Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời khuyên khôn ngoan của người mẹ

Lời khuyên khôn ngoan của người mẹ

Lời khuyên khôn ngoan của người mẹ

“Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con”.—Châm-ngôn 1:8.

CHA MẸ có thể là một nguồn khích lệ, nâng đỡ và khuyên bảo quý giá. Sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh nói về một vị vua trẻ nọ, Lê-mu-ên, được mẹ “dạy cho” “các châm-ngôn”. Những lời này được ghi lại trong sách Châm-ngôn chương 31, và chúng ta cũng có thể được lợi ích từ lời khuyên khôn ngoan của người mẹ này.—Châm-ngôn 31:1.

Lời khuyên xứng đáng cho một vì vua

Mẹ của Lê-mu-ên bắt đầu bằng một số câu hỏi gợi sự chú ý của chúng ta: “Hỡi con ta sẽ nói gì? Hỡi con của thai ta, ta phải nói chi? Hỡi con của sự khấn-nguyện ta, ta nên nói điều gì với con?” Lời nài nỉ lặp lại ba lần cho thấy bà hết sức quan tâm đến việc con trai bà chú ý lời bà. (Châm-ngôn 31:2) Lòng quan tâm của bà đối với lợi ích thiêng liêng của con cái nêu một gương tốt cho các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ ngày nay.

Nói về hạnh phúc của con bà, điều gì có thể làm một người mẹ lo lắng hơn là chìm đắm trong các cuộc truy hoan và sự trác táng thường được nói đến như rượu chè, đàn bà và ca hát? Mẹ của Lê-mu-ên nói thẳng vào vấn đề: “Chớ phó sức-lực con cho người đàn-bà”. Bà tả hành vi luông tuồng là điều “gây cho vua-chúa bị bại-hoại”.—Châm-ngôn 31:3.

Chớ coi nhẹ việc say sưa. Bà khuyên răn: “Hỡi Lê-mu-ên, chẳng xứng-hiệp cho các vua, chẳng xứng-hiệp cho các vua uống rượu”. Nếu lúc nào cũng say sưa thì làm sao một vị vua xét xử công minh, không “quên luật-pháp, và làm hư sự xét-đoán của người khốn-khổ”?—Châm-ngôn 31:4-7.

Ngược lại, khi tránh những thói hư tật xấu như thế, vua mới có thể “xét-đoán cách công-bình, và phân-xử phải-nghĩa cho người buồn-thảm và nghèo-nàn”.—Châm-ngôn 31:8, 9.

Mặc dù người trẻ tín đồ Đấng Christ không phải là “vua” ngày nay, lời khuyên khôn ngoan của mẹ Lê-mu-ên cũng vẫn đúng lúc, có thể còn đúng lúc hơn trong trường hợp họ. Lạm dụng rượu, dùng thuốc lá, và tình dục vô luân lan tràn trong giới trẻ ngày nay, và điều thiết yếu là người trẻ tín đồ Đấng Christ chú ý nghe khi cha mẹ khuyên bảo họ “các châm-ngôn”.

Một người vợ đảm đang

Người mẹ quan tâm một cách chính đáng đến vợ tương lai của con trai sắp đến tuổi trưởng thành. Kế đến, mẹ của Lê-mu-ên nói đến những đức tính của một người vợ lý tưởng. Chắc chắn, một thanh niên sẽ được nhiều lợi ích khi xem xét quan điểm của một phụ nữ về vấn đề hệ trọng này.

Nơi câu 10, “người nữ tài-đức [“vợ đảm đang”, NW]được ví như châu ngọc hiếm và quý, mà trong thời Kinh Thánh được viết ra người ta phải bỏ nhiều công lao mới tìm được. Tương tự như thế, tìm được một người vợ đảm đang đòi hỏi nhiều công lao. Thay vì lập gia đình một cách hấp tấp, một thanh niên nên dành ra đủ thì giờ để chọn lựa. Như thế, anh mới dễ coi trọng người quý báu mình tìm được.

