Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 4

Có tinh thần trách nhiệm

Có tinh thần trách nhiệm

TINH THẦN TRÁCH NHIỆM LÀ GÌ?

Người có tinh thần trách nhiệm là người đáng tin cậy, thực hiện nhiệm vụ được giao và hoàn thành đúng thời hạn.

Dù nhận thức còn hạn chế, trẻ vẫn có thể rèn luyện tinh thần trách nhiệm từ nhỏ. Một sách về nuôi dạy con cho biết: “Trẻ từ 15 tháng tuổi đã biết hợp tác, và từ khoảng 18 tháng đã thích làm theo cha mẹ. Trong nhiều nền văn hóa, cha mẹ bắt đầu giúp con từ 5 đến 7 tuổi phát huy tinh thần giúp đỡ. Các em ở độ tuổi này đã có khả năng làm nhiều việc trong nhà”.—Parenting Without Borders.

TẠI SAO NÊN DẠY CON CÓ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM?

Hội chứng “những đứa trẻ to xác” muốn nói đến những người trẻ mà mãi không chịu trưởng thành. Dù có ra ở riêng đi chăng nữa, chẳng bao lâu sau họ cũng về lại với cha mẹ vì không đương đầu nổi với khó khăn. Trong một số trường hợp, nguyên nhân là vì khi nhỏ, họ không được dạy cách chi tiêu, chăm sóc nhà cửa hoặc tự lo cho bản thân.

Vì thế, điều quan trọng là bạn nên trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để vào đời. Một sách về cách dạy con tự lập bình luận: “Chúng ta không nên bao bọc con quá kỹ theo kiểu ‘cơm dâng tận miệng’, rồi khi con đến tuổi trưởng thành thì lại buông tay để con chơi vơi giữa dòng đời”.—How to Raise an Adult.

CÁCH DẠY CON CÓ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Giao cho con việc nhà.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Mọi loại việc khó nhọc đều đem lợi ích”.—Châm ngôn 14:23.

Trẻ rất hào hứng làm việc chung với cha mẹ. Vậy hãy phát huy tinh thần này bằng cách giao việc cho con.

Một số bậc cha mẹ không làm thế vì nghĩ rằng con đã có hàng đống bài tập, nỡ nào bắt con làm việc nhà!

Tuy nhiên, những em biết phụ giúp trong nhà thường học giỏi hơn vì đã tập nhận việc và hoàn thành nhiệm vụ. Cuốn sách được đề cập ở đầu bài cảnh báo: “Khi trẻ háo hức muốn phụ giúp mà cha mẹ không cho thì dần dần các em sẽ nghĩ là mình không cần giúp đỡ người khác... Các em cũng sẽ nghĩ là người khác phải làm mọi thứ cho mình”.—Parenting Without Borders.

Như lời cảnh báo đó, làm việc nhà sẽ dạy con biết giúp đỡ thay vì đòi hỏi, biết cho thay vì nhận. Nhờ thế, con sẽ thấy mình có vai trò trong gia đình và hiểu mình phải có trách nhiệm với các thành viên khác.

Tập cho con chịu trách nhiệm khi phạm lỗi.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy nghe lời khuyên và nhận sự sửa dạy, hầu mai sau trở nên khôn ngoan”.—Châm ngôn 19:20.

Khi con phạm lỗi, chẳng hạn như vô ý làm hỏng đồ đạc của người khác, đừng bao che cho con. Trẻ có thể chịu trách nhiệm về lỗi của mình, trong trường hợp này là xin lỗi hoặc bồi thường.

Việc nhận trách nhiệm về lỗi lầm hoặc sự thất bại của mình sẽ dạy trẻ những bài học sau:

  • Thành thật và biết nhận lỗi

  • Không đổ thừa cho người khác

  • Không viện cớ trốn tránh

  • Xin lỗi khi cần thiết