Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu và văn hóa Hy Lạp

Môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu và văn hóa Hy Lạp

Môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu và văn hóa Hy Lạp

Vào thế kỷ thứ nhất, phần lớn những xứ mà môn đồ Chúa Giê-su rao giảng đều nói tiếng Hy Lạp. Kinh Thánh họ dùng để hỗ trợ thông điệp về Chúa Giê-su được lưu hành trong thứ tiếng này. Khi được soi dẫn để viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, hầu hết người viết đã dùng ngôn ngữ này. Họ sử dụng cụm từ và minh họa dễ hiểu với những người sống ở những nơi chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp. Tuy nhiên, Chúa Giê-su, các sứ đồ của ngài và những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp đều là người Do Thái, không có ai là người Hy Lạp.​—Rô-ma 3:​1, 2.

Vậy, làm thế nào tiếng Hy Lạp lại quan trọng đến thế trong việc giúp nhiều người trở thành môn đồ Chúa Giê-su? Vào thế kỷ thứ nhất, làm sao những môn đồ viết Kinh Thánh và các giáo sĩ có thể trình bày thông điệp một cách thu hút đối với cử tọa nói tiếng Hy Lạp? Và tại sao chúng ta chú ý đến giai đoạn lịch sử này?

Văn hóa Hy Lạp lan rộng

Vào thế kỷ 4 TCN, A-léc-xan-đơ Đại Đế lật đổ đế chế Ba Tư và bắt đầu chinh phục nhiều nơi trên thế giới. Nhằm thống nhất đế quốc, ông và các vua kế vị thực hiện chính sách “Hy Lạp hóa”, nghĩa là khuyến khích các nước bị chinh phục nói tiếng Hy Lạp và theo lối sống của Hy Lạp.

Thậm chí sau này khi La Mã chiến thắng Hy Lạp và giành lấy mọi thế lực chính trị, văn hóa Hy Lạp vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ với những nước xung quanh. Trong thế kỷ thứ hai và thứ nhất TCN, tầng lớp quý tộc của La Mã rất yêu chuộng tất cả những gì thuộc về Hy Lạp​—nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa và triết học⁠—​đến độ nhà thơ Horace đã phải thốt lên: “Dù bị chinh phục, Hy Lạp lại chinh phục kẻ chinh phục nó”. 

Dưới sự cai trị của La Mã, những thành phố quan trọng ở Tiểu Á, Sy-ri và Ai Cập trở nên thịnh vượng với tư cách là trung tâm văn hóa Hy Lạp. Vì góp phần trong việc truyền bá văn minh, chính sách Hy Lạp hóa ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, từ việc thành lập chính phủ và luật pháp cho đến thương mại, công nghệ và ngay cả thời trang. Điển hình là phần lớn những thành phố Hy Lạp có những phòng tập thể dục, nơi các chàng trai được huấn luyện, và cũng có nhà hát, nơi trình diễn những vở kịch Hy Lạp.

Sử gia Emil Schürer nói: “Người Do Thái dần dần bị cuốn hút và không thể cưỡng lại xu hướng của văn hóa Hy Lạp”. Thoạt đầu, lòng sốt sắng về tôn giáo của người Do Thái giúp họ kháng cự được mọi ảnh hưởng của ngoại giáo cùng với tư tưởng Hy Lạp. Nhưng cuối cùng, nhiều khía cạnh trong đời sống của họ đã bị ảnh hưởng. Ông Schürer nói tiếp: “Bao quanh khu vực nhỏ bé của người Do Thái là khu vực của người theo văn hóa Hy Lạp, vì thế để buôn bán trao đổi, người Do Thái buộc phải thường xuyên giao tiếp với những người đó”.

