Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU HỎI 4

Làm thế nào để sửa chữa lỗi lầm?

Làm thế nào để sửa chữa lỗi lầm?

TẠI SAO QUAN TRỌNG?

Thừa nhận lỗi lầm sẽ giúp bạn trở thành người có trách nhiệm và đáng tin cậy hơn.

BẠN SẼ LÀM GÌ?

Hãy hình dung tình huống sau: Khi đang chơi với các bạn, Tim ném trái bóng làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm.

Nếu là Tim, bạn sẽ làm gì?

NGỪNG LẠI VÀ SUY NGHĨ!

BẠN CÓ BA LỰA CHỌN:

  1. Bỏ chạy.

  2. Đổ lỗi cho người khác.

  3. Nói cho người hàng xóm biết và xin bồi thường cho họ.

Có lẽ bạn muốn làm theo lựa chọn A. Nhưng có những lý do chính đáng để bạn thú nhận lỗi lầm, dù sự việc liên quan đến chuyện làm vỡ cửa sổ hay bất cứ chuyện gì khác.

BA LÝ DO NÊN NHẬN LỖI

  1. Vì đó là điều đúng.

    Kinh Thánh nói: “Chúng tôi tin mình có lương tâm thật thà và muốn sống lương thiện trong mọi việc”.Hê-bơ-rơ 13:18.

  2. Vì người khác thường dễ tha thứ hơn cho người nhận lỗi.

    Kinh Thánh nói: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”.—Châm-ngôn 28:13.

  3. Quan trọng nhất, vì điều đó làm Đức Chúa Trời đẹp lòng.

    Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc kẻ gian-tà; nhưng kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng”.Châm-ngôn 3:32.

Karina, 20 tuổi, cố tìm cách giấu cha mẹ chuyện bị phạt vì chạy xe quá tốc độ. Nhưng ‘kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra’. Karina kể: “Khoảng một năm sau, ba phát hiện ra giấy phạt của mình. Mình gặp rắc rối to!”.

Bài học là gì? Karina nói: “Giấu tội chỉ khiến cho vấn đề trầm trọng thêm. Không sớm thì muộn bạn vẫn phải trả giá”.

CÁCH RÚT RA BÀI HỌC TỪ LỖI LẦM

Kinh Thánh nói: “Hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần” (Gia-cơ 3:2). Như đã xem xét, mau chóng nhận lỗi là dấu hiệu của tính khiêm nhường và sự chín chắn.

Bước tiếp theo là rút ra bài học từ lỗi lầm. Một bạn nữ tên Vera nói: “Mình cố gắng xem mỗi lỗi lầm là một bài học để hoàn thiện bản thân và biết cách xử lý tình huống tốt hơn trong lần tới”. Hãy xem cách bạn có thể làm thế.

Bạn mượn xe của ba và làm hỏng. Sau đó bạn sẽ làm gì?

  • Nín thinh và hy vọng ba sẽ không biết.

  • Nói hết cho ba biết chuyện gì đã xảy ra.

  • Nói cho ba biết nhưng đổ lỗi cho người khác.

Bạn thi rớt vì không học bài. Sau đó bạn sẽ làm gì?

  • Đổ thừa cho bài thi.

  • Nhận trách nhiệm.

  • Đổ thừa do giáo viên không thích mình.

Cứ nhớ đến những lỗi lầm trong quá khứ giống như nhìn chăm chăm vào gương chiếu hậu khi lái xe

Bây giờ, hãy nhìn lại những tình huống trên và thử hình dung bạn là (1) cha và (2) giáo viên. Cha và giáo viên của bạn sẽ nghĩ gì về bạn nếu bạn sẵn sàng nhận lỗi? Họ sẽ nghĩ gì về bạn nếu bạn che giấu lỗi lầm?

Hãy nghĩ về một lỗi bạn đã mắc phải trong năm qua và trả lời những câu hỏi sau.

Lỗi đó là gì? Mình đã làm gì sau khi phạm lỗi?

  • Che giấu.

  • Đổ lỗi cho người khác.

  • Sẵn sàng nhận lỗi.

Nếu đã không nhận lỗi, bạn cảm thấy thế nào sau đó?

  • Vui—Mình đã thoát nạn!

  • Mặc cảm tội lỗi—Đáng lẽ mình phải nói ra sự thật.

Bạn đã có thể xử lý tình huống tốt hơn như thế nào?

Bạn đã rút ra bài học gì từ lỗi lầm của mình?

BẠN NGHĨ SAO?

Tại sao một số người chần chừ nhận lỗi?

Mọi người sẽ nghĩ sao về bạn nếu bạn luôn cố che giấu lỗi lầm? Nhưng họ sẽ nghĩ sao về bạn nếu bạn nhận lỗi?—Lu-ca 16:10.