Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự thật về các cuộn sách tại vùng biển chết là gì?

Sự thật về các cuộn sách tại vùng biển chết là gì?

Sự thật về các cuộn sách tại vùng biển chết là gì?

Hơn 50 năm trước, một người du mục chăn cừu Ả-rập ném viên đá vào một hang động đã dẫn đến cái mà một số người gọi là khám phá vĩ đại nhất của ngành khảo cổ trong thế kỷ 20. Người du mục Ả-rập nghe tiếng viên đá làm vỡ một cái bình bằng đất nung. Khi lục soát, anh tìm thấy cuộn sách đầu tiên của cái gọi là những cuộn sách tại vùng Biển Chết.

CHO đến nay, những cuộn sách này vẫn còn gây chú ý và tranh luận trong giới học giả cũng như giới truyền thông đại chúng. Quần chúng nhận được thông tin lệch lạc và bị hoang mang. Có tin đồn lan truyền về việc cố sức che giấu khám phá này, vì người ta sợ những cuộn sách sẽ phơi bày sự thật có thể phá hoại nghiêm trọng đức tin của tín đồ Đấng Christ cũng như của người Do Thái. Nhưng những cuộn sách này có tầm mức quan trọng thật sự nào? Sau hơn 50 năm, sự thật có thể được tiết lộ không?

Những cuộn sách tại vùng Biển Chết là gì?

Những cuộn sách tại vùng Biển Chết là những bản chép tay cổ xưa của người Do thái. Phần lớn những bản này được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, một số được viết bằng tiếng A-ram và một ít bằng tiếng Hy Lạp. Nhiều cuộn sách và những mảnh chép tay xưa hơn 2.000 năm, trước thời Đấng Christ. Bảy trong số những cuộn chép tay đầu tiên do những người du mục Ả-rập trao lại bị hư hại ít nhiều. Nhiều cuộn sách và hàng ngàn mảnh sách khác đã được tìm thấy khi người ta lục lọi thêm nhiều hang động. Từ năm 1947 đến năm 1956, người ta đã khám phá ra tổng cộng 11 hang động trong đó có các cuộn sách gần Qumran cạnh Biển Chết.

Khi tất cả những cuộn và mảnh sách được xếp loại, tổng số lên đến khoảng 800 bản chép tay. Chừng một phần tư, hoặc hơn 200 bản chép tay là những bản sao Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Những bản chép tay khác là những văn tự cổ Do Thái không phải là Kinh Thánh, vừa thuộc dạng Apocrypha vừa thuộc dạng Pseudepigrapha. *

Một số cuộn sách kích thích các học giả nhiều nhất là những văn tự trước đây chưa ai biết. Những sách này bao gồm việc biện giải những vấn đề thuộc luật pháp Do Thái, những quy luật đặc trưng của cộng đồng giáo phái sinh sống trong vùng Qumran, về thơ ca và kinh cầu nguyện cũng như thuyết mạt thế tiết lộ quan điểm về sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh và về những ngày sau rốt. Sách cũng có những lời dẫn giải Kinh Thánh độc đáo, dạng xưa nhất của những lời bình luận từng câu trong Kinh Thánh mà chúng ta có được ngày nay.

Ai đã viết các cuộn sách tại vùng Biển Chết?

Các phương pháp xác định niên đại những tài liệu cổ cho biết những cuộn sách này chính là những bản sao chép hoặc đã được sáng tác từ thế kỷ thứ ba TCN đến thế kỷ thứ nhất CN. Một số học giả cho rằng trước khi đền thờ bị tàn phá vào năm 70 CN, các cuộn sách được người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem đem giấu trong các hang. Tuy nhiên, phần đông các học giả tham dự việc nghiên cứu các cuộn sách cho rằng quan điểm này không phù hợp với chính nội dung của các cuộn sách. Nhiều cuộn sách phản ánh quan điểm và phong tục nghịch lại với giới lãnh đạo tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem thời bấy giờ. Những cuộn sách này cho biết sự hiện hữu của một cộng đồng tin rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ những thầy tế lễ và việc phụng sự tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và Ngài xem sự thờ phượng của giáo phái họ trong đồng vắng như là một hình thức thay thế cho việc phụng sự tại đền thờ. Dường như giới có thẩm quyền tại đền thờ Giê-ru-sa-lem không thể nào lại là những người đi giấu bộ sưu tầm gồm những cuộn sách ấy.

