Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Khi người hôn phối cần chăm sóc đặc biệt

Khi người hôn phối cần chăm sóc đặc biệt

Kể từ khi tôi bị chẩn đoán mắc triệu chứng mệt mỏi kinh niên, chồng tôi trở thành lao động chính trong gia đình. Nhưng anh ấy không bao giờ nói với tôi về các khoản chi tiêu. Tại sao anh ấy không cho tôi biết gì cả? Hẳn tình trạng tài chính của gia đình tệ lắm nên anh sợ tôi sẽ lo buồn.—Chị Nancy *.

Trong hôn nhân có nhiều khó khăn, đặc biệt nếu một trong hai vợ chồng mắc bệnh kinh niên, vấn đề có thể tăng gấp bội *. Bạn có đang chăm sóc người hôn phối bị bệnh không? Nếu có, hẳn bạn lo lắng về những câu hỏi sau: “Nếu tình trạng sức khỏe của vợ/chồng mình ngày càng yếu dần, tôi sẽ đối phó như thế nào? Tôi có thể vừa chăm sóc vợ/chồng mình vừa đảm đương việc nấu nướng, giặt giũ và đi làm trong bao lâu? Tại sao người bị bệnh không phải là tôi?”.

Mặt khác, nếu là người hôn phối bị bệnh, bạn có thể tự hỏi: “Không thể đảm đương trách nhiệm của mình, có phải tôi là người vô dụng? Vợ/chồng tôi có bực bội vì bệnh tình của tôi không? Có phải hạnh phúc của chúng tôi thế là hết?”.

Đáng buồn thay, một số cuộc hôn nhân đã không vượt qua được sự căng thẳng do bệnh kinh niên gây ra. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hôn nhân của bạn không thể cứu vãn.

Nhiều cặp vợ chồng đã vượt qua khó khăn và thậm chí còn thành công bất chấp bệnh tật. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Yoshiaki và chị Kazuko. Vì bị chấn thương cột sống, anh Yoshiaki luôn phải có người giúp khi cử động, dù là nhỏ nhất. Chị Kazuko nói: “Trong mọi việc chồng tôi đều cần giúp đỡ. Vì chăm sóc cho anh nên cổ, vai, cánh tay của tôi đau nhức, và tôi trở thành bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện chấn thương chỉnh hình. Tôi thường cảm thấy việc trông nom anh thật quá sức chịu đựng”. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn như thế, chị Kazuko cho biết: “Mối quan hệ của vợ chồng tôi ngày càng gắn bó”.

Vậy, bí quyết để giữ hạnh phúc trong những hoàn cảnh như thế là gì? Những ai cố gắng duy trì sự thỏa nguyện phần nào đó trong hôn nhân sẽ xem bệnh tật là đòn tấn công không chỉ nhắm vào người hôn phối nhưng là cả hai vợ chồng. Suy cho cùng, nếu một người bệnh thì cả hai đều bị ảnh hưởng sâu xa, bằng cách này hay cách khác. Nơi Sáng-thế Ký 2:24 miêu tả mối quan hệ hỗ tương giữa hai vợ chồng như sau: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”. Vì thế, khi một người hôn phối mắc bệnh kinh niên, vấn đề then chốt là cả hai vợ chồng cùng đối phó với thử thách.

Ngoài ra, các cuộc nghiên cứu cho thấy khi đối mặt với bệnh kinh niên, những cặp vợ chồng nào duy trì mối quan hệ tốt sẽ chấp nhận hoàn cảnh và học được phương cách hữu hiệu để thích ứng. Những phương cách hữu hiệu đó cũng phù hợp với các lời khuyên bất hủ trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy xem xét ba lời khuyên sau.

Quan tâm đến nhau

Sách Truyền-đạo 4:9 viết: “Hai người hơn một”. Tại sao? Câu 10 giải thích: “Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên”. Bạn có ‘đỡ người hôn phối lên’ bằng cách thể hiện lòng quý trọng người ấy không?

Bạn có thể tìm những phương cách thiết thực để hỗ trợ nhau không? Anh Yong có vợ bị liệt nửa người cho biết: “Lúc nào tôi cũng nghĩ đến vợ tôi. Khi tôi khát, tôi cho rằng cô ấy cũng khát. Nếu muốn ra ngoài ngắm cảnh, tôi hỏi cô ấy có thích đi với tôi không. Vợ chồng tôi chia sẻ nỗi đau và cùng nhau chịu đựng”.

Mặt khác, nếu là người nhận sự chăm sóc, có việc nào bạn có thể tự làm mà không ảnh hưởng đến sức khỏe không? Nhờ vậy, bạn có thể gia tăng lòng tự trọng và giúp người hôn phối có thêm sức để tiếp tục chăm sóc bạn.

Thay vì cho rằng mình biết cách tốt nhất để biểu lộ lòng quan tâm, hãy hỏi vợ/chồng bạn cách đó là gì. Chị Nancy, được đề cập ở đầu bài, cuối cùng cũng nói với chồng về cảm nghĩ của mình khi không biết tình trạng tài chính trong gia đình. Giờ đây, chồng chị cố gắng cho chị biết nhiều hơn về vấn đề này.

HÃY THỬ XEM: Cả hai ghi ra những cách mà mình nghĩ người hôn phối có thể giúp cho hoàn cảnh được dễ dàng hơn, rồi trao đổi với nhau. Mỗi người chọn một hoặc hai đề nghị có thể thực hiện được.

