹ xem Kinh Thánh “thật sự là lời Đức Chúa Trời. . . phải hiểu theo nghĩa đen”, 49% xem là “lời soi dẫn của Đức Chúa Trời nhưng không nên hiểu tất cả mọi điều trong đó theo nghĩa đen”, và 19% xem đó là “quyển sách ghi lại các truyền thuyết”.—GALLUP NEWS SERVICE, HOA KỲ.

Kinh Thánh xưa nhất bằng tiếng Hoa?

Theo học giả Yiyi Chen thuộc Đại học Bắc Kinh, “tài liệu xưa nhất về bản dịch tiếng Hoa của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được tìm thấy trên một bia đá [trái] có niên đại 781 CN”. Bia đá do nhóm Nestorian Christians dựng lên, đã được tìm thấy tại thành phố Xi’an (Tràng An) vào năm 1625. Ông Chen giải thích: “Tên bia này bằng tiếng Hoa được chính thức dịch là ‘Kỷ niệm việc truyền bá quang minh đạo ở Trung Quốc, tôn giáo từ Daqin’ ( . . . Daqin là từ tiếng Hoa chỉ Đế quốc La Mã)”. Ông còn cho biết: “Trong số những chữ viết trên bia đá, chúng tôi tìm thấy những từ tiếng Hoa như: ‘chính điển’ và ‘dịch Kinh Thánh’ ”.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 30]

© Réunion des Musées Nationaux/Art Resource

Sách quý trong vũng lầy

Vào năm 2006, khi các công nhân đang đào một bãi than bùn tại Ireland, họ tìm được một sách Thi-thiên, mà người ta cho rằng thuộc niên đại thứ tám CN. Bản viết tay tiếng La-tinh này, một trong số ít bản thời đó còn tồn tại, được xem là vật quý giá. Quyển sách bằng da mịn này dày khoảng 100 trang, còn nguyên bìa và là loại sách cầu kỳ, sang trọng. Tờ The Times của Luân Đôn nói: “Phần còn lại của tấm phủ bên ngoài và túi bọc bằng da cho thấy sách Thi-thiên này đã được giấu, có lẽ để bảo toàn khỏi tay bọn cướp biển Viking 1.200 năm trước”. Tuy các trang dính vào nhau và một phần bị mục nát, các chuyên gia tin rằng họ có thể tách ra và bảo tồn chúng.

Những xe tải đầy sử liệu

Báo cáo ghi rằng khi các nhà khảo cổ sàng đất mà xe tải chở từ khu vực đền thờ Giê-ru-sa-lem, họ đã thu lượm được hàng ngàn cổ vật có niên đại trước thời dân Y-sơ-ra-ên cho đến thời hiện đại. Trong số đó có một đầu mũi tên được sử dụng bởi quân đội Nê-bu-cát-nết-sa, người đã phá hủy đền thờ đầu tiên của dân Do Thái ở địa điểm đó. Phát hiện đáng chú ý nhất là dấu in bằng đất sét thuộc niên đại khoảng thế kỷ thứ bảy hay thứ sáu TCN, trên đó có ghi tên tiếng Hê-bơ-rơ Gedalyahu Ben Immer Ha-Cohen. Theo nhà khảo cổ Gabriel Barkai, chủ nhân của con dấu “có lẽ là người anh hoặc em của Pashur Ben Immer (Pha-su-rơ Y-mê), mà Kinh Thánh [Giê-rê-mi 20:1] gọi là thầy tế lễ và viên chức của đền thờ”.