Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng chỉnh sửa gen là chìa khóa kéo dài tuổi thọ?

Hành trình tìm kiếm sự trường thọ

Hành trình tìm kiếm sự trường thọ

‘Ta đã thấy những việc Đấng Tạo Hóa giao cho loài người để họ làm. Mọi thứ ngài làm đều tốt đẹp, đúng kỳ của nó. Ngài còn đặt sự vĩnh cửu trong lòng loài người’.​Truyền đạo 3:10, 11.

Lời trên của vị vua khôn ngoan thời xưa là Sa-lô-môn đã miêu tả chính xác cảm nghĩ của con người về cuộc đời. Có lẽ vì cuộc đời ngắn ngủi và ai cũng phải chết nên từ xưa đến nay, con người luôn ao ước sống lâu hơn. Trong lịch sử, nhiều câu chuyện và truyền thuyết kể lại hành trình của những người đi tìm bí quyết trường thọ.

Trong số đó có ông Gilgamesh, là vị vua người Sumer. Có nhiều truyền thuyết kể về cuộc đời ông. Theo Sử thi Gilgamesh, ông đã trải qua chuyến hành trình đầy nguy hiểm để tìm bí quyết thoát khỏi sự chết. Nhưng cuối cùng, ông đã thất bại.

Một nhà giả kim thời Trung Cổ trong phòng thí nghiệm

Ở Trung Quốc, vào thế kỷ 4 TCN, các nhà giả kim cố gắng bào chế thuốc trường sinh. Thứ thuốc đó có chứa thủy ngân và một số thành phần của thạch tín. Theo sử liệu, nhiều hoàng đế Trung Quốc đã chết do uống thuốc này. Ở châu Âu, vào thời Trung Cổ, một số nhà giả kim tìm cách làm cho vàng có thể hấp thu được vì tin là tính chất chống ăn mòn của vàng giúp kéo dài tuổi thọ.

Ngày nay, các nhà sinh học và di truyền học vẫn nỗ lực vén lên bức màn bí ẩn về tiến trình lão hóa. Giống như việc tìm thuốc trường sinh bất tử, những nỗ lực này cho thấy con người không từ bỏ hy vọng chiến thắng tuổi già và sự chết. Họ đã đạt được kết quả nào?

ĐẤNG TẠO HÓA “ĐẶT SỰ VĨNH CỬU TRONG LÒNG LOÀI NGƯỜI”.—TRUYỀN ĐẠO 3:10, 11

ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN GÂY RA LÃO HÓA

Các nhà khoa học nghiên cứu về tế bào đã đưa ra hơn 300 giả thuyết về nguyên nhân con người già và chết. Những năm gần đây, các nhà sinh học phân tử đã có thể chỉnh sửa gen và protein để làm chậm tiến trình lão hóa trên động vật thí nghiệm và tế bào người. Vì những tiến bộ về khoa học như thế nên nhiều người giàu đã đầu tư vào những cuộc nghiên cứu để “giải quyết” cái chết. Các nhà khoa học nghiên cứu theo những hướng nào?

Đảo ngược tiến trình lão hóa. Một số nhà sinh học nghĩ rằng yếu tố then chốt trong tiến trình lão hóa nằm ở các đầu mút của nhiễm sắc thể, được gọi là telomere. Khi tế bào phân chia, telomere bảo vệ thông tin di truyền trong tế bào. Nhưng sau mỗi lần phân bào, telomere ngắn đi một ít. Hậu quả là đến một lúc nào đó, tế bào không phân chia được nữa, và cơ thể bắt đầu lão hóa.

Giáo sư Elizabeth Blackburn đoạt giải Nobel năm 2009 vì bà và nhóm nghiên cứu đã phát hiện vai trò của loại enzyme làm chậm quá trình rút ngắn của telomere, từ đó làm chậm tiến trình lão hóa của tế bào. Tuy nhiên, báo cáo của họ cũng thừa nhận rằng telomere “không phải phép mầu để trường sinh bất lão vì chúng không giúp con người sống lâu hơn mức tuổi thọ tối đa hiện tại”.

Tái lập trình tế bào. Đó là một phương pháp khác để làm chậm tiến trình lão hóa. Khi một tế bào già đi và không thể phân chia được nữa, nó có thể phát tín hiệu sai đến các tế bào miễn dịch kế cận, gây ra chứng viêm, cơn đau mãn tính hay bệnh lý. Gần đây, một nhóm nhà khoa học ở Pháp đã tái lập trình tế bào lấy từ những người lớn tuổi, trong đó có người hơn 100 tuổi, và những tế bào ấy đã phân chia trở lại. Giáo sư Jean-Marc Lemaître, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết công trình của họ chứng tỏ “có thể đảo ngược tiến trình lão hóa” của tế bào.

KHOA HỌC CÓ KÉO DÀI ĐƯỢC TUỔI THỌ CON NGƯỜI KHÔNG?

Không phải nhà khoa học nào cũng cho rằng những phương pháp chống lão hóa sẽ khiến tuổi thọ con người vượt xa hơn ngưỡng tuổi như hiện nay. Đành rằng tuổi thọ con người liên tục tăng kể từ thế kỷ 19, nhưng chủ yếu là nhờ có điều kiện vệ sinh tốt hơn, biện pháp chống bệnh truyền nhiễm, thuốc kháng sinh và tiêm chủng. Một số nhà di truyền học nghĩ rằng tuổi thọ con người gần như đã đạt đến giới hạn tự nhiên.

Khoảng 3.500 năm trước, ông Môi-se đã viết trong Kinh Thánh như sau: “Tuổi thọ chúng con đến được bảy mươi, có mạnh khỏe lắm cũng chừng tám mươi. Nhưng những năm ấy gian nan phiền muộn; đời chóng qua đi, chúng con bay mất” (Thi thiên 90:10). Đúng như Kinh Thánh nói, dù con người cố gắng đến đâu, phần lớn người ta cũng chỉ sống đến bấy nhiêu năm.

Thế mà các sinh vật như nhím biển đỏ hoặc một loại ngao Arctica Islandica có thể sống tới hơn 200 năm, các loài cây như cây cự sam có thể sống đến hàng ngàn năm. Khi so sánh tuổi thọ con người với các loài ấy, hẳn bạn thắc mắc: “Đời người chỉ 70 hay 80 năm thôi sao?”.