Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA | HÚT THUỐC LÁ—THƯỢNG ĐẾ NGHĨ GÌ?

Một vấn nạn toàn cầu

Một vấn nạn toàn cầu

Thói hút thuốc lá giết người không ngừng.

  • Giết chết 100.000.000 người trong thế kỷ vừa qua.

  • Hiện nay cướp đi khoảng 6.000.000 mạng sống mỗi năm.

  • Trung bình, cứ sáu giây thì có một người chết vì hút thuốc lá.

Không có dấu hiệu gì cho thấy tình trạng này sẽ được cải thiện.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng nếu tình trạng hiện nay cứ tiếp diễn, thì đến năm 2030, số tử vong mỗi năm vì hút thuốc lá sẽ lên đến hơn tám triệu người. Họ dự đoán đến cuối thế kỷ 21, việc hút thuốc lá sẽ cướp đi mạng sống của một tỉ người.

Nạn nhân của thuốc lá không chỉ là người hút thuốc, mà gồm cả các thành viên trong gia đình, là những người phải chịu tổn thất về tinh thần lẫn tài chính. Hơn nữa, có 600.000 người chết mỗi năm do hít phải khói thuốc gián tiếp. Vấn đề này cũng đè nặng lên mọi người vì chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng.

Không như những loại bệnh mà bác sĩ phải tìm cách điều trị, vấn nạn thuốc lá có thể chấm dứt được và giải pháp rất phổ biến. Tiến sĩ Margaret Chan, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Vấn nạn thuốc lá là do chính con người gây ra. Điều này hoàn toàn thay đổi được nếu có sự nỗ lực hợp tác giữa các chính phủ và xã hội”.

Đến tháng 8 năm 2012, có khoảng 175 quốc gia đã đồng ý thực hiện một số biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá *. Sự hưởng ứng toàn cầu này nhằm đấu tranh với khủng hoảng sức khỏe là điều chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, có những tác động mạnh mẽ làm cho vấn nạn này ngày càng dữ dội. Mỗi năm, ngành công nghiệp thuốc lá chi hàng tỉ đô la Mỹ cho việc quảng cáo để thu hút khách hàng mới, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên sống tại các nước đang phát triển. Tính năng gây nghiện của thuốc lá hầu như đảm bảo rằng số người chết sẽ vẫn cao trong một tỉ người đang hút thuốc. Nếu những người hút thuốc lá hiện nay không cai được, thì số tử vong sẽ gia tăng nhanh chóng trong bốn thập niên tới.

Nhiều người rất muốn cai thuốc lá, nhưng thói nghiện và ngành quảng cáo khiến họ không thể bỏ được. Đó là trường hợp của chị Naoko. Chị bắt đầu hút thuốc khi còn là thanh thiếu niên. Các phương tiện truyền thông vẽ lên một hình ảnh sinh động về thói này nên khi làm theo chị cảm thấy mình sành điệu. Dù chứng kiến cha mẹ đã qua đời do ung thư phổi, chị vẫn tiếp tục hút thuốc, ngay cả khi nuôi hai đứa con gái. Chị thừa nhận: “Tôi rất lo là mình sẽ bị ung thư phổi và cũng lo lắng về sức khỏe của con nhưng tôi không thể cai được. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ bỏ được thuốc lá”.

Tuy nhiên, chị Naoko đã làm được. Chị tìm được động lực giúp mình bỏ thói nghiện này, và chính động lực ấy cũng giúp cho hàng triệu người thoát khỏi nô lệ của thuốc lá. Đó là động lực nào? Mời bạn đọc bài tiếp theo.

^ đ. 11 Những biện pháp này bao gồm việc giáo dục người ta về sự nguy hiểm của thuốc lá, hạn chế tiếp thị thuốc lá, tăng thuế thuốc lá và lập các chương trình giúp cai thuốc lá.