Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giới trẻ thắc mắc

Làm sao đối phó với căng thẳng ở trường?

Làm sao đối phó với căng thẳng ở trường?

“Tâm trạng căng thẳng ở trường không giảm bớt khi bạn lớn hơn, nó chỉ khác nguyên nhân mà thôi”.— James, New Zealand *.

“Tôi thường muốn khóc và hét lớn lên vì phải chịu quá nhiều áp lực ở trường”.— Sharon, Hoa Kỳ.

Bạn có cảm thấy cha mẹ không hiểu áp lực nặng nề bạn đang chịu ở trường không? Có thể cha mẹ bạn cho rằng bạn không phải vất vả nuôi gia đình, trang trải biết bao chi phí, hoặc làm hài lòng chủ. Đành là thế, nhưng bạn vẫn nghĩ rằng những áp lực mà bạn chịu đựng ở trường cũng không kém gì cha mẹ, thậm chí còn hơn nữa.

Chỉ mỗi việc đi lại giữa trường và nhà cũng có thể gây căng thẳng. Bạn Tara, ở Hoa Kỳ, nói: “Trên xe buýt đưa rước sinh viên thường xảy ra những trận ẩu đả. Bác tài thường phải dừng xe và bắt mọi người bước xuống. Những lúc như thế, chúng tôi có thể bị trễ ít nhất nửa tiếng”.

Đến trường rồi thì có bớt căng thẳng không? Hầu như không! Có lẽ bạn đồng tình với những lời phát biểu dưới đây:

Căng thẳng vì áp lực từ thầy cô.

“Các thầy cô đặt kỳ vọng nơi tôi và muốn tôi phải đạt điểm tối đa. Tôi cảm thấy bị áp lực vì muốn làm hài lòng họ”.—Sandra, đảo Fiji.

“Thầy cô luôn thúc các sinh viên lúc nào cũng phải học thật xuất sắc, đặc biệt là những bạn có học lực khá. Họ thật sự tạo áp lực cho chúng tôi”.—April, Hoa Kỳ.

“Ngay cả khi bạn có những mục tiêu tốt cho đời mình, một số giáo viên lại khiến bạn cảm thấy mình vô tích sự vì không đặt mục tiêu mà họ nghĩ bạn nên vươn tới, đó là học lên cao”.—Naomi, Hoa Kỳ.

Còn bạn thì sao?

․․․․․

Căng thẳng vì áp lực từ bạn bè.

“Ở trung học, học sinh được tự do hơn và cũng quậy phá hơn. Nếu không làm theo các bạn ấy thì sẽ bị chê là đồ cù lần”.—Kevin, Hoa Kỳ.

“Bạn bè xung quanh tôi đều biết uống rượu bia và có quan hệ tình dục. Đôi khi tôi cảm thấy rất khó kiềm chế để không bắt chước họ”.—Aaron, New Zealand.

“Năm nay em 12 tuổi, điều làm em căng thẳng nhất là áp lực từ bạn bè để hẹn hò. Bạn nào cũng hỏi em: “Tới chừng nào cậu mới chịu có bồ?” ”.—Alexandria, Hoa Kỳ.

“Bạn bè ép em cặp bồ với một bạn trai. Khi em không chịu thì bị mang tiếng là đứa đồng tính luyến ái. Năm đó, em mới 10 tuổi!”.—Christa, Úc.

Còn bạn thì sao?

․․․․․

Căng thẳng vì sợ phản ứng của bạn bè đối với tín ngưỡng của mình.

“Nói với bạn bè về tôn giáo của mình là điều rất khó vì không biết họ sẽ nghĩ gì. Bạn sợ bị xem là người lập dị”.—Carol, Hawaii.

“Ở những cấp trung học, các bạn đã biết uống rượu, dùng ma túy và quan hệ tình dục. Do đó, khi sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh và khác biệt với họ, bạn cảm thấy thật căng thẳng vì sợ bị chế giễu”.—Susan, Hoa Kỳ.

Còn bạn thì sao?

․․․․․

Những nguyên nhân khác gây căng thẳng.

Hãy đánh dấu hoặc viết ra nguyên nhân khiến bạn căng thẳng nhất.

  • Bài kiểm tra và bài thi

  • Bài tập về nhà

  • Kỳ vọng của cha mẹ

  • Kỳ vọng của chính mình

  • Nạn bạo lực học đường và quấy rối tình dục

  • Nguyên nhân khác

Năm bước giảm căng thẳng

Trên thực tế, bạn không thể trải qua một năm học mà không hề bị căng thẳng. Thế nhưng, nếu quá căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy như bị áp bức. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Bị áp bức, người khôn hóa dại” (Truyền-đạo 7:7, Tòa Tổng Giám Mục). Tuy nhiên, bạn có thể tránh được kết cuộc này. Điều quan trọng là biết cách đối phó với sự căng thẳng.

Đối phó với căng thẳng giống như tập môn cử tạ. Trước khi nâng tạ, vận động viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Phải nâng tạ đúng cách và không quá sức. Nếu làm như thế, với thời gian người đó sẽ có cơ bắp nở nang mà không gây thương tích. Bằng không, người đó có thể bị rách cơ hoặc thậm chí gãy xương.

