Đi đến nội dung

“Thể thao mạo hiểm”—Có nên tham gia?

“Thể thao mạo hiểm”—Có nên tham gia?

Quan điểm Kinh Thánh

“Thể thao mạo hiểm”—Có nên tham gia?

“NGÀY CÀNG CÓ NHIỀU NGƯỜI RỜI KHỎI GHẾ KHÁN GIẢ ĐỂ THAM GIA NHỮNG MÔN THỂ THAO MẠO HIỂM NHƯ NHẢY DÙ KHỎI MÁY BAY, LEO NÚI XUỐNG DỐC, CHÈO THUYỀN KAYAK VƯỢT THÁC VÀ LẶN VỚI CÁ MẬP”.—TỜ WILLOW GLEN RESIDENT.

Lời nhận xét này cho thấy một xu hướng mới trong thể thao. Sự phổ biến của các môn thể thao như nhảy dù, leo băng, dù lượn và BASE jumping * cho thấy thế giới đang thiên về đam mê mạo hiểm. Ván trượt tuyết, xe đạp địa hình, ván trượt và giày patin một hàng cũng được người ta dùng để thử sức ở những ngọn núi dốc nhất, vách đá cao nhất và cú nhảy xa nhất. Theo tạp chí Time, sự phổ biến của “thể thao mạo hiểm”, tức những môn thể thao mà người tham gia chấp nhận rủi ro cao, phản ánh thực trạng là hàng triệu người rất muốn chạm “đến bờ vực, nơi mà nguy hiểm, kỹ năng và nỗi sợ sẽ giúp cả những ‘chiến binh cuối tuần’ lẫn các vận động viên chuyên nghiệp cảm thấy được bứt phá khỏi giới hạn của chính mình”.

Tuy nhiên, xu hướng chơi thể thao mạo hiểm gây ra những hậu quả đáng tiếc. Và ngày càng có nhiều người bị thương khi chơi những môn thể thao tương đối an toàn theo cách mạo hiểm. Ở Hoa Kỳ, trong năm 1997, số ca cấp cứu vì bị thương do trượt ván tăng hơn 33%, do trượt tuyết tăng 31% và do leo núi tăng 20%. Với những môn khác, hậu quả còn thảm khốc hơn, vì số người chết do thể thao mạo hiểm ngày càng tăng. Người tham gia ý thức là sẽ có nguy hiểm. Một phụ nữ tham gia trượt tuyết mạo hiểm nói: “Tôi biết mình có thể mất mạng bất cứ lúc nào”. Một vận động viên trượt tuyết kết luận rằng nếu “chưa bị thương thì bạn chưa cố gắng hết sức”.

Vậy tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên có quan điểm nào về những môn thể thao như thế? Kinh Thánh giúp chúng ta ra sao trong việc quyết định có nên tham gia hay không? Khi biết quan điểm của Đức Chúa Trời về sự thánh khiết của sự sống, chúng ta sẽ có lời giải đáp.

Quan điểm của Đức Chúa Trời về sự sống

Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va là “nguồn sự sống” (Thi thiên 36:9). Ngài không chỉ tạo ra con người mà còn chu đáo ban cho chúng ta những điều cần thiết để vui sống (Thi thiên 139:14; Công vụ 14:16, 17; 17:24-28). Vì thế, chắc chắn ngài muốn chúng ta gìn giữ món quà sự sống mà ngài đã yêu thương ban tặng. Chúng ta hiểu điều này khi xem xét luật pháp và các nguyên tắc ngài ban cho nước Y-sơ-ra-ên.

Luật pháp Môi-se đòi hỏi một người phải làm những việc cụ thể để bảo vệ mạng sống của người khác. Nếu không thực hiện điều đó và có người thiệt mạng thì người ấy bị xem là mắc tội đổ máu. Chẳng hạn, Luật pháp đòi hỏi một người phải làm lan can trên sân thượng khi xây nhà. Nếu không, trong trường hợp có người ngã từ trên đó xuống và thiệt mạng thì nhà đó mắc tội đổ máu (Phục truyền luật lệ 22:8). Nếu một con bò đực bất ngờ húc chết một người thì chủ con bò không phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu con bò có tiếng là nguy hiểm và chủ của nó đã được cảnh báo mà vẫn không canh chừng, để nó húc chết người thì chủ bị xem là mắc tội đổ máu và có thể bị xử tử (Xuất Ai Cập 21:28, 29). Vì Đức Giê-hô-va quý sự sống nên ngài ban những luật này để người ta bảo vệ sự sống.

Các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời hiểu rằng những nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc liều lĩnh bất kể rủi ro. Kinh Thánh tường thuật có lần Đa-vít bày tỏ mong ước là “được uống nước từ bể cạnh cổng thành Bết-lê-hem”. Thời đó, Bết-lê-hem ở dưới sự đô hộ của Phi-li-tia. Khi nghe mong ước của Đa-vít, ba người lính của ông đã xông vào trại quân Phi-li-tia, múc nước từ bể cạnh cổng thành Bết-lê-hem rồi mang về cho ông. Đa-vít phản ứng thế nào? Ông không chịu uống mà đổ nó ra trên đất. Ông nói: “Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, tôi chẳng thể uống nước này! Làm sao tôi có thể uống máu của những người đã liều mạng sống mình? Họ đã liều mạng để mang nước về” (1 Sử ký 11:17-19). Đối với Đa-vít, việc liều mạng để thỏa mãn mong ước của một người là điều không thể chấp nhận.

Chúa Giê-su cũng phản ứng tương tự khi Ác Quỷ cám dỗ ngài nhảy xuống từ nóc đền thờ để xem liệu các thiên sứ có bảo vệ ngài khỏi bị thương không. Chúa Giê-su đáp lời hắn: “Ngươi không được thử Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 4:5-7). Thật thế, cả Đa-vít lẫn Chúa Giê-su đều hiểu rằng trước mắt Đức Chúa Trời, việc liều mạng một cách không cần thiết là sai.

Qua hai trường hợp trên, có thể chúng ta tự hỏi: “Làm sao để biết môn thể thao nào là mạo hiểm? Ngay cả một môn thể thao bình thường cũng có thể được chơi theo cách mạo hiểm, vậy làm sao mình biết tham gia như thế nào là an toàn?”.

Có đáng để mạo hiểm không?

Để biết câu trả lời, chúng ta cần xem xét một cách khách quan về bất cứ môn thể thao nào mà mình muốn tham gia. Chẳng hạn, chúng ta có thể tự hỏi: “Môn thể thao này có tỉ lệ rủi ro nào? Mình có được huấn luyện đầy đủ hay có dụng cụ bảo hộ cần thiết để tránh chấn thương không? Hậu quả sẽ là gì nếu mình ngã, phán đoán sai hoặc dụng cụ bảo hộ bị hỏng? Chấn thương nhẹ, bị thương nghiêm trọng hay thiệt mạng?”.

Liều mạng một cách không cần thiết trong thể thao có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ quý báu của một người với Đức Giê-hô-va và đặc ân trong hội thánh (1 Ti-mô-thê 3:2, 8-10; 4:12; Tít 2:6-8). Vậy, rõ ràng ngay cả khi tham gia các hoạt động giải trí, các tín đồ nên nhớ sự sống là thánh khiết theo quan điểm của Đấng Tạo Hóa.

[Chú thích]

^ đ. 4 BASE là từ viết tắt cho tòa nhà, ăng-ten, nhịp và trái đất. Người tham gia môn nhảy dù này nhảy từ các vật thể cố định như tòa nhà, cầu hoặc vách đá. Môn này nguy hiểm đến mức bị Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ cấm.