Nói về người vợ đảm đang, Lê-mu-ên được dặn: “Lòng người chồng tin-cậy nơi nàng”. (Câu 11) Nói cách khác, người chồng không nên đòi vợ phải hỏi ý mình về mọi việc. Dĩ nhiên, vợ chồng phải hỏi ý kiến nhau trước khi quyết định điều gì quan trọng, như mua những đồ mắc tiền hoặc nuôi dạy con cái. Nói chuyện trong lãnh vực này giúp hai người gắn bó với nhau.

Dĩ nhiên, một người vợ đảm đang có nhiều việc phải làm. Câu 13 đến 27 liệt kê những lời khuyên và nguyên tắc mà người vợ ở bất kỳ thời đại nào cũng có thể dùng vì lợi ích của gia đình. Thí dụ, với giá cả quần áo và đồ đạc gia tăng, một người vợ đảm đang học cách khéo tay và tằn tiện để gia đình có đủ quần áo và ăn mặc đàng hoàng. (Câu 13, 19, 21, 22) Để giảm chi phí đồ ăn trong gia đình, người vợ trồng những thứ nào có thể trồng, và đi chợ mua sắm cẩn thận.—Câu 14, 16.

Hiển nhiên, phụ nữ này không hề ăn “bánh của sự biếng-nhác”. Nàng làm việc siêng năng và khéo sắp xếp công việc nhà. (Câu 27) Nàng thắt “lưng bằng sức-lực”, có nghĩa là nàng chuẩn bị làm những công việc khó nhọc. (Câu 17) Nàng dậy trước khi mặt trời mọc để bắt đầu làm việc, và làm cần cù đến đêm tối. Như thể đèn rọi sáng công việc nàng không hề tắt.—Câu 15, 18.

Trên hết mọi sự, người vợ đảm đang là người có tính thiêng liêng. Nàng biết sợ Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài với lòng sùng kính và kính sợ. (Câu 30) Nàng cũng giúp chồng giáo huấn con cái làm điều đó. Câu 26 nói: Nàng dạy con cái “cách khôn-ngoan”, và “phép-tắc nhân-từ ở nơi lưỡi nàng”.

Một người chồng tài đức

Để thu hút một người vợ đảm đang, Lê-mu-ên cần phải làm tròn bổn phận của một người chồng tài đức. Mẹ của Lê-mu-ên nhắc ông về một số điều này.

Một người chồng tài đức được tiếng tốt với “các trưởng-lão của xứ”. (Châm-ngôn 31:23) Điều đó nghĩa là ông là người tài năng, chân thật, đáng tin cậy và kính sợ Đức Chúa Trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21; Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:18-20) Ông ‘được biết tại nơi cửa thành’ là người như thế; đó là nơi những người có tiếng tăm hội họp để điều khiển công việc của thành. Để “được... biết” là người kính sợ Đức Chúa Trời, ông phải biết điều và làm việc hòa hợp với các trưởng lão của “xứ”, có lẽ nói đến địa hạt hay khu vực.

Chắc chắn từ kinh nghiệm cá nhân, mẹ của Lê-mu-ên nhắc nhở con trai về tầm quan trọng của việc biểu lộ lòng quý trọng đối với vợ tương lai. Không ai trên đất mà ông yêu quý hơn. Vậy hãy tưởng tượng tình cảm sâu sắc trong giọng nói khi ông công nhận trước mọi người: “Có nhiều người con gái làm-lụng cách tài-đức, nhưng nàng trổi hơn hết thảy”.—Châm-ngôn 31:29.

Rõ ràng Lê-mu-ên quý trọng lời khuyên khôn ngoan của mẹ. Thí dụ, chúng ta thấy trong câu 1, ông nói đến lời của mẹ ông như của chính ông. Vì thế, ông khắc ghi vào lòng lời mẹ “dạy” và nhận lợi ích từ lời khuyên đó. Mong sao chúng ta cũng được lợi từ “các châm-ngôn” này bằng cách áp dụng những nguyên tắc đó trong đời sống chúng ta.

[Các hình nơi trang 31]

Một người vợ đảm đang không ăn “bánh của sự biếng-nhác”