Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hàng giáo phẩm có nên tham gia chính trị không?

Hàng giáo phẩm có nên tham gia chính trị không?

Hàng giáo phẩm có nên tham gia chính trị không?

“VIỆC tham gia chính trị có thể giúp người nghèo... Dù hệ thống chính trị có vẻ không đúng theo ý Chúa, ‘chúng ta vẫn phải tham gia để mang lại công lý cho người nghèo’, một vị tổng giám mục người Canada đã nói như trên với những người hành hương”.—Theo báo Catholic News.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hàng giáo phẩm phát biểu ủng hộ việc tham gia chính trị không có gì là mới lạ; và những nhà lãnh đạo tôn giáo giữ chức vụ chính trị cũng không phải là hiếm. Một số người cố gắng làm trong sạch hệ thống chính trị. Một số người khác được ái mộ và nhắc đến nhờ những cuộc vận động đòi quyền bình đẳng cho các sắc tộc và bãi bỏ chế độ nô lệ.

Tuy nhiên, nhiều người đi nhà thờ không khỏi băn khoăn khi nghe các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ ủng hộ một phe phái chính trị nào đó. Một bài trong báo Christian Century nói về chính trị và thần học viết: “Đôi khi chính những người thuộc các nhà thờ Tin Lành đặt nghi vấn về việc tham gia quá tích cực của các mục sư vào các hoạt động xã hội”. Nhiều người có đạo nghĩ nhà thờ là nơi thiêng liêng, không thích hợp cho việc làm chính trị.

Vấn đề này đưa ra một số thắc mắc đáng chú ý đối với tất cả những ai mong ước một thế giới tốt đẹp hơn. Phải chăng các thầy giảng đạo Đấng Christ có thể làm trong sạch hệ thống chính trị? * Việc tham gia chính trị có phải là cách của Đức Chúa Trời để thiết lập một chính phủ và một thế giới tốt hơn? Lúc ra đời, đạo Đấng Christ có phải là một hướng mới để làm chính trị không?

Việc nhân danh Đấng Christ làm chính trị bắt đầu thế nào?

Trong sách The Early Church, sử gia Henry Chadwick cho biết nét đặc trưng của hội thánh Đấng Christ thời ban đầu là “không quan tâm đến việc có quyền lực ngoài thế gian”. Đó là “một cộng đồng hiếu hòa, không gây loạn và phi chính trị”. Sách A History of Christianity nói: “Phần lớn tín đồ Đấng Christ tin chắc rằng không ai trong số họ được phép giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước... Ngay cả đến đầu thế kỷ thứ ba, Hippolytus nói truyền thống đạo Đấng Christ đòi hỏi một viên chức nhà nước muốn được nhận vào hội thánh phải từ chức”. Tuy nhiên, dần dần những người tham quyền đã bắt đầu lên nắm quyền trong nhiều hội thánh, tự phong cho mình những chức danh nghe thật oai. (Công-vụ 20:29, 30) Một số vừa muốn làm nhà lãnh đạo tôn giáo vừa muốn làm chính trị gia. Sự thay đổi đột ngột trong chính quyền La Mã đã tạo cơ hội đó cho họ.

Năm 312 CN, Hoàng Đế La Mã ngoại giáo Constantine bắt đầu ưu ái đạo Đấng Christ tự xưng. Điều đáng ngạc nhiên là các giám mục lại chịu thỏa hiệp với Hoàng Đế để đổi lấy một số đặc quyền. Ông Henry Chadwick viết: “Giáo Hội ngày càng can dự vào những quyết định quan trọng của nhà nước”. Việc tham gia chính trị ảnh hưởng thế nào đến hàng giáo phẩm?

Ảnh hưởng của chính trị trên hàng giáo phẩm

Ông Augustine, một nhà thần học Công Giáo có tiếng tăm của thế kỷ thứ năm, đã cổ xúy ý tưởng cho rằng Đức Chúa Trời dùng hàng giáo phẩm làm chính trị. Ông nuôi mộng Giáo Hội sẽ cai trị các nước và mang hòa bình cho nhân loại. Nhưng sử gia H. G. Wells viết: “Phần lớn lịch sử Châu Âu từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 15 cho thấy sự thất bại của ý tưởng lớn về một chính phủ toàn cầu đại diện cho Chúa”. Các quốc gia theo đạo Đấng Christ đã không mang lại hòa bình cho Châu Âu, huống chi cả thế giới. Khối đạo được xem là đạo Đấng Christ bị mất tín nhiệm đối với nhiều người. Điều gì đã xảy ra?

