Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có nhận ra điềm chỉ Chúa Giê-su hiện diện?

Bạn có nhận ra điềm chỉ Chúa Giê-su hiện diện?

Bạn có nhận ra điềm chỉ Chúa Giê-su hiện diện?

KHÔNG ai muốn bị bệnh nặng hoặc gánh chịu thảm họa bất thình lình. Nhằm tránh những điều ấy, một người khôn ngoan nhận thấy những dấu hiệu chỉ về mối nguy hiểm và ứng phó cho phù hợp. Chúa Giê-su Christ miêu tả một dấu hiệu đặc biệt chúng ta cần nhận ra. Dấu hay điềm mà ngài chỉ ra sẽ tác động đến toàn cầu và ảnh hưởng trên toàn thể nhân loại, kể cả bạn và gia đình bạn.

Chúa Giê-su nói về Nước Trời, chính phủ sẽ loại bỏ sự gian ác và làm cho trái đất thành một địa đàng. Các môn đồ ngài thắc mắc về điều này và muốn biết khi nào Nước ấy sẽ đến. Họ hỏi: “Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”?—Ma-thi-ơ 24:3.

Chúa Giê-su biết sau khi ngài bị hành hình và được sống lại, nhiều thế kỷ sẽ trôi qua trước khi ngài lên ngôi ở trên trời với cương vị Vua Mê-si để cai trị loài người. Vì nhân loại không thấy được việc ngài lên ngôi, Chúa Giê-su đã cho một điềm để các môn đồ có thể nhận ra sự hiện diện của ngài hay “sự Chúa đến”, cũng như “tận-thế” hay thời kỳ cuối cùng của hệ thống này. Điềm này gồm nhiều khía cạnh, hình thành một dấu hiệu tổng hợp mang nét đặc trưng—điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su.

Những người viết Phúc Âm như Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca, mỗi người đều cẩn thận ghi lại lời đáp của Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ, chương 24 và 25; Mác, chương 13; Lu-ca, chương 21) Những người khác viết Kinh Thánh đã ghi thêm chi tiết về điềm. (2 Ti-mô-thê 3:1-5; 2 Phi-e-rơ 3:3, 4; Khải-huyền 6:1-8; 11:18) Khuôn khổ của bài này không cho phép bàn sâu về mọi chi tiết, nhưng chúng ta sẽ xem xét năm yếu tố chính trong điềm mà Chúa Giê-su đề cập đến. Bạn sẽ thấy rằng việc xem xét điềm này có ý nghĩa và quan trọng đối với riêng bạn.—Xin xem khung nơi trang 6.

“Một bước ngoặt lịch sử”

“Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác”. (Ma-thi-ơ 24:7) Tạp chí thời sự Đức Der Spiegel cho biết, trước năm 1914 người ta “tin vào một tương lai huy hoàng với nhiều tự do, tiến bộ và thịnh vượng”. Rồi mọi việc thay đổi. Theo nhận định của tạp chí GEO: “Chiến tranh bùng nổ vào tháng 8 năm 1914 và kết thúc vào tháng 11 năm 1918 là một đại biến. Đó là một điểm mốc lịch sử, tách rời hai thời kỳ cũ và mới”. Hơn 60 triệu binh sĩ từ năm lục địa đã tham gia vào cuộc xung đột tàn bạo này. Trung bình, khoảng 6.000 binh sĩ thương vong mỗi ngày. Kể từ đấy, các sử gia của mỗi thế hệ và mọi đảng phái chính trị đều xem “những năm từ 1914 đến 1918 là một bước ngoặt lịch sử”.

Thế Chiến I đã gây những biến đổi không thể đảo ngược và đẩy nhân loại đến những ngày cuối cùng của hệ thống này. Trong những năm tiếp theo của thế kỷ 20, càng có nhiều cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang và khủng bố hơn. Sự việc không biến chuyển tốt hơn trong mấy năm đầu của thế kỷ 21. Ngoài chiến tranh, người ta có thể thấy những khía cạnh khác của điềm.