Vai trò của bản dịch Septuagint

Nhiều người Do Thái di cư và định cư ở khắp vùng Địa Trung Hải nhận ra mình đang sống trong những thành phố chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp và nói tiếng Hy Lạp. Họ tiếp tục giữ đạo Do Thái, và hành hương về Giê-ru-sa-lem để dự các kỳ lễ hằng năm. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều người trong số họ dần dần quên tiếng Hê-bơ-rơ (Do Thái cổ) *. Do đó, cần dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ phổ biến thời ấy. Những học giả Do Thái, rất có thể sống ở A-léc-xan-tri, Ai Cập (một trung tâm văn hóa Hy Lạp quan trọng), bắt đầu việc dịch thuật này vào khoảng năm 280 TCN. Kết quả là bản dịch Septuagint đã ra đời.

Bản dịch Septuagint được xem là bước ngoặt quan trọng. Nó là chìa khóa để mở ra kho tàng trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ cho nền văn minh phương Tây. Nếu không có bản dịch này, người ta sẽ không biết về cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên, vì những thông tin đó được ghi lại trong thứ tiếng không còn phổ biến, và như thế, không thể giúp gì cho công việc rao giảng toàn cầu. Thật vậy, bản dịch Septuagint cung cấp thông tin cơ sở, các khái niệm của Kinh Thánh, và được dịch ra trong thứ tiếng mà các môn đồ Chúa Giê-su có thể truyền đạt sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho những người có gốc gác khác nhau. Vì rất thông dụng nên tiếng Hy Lạp là phương tiện tốt nhất để rao báo chân lý về Đức Chúa Trời cho cả thế giới.

Những người cải đạo và những người kính sợ Đức Chúa Trời

Đến thế kỷ 2 TCN, người Do Thái đã dịch nhiều tác phẩm văn chương sang tiếng Hy Lạp và cũng sáng tác những tác phẩm khác bằng chính thứ tiếng này. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp dân ngoại biết đến lịch sử và tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên. Các sử gia tường thuật rằng trong giai đoạn ấy, nhiều người thuộc dân ngoại “không ít thì nhiều cũng giao tiếp với cộng đồng người Do Thái, tham gia việc thờ phượng và giữ theo luật pháp của dân này, theo sát tất cả hoặc chỉ một phần luật pháp ấy”.​—Lịch sử của dân Do Thái trong thời Giê-su Christ (The History of the Jewish People in the Age of Jesus Christ).

Một số người thuộc dân ngoại tiến bộ đến mức họ theo Do Thái giáo, chịu cắt bì và trở thành người cải đạo. Những người khác thì chấp nhận một số khía cạnh của Do Thái giáo nhưng không cải đạo. Họ thường được các tác phẩm văn học Hy Lạp gọi là “những người kính sợ Đức Chúa Trời”. Kinh Thánh gọi ông Cọt-nây là ‘người đạo-đức, kính-sợ Đức Chúa Trời’. Sứ đồ Phao-lô từng gặp nhiều người kính sợ Đức Chúa Trời đã kết hợp với những người Do Thái sống khắp vùng Tiểu Á và Hy Lạp. Chẳng hạn, tại thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, ông gọi những người đang nhóm lại tại nhà hội là “người Y-sơ-ra-ên và các người kính-sợ Đức Chúa Trời”.​—Công-vụ 10:2; 13:16, 26; 17:​4; 18:4.

Khi các sứ đồ của Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng tin mừng trong cộng đồng Do Thái ngoài xứ Giu-đê, nhiều người Do Thái nghe tin mừng ở đấy là những người theo văn hóa Hy Lạp. Những cộng đồng ấy là vùng đất màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển đạo thật của Chúa Giê-su. Khi thấy rõ Đức Chúa Trời ban hy vọng cứu rỗi ngay cả cho dân ngoại, các môn đồ Chúa Giê-su nhận ra rằng trước mắt Đức Chúa Trời, “không còn chia ra người Giu-đa [Do Thái] hoặc người Gờ-réc [Hy Lạp]”.​—Ga-la-ti 3:​28.