Nhiều người giảng đạo Đấng Christ bước vào chính trường với dụng ý tốt nhưng rốt cuộc họ lại dính líu tới việc ác. Ông Martin Luther, một thầy giảng và nhà biên dịch Kinh Thánh, nổi tiếng vì nỗ lực cải cách Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, lập trường can đảm chống lại giáo lý của nhà thờ lại khiến ông được cảm tình của phe nổi loạn chính trị. Ông bắt đầu bình phẩm về các vấn đề chính trị, và dần dần đánh mất lòng kính trọng của nhiều người. Ban đầu ông tán đồng giai cấp nông dân đang nổi loạn chống lại giới quý tộc áp bức. Nhưng rồi khi cuộc nổi dậy gây nhiều đổ máu, ông lại khuyến khích giới quý tộc đè bẹp cuộc nổi loạn đưa đến cuộc tàn sát hàng ngàn người. Không lạ gì khi ông bị giai cấp nông dân xem là kẻ phản bội. Ông Luther cũng khuyến khích giới quý tộc trong cuộc nổi loạn chống lại vị Hoàng Đế theo đạo Công Giáo. Thật vậy ngay từ đầu, những người Tin Lành, tên gọi sau này của những người theo ông Luther, đã khởi xướng một phong trào chính trị. Quyền lực đã ảnh hưởng thế nào đến ông Luther? Nó đã làm ông không còn liêm chính nữa. Chẳng hạn, lúc đầu ông chống lại việc dùng bạo lực đối với những người bất đồng tôn giáo, nhưng về sau ông lại xúi giục những người bạn có chức quyền thiêu sống những ai phản đối việc làm báp têm cho trẻ sơ sinh.

Ông John Calvin là một mục sư có tiếng tăm ở Geneva, nhưng ông cũng có ảnh hưởng rất lớn về mặt chính trị. Khi Michael Servetus chứng minh rằng thuyết Tam Vị Nhất Thể không bắt nguồn từ Kinh Thánh, ông Calvin dùng ảnh hưởng chính trị của mình để ủng hộ việc hành quyết Servetus trên giàn hỏa thiêu. Quả là một sự sai lệch khủng khiếp đối với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su!

Có lẽ những người này đã quên điều Kinh Thánh nói nơi 1 Giăng 5:19: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. Họ có thật sự muốn làm trong sạch bộ máy chính trị thời đó không, hay là tham vọng được quyền lực và bạn bè có địa vị cao lôi cuốn họ? Dù sao đi nữa, lẽ ra họ phải nhớ lời được soi dẫn của Gia-cơ, môn đồ Chúa Giê-su: “Anh em há chẳng biết làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế-gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch-thù cùng Đức Chúa Trời vậy”. (Gia-cơ 4:4) Ông Gia-cơ biết lời cầu nguyện của Chúa Giê-su về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian vậy”.—Giăng 17:14.

Tuy công nhận tín đồ Đấng Christ không nên dự phần vào việc ác của thế gian, nhưng nhiều người lại không tán đồng quan điểm trung lập về chính trị, tức là thật sự “không thuộc về thế-gian”. Họ cho rằng quan điểm đó cản trở tín đồ Đấng Christ tích cực bày tỏ tình yêu thương đối với người khác. Họ nghĩ hàng giáo phẩm nên lên tiếng và hành động chống lại nạn tham nhũng và bất công. Nhưng sự trung lập mà Chúa Giê-su dạy có thật sự cản trở việc tích cực quan tâm đến người khác không? Một tín đồ Đấng Christ có thể vừa đứng ngoài vòng tranh chấp chính trị vừa giúp đỡ người khác cách thực tiễn không? Bài kế tiếp sẽ trình bày những vấn đề trên.

[Chú thích]

^ đ. 5 Chính trị được định nghĩa là “những hoạt động của một giai cấp, một chính đảng, một tập đoàn xã hội, nhằm giành hoặc duy trì quyền điều khiển bộ máy nhà nước”.—Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học.

[Hình nơi trang 4]

Để có được quyền lực chính trị, hàng giáo phẩm đã thỏa hiệp với các nhà cầm quyền, như Hoàng Đế Constantine

[Nguồn tư liệu]

Viện bảo tàng Louvre, Paris

[Các hình nơi trang 5]

Tại sao các nhà lãnh đạo tôn giáo có tiếng tăm lại tham gia chính trị?

Augustine

Luther

Calvin

[Nguồn tư liệu]

Augustine: ICCD Photo; Calvin: Chân dung do họa sĩ Holbein vẽ, từ sách The History of Protestantism (Vol. II)