Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời Đức Giê-hô-va truyền đi khắp “Xứ Đại Bàng”

Lời Đức Giê-hô-va truyền đi khắp “Xứ Đại Bàng”

Lời Đức Giê-hô-va truyền đi khắp “Xứ Đại Bàng”

“XỨ Đại Bàng”. Đó là tên mà người Albania gọi đất nước của họ. Quốc gia này nằm giáp biển Adriatic, trên bán đảo Balkan, ngay giữa Hy Lạp và Nam Tư cũ. Mặc dù có nhiều giả thuyết về gốc tích của người Albania, nhưng đa số các sử gia đều cho rằng ngôn ngữ và dân tộc Albania bắt nguồn từ người I-ly-ri xưa. Theo cuốn bách khoa tự điển The Encyclopædia Britannica thì văn hóa của người I-ly-ri đã có từ 2000 năm TCN.

Những cảnh đẹp thiên nhiên của Albania gồm những đồi núi nhấp nhô ở vùng cực bắc và những bãi cát trắng dài ở phía nam giáp biển Adriatic. Tuy nhiên, vẻ đẹp đặc sắc nhất được tìm thấy trong những người dân ở đây. Người Albania nồng ấm, hiếu khách, hoạt bát, vui vẻ, cởi mở, có khả năng tiếp thu nhanh chóng và nhiệt tình bày tỏ cảm nghĩ bằng cử chỉ sống động.

Được một giáo sĩ lừng danh thăm viếng

Bản chất dễ mến của người dân và phong cảnh đẹp chắc hẳn đã thu hút một du khách đặc biệt từng sống cách đây nhiều thế kỷ. Vào khoảng năm 56 CN, sứ đồ Phao-lô, một người từng bôn ba đã viết như sau: “Cho đến xứ I-ly-ri, tôi đã đem đạo Tin-lành của Đấng Christ đi khắp chốn”. (Rô-ma 15:19) Miền nam xứ I-ly-ri là miền trung và miền bắc nước Albania ngày nay. Phao-lô viết câu trên lúc ở Cô-rinh-tô, Hy Lạp, phía nam I-ly-ri. Khi nói rằng ông đã rao giảng khắp nơi “cho đến xứ I-ly-ri”, Phao-lô cho thấy ông đã đi đến biên giới hoặc vào tận xứ I-ly-ri. Trong trường hợp nào đi nữa, ông đã rao giảng ở vùng mà ngày nay là miền nam Albania. Vậy có thể nói Phao-lô là người đầu tiên đã thực hiện công việc rao giảng về Nước Trời ở Albania.

Hàng bao thế kỷ trôi qua. Nhiều đế chế nổi lên rồi lại suy tàn. Nhiều cường quốc ngoại bang đã cai trị lãnh thổ nhỏ bé này ở Âu Châu cho đến khi Albania được độc lập vào năm 1912. Khoảng một thập kỷ sau, thông điệp Nước Trời của Đức Giê-hô-va lại được truyền bá ở Albania.

Một sự khởi đầu hào hứng trong thời hiện đại

Vào thập niên 1920, một số di dân Albania ở Hoa Kỳ kết hợp với Học Viên Kinh Thánh Quốc Tế (tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ), trở về Albania để chia sẻ với người khác những gì họ đã học được. Trong số những người này có anh Nasho Idrizi. Một số người ở Albania đã hưởng ứng thông điệp. Với số người chú ý ngày càng gia tăng, vào năm 1924 văn phòng tại Ru-ma-ni được chỉ định để coi sóc công việc rao giảng ở Albania.

Anh Thanas Duli (Athan Doulis) ở trong số những người đã học biết về Đức Giê-hô-va ở Albania trong những năm ấy. Anh kể: “Vào năm 1925 có ba hội thánh ở Albania, một số Học Viên Kinh Thánh và những người chú ý sống rải rác khắp nơi trong xứ. Tình yêu thương giữa những người này thật khác hẳn... so với những người sống chung quanh họ!” *

Việc di chuyển vô cùng khó khăn vì thiếu hệ thống đường sá. Tuy vậy, những người công bố sốt sắng vẫn đảm nhận công việc đầy thách thức này. Chẳng hạn như trường hợp của Areti Pina sống tại miền nam bờ biển ở Vlorë, chị làm báp têm vào năm 1928 khi được 18 tuổi. Chị đã phải leo trèo những đồi núi lởm chởm với cuốn Kinh Thánh trong tay để rao giảng. Chị thuộc về một hội thánh mạnh mẽ tại Vlorë vào đầu thập niên 1930.