Rao giảng cho người Hy Lạp

Vì tiêu chuẩn tôn giáo và đạo đức của dân ngoại, thoạt tiên một số môn đồ gốc Do Thái thời ban đầu ngần ngại để những người ngoại cải đạo vào hội thánh. Vì vậy, khi có bằng chứng là Đức Chúa Trời sẵn sàng chấp nhận dân ngoại, các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem đã cho biết rõ những người cải đạo đó phải kiêng huyết, tránh tà dâm và không thờ hình tượng (Công-vụ 15:29). Điều này là thiết yếu cho những ai đã theo lối sống của người Hy Lạp, vì xã hội Hy Lạp - La Mã đầy “sự tình-dục xấu-hổ” và đồng tính luyến ái. Môn đồ Chúa Giê-su hẳn không thực hành những điều ấy.​—Rô-ma 1:​26, 27; 1 Cô-rinh-tô 6:​9, 10.

Vào thế kỷ thứ nhất, trong số các giáo sĩ rao giảng cho những xứ nói tiếng Hy Lạp, không ai nổi tiếng hơn sứ đồ Phao-lô. Ngày nay, du khách đến thành A-thên ở Hy Lạp có thể thấy nơi chân đồi A-rê-ô-ba một bia tưởng niệm bằng đồng nói về bài giảng nổi tiếng của Phao-lô ở thành ấy. Lời tường thuật nơi chương 17 của sách Công-vụ trong Kinh Thánh ghi lại sự kiện này. Ông mở đầu bài giảng: “Hỡi người A-thên”. Đó là lời mở đầu thông thường của các diễn giả Hy Lạp và chắc hẳn đem lại cảm giác thoải mái cho cử tọa​—trong đó có các nhà triết học thuộc phái của ông Epicurus (Hưởng lạc) và phái Stociens (Khắc kỷ). Thay vì bực bội hoặc chỉ trích niềm tin của người nghe, Phao-lô cố tạo mối quan hệ tốt bằng cách khen họ là người có tinh thần sốt sắng vì đạo. Ông nói về bàn thờ có tên “Thờ Chúa không biết”, và thiết lập điểm chung qua việc giới thiệu “Chúa” chính là Đức Chúa Trời mà ông định rao giảng.​—Công-vụ 17:16-​23.

Để động đến lòng người nghe, Phao-lô nói về những khái niệm mà họ có thể chấp nhận. Người theo phái Khắc kỷ có thể đồng ý với ông rằng: Đức Chúa Trời là Nguồn sự sống của loài người, mọi người đều là đồng loại, Đức Chúa Trời không ở xa chúng ta, và sự sống của con người tùy thuộc nơi Ngài. Phao-lô ủng hộ điểm cuối bằng cách nhắc đến thơ của hai nhà thơ theo phái Khắc kỷ là ông Aratus (bài Phaenomena) và ông Cleanthes (bài Hymn to Zeus). Những người theo phái Hưởng lạc cũng thấy mình có nhiều điểm chung với Phao-lô, chẳng hạn họ tin Đức Chúa Trời hằng sống và chúng ta có thể biết về Ngài, Ngài không tùy thuộc vào ai, không cần con người cung cấp điều gì cho Ngài và không ngự trong đền thờ do tay người ta làm ra.

Cử tọa rất quen thuộc với những từ Phao-lô dùng. Thật vậy, theo một tài liệu, những từ Hy Lạp được dịch là “thế-giới (kosmos)”, “dòng-dõi”, và “Chúa” là những từ thông dụng đối với các triết gia Hy Lạp (Công-vụ 17:24-​29). Điều này không có nghĩa là Phao-lô sẵn sàng thỏa hiệp chân lý trong Kinh Thánh để thuyết phục cử tọa. Ngược lại, phần kết luận của ông về sự sống lại và sự phán xét trái với niềm tin của họ. Dù thế, ông đã khéo léo thay đổi nội dung và cách trình bày thông điệp sao cho thu hút cử tọa có đầu óc thiên về triết lý.

