Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA

Cần biết gì về hội chứng tâm thần?

Cần biết gì về hội chứng tâm thần?

Chị Claudia vừa được cho biết là bị mắc bệnh rối loạn thần kinh lưỡng cực và rối loạn tinh thần sau chấn thương tâm lý. Chị cho biết: “Tôi cảm thấy nghẹt thở. Đối mặt với vết nhơ sỉ nhục của căn bệnh này dường như là điều không thể chịu nổi”.

Chồng chị Claudia là anh Mark nói: “Phải mất thời gian dài chúng tôi mới có thể chấp nhận hoàn cảnh. Nhưng tôi nhận ra rằng mình phải chuyên tâm vào việc hỗ trợ vợ”.

Bạn cảm thấy thế nào nếu bạn hoặc một người mà bạn yêu thương bị chẩn đoán là mắc hội chứng tâm thần? Thật đáng mừng, bệnh tâm thần có thể điều trị được. Xem xét một số điều sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng tâm thần *.

 Những thông tin quan trọng

“Hội chứng tâm thần gây đau khổ cho hàng trăm triệu người ở mọi nơi trên thế giới và ảnh hưởng đến đời sống của cả người thân. Cứ bốn người thì có một người bị hội chứng tâm thần vào thời điểm nào đó trong đời. Trầm cảm góp phần lớn nhất vào một tình trạng toàn cầu là mất khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày. Tâm thần phân liệt và rối loạn thần kinh lưỡng cực nằm trong số những chứng bệnh rối loạn nghiêm trọng và làm mất khả năng hoạt động nhiều nhất... Dù rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này nhưng hội chứng tâm thần vẫn bị che giấu, bỏ bê, còn người bệnh thì bị phân biệt đối xử”.—Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo tổ chức này, nhiều người mắc bệnh tâm thần từ chối chữa trị vì vết nhơ sỉ nhục gắn liền với bệnh đó.

Mặc dù đa số chứng bệnh rối loạn tâm thần có thể điều trị, nhưng theo báo cáo của Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần thì tại Hoa Kỳ có khoảng 60% người lớn và gần 50% người trẻ từ 8 đến 15 tuổi bị hội chứng tâm thần đã không điều trị trong năm vừa qua.

 Hiểu biết về hội chứng tâm thần

Bệnh tâm thần là gì? Các chuyên gia định nghĩa hội chứng tâm thần là rối loạn nghiêm trọng về cách suy nghĩ cũng như việc kiểm soát cảm xúc và hành vi. Tình trạng này thường khiến một người khó hòa hợp với người khác và khó đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống.

Một người bị hội chứng tâm thần không phải do yếu đuối hoặc có tính xấu

Các triệu chứng của bệnh này có thể dữ dội và kéo dài ở mức độ khác nhau tùy vào thể bệnh cũng như hoàn cảnh của mỗi người. Ai cũng có thể mắc bệnh ấy, bất kể giới tính, tuổi tác, nền văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, trình độ học vấn hay mức thu nhập. Một người bị hội chứng tâm thần không phải do yếu đuối hoặc có tính xấu. Với sự chăm sóc thích hợp về y tế, người bệnh có thể được điều trị, đồng thời có đời sống chất lượng và ý nghĩa.

Điều trị hội chứng tâm thần

Những chuyên gia trong ngành có thể điều trị thành công nhiều chứng bệnh tâm thần. Vậy, bước quan trọng đầu tiên là đến gặp một chuyên gia có kinh nghiệm điều trị các chứng bệnh tâm thần để được tư vấn kỹ.

Tuy nhiên, người bệnh chỉ được lợi ích từ sự hỗ trợ đó khi chấp nhận phương pháp điều trị thích hợp. Điều này có thể đòi hỏi một người phải vượt qua nỗi mặc cảm để trò chuyện với người khác về căn bệnh của mình. Phương pháp điều trị có thể bao gồm việc người bệnh nói chuyện với những người được huấn luyện chuyên môn về ngành tâm thần, vì họ có thể giúp người bệnh hiểu về căn bệnh, giải quyết các vấn đề trong đời sống thường ngày và ý thức được tầm quan trọng của việc không bỏ cuộc. Trong các buổi tư vấn ấy, một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn có thể đóng vai trò quan trọng là trấn an và ủng hộ.

Nhiều người đã học cách đương đầu với hội chứng tâm thần sau khi hiểu rõ hơn về tình trạng của mình và làm theo phác đồ điều trị của các chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Anh Mark, người được đề cập ở trên, nói: “Trước khi vợ tôi được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, vợ chồng tôi chỉ biết lờ mờ về căn bệnh này. Nhưng tôi đã học cách giải quyết từng bước các vấn đề trong đời sống và thích  nghi với hoàn cảnh. Qua thời gian, chúng tôi nhận được lợi ích từ sự hỗ trợ của các chuyên gia đáng tin cậy cũng như gia đình và bạn bè”.

Bước quan trọng đầu tiên là đến gặp một chuyên gia có kinh nghiệm để được tư vấn kỹ

Chị Claudia đồng ý với điều đó và thừa nhận: “Khi nhận kết quả chẩn đoán, tôi cảm thấy như bị tuyên án tù. Cho dù căn bệnh của tôi khiến cả hai vợ chồng bị giới hạn một số điều nhưng tôi dần nhận ra rằng mình có thể vượt qua những chướng ngại tưởng chừng như không thể. Vì thế, tôi đương đầu với bệnh tâm thần bằng cách hợp tác với ê-kíp điều trị, vun đắp mối quan hệ với người khác và thực hiện mọi việc từng bước một”.

Khỏe về thiêng liêng là quan trọng

Kinh Thánh không ngụ ý rằng đức tin có thể chữa lành các bệnh thể chất. Tuy nhiên, nhiều gia đình trên thế giới đã nhận được niềm an ủi và sức mạnh từ những điều Kinh Thánh dạy. Chẳng hạn, Kinh Thánh đảm bảo rằng Đấng Tạo Hóa yêu thương quan tâm sâu xa đến việc an ủi người có “lòng đau-thương” và “tâm-hồn thống-hối”.—Thi-thiên 34:18.

Dù không phải là sách chăm sóc sức khỏe nhưng Kinh Thánh cung cấp sự hướng dẫn thực tế, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với những cảm xúc đau buồn và hoàn cảnh éo le. Kinh Thánh cũng cho chúng ta hy vọng về tương lai khi đời sống trên đất không còn đau ốm và bệnh tật nữa. Lời Đức Chúa Trời hứa: “Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát”.—Ê-sai 35:5, 6.

^ đ. 5 Để nhất quán, trong bài này chúng tôi dùng cụm từ “hội chứng tâm thần” cho cả bệnh tâm thần, chứng rối loạn hành vi và rối loạn tâm thần.

^ đ. 32 Tỉnh Thức! không khuyến khích phương pháp điều trị nào. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên đảm bảo rằng những phương pháp điều trị mình chọn không trái với các nguyên tắc Kinh Thánh.

^ đ. 40 Cũng xem bài “Căng thẳng—Làm sao để kiểm soát?” trong Tỉnh Thức! tháng 5 năm 2014.