Có thời biểu thăng bằng

Vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn viết: “Việc gì cũng có lúc, có thời của nó” (Truyền-đạo 3:1, Bản Diễn Ý). Tuy nhiên, dường như khó giữ được thời biểu thăng bằng, vì đôi khi những ảnh hưởng của bệnh kinh niên làm gián đoạn sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Bạn có thể làm gì để ít nhất giữ sự thăng bằng ở một mức độ nào đó?

Cả hai có thể dành thời gian để nghỉ ngơi, tạm quên đi vấn đề bệnh tật. Hai bạn có thể cùng nhau làm những việc trước đây từng làm không? Nếu không, bạn hãy thử những hoạt động mới. Đó có thể là một việc đơn giản như đọc sách cho nhau nghe hoặc một việc cam go như học ngoại ngữ. Khi tạm quên đi bệnh tật để cùng nhau hoạt động, mối quan hệ mật thiết giữa vợ chồng bạn sẽ vững mạnh hơn và niềm hạnh phúc cũng thêm lên.

Một cách khác giúp duy trì sự thăng bằng là kết hợp với người khác. Kinh Thánh nói nơi Châm-ngôn 18:1: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”. Bạn có nhận thấy trong câu đó, sự cô lập có thể gây ảnh hưởng tai hại cho tâm trí không? Ngược lại, thường xuyên kết hợp với người khác có thể giúp bạn lên tinh thần và khôi phục quan điểm đúng. Tại sao không chủ động mời một vài người đến chơi nhà bạn?

Đôi khi những người phải chăm sóc người bệnh cảm thấy khó giữ thăng bằng. Một số thì làm việc quá nhiều, dần dần kiệt sức và làm tổn hại đến sức khỏe của mình. Hậu quả là có thể họ không còn khả năng để tiếp tục chăm sóc người hôn phối thân yêu nữa. Vì vậy, nếu bạn đang chăm sóc người bị bệnh kinh niên, đừng quên nhu cầu của bản thân. Hãy đều đặn dành thời gian yên tĩnh để bổ lại sức *. Một số người nhận thấy đôi khi tâm sự về nỗi lo của mình với một người bạn cùng phái đáng tin cậy cũng là một phương cách chữa bệnh.

HÃY THỬ XEM: Ghi ra những trở ngại trong việc chăm sóc người hôn phối. Rồi đề ra những bước có thể làm để vượt qua hoặc đối phó hữu hiệu hơn. Thay vì quan trọng hóa vấn đề, hãy tự hỏi: “Phương cách nào là đơn giản nhất để cải thiện tình hình?”.

Cố gắng duy trì quan điểm lạc quan

Kinh Thánh khuyên: “Chớ nói rằng: Nhân sao ngày trước tốt hơn ngày bây giờ?” (Truyền-đạo 7:10). Vậy, hãy nhìn vào thực tế, đừng nghĩ rằng nếu không có bệnh tật thì đời sống sẽ tốt hơn. Bạn hãy nhớ trong thế gian này không có gì là hạnh phúc trọn vẹn. Bí quyết để có hạnh phúc là chấp nhận hoàn cảnh và tận dụng nó.

Điều gì có thể giúp bạn và người hôn phối trong vấn đề này? Hãy nói với nhau về những ân phước mình có. Hãy vui khi sức khỏe được cải thiện dù chỉ một ít. Hãy mong chờ những điều tốt đẹp trong tương lai và đặt ra những mục tiêu thực tế cho cả hai vợ chồng.

Một cặp vợ chồng là anh Shoji và chị Akiko đã áp dụng những lời khuyên trên và đạt kết quả tốt. Một ngày nọ, sau khi chị Akiko được chẩn đoán là mắc bệnh u xơ đau nhức, họ phải ngừng công việc truyền giáo trọn thời gian. Họ có thất vọng không? Dĩ nhiên có. Nhưng anh Shoji khuyên những ai có hoàn cảnh giống họ: “Đừng nghĩ về những điều mình không còn làm được vì nó sẽ khiến bạn nản lòng. Hãy tiếp tục lạc quan. Ngay cả khi hai bạn hy vọng một ngày nào đó sẽ trở lại đời sống như xưa, hãy tập trung vào hiện tại. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là hết lòng quan tâm và giúp đỡ vợ tôi”. Lời khuyên thực tế này cũng có thể giúp ích cho bạn nếu người hôn phối bạn cần được chăm sóc đặc biệt.

^ đ. 3 Tên đã đổi.

^ đ. 4 Bài này bàn về các tình huống mà một trong hai người hôn phối bị bệnh kinh niên. Tuy nhiên, những cặp vợ chồng đang đối phó với bệnh tật do tai nạn hoặc gặp vấn đề về cảm xúc như bệnh trầm cảm cũng có thể được trợ giúp bằng cách áp dụng các lời đề nghị trong bài.

^ đ. 20 Tùy hoàn cảnh, nếu có thể, nên nhờ sự giúp đỡ của những dịch vụ trong cộng đồng hoặc nhờ một người chăm sóc chuyên môn đến giúp bán thời gian.

HÃY TỰ HỎI:

Điều ưu tiên nhất mà vợ chồng tôi cần làm ngay bây giờ là gì?

  • Nói về bệnh tật nhiều hơn

  • Nói về bệnh tật ít hơn

  • Bớt lo lắng

  • Quan tâm đến nhau nhiều hơn

  • Vun trồng sở thích chung

  • Tiếp xúc với người khác nhiều hơn

  • Đặt ra mục tiêu chung