Trong các lá thư của Phao-lô, có nhiều thư ông viết cho những hội thánh tại thành phố ở Hy Lạp, hoặc thuộc địa của La Mã, nơi hoàn toàn bị Hy Lạp hóa. Những lá thư này được viết một cách trôi chảy và mạnh mẽ bằng tiếng Hy Lạp, sử dụng nhiều ý tưởng và thí dụ thông dụng trong nền văn hóa này. Phao-lô đã đề cập đến các trò thể thao, phần thưởng cho người chiến thắng, gia sư hộ tống con trẻ đến trường và nhiều hình ảnh khác trong đời thường của Hy Lạp (1 Cô-rinh-tô 9:​24-​27; Ga-la-ti 3:​24, 25). Dù sẵn sàng mượn nhiều cụm từ trong tiếng Hy Lạp, Phao-lô hoàn toàn tránh những khái niệm đạo đức và tôn giáo của nền văn hóa này.

Trở nên mọi cách cho mọi người

Sứ đồ Phao-lô ý thức rằng để chia sẻ tin mừng với người khác, ông phải “trở nên mọi cách cho mọi người”. Ông viết: “Với người Giu-đa [Do Thái], tôi ở như một người Giu-đa, hầu được những người Giu-đa”. Còn với những người Hy Lạp, ông sống như người Hy Lạp để giúp họ hiểu được ý định của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Phao-lô có khả năng làm điều đó, vì ông là công dân gốc Do Thái của một thành phố bị Hy Lạp hóa. Tất cả môn đồ Chúa Giê-su ngày nay cũng phải uyển chuyển như thế.​—1 Cô-rinh-tô 9:​20-​23.

Ngày nay, hàng triệu người di cư từ nước này sang nước khác, thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa kia. Điều này dẫn đến một thử thách lớn cho các môn đồ của Chúa Giê-su, những người cố gắng rao truyền tin mừng về Nước Trời và làm theo mạng lệnh của ngài là “dạy-dỗ muôn-dân” để họ trở thành môn đồ (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19). Họ thường nhận thấy người ta cảm động và dễ chấp nhận nếu được nghe tin mừng trong tiếng mẹ đẻ.

Vì thế, tạp chí Tháp Canh thông báo Nước của Đức Giê-hô-va được phát hành mỗi tháng trong 169 ngôn ngữ, và tạp chí Tỉnh Thức! song hành với tạp chí này được in ra trong 81 ngôn ngữ. Hơn nữa, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng học một ngoại ngữ (kể cả những thứ tiếng khó như tiếng Ả Rập, Trung Quốc và Nga) để rao truyền tin mừng cho những người chuyển đến khu vực lân cận của họ. Mục tiêu của môn đồ Chúa Giê-su ngày nay cũng giống như các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất. Sứ đồ Phao-lô đã nói rõ mục tiêu này: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào”.​—1 Cô-rinh-tô 9:​22.

[Chú thích]

^ đ. 10 Nhiều người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem nói tiếng Hy Lạp. Chẳng hạn, có những người của “nhà hội gọi là nhà hội của bọn được tự-do, với những người quê ở Sy-ren, người quê ở A-léc-xan-đơ [A-léc-xan-tri], cùng người Giu-đa ở xứ Si-li-si và xứ A-si”. Rất có thể ngôn ngữ của họ là tiếng Hy Lạp.​— Công-vụ 6:​1, 9.

[Bản đồ nơi trang 18]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Rô-ma

HY LẠP

A-thên

A-SI

An-ti-ốt (xứ Bi-si-đi)

SI-LI-SI

SY-RI

GIU-ĐÊ

Giê-ru-sa-lem

AI CẬP

A-léc-xan-tri

Sy-ren

ĐỊA TRUNG HẢI

[Hình nơi trang 19]

Vào thế kỷ thứ nhất, bản dịch Septuagint giúp truyền đạt sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va

[Nguồn tư liệu]

Israel Antiquities Authority

[Hình nơi trang 20]

Bia tưởng niệm ở A-rê-ô-ba nói về bài giảng của sứ đồ Phao-lô