Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mở đầu

Mở đầu

“Noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được hưởng những điều Đức Chúa Trời đã hứa”.—HÊ-BƠ-RƠ 6:12.

1, 2. Một giám thị lưu động hẳn đã xem các nhân vật trung thành trong Kinh Thánh ra sao? Tại sao họ là những người tuyệt vời để chúng ta kết bạn?

“Anh kể về các nhân vật trong Kinh Thánh y như họ là bạn lâu năm của anh”. Một nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã nhận xét như thế sau khi nghe bài giảng của một giám thị lưu động cao tuổi. Đúng thế, vì anh đã dành nhiều thập kỷ để học và dạy Lời Đức Chúa Trời nên mỗi khi kể về một nhân vật có đức tin thì giống như là kể về một người bạn thân mà anh quen từ lâu.

2 Được kết bạn cùng nhiều nhân vật trong Kinh Thánh chẳng phải là điều tuyệt vời hay sao? Họ có thật đến thế đối với bạn không? Hãy hình dung là bạn vừa đi vừa trò chuyện với họ, dành thời gian để quen biết những người nam và nữ như Nô-ê, Áp-ra-ham, Ru-tơ, Ê-li và Ê-xơ-tê. Hãy nghĩ đến việc họ có thể tác động đến đời sống bạn, qua những lời khuyên và khích lệ quý giá!Đọc Châm-ngôn 13:20.

3. (a) Chúng ta có thể được ích khi học về những người có đức tin trong Kinh Thánh bằng cách nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Dĩ nhiên, đến thời điểm có “sự sống lại của người công chính” thì chúng ta mới có thể thật sự kết bạn với họ (Công 24:15). Dù vậy, ngay từ bây giờ chúng ta có thể được ích khi học về những người có đức tin trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta câu trả lời thực tế: “Noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được hưởng những điều Đức Chúa Trời đã hứa” (Hê 6:12). Những lời của Phao-lô gợi lên vài câu hỏi như: Đức tin là gì, và tại sao chúng ta cần có đức tin? Chúng ta có thể noi theo gương trung thành của những người thời xưa như thế nào?. Trước khi bắt đầu học về những người có đức tin, chúng ta hãy cùng xem xét những câu hỏi ấy.

Đức tin—Là gì, và tại sao chúng ta cần?

4. Người ta có khuynh hướng cho rằng đức tin là gì, và tại sao họ đã sai lầm?

4 Đức tin là một phẩm chất đáng quý. Trong ấn phẩm này, chúng ta sẽ học về những người nam và nữ xem trọng phẩm chất ấy. Nhiều người ngày nay có khuynh hướng xem thường đức tin, họ cho rằng đức tin là tin một điều gì đó mà không có bằng chứng thật sự. Nhưng họ đã sai lầm. Đức tin không phải là cả tin, không chỉ là cảm xúc, và hơn cả niềm tin. Cả tin là nguy hiểm, cảm xúc có thể đến rồi đi, và ngay cả niềm tin cũng không đủ đối với Đức Chúa Trời, vì chính các ác thần cũng tin có Đức Chúa Trời và run sợ.—Gia 2:19.

5, 6. (a) Đức tin của chúng ta tập trung vào hai khía cạnh nào không thấy được? (b) Đức tin của chúng ta nên dựa trên nền tảng vững chắc đến mức nào? Hãy cho ví dụ.

5 Đức tin thật có ý nghĩa rộng hơn những điều trên. Hãy nhớ lại Kinh Thánh định nghĩa thế nào về đức tin. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:1). Phao-lô nói rằng đức tin tập trung vào hai khía cạnh mà chúng ta không thể thấy. Thứ nhất, đức tin tập trung vào những điều có thật “không nhìn thấy được”. Mắt trần của chúng ta không thể thấy những điều có thật trong cõi thần linh—chẳng hạn như Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Con ngài hoặc Nước Trời hiện đang cai trị trên trời. Thứ hai, đức tin tập trung vào “những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật”—tức những sự kiện chưa xảy ra. Bây giờ chúng ta không thể thấy thế giới mới mà Nước Trời sắp sửa mang đến. Phải chăng như thế có nghĩa rằng đức tin của chúng ta về những điều có thật và những điều chúng ta hy vọng là vô căn cứ?