Năm 1930, trụ sở chi nhánh tại Athens, Hy Lạp điều khiển công việc rao giảng ở Albania. Vào năm 1932, một giám thị lưu động từ Hy Lạp đến Albania để khích lệ và củng cố tinh thần anh em. Đa số những người học lẽ thật Kinh Thánh vào thời đó đều có hy vọng lên trời. Họ được tiếng là những người thanh sạch và liêm chính, vì thế ở khắp nơi họ rất được người ta kính trọng. Công việc của những anh chị trung thành này đã đem lại nhiều kết quả. Từ năm 1935 đến năm 1936, mỗi năm tại Albania họ phát được khoảng 6.500 tài liệu sách báo về Kinh Thánh.

Một ngày nọ, tại trung tâm thành phố Vlorë, anh Nasho Idrizi mở máy cho mọi người nghe một bài giảng đã được thu âm của anh J. F. Rutherford. Người ta đóng cửa tiệm để đến nghe anh Idrizi phiên dịch bài giảng sang tiếng Albania. Tinh thần sốt sắng không mệt mỏi của những người dạy Kinh Thánh vào thời ban đầu đã được ban phước. Đến năm 1940 có 50 Nhân Chứng ở Albania.

Chính quyền vô thần

Năm 1939, quân đội Phát-xít Ý chiếm đóng Albania. Quyền hoạt động hợp pháp của Nhân Chứng Giê-hô-va bị thu hồi và công việc rao giảng của họ bị cấm đoán. Ít lâu sau, quân đội Đức xâm chiếm xứ này. Thế Chiến II vừa kết thúc thì Enver Hoxha, một lãnh tụ quân sự có uy thế nổi lên. Năm 1946, đảng của ông thắng cử và ông lên nắm chức thủ tướng. Những năm sau đó được gọi là thời kỳ giải phóng, nhưng đối với dân Đức Giê-hô-va thì là ngược lại.

Chính quyền ngày càng khắt khe hơn đối với tôn giáo. Để giữ sự trung lập của tín đồ Đấng Christ, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Albania từ chối không tham gia vào chiến tranh cũng như chính trị. (Ê-sai 2:2-4; Giăng 15:17-19) Nhiều người bị bắt vào tù, bị bỏ đói hoặc không có các nhu yếu phẩm tối thiểu cho đời sống. Trong nhiều trường hợp, các chị em thiêng liêng của họ ở ngoài đã giặt quần áo và nấu ăn cho họ.

Can đảm dù bị bắt bớ

Vào đầu thập niên 1940, Frosina Xheka, một thiếu nữ sống ở một làng gần Përmet, nghe được những điều mà các anh trai cô học từ một Nhân Chứng làm nghề đóng giày tên là Nasho Dori. * Bất kể sự đàn áp của chính quyền đối với Nhân Chứng Giê-hô-va, đức tin của Frosina ngày càng thêm vững mạnh, và điều này làm cha mẹ cô không vui lòng. Frosina kể lại: “Cha mẹ giấu giày của tôi và đánh tôi nếu tôi đi dự buổi họp đạo Đấng Christ. Cha mẹ cũng giàn xếp cho tôi kết hôn với một người không tin đạo. Khi tôi cự tuyệt, họ đuổi tôi ra khỏi nhà ngay vào một ngày tuyết rơi. Anh Nasho Dori nhờ anh Gole Flloko sống ở Gjirokastër giúp tôi đến ở nhà của gia đình anh Gole. Các anh trai của tôi bị tù hai năm vì lập trường trung lập. Sau khi các anh được thả ra, tôi dọn đến Vlorë sống chung với họ.

“Cảnh sát cố ép tôi tham gia vào các hoạt động chính trị, nhưng tôi khước từ. Họ bắt giữ và giam tôi vào một phòng. Họ vây xung quanh tôi và một người trong bọn họ đe dọa: ‘Mày có biết chúng tao có thể làm gì mày không?’ Tôi đáp: ‘Các ông chỉ có thể làm điều gì Đức Giê-hô-va cho phép các ông mà thôi’. Ông ta quát lại: ‘Mày điên rồi! Cút ra khỏi đây!’ ”

Tinh thần trung kiên như thế là đặc điểm của các anh em Albania trong suốt những năm tháng ấy. Đến năm 1957 số người công bố Nước Trời lên đến 75. Đầu thập niên 1960, trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va gửi anh John Marks, một di dân Albania ở Hoa Kỳ, đến Tiranë để giúp tổ chức công việc của tín đồ Đấng Christ. * Thế nhưng chẳng bao lâu sau, Luçi Xheka, Mihal Sveci, Leonidha Pope và một số anh khác có trách nhiệm bị bắt vào các trại khổ sai.