Mặc dù rất có thể có một trường phái sao chép tại Qumran, nhưng chắc là nhiều cuộn sách được những tín hữu thuộc nhóm đó góp nhặt ở những nơi khác và mang về đó. Theo một nghĩa nào đó, các cuộn sách tại vùng Biển Chết là một bộ sưu tập thư viện phong phú. Như bất cứ thư viện nào, bộ sưu tập có thể bao gồm nhiều trình độ tư tưởng, tất cả những tư tưởng này không nhất thiết phải phản ánh quan điểm tôn giáo của người đọc. Tuy nhiên, vì những văn tự ấy được sao đi chép lại nhiều lần nên hẳn phải phản ánh những mối quan tâm và niềm tin đặc biệt của nhóm.

Có phải những người ngụ tại Qumran thuộc giáo phái Essenes không?

Nếu những cuộn sách này là thư viện của những người ngụ tại Qumran, thì dân cư Qumran là ai? Giáo sư Eleazar Sukenik, người lấy được ba cuộn sách cho Đại Học Hê-bơ-rơ ở Jerusalem vào năm 1947, là người đầu tiên đề xuất ý kiến rằng những cuộn sách này, trước đây thuộc về một cộng đồng của giáo phái Essenes.

Essenes là một giáo phái Do Thái được các tác giả vào thế kỷ thứ nhất như Josephus, Philo người Alexandria và Pliny the Elder đề cập đến. Về nguồn gốc chính xác của phái Essenes người ta chỉ suy đoán, nhưng dường như họ xuất hiện vào thời điểm náo động theo sau cuộc nổi loạn thời kỳ Mác-ca-bê vào thế kỷ thứ hai TCN. * Josephus viết về sự hiện hữu của họ trong thời kỳ ấy khi ông trình bày tỉ mỉ những quan điểm tôn giáo của họ khác với người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê như thế nào. Pliny đề cập đến cộng đồng thuộc phái Essenes sống cạnh Biển Chết giữa Giê-ri-cô và Ên-ghê-đi.

Giáo sư James VanderKam, một học giả nghiên cứu về các cuộn sách tìm thấy tại vùng Biển Chết, cho rằng “những người Essenes sống tại Qumran chỉ là phần nhỏ trong phong trào Essene rộng lớn hơn”, mà Josephus ước lượng được khoảng bốn ngàn người. Dù không hoàn toàn ăn khớp với mọi sự miêu tả, cái nhìn tổng quát về những văn tự tại Qumran dường như cho thấy tác giả phải là giáo phái Essenes thay vì bất cứ nhóm Do Thái nào khác được biết đến thời bấy giờ.

Một số người cho rằng đạo Đấng Christ khởi đầu tại Qumran. Tuy nhiên, có thể ghi nhận nhiều khác biệt sâu sắc về quan điểm tôn giáo giữa giáo phái Qumran và tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Các văn tự của phái Qumran cho thấy những quy định quá nghiêm khắc về ngày Sa-bát và hầu như bận tâm đến độ bị ám ảnh với sự thanh sạch theo nghi lễ. (Ma-thi-ơ 15:1-20; Lu-ca 6:1-11) Cũng có thể nói như thế về việc người Essenes sống cách biệt xã hội, về niềm tin của họ nơi định mệnh và linh hồn bất tử và về việc họ nhấn mạnh chế độ độc thân và những tư tưởng thần bí về việc cùng các thiên sứ tham gia vào sự thờ phượng. Điều này cho thấy họ mâu thuẫn với những dạy dỗ của Chúa Giê-su và với tín đồ Đấng Christ thời ban đầu.—Ma-thi-ơ 5:14-16; Giăng 11:23, 24; Cô-lô-se 2:18; 1 Ti-mô-thê 4:1-3.

Không có các cuộn sách bị ém nhẹm, che giấu

Những năm tiếp theo sau việc khám phá các cuộn sách tại vùng Biển Chết, nhiều ấn phẩm đã được xuất bản khiến những khám phá lúc ban đầu được nhiều học giả trên thế giới có thể dễ dàng nghiên cứu. Nhưng hàng ngàn mảnh vụn các cuộn sách được tìm thấy trong một hang gọi là Hang 4 thì rắc rối hơn nhiều. Những mảnh sách này nằm trong tay một nhóm nhỏ học giả quốc tế thiết lập ở phía Đông Jerusalem (khi ấy là một phần của Jordan) tại viện Bảo Tàng Khảo Cổ Palestine. Trong nhóm này không có một học giả Do Thái nào.