Đói kém, dịch lệ và động đất

“Sẽ có đói-kém”. (Ma-thi-ơ 24:7) Nạn đói đã làm Châu Âu điêu đứng trong thế chiến thứ nhất, và kể từ thời ấy đến nay sự đói kém vẫn ám ảnh nhân loại. Sử gia Alan Bullock cho biết ở Nga và Ukraine vào năm 1933, “những đoàn người khốn khổ vì đói đi lang thang khắp vùng nông thôn... Xác người chất đống bên vệ đường”. Nhà báo T. H. White từng chứng kiến nạn đói hoành hành ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vào năm 1943, viết: “Trong cơn đói kém, hầu hết mọi thứ có thể ăn được—nghiền ra, ăn và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể. Nhưng chỉ có nỗi kinh khiếp về cái chết mới khiến người ta nghĩ đến việc ăn những thứ mà từ trước đến lúc bấy giờ họ cho rằng không thể ăn”. Đáng buồn thay, nạn đói hầu như là chuyện thường xảy ra ở Châu Phi trong những thập niên gần đây. Dù trái đất sản xuất đủ thực phẩm cho mọi người, Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc ước tính rằng 840 triệu người trên thế giới không đủ ăn.

“Dịch-lệ trong nhiều nơi”. (Lu-ca 21:11) Theo tờ Süddeutsche Zeitung, “theo ước tính, bệnh cúm Tây Ban Nha trong năm 1918 đã giết hại từ 20 đến 50 triệu người, nhiều hơn số người chết vì bệnh dịch hạch hoặc trong thế chiến thứ nhất”. Kể từ thời ấy đến nay, vô số người mắc những căn bệnh như sốt rét, đậu mùa, lao phổi, bại liệt, và dịch tả. Thế giới cũng kinh hoàng về sự lan truyền không ngừng của bệnh AIDS (SIDA). Hiện nay có tình trạng khó hiểu là những bệnh dai dẳng vẫn tồn tại song song với những tiến bộ đáng ngạc nhiên về y khoa. Nghịch lý này, trước nay chưa từng có, giúp nhận ra thời kỳ đặc biệt của chúng ta.

“Động đất”. (Ma-thi-ơ 24:7) Trong 100 năm qua, những trận động đất đã giết hại hàng trăm ngàn người. Theo một nguồn thông tin, kể từ năm 1914, trung bình mỗi năm có 18 trận động đất với cường độ đủ mạnh để phá hủy những tòa nhà cao tầng và làm nứt đất. Những cơn địa chấn gây thiệt hại nặng hơn về nhân mạng, đủ mạnh để san bằng các cao ốc, xảy ra mỗi năm khoảng một lần. Bất chấp những tiến bộ về kỹ thuật, số người chết vẫn cao vì nhiều thành phố đông dân lại ở trên những vùng mà bề mặt của trái đất gồm những tầng kiến tạo trượt lên nhau.

Tin mừng!

Phần lớn những khía cạnh của điềm chỉ về những ngày cuối cùng khiến chúng ta lo lắng. Nhưng Chúa Giê-su cũng nói đến một tin mừng.

“Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. (Ma-thi-ơ 24:14) Công việc mà chính Chúa Giê-su khởi đầu—rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời—sẽ lên đến cao điểm trong những ngày cuối cùng. Điều này đã thật sự xảy ra. Nhân Chứng Giê-hô-va đang rao giảng thông điệp của Kinh Thánh và giúp những người sẵn lòng biết áp dụng trong đời sống hàng ngày những gì họ học được. Hiện nay, hơn sáu triệu Nhân Chứng rao giảng trên 235 xứ trong hơn 400 thứ tiếng.

Xin lưu ý, Chúa Giê-su không nói là đời sống sẽ dừng lại vì những tình trạng khốn khổ trên thế giới. Ngài cũng không phán rằng một khía cạnh nào của điềm sẽ lan tràn trên toàn thế giới. Nhưng ngài báo trước nhiều biến cố sẽ họp lại thành một điềm mà ở bất cứ nơi nào trên đất cũng nhận ra.

Nhìn xa hơn những biến cố riêng lẻ, bạn có nhận thấy một kiểu mẫu, một điềm tổng hợp có tầm cỡ toàn cầu không? Điều đang xảy ra ảnh hưởng đến bạn và gia đình bạn. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi tại sao có quá ít người để ý đến việc này?

Quyền lợi riêng trước tiên

“Cấm bơi”, “Điện cao thế”, “Giảm tốc độ”. Đây là một vài biển báo và dấu hiệu cảnh báo chúng ta thấy nhưng thường bị người ta lờ đi. Tại sao? Chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta nghĩ là tốt nhất cho mình. Chẳng hạn, có thể chúng ta cảm thấy cần lái xe với vận tốc cao hơn luật định, hoặc có ước muốn mãnh liệt là xuống bơi tại nơi có biển cấm. Nhưng lờ đi những dấu hiệu là thiếu khôn ngoan.