Ánh sáng cuối đường hầm

Trước năm 1967 tất cả mọi tôn giáo ở Albania đều bị phản đối, sau đó bị cấm triệt để. Không một tu sĩ Công Giáo, Chính Thống Giáo hay Hồi Giáo nào được hành lễ. Các nhà thờ bị đóng cửa và sửa lại thành nơi tập thể dục, viện bảo tàng hay chợ búa. Không ai được phép có Kinh Thánh ở nhà. Bày tỏ niềm tin nơi Đức Chúa Trời là điều cấm kỵ.

Rao giảng và nhóm họp lúc ấy vô cùng khó khăn. Dù không được nhóm lại với nhau, nhưng mỗi Nhân Chứng đều cố gắng hết sức để phụng sự Đức Giê-hô-va. Từ thập kỷ 1960 đến 1980, con số Nhân Chứng giảm xuống chỉ còn lại một ít. Tuy vậy, họ vẫn vững mạnh về thiêng liêng.

Vào cuối thập niên 1980, ở Albania tình hình chính trị không thay đổi gì mấy. Thực phẩm và quần áo khan hiếm. Dân chúng bất mãn. Những cuộc cải cách gây ảnh hưởng sâu rộng ở Đông Âu bắt đầu diễn ra ở Albania vào đầu thập niên 1990. Sau 45 năm chế độ chuyên chế, chính quyền mới một lần nữa cho phép người dân quyền tự do tín ngưỡng.

Theo chỉ thị của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, văn phòng chi nhánh ở Áo và Hy Lạp nhanh chóng liên lạc với các anh em địa phương ở Albania. Những anh em Hy Lạp biết nói tiếng Albania mang một số ấn phẩm về Kinh Thánh mới được dịch ra đến thành phố Tiranë và Berat. Những anh em địa phương trước đây tản mát ở nhiều nơi giờ đây vui mừng khôn xiết khi lần đầu tiên trong nhiều năm được gặp gỡ Nhân Chứng từ nước ngoài đến.

Các tiên phong ngoại quốc sốt sắng dẫn đầu công việc

Đầu năm 1992, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương gửi Michael và Linda DiGregorio, cặp vợ chồng giáo sĩ có gốc Albania đến Albania. Họ liên lạc với những anh chị lớn tuổi trung thành và giúp họ một lần nữa nhóm lại với nhau để có phần trong đại gia đình thiêng liêng quốc tế. Một nhóm gồm 16 anh chị sốt sắng người Ý làm tiên phong đặc biệt, tức người truyền giáo trọn thời gian, cùng với bốn tiên phong người Hy Lạp đến Albania vào tháng 11. Một lớp dạy ngôn ngữ được khai giảng nhằm giúp họ học ngôn ngữ địa phương.

Cuộc sống thường ngày rất khó khăn cho các tiên phong ngoại quốc này. Điện đuốc thất thường. Thời tiết vào mùa đông lạnh và ẩm. Người ta phải xếp hàng trong nhiều giờ để mua lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Nhưng thách đố lớn lao nhất cho các anh em là tìm ra những tòa nhà rộng đủ để chứa đám đông những người hưởng ứng lẽ thật!

Những người tiên phong đang cố gắng học tiếng Albania nhận ra rằng ngôn ngữ chỉ là một công cụ giúp đạt được một mục tiêu. Một người dạy Kinh Thánh kinh nghiệm nói với họ: “Chúng ta không cần phải biết chia động từ một cách hoàn hảo mới có thể nở một nụ cười nồng ấm hay ôm choàng anh em. Người Albania sẽ đáp lại tình yêu thương chân thành của anh chị, chứ họ không trông đợi anh chị phải thông suốt văn phạm. Đừng lo ngại, họ sẽ hiểu anh chị”.

Sau khi học xong khóa ngôn ngữ đầu tiên, các tiên phong bắt đầu đi rao giảng ở Berat, Durres, Gjirokastër, Shkodër, Tiranë và Vlorë. Chẳng bao lâu sau, tại những thành phố này nhiều hội thánh mọc lên như nấm. Chị Areti Pina, lúc ấy ngoài 80, sức khỏe yếu kém, vẫn sống tại thành phố Vlorë. Hai tiên phong đặc biệt được gửi đến đó để cùng rao giảng với chị. Người ta thật ngạc nhiên khi nghe người ngoại quốc nói tiếng Albania: “Giáo sĩ của các nhóm tôn giáo khác bảo chúng tôi phải học tiếng Anh hay tiếng Ý để có thể học được bất kỳ điều gì. Chắc hẳn là các anh chị rất yêu mến chúng tôi và có điều gì quan trọng muốn cho chúng tôi biết vì anh chị đã cố gắng học tiếng Albania!” Chị Areti đã trung thành cho đến khi kết thúc cuộc sống trên đất vào tháng 1 năm 1994, chị tích cực rao giảng cho đến tháng cuối cùng của đời mình. Đức Chúa Trời đã ban phước cho sự sốt sắng của chị và các tiên phong. Một hội thánh tại Vlorë được lập lại vào năm 1995. Ngày nay tại phố cảng này có ba hội thánh lớn mạnh đang bận rộn rao giảng.