Tương tự thế, bạn có thể tập đối phó với tâm trạng căng thẳng để thực hiện công việc của mình mà không gây ảnh hưởng tai hại cho bản thân. Bằng cách nào? Hãy thử làm theo những bước sau:

  1. Xác định nguyên nhân. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình” (Châm-ngôn 22:3). Tuy nhiên, bạn chỉ có thể “ẩn mình” hoặc tránh khỏi căng thẳng khi biết rõ nguyên nhân. Vì thế, hãy xem lại câu trả lời của bạn về những câu hỏi trên. Nguyên nhân nào khiến bạn căng thẳng nhiều nhất?

  2. Tìm hiểu thêm. Chẳng hạn, nếu bị áp lực vì bài tập, hãy xem những lời khuyên trong bài “Giới trẻ thắc mắc—Lấy đâu ra thì giờ để làm bài tập ở nhà?” nơi Tỉnh Thức! tháng 7-9 năm 2004. Nếu bị áp lực quan hệ tình dục với bạn cùng lớp, bạn sẽ tìm được lời khuyên hữu ích trong bài “Giới trẻ thắc mắc—Tại sao nên sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh?” nơi Tỉnh Thức! tháng 1-3 năm 2008.

  3. Nghĩ trước cách trả lời. Nếu cảm thấy căng thẳng vì sợ phản ứng của bạn bè đối với tín ngưỡng của mình, đừng đợi đến lúc họ hỏi rồi mới nghĩ câu trả lời và cách ứng phó (Châm-ngôn 29:25). Một bạn gái 18 tuổi tên Kelsey nói: “Điều giúp tôi rất nhiều là chuẩn bị trước. Tôi đã định sẵn cách giải thích niềm tin của mình”. Một bạn trai 18 tuổi ở Bỉ tên Aaron cũng làm như thế. Bạn ấy cho biết: “Tôi nghĩ trước những câu hỏi mà mình sẽ gặp, rồi chuẩn bị câu trả lời. Nếu không, chắc là tôi chẳng dám nói về niềm tin tôn giáo của mình”.

  4. Đừng trì hoãn. Nếu bạn chần chừ, vấn đề thường sẽ không biến mất mà trái lại có thể trở nên nghiêm trọng hơn và khiến bạn càng căng thẳng. Ví dụ, nếu là Nhân Chứng Giê-hô-va, hãy nói cho bạn bè biết càng sớm càng tốt. Điều đó có thể che chở bạn. Bạn Marchet, hiện nay 20 tuổi, cho biết: “Ngay đầu năm học, tôi chủ động nói về những đề tài giúp tôi có cơ hội giải thích với bạn bè về tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh. Tôi nhận thấy rằng càng chần chừ thì càng ngại nói cho bạn bè biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì thế, tôi cho biết rõ niềm tin tôn giáo của mình và sống đúng theo niềm tin ấy trong suốt năm học. Điều này đã giúp tôi rất nhiều”.

  5. Tìm sự giúp đỡ. Ngay cả một vận động viên cử tạ khỏe nhất cũng có sức lực giới hạn. Bạn cũng vậy. Tuy nhiên, bạn không phải mang gánh nặng một mình (Ga-la-ti 6:2). Sao không tâm sự với cha mẹ hoặc một tín đồ chín chắn? Hãy cho họ xem câu trả lời của bạn về những câu hỏi ở trên. Cùng họ xem xét cách mà họ có thể giúp bạn đối phó với những áp lực này. Một bạn nữ sống ở Ireland là Liz đã thổ lộ với cha về nỗi lo sợ bị chế giễu vì tôn giáo của mình. Bạn ấy nói: “Mỗi ngày, khi đưa tôi đến trường, cha con tôi cùng cầu nguyện. Nhờ vậy, tôi luôn cảm thấy an tâm khi vào lớp”.

Căng thẳng có lợi?

Nói ra có thể bạn cảm thấy khó tin, nhưng đôi khi bị căng thẳng thật ra cũng tốt. Tại sao? Đó là dấu hiệu cho thấy bạn là người siêng năng và có ý thức trách nhiệm. Hãy lưu ý lời Kinh Thánh nói về một người dường như không bao giờ biết căng thẳng: “Ngươi sẽ nằm cho đến chừng nào? Bao giờ ngươi sẽ ngủ thức-dậy? Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm một chút. . . , thì sự nghèo-khổ của ngươi sẽ đến như kẻ đi rảo, và sự thiếu-thốn của ngươi tới như người cầm binh-khí”.—Châm-ngôn 6:9-11.

Heidi, bạn nữ 16 tuổi, tóm tắt vấn đề như sau: “Trường học có lẽ là nơi đáng sợ, nhưng áp lực ở đây không khác gì áp lực bạn sẽ gặp tại sở làm”. Đành rằng đương đầu với tâm trạng căng thẳng không phải là dễ, nhưng nếu đối phó đúng cách thì bạn sẽ không bị ảnh hưởng tai hại. Không những thế, bạn có thể trở nên mạnh mẽ và vững vàng hơn trong cuộc sống.

^ đ. 3 Một số tên đã được thay đổi.

VÀI ĐIỀU ĐỂ SUY NGHĨ

  • Những dấu hiệu nào cho thấy bạn đang bị căng thẳng?

  • Tại sao tính cầu toàn càng khiến bạn bị căng thẳng?

  • Bạn có thể nói chuyện với ai nếu thấy quá căng thẳng?