6 Không hề! Phao-lô giải thích là đức tin thật dựa trên nền tảng vững chắc. Khi gọi đức tin là “sự tin chắc”, ông đã dùng một cụm từ có thể được hiểu là “giấy chứng nhận quyền sở hữu”. Hãy hình dung có người muốn cho bạn một căn nhà. Người ấy có thể đưa bạn giấy chứng nhận rồi nói: “Đây là nhà mới của bạn”. Dĩ nhiên người ấy không có ý nói là bạn sẽ ở trên tờ giấy kia. Ý của người ấy là một khi bạn có giấy tờ pháp lý thì đó là bằng chứng chắc chắn cho thấy bạn đã sở hữu căn nhà rồi. Tương tự, bằng chứng cho đức tin của chúng ta rất có sức thuyết phục, rất mạnh mẽ, đến mức có thể nói là nếu chúng ta có đức tin thật thì giống như chúng ta đã nhìn thấy được những gì mình tin.

7. Đức tin thật bao gồm điều gì?

7 Như thế, đức tin thật bao gồm niềm tin có cơ sở và sự tin chắc tập trung vào Đức Giê-hô-va. Đức tin khiến chúng ta xem ngài là Cha yêu thương và tin rằng mọi lời ngài hứa sẽ thành hiện thực. Nhưng đức tin thật còn bao gồm nhiều hơn thế. Như một sinh vật cần được nuôi dưỡng để sống sót, đức tin phải được biểu lộ bằng hành động nếu không nó sẽ chết.—Gia 2:26.

8. Tại sao đức tin rất quan trọng?

8 Tại sao đức tin rất quan trọng? Phao-lô cho chúng ta một câu trả lời đáng chú ý. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:6). Chúng ta không thể đến gần Đức Giê-hô-va và làm ngài hài lòng nếu không có đức tin. Vậy đức tin là thiết yếu nếu chúng ta muốn hoàn thành mục đích cao quý nhất của mọi tạo vật thông minh, đó là đến gần và tôn vinh Cha trên trời, Đức Giê-hô-va.

9. Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài biết chúng ta cần có đức tin?

9 Đức Giê-hô-va biết chúng ta cần có đức tin đến dường nào, vì thế ngài đưa ra những gương mẫu để dạy chúng ta cách xây đắp và biểu lộ đức tin. Ngài ban phước cho hội thánh đạo Đấng Ki-tô qua gương trung thành của những anh dẫn đầu. Lời ngài nói: “Hãy noi theo đức tin họ” (Hê 13:7). Và ngài còn cho chúng ta nhiều hơn nữa. Phao-lô viết về ‘các nhân chứng như đám mây rất lớn’, là những người nam và nữ thời xưa đã để lại gương nổi bật về đức tin (Hê 12:1). Còn nhiều tôi tớ trung thành nữa của Đức Giê-hô-va mà Phao-lô không thể kể ra hết trong chương 11 sách Hê-bơ-rơ. Các trang Kinh Thánh có rất nhiều câu chuyện có thật về cả nam lẫn nữ, trẻ cũng như già, với những hoàn cảnh khác nhau. Họ là những người sống có đức tin và có nhiều điều để dạy chúng ta trong thời kỳ thiếu đức tin này.

Chúng ta có thể noi theo đức tin của người khác bằng cách nào?

10. Học hỏi cá nhân giúp chúng ta noi gương những người trung thành trong Kinh Thánh như thế nào?

10 Bạn không thể noi gương của một người nếu không quan sát người đó kỹ. Khi đọc ấn phẩm này, bạn sẽ thấy các bài đã được nghiên cứu rất nhiều để giúp bạn quan sát những người nam và nữ có đức tin. Tại sao không dành thêm thời gian để tự nghiên cứu thêm về họ? Khi học hỏi cá nhân, hãy đào sâu Kinh Thánh bằng những công cụ nghiên cứu mà bạn có. Khi suy ngẫm về những điều đang học, hãy hình dung nơi chốn và bối cảnh của lời tường thuật trong Kinh Thánh. Cố gắng nhìn quang cảnh, nghe tiếng động, ngửi mùi hương cứ như bạn có mặt ở đó. Quan trọng hơn, cố gắng nhận ra cảm xúc của các nhân vật. Khi đồng cảm với những người trung thành ấy, họ sẽ trở nên có thật hơn, quen thuộc hơn đối với bạn—một số người thậm chí có thể trở thành bạn lâu năm của bạn.