Khắp nước, người dân đói khát về thiêng liêng và ít có định kiến về tôn giáo. Người ta đọc ngấu nghiến mọi ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh mà Nhân Chứng phát cho họ. Nhiều người trẻ bắt đầu học Kinh Thánh và tiến bộ nhanh chóng.

Hơn 90 hội thánh và các nhóm tiếp tục “được vững-vàng trong đức-tin, và số người càng ngày càng thêm lên” khắp nơi trong nước. (Công-vụ 16:5) Tại Albania 3.513 Nhân Chứng vẫn còn nhiều việc phải thực hiện. Vào tháng 3 năm 2005 có đến 10.144 người đã đến tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ. Những cuộc thảo luận với những người dân hiếu khách trong công việc rao giảng đã dẫn đến kết quả là có hơn 6.000 cuộc học hỏi Kinh Thánh. Hàng ngàn người hẳn sẽ được lợi ích từ bản New World Translation (Bản dịch Thế Giới Mới) mới được phát hành trong tiếng Albania. Quả thật, lời của Đức Giê-hô-va đang truyền đi khắp “Xứ Đại Bàng” và vì thế mang lại ca ngợi cho Ngài.

[Chú thích]

^ đ. 9 Tự truyện của Thanas Duli được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-12-1968.

^ đ. 17 Tự truyện của Nasho Dori được đăng trong Tháp Canh ngày 1-1-1996.

^ đ. 19 Tự truyện của vợ John Marks, Helen Marks, được đăng trong Tháp Canh ngày 1-1-2002.

[Khung nơi trang 20]

KHÔNG CÒN THÙ HẰN SẮC TỘC TẠI KOSOVO!

Vào cuối thập kỷ 1990 tên Kosovo trở nên quen thuộc đối với nhiều người khi có nhiều vụ tranh chấp đất đai và sự thù hằn sắc tộc dẫn đến chiến tranh và sự can thiệp của quốc tế.

Trong lúc chiến tranh xảy ra ở vùng Balkans, nhiều Nhân Chứng đã phải di tản qua những nước láng giềng. Khi chiến tranh chấm dứt, một nhóm nhỏ Nhân Chứng kể trên trở về Kosovo sẵn sàng tiếp tục công việc rao giảng. Những anh chị tiên phong đặc biệt người Albania và người Ý tình nguyện dọn đến Kosovo để giúp 2.350.000 người dân ở đó. Cánh đồng này hiện nay có khoảng 130 người công bố tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va trong bốn hội thánh và sáu nhóm.

Hội nghị đặc biệt một ngày diễn ra tại Priština, vào mùa xuân năm 2003, có 252 người tham dự. Trong số đó có những người gốc Albania, Đức, Gypsy, Serbia và Ý. Kết thúc bài diễn văn báp têm, diễn giả nêu lên hai câu hỏi. Có ba người đứng lên trả lời khẳng định: một người Albania, một người Gypsy và một người Serbia.

Tiếng vỗ tay vang lên như sấm khi cử tọa nghe ba người đồng thanh lớn tiếng trả lời: “Va!”, “Da!” và “Po!” Ba người ôm chầm lấy nhau. Họ đã tìm được giải pháp cho các vấn đề thù ghét sắc tộc ăn sâu tại vùng đất của mình.

[Bản đồ nơi trang 17]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Địa Trung Hải

Ý

ALBANIA

HY LẠP

[Hình nơi trang 18]

Nhân Chứng trẻ noi gương sốt sắng của các anh chị lớn tuổi

[Hình nơi trang 18]

Chị Areti Pina đã trung thành phụng sự từ năm 1928 đến khi qua đời vào năm 1994

[Hình nơi trang 19]

Nhóm tiên phong ngoại quốc đầu tiên tham dự khóa học ngôn ngữ

[Nguồn tư liệu nơi trang 16]

Đại bàng: © Brian K. Wheeler/VIREO