Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Công việc rao giảng của Sau-lơ khơi dậy sự thù nghịch

Công việc rao giảng của Sau-lơ khơi dậy sự thù nghịch

Công việc rao giảng của Sau-lơ khơi dậy sự thù nghịch

NHỮNG người Do Thái ở Đa-mách không thể hiểu nổi. Làm thế nào một người nhiệt tình bảo vệ đạo truyền thống lại trở thành kẻ bội giáo? Chính Sau-lơ là người đã từng bắt bớ những ai cầu khẩn danh Chúa Giê-su tại thành Giê-ru-sa-lem. Ông cũng đến thành Đa-mách để ngược đãi các môn đồ ở đó. Nhưng giờ đây ông lại giảng rao rằng tên tội phạm đáng nguyền rủa bị đóng đinh vì tội phạm thượng chính là Đấng Mê-si! Sau-lơ bị mất trí chăng?—Công-vụ 9:1, 2, 20-22.

Dù gì thì cũng có sự giải thích cho điều này. Những người từ Giê-ru-sa-lem đi chung với Sau-lơ có thể đã kể lại câu chuyện xảy ra trên đường. Gần đến thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng chớp lóe chung quanh họ, hết thảy đều té xuống đất. Họ nghe có tiếng nói. Không ai bị hề hấn gì ngoài Sau-lơ. Ông nằm dài trên mặt đường. Sau khi Sau-lơ chờ dậy, những người đi cùng với ông phải dẫn ông đến Đa-mách, vì ông không thấy chi cả.—Công-vụ 9:3-8; 26:13, 14.

Từ kẻ chống đối thành người ủng hộ

Điều gì đã xảy ra cho Sau-lơ trên đường đến Đa-mách? Có phải chuyến hành trình dài hoặc cái nóng hun đốt của mặt trời ban trưa làm ông đuối sức? Quyết tìm lời giải thích dựa theo hiện tượng tự nhiên, những người hoài nghi thời nay đưa ra giả thuyết rằng Sau-lơ có thể đã bị một trong những chứng bệnh như mê sảng, ảo giác, khủng hoảng tinh thần nặng do lương tâm cắn rứt, suy nhược thần kinh hay có nguy cơ bị động kinh.

Sự kiện Chúa Giê-su hiện ra với Sau-lơ trong ánh sáng chói lòa đã thuyết phục ông rằng ngài là Đấng Mê-si. Về câu chuyện này, một số tác phẩm nghệ thuật đã họa hình Sau-lơ từ trên ngựa té xuống. Mặc dù điều đó có khả năng xảy ra nhưng Kinh Thánh chỉ nói ông “té xuống đất”. (Công-vụ 22:6-11) Dù sao đi nữa, điều đó cũng không quan trọng so với việc ông bị hạ xuống từ địa vị cao trọng. Giờ đây ông phải nhìn nhận những điều môn đồ của Chúa Giê-su rao giảng là sự thật. Ông chỉ còn cách gia nhập với họ mà thôi. Từ một kẻ hung hãn chống đối thông điệp của Chúa Giê-su đến cùng, Sau-lơ trở thành một trong những người kiên định nhất rao báo thông điệp đó. Sau khi được sáng mắt trở lại và làm báp têm, “Sau-lơ lần lần càng thêm vững chí, bắt-bẻ những người Giu-đa ở tại thành Đa-mách, mà nói rõ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ”.—Công-vụ 9:22.

Âm mưu hãm hại bị thất bại

Sau-lơ, sau này được gọi là Phao-lô, đã đi đâu sau khi cải đạo? Trong lá thư gửi cho người Ga-la-ti, ông viết: “Tôi đi qua xứ A-ra-bi; sau rồi trở về thành Đa-mách”. (Ga-la-ti 1:17) Địa danh “A-ra-bi” hay Ả-rập có thể ám chỉ bất cứ phần đất nào ở Bán Đảo Ả-rập. Một số học giả gợi ý rằng Phao-lô có thể đã đi đến sa mạc của xứ Sy-ri hoặc một nơi khác ở vương quốc Nabataea của Vua A-rê-ta IV. Sau báp têm, rất có thể Sau-lơ đi đến một nơi yên tĩnh để suy ngẫm, như Chúa Giê-su đã đi đến đồng vắng sau khi trầm người dưới nước.—Lu-ca 4:1.

Khi Sau-lơ trở về Đa-mách thì ‘người Giu-đa mưu với nhau để giết ông’. (Công-vụ 9:23) Quan tổng đốc, người đại diện của Vua A-rê-ta tại Đa-mách, giữ thành để bắt Sau-lơ. (2 Cô-rinh-tô 11:32) Bởi lẽ những kẻ thù bàn mưu giết Sau-lơ nên các môn đồ của Chúa Giê-su tìm đường cho ông tẩu thoát.

Trong số những người giúp Sau-lơ trốn thoát có A-na-nia và một số môn đồ đã ở cùng ông ngay sau khi ông báp têm. * (Công-vụ 9:17-19) Một số người được Sau-lơ rao giảng ở Đa-mách đã trở thành người tin đạo, có lẽ họ đã giúp ông, theo như Công-vụ 9:25 ghi lại: “Lúc ban đêm, các môn-đồ [“các môn đệ ông”, Tòa Tổng Giám Mục] lấy thúng dòng người xuống ngoài vách thành”. Từ “các môn-đồ” ở đây có thể nói về những người được Sau-lơ truyền giáo. Dù sao đi nữa, sự thành công trong thánh chức của Sau-lơ có thể đã châm dầu vào lửa thù hận đối với ông mà đã âm ỉ từ trước.

Một bài học cho chúng ta

Khi xem xét một số biến cố xảy ra quanh việc Sau-lơ cải đạo và làm báp têm, chúng ta thấy rõ ràng ông không quá lo lắng về việc người khác đánh giá mình thế nào, và cũng không bỏ cuộc vì bị bắt bớ dữ dội. Điều trọng yếu đối với Sau-lơ là sứ mạng rao giảng mà ông được giao phó.—Công-vụ 22:14, 15.

Bạn có phải là người mới nhận biết được tầm quan trọng của việc công bố tin mừng? Nếu thế, chắc hẳn bạn biết là tất cả tín đồ thật của Đấng Christ đều phải là những người rao báo Nước Trời. Bạn đừng ngạc nhiên nếu đôi khi thánh chức của bạn bị thù nghịch. (Ma-thi-ơ 24:9; Lu-ca 21:12; 1 Phi-e-rơ 2:20) Phản ứng của Phao-lô đối với sự chống đối nêu một gương sáng cho chúng ta. Những tín đồ Đấng Christ chịu đựng thử thách và không bỏ cuộc sẽ được ân phước của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài: “Các ngươi sẽ vì cớ danh ta bị mọi người ghen-ghét”. Tuy nhiên, ngài trấn an họ: “Nhờ sự nhịn-nhục của các ngươi mà giữ được linh-hồn mình”.—Lu-ca 21:17-19.

[Chú thích]

^ đ. 10 Đạo Đấng Christ có thể đã du nhập vào Đa-mách sau khi Chúa Giê-su rao giảng ở Ga-li-lê hoặc sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN.—Ma-thi-ơ 4:24; Công-vụ 2:5.

[Hình nơi trang 28]

Sau-lơ “té xuống đất” khi Chúa Giê-su hiện ra với ông

[Hình nơi trang 29]

Sau-lơ trốn thoát khỏi âm mưu hãm hại ông tại Đa-mách