11, 12. (a) Làm sao bạn có thể thấy gần gũi hơn với Áp-ram và Sa-rai? (b) Gương của An-ne, Ê-li hoặc Sa-mu-ên giúp ích cho bạn như thế nào?

11 Khi hiểu rõ về họ, bạn sẽ muốn noi gương họ. Ví dụ, hãy hình dung bạn đang cân nhắc một nhiệm vụ mới. Qua tổ chức của Đức Giê-hô-va, bạn được mời mở rộng thánh chức trong một khía cạnh nào đó. Có lẽ bạn được mời đến một nơi rất cần thêm người rao giảng, hoặc có lẽ bạn được đề nghị thử vài cách rao giảng mà bạn thấy không quen hoặc ngại làm. Khi cân nhắc một nhiệm vụ và cầu nguyện về nhiệm vụ đó, bạn có thấy hữu ích khi suy ngẫm gương của Áp-ram không? Ông và Sa-rai sẵn lòng từ bỏ đời sống tiện nghi ở U-rơ, và cuối cùng họ đã được ban phước dồi dào. Khi noi theo dấu chân của họ, chắc chắn bạn sẽ thấy mình hiểu rõ về họ hơn bao giờ hết.

12 Tương tự, nghĩ sao nếu một người thân thiết đối xử ác ý với bạn và làm bạn nản lòng, thậm chí muốn ở nhà hơn là đi nhóm họp? Nếu ngẫm nghĩ về gương của An-ne và cách bà vượt qua hành vi xấu xa của Phê-ni-na thì việc đó sẽ giúp bạn có quyết định đúng, và có lẽ cũng cảm thấy An-ne như là một người bạn yêu quý. Cũng vậy, nếu bạn nản lòng vì cảm giác vô dụng, bạn sẽ thấy gần gũi hơn với Ê-li khi học về hoàn cảnh của ông và cách ông được Đức Giê-hô-va an ủi. Còn những bạn trẻ đang bị áp lực dồn dập từ những bạn học vô đạo đức thì có thể thấy gần gũi hơn với Sa-mu-ên sau khi học cách ông phản ứng trước ảnh hưởng bại hoại của các con trai Hê-li tại đền tạm.

13. Việc noi theo đức tin của các nhân vật trong Kinh Thánh có khiến đức tin của bạn trở nên ít giá trị hơn không? Hãy giải thích.

13 Việc noi theo đức tin của các nhân vật trong Kinh Thánh có khiến đức tin của bạn trở nên ít giá trị hơn không? Không hề! Hãy nhớ là Lời Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta noi theo những người có đức tin (1 Cô 4:16; 11:1; 2 Tê 3:7, 9). Hơn nữa, một số người mà chúng ta sẽ học trong sách này cũng noi theo đức tin của những người trung thành đi trước. Ví dụ, chúng ta có thể thấy trong Chương 17 sách này, hẳn Ma-ri đã trích lời của An-ne. Liệu điều đó có khiến đức tin của Ma-ri yếu đi không? Không! Nói đúng hơn, gương của An-ne giúp Ma-ri xây đắp đức tin để có thể tạo danh tiếng tốt trước mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

14, 15. Ấn phẩm này có một số đặc điểm nào? Chúng ta có thể tận dụng ấn phẩm này bằng cách nào?

14 Sách này được biên soạn nhằm làm vững mạnh đức tin của bạn. Các chương sau là tổng hợp các bài từ mục “Hãy noi theo đức tin của họ”, đã xuất bản trong tạp chí Tháp Canh từ năm 2008 đến năm 2013. Tuy nhiên, một số phần mới được thêm vào. Mỗi chương có những câu hỏi để thảo luận và áp dụng. Nhiều hình minh họa chi tiết và đầy màu sắc được thiết kế cho sách này, còn những hình có sẵn thì được phóng to và làm sắc nét hơn. Sách này cũng bao gồm một số đặc điểm hữu ích khác như đường biểu diễn thời gian và bản đồ. Hãy noi theo đức tin của họ là một công cụ được biên soạn để học cá nhân, học với gia đình và học trong hội thánh. Nhiều gia đình cũng có thể chỉ đọc lớn tiếng các câu chuyện với nhau.

15 Mong sao sách này giúp bạn noi theo đức tin của các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va trong quá khứ. Và mong rằng sách cũng giúp bạn gia tăng đức tin khi bạn đến gần hơn với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va!