Nhóm đề ra chính sách không cho phép ai tiếp cận những cuộn sách cho đến khi nào họ công bố kết quả chính thức của cuộc nghiên cứu. Số học giả trong nhóm có giới hạn. Học giả mới chỉ được bổ sung để thay thế trong trường hợp một thành viên của nhóm qua đời. Số lượng công việc đòi hỏi nhóm phải đông người hơn, và trong vài trường hợp, phải tinh thông hơn về cổ ngữ Hê-bơ-rơ và A-ram. James VanderKam nói về điều này: “Dù thành thạo đến đâu đi chăng nữa, chỉ vỏn vẹn tám chuyên gia cũng không thể xử lý hàng chục ngàn mảnh sách vụn”.

Sau Trận Chiến Sáu Ngày vào năm 1967, Đông Jerusalem và những cuộn sách rơi vào quyền giám định của người Do Thái, nhưng đối với nhóm nghiên cứu chính sách không thay đổi. Sự chậm trễ trong việc công bố những cuộn sách trong Hang 4 kéo dài nhiều năm cho đến nhiều thập niên, và một số học giả lên tiếng phản đối. Năm 1977, giáo sư Geza Vermes của Đại Học Oxford gọi đó là một vụ tai tiếng về học thuật nổi bật của thế kỷ 20. Nhiều tin đồn bắt đầu lan truyền rằng Giáo Hội Công Giáo cố ý ém nhẹm những thông tin trong những cuộn sách mà có thể tàn phá đạo Đấng Christ.

Trong thập niên 1980, cuối cùng nhóm nghiên cứu tăng lên đến 20 học giả. Sau đó, vào năm 1990 dưới sự chỉ đạo của tổng biên tập mới, Emanuel Tov thuộc Đại Học Hê-bơ-rơ ở Jerusalem, nhóm tăng lên đến hơn 50 học giả. Họ lập một thời gian biểu chính xác để phát hành những bản sao tất cả cuộn sách còn lại.

Một bước khai thông thật sự đột ngột xảy ra vào năm 1991. Thoạt tiên, A Preliminary Edition of the Unpublished Dead Sea Scrolls được phát hành. Sách này được soạn với sự trợ giúp của máy vi tính căn cứ vào một bản sao danh mục của nhóm. Kế đến, Thư Viện Huntington ở San Marino, California, công bố họ sẽ giúp mỗi học giả có thể có được một bộ đầy đủ hình chụp các cuộn sách. Chẳng bao lâu sau, với sự ra mắt của cuốn A Facsimile Edition of the Dead Sea Scrolls, những hình ảnh của những cuộn sách trước đây chưa phát hành, đã giúp cho việc tham khảo dễ hơn.

Vậy trong thập niên vừa qua, tất cả cuộn sách tìm thấy tại vùng Biển Chết đều có thể dễ dàng có được để xem xét. Cuộc nghiên cứu cho thấy không có sự ém nhẹm; không có các cuộn sách bị giấu kín. Vì bản in chính thức cuối cùng của các cuộn sách đang được xuất bản, mãi cho đến bây giờ sự phân tích toàn diện mới có thể bắt đầu. Một thế hệ học giả mới nghiên cứu các cuộn sách tìm thấy tại vùng Biển Chết đã ra đời. Nhưng việc nghiên cứu này có tầm quan trọng gì đối với những học viên Kinh Thánh?

[Chú thích]

^ đ. 6 Cả hai dạng “Apocrypha” (nghĩa đen, “ẩn giấu”) và “Pseudepigrapha” (nghĩa đen, “ngụy thư”) là những văn tự của người Do Thái được viết ra từ thế kỷ thứ ba TCN cho đến thế kỷ thứ nhất CN. Dạng Apocrypha được Giáo Hội Công Giáo La Mã thừa nhận như một phần của Kinh Thánh chính điển được soi dẫn nhưng lại bị người Do Thái và người Tin Lành bác bỏ. Nhân danh một số nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, những câu chuyện Kinh Thánh thường được tô điểm thêm trong dạng sách Pseudepigrapha.

^ đ. 13 Xin xem bài “Người Mác-ca-bê là ai?” trong Tháp Canh ngày 15-11-1998, trang 21-24.

[Hình nơi trang 3]

Các hang động này nằm trong số những hang gần Biển Chết nơi mà những cuộn sách cổ được tìm thấy

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

Mảnh cuộn sách: Trang 3, 4, và 6: Courtesy of Israel Antiquities Authority

[Nguồn tư liệu nơi trang 5]

Courtesy of Shrine of the Book, Israel Museum, Jerusalem