Chẳng hạn, những vụ tuyết lở trong dãy núi Alps ở Áo, Pháp, Thụy Sĩ và Ý đôi khi cướp đi mạng sống của những du khách lờ đi những biển báo khuyến cáo họ chỉ trượt tuyết theo những đường an toàn được quy định. Theo tờ Süddeutsche Zeitung, nhiều du khách lờ đi những dấu hiệu cảnh báo như thế sống theo phương châm “không mạo hiểm, không vui”. Đáng buồn thay, lờ đi những lời cảnh báo có thể mang lại những hậu quả bi thảm.

Vì sao người ta không quan tâm đến điềm mà Chúa Giê-su đề cập đến? Họ có thể mù quáng vì tính hám lợi, vô cảm vì tính thờ ơ, lưỡng lự vì thiếu quyết đoán, ngập đầu trong những công việc thường ngày, hoặc bị kiềm kẹp trong nỗi sợ mất uy tín. Có nguyên nhân nào trong những nguyên nhân này làm cho bạn lờ đi điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su không? Chẳng phải nhận ra dấu hiệu và hành động thích hợp là khôn ngoan hơn sao?

Đời sống trong một địa đàng

Ngày càng có nhiều người để ý đến điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su. Có một cặp vợ chồng trẻ ở Đức, người chồng là Kristian viết: “Đây là thời kỳ u ám. Rõ ràng chúng ta đang sống trong ‘những ngày sau-rốt’ ”. Hai vợ chồng anh dành nhiều thì giờ để nói về Nước của Đấng Mê-si cho người khác nghe. Anh Frank cũng sống ở Đức. Vợ chồng anh dùng tin mừng trong Kinh Thánh để khuyến khích nhiều người. Anh Frank nói: “Tình hình trên thế giới ngày nay khiến nhiều người lo lắng về tương lai. Chúng tôi cố gắng khuyến khích họ bằng những lời tiên tri trong Kinh Thánh về một địa đàng”. Như vậy, anh Kristian và anh Frank góp phần làm ứng nghiệm một khía cạnh về điềm của Chúa Giê-su—công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời.—Ma-thi-ơ 24:14.

Khi những ngày cuối cùng lên đến cao điểm, Chúa Giê-su sẽ xóa sạch hệ thống cũ này và những người ủng hộ nó. Nước của Đấng Mê-si lúc bấy giờ sẽ điều khiển mọi hoạt động trên đất, biến trái đất thành Địa Đàng như đã báo trước. Nhân loại sẽ thoát khỏi bệnh tật và sự chết, và người chết sẽ được phục sinh để sống trên đất. Những viễn cảnh thú vị này đang chờ đón những người nhận ra điềm của thời đại. Tìm hiểu thêm về điềm và về những gì phải làm để được sống sót qua sự kết thúc của hệ thống này chẳng phải là đường lối khôn ngoan sao? Chắc chắn điều này phải là một vấn đề hết sức cấp bách cho mọi người.—Giăng 17:3.

[Câu nổi bật nơi trang 4]

Chúa Giê-su báo trước nhiều biến cố sẽ họp lại thành một điềm mà ở bất cứ nơi nào trên đất cũng nhận ra

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Bạn có nhận thấy một kiểu mẫu, một điềm tổng hợp có tầm cỡ toàn cầu không?

[Khung/​Các hình nơi trang 6]

DẤU HIỆU GIÚP NHẬN RA THỜI KỲ SAU RỐT

Chiến tranh chưa từng thấy.—Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:4

Đói kém.—Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:5, 6, 8

Dịch lệ.—Lu-ca 21:11; Khải-huyền 6:8

Tội ác thêm nhiều.—Ma-thi-ơ 24:12

Động đất.—Ma-thi-ơ 24:7

Những thời kỳ khó khăn.—2 Ti-mô-thê 3:1

Tham tiền quá mức.—2 Ti-mô-thê 3:2

Nghịch cha mẹ.—2 Ti-mô-thê 3:2

Vô tình.—2 Ti-mô-thê 3:3

Ưa thích thú vui hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.—2 Ti-mô-thê 3:4

Thiếu tiết độ hay tự chủ.—2 Ti-mô-thê 3:3

Thù người lành.—2 Ti-mô-thê 3:3

Không để ý đến mối nguy hiểm trước mắt.—Ma-thi-ơ 24:39

Những kẻ gièm chê không nhìn nhận chứng cớ của những ngày cuối cùng.—2 Phi-e-rơ 3:3, 4

Nước Đức Chúa Trời được rao giảng trên toàn cầu.—Ma-thi-ơ 24:14

[Nguồn tư liệu nơi trang 5]

Lính trong Thế Chiến I: Từ sách The World War—A Pictorial History, 1919; gia đình nghèo: AP Photo/Aijaz Rahi; người bị bại liệt: © WHO/P. Virot