Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những người hiếu hòa bảo vệ thanh danh

Những người hiếu hòa bảo vệ thanh danh

GỬI CÁC CÔNG DÂN NƯỚC NGA: Khi bài này được đăng, hàng chục triệu người trong hơn 230 quốc gia sẽ biết về tình trạng xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng ở Nga. Tháp Canh là tạp chí được dịch và phân phát rộng rãi nhất trên thế giới. Bài này được đăng trong 188 ngôn ngữ và hơn 40 triệu bản đã được in. Một số quan chức có lẽ không muốn thế giới biết điều đang xảy ra cho Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga, nhưng đúng như những gì Chúa Giê-su nói: “Chẳng có sự gì giấu mà không phải lộ ra, chẳng có sự gì kín mà không được biết”.—LU-CA 12:2.

Vào tháng 12 năm 2009 và tháng 1 năm 2010, hai tòa án cấp cao nhất tại Nga đã tuyên án rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là giáo phái cực đoan. Dường như lịch sử đang lặp lại. Dưới chế độ Xô Viết, hàng ngàn Nhân Chứng đã bị vu cáo là phản quốc. Họ bị lưu đày, bỏ tù hoặc bị giam trong các trại lao động khổ sai. Sau khi chế độ đó sụp đổ, Nhân Chứng Giê-hô-va được minh oan. Chính phủ mới đã chính thức phục hồi thanh danh của họ. * Nhưng giờ đây, có những người lại mưu đồ vu khống Nhân Chứng Giê-hô-va.

Đầu năm 2009, các nhà chức trách đã phát động một cuộc công kích nhắm vào quyền tự do tín ngưỡng của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chỉ trong tháng hai, các ủy viên công tố đã tiến hành hơn 500 vụ điều tra trên khắp cả nước. Mục đích của chiến dịch này là gì? Đó là để tìm ra bằng cớ chứng minh Nhân Chứng Giê-hô-va vi phạm pháp luật. Trong những tháng kế tiếp, cảnh sát đã xông vào nơi nhóm họp và nhà riêng trong lúc các Nhân chứng đang nhóm lại cách yên bình. Họ tịch thu các tài liệu và tài sản cá nhân. Các nhà chức trách còn trục xuất những luật sư nước ngoài đang giúp đỡ Nhân Chứng Giê-hô-va bảo vệ quyền lợi của mình, và cấm những luật sư đó nhập cảnh trở lại.

Vào ngày 5 tháng 10 năm 2009, hải quan Nga đã bắt giữ nhiều kiện sách báo của Nhân Chứng Giê-hô-va tại biên giới gần Saint Petersburg. Những sách báo này được in ở Đức và đang chuyển đến cho nhiều hội thánh ở Nga. Một đơn vị đặc biệt của hải quan Nga chuyên xử lý các vụ buôn lậu nghiêm trọng đã khám xét các kiện sách báo đó. Tại sao thế? Vì họ nhận được lệnh của chính quyền cho biết số sách báo này “có thể gồm những tài liệu kích động chia rẽ tôn giáo”.

Làn sóng bắt bớ đã sớm lên đến đỉnh điểm. Các tòa án tối cao của Liên Bang Nga và của Cộng hòa Altay (một phần của nước Nga) đã phán quyết rằng nhiều ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va, kể cả tạp chí mà bạn đang cầm trên tay, là tài liệu mang tính cực đoan. Nhân Chứng Giê-hô-va đã đệ đơn kháng án và thế giới cũng đã lên tiếng nhưng không có kết quả! Các phán quyết này vẫn có hiệu lực nên những ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va đang bị cấm nhập khẩu và phân phát tại Nga.

Nhân Chứng Giê-hô-va phản ứng ra sao trước những hành vi bôi nhọ danh tiếng và cản trở các hoạt động của mình? Những phán quyết trên ảnh hưởng thế nào đến quyền tự do tôn giáo của tất cả các công dân Nga?

Hành động trước mối đe dọa ngày càng gia tăng

Vào thứ sáu ngày 26 tháng 2 năm 2010, khoảng 160.000 Nhân Chứng Giê-hô-va khắp nước Nga đã bắt đầu phân phát 12 triệu tờ chuyên đề Could It Happen Again? A Question for the Citizens of Russia (Phải chăng lịch sử đang lặp lại? Câu hỏi cho các công dân nước Nga). Tại thành phố Usol’ye-Sibirskoye thuộc vùng Siberia, hàng trăm Nhân Chứng đã ra các đường phố vào lúc 5g30 sáng. Bất chấp cái lạnh âm 40°C, họ vẫn phân phát 20.000 tờ chuyên đề. Trong số họ, có một số người vì niềm tin đã bị lưu đày đến Siberia vào năm 1951.

Để thông báo về đợt phân phát ba ngày, Nhân Chứng Giê-hô-va đã tổ chức một cuộc họp báo tại Moscow, thủ đô nước Nga. Trong số những người được mời có ông Lev Levinson, chuyên gia của một tổ chức bảo vệ nhân quyền (Human Rights Institute). Ông đã nhắc lại sự ngược đãi và bắt bớ vô cớ mà các Nhân Chứng Giê-hô-va phải chịu dưới thời Đức Quốc Xã và Liên bang Xô Viết. Ông cho biết sau đó họ đã được chính thức giải tội: “Các tôn giáo từng bị ngược đãi dưới thời Xô Viết đều được minh oan bởi sắc lệnh của Tổng thống Yeltsin. Tất cả những gì họ mất đều được trả lại. Tuy Nhân Chứng Giê-hô-va không có bất động sản trong thời Liên bang Xô Viết, nhưng thanh danh của họ đã được khôi phục”.

Thanh danh đó lại bị bôi nhọ lần nữa. Ông Levinson nhận xét: “Những người này đang trở thành tâm điểm của sự bắt bớ hoàn toàn vô căn cứ tại chính đất nước mà trước đây chính quyền phải bày tỏ sự hối tiếc về những gì mình đã làm”.

Sự ủng hộ của dư luận

Đợt phân phát tờ chuyên đề có đạt được mục tiêu không? Ông Levinson kể lại: “Trên đường đến cuộc họp [báo], tôi thấy nhiều người trong tàu điện ngầm đang ngồi đọc tờ rơi mà hôm nay Nhân Chứng Giê-hô-va phân phát khắp nước Nga... Người ta đọc rất chăm chú” *. Hãy xem một số người nói gì.

Một phụ nữ lớn tuổi sống ở miền trung nước Nga, vùng mà phần lớn người ta theo đạo Hồi, đã nhận một tờ chuyên đề và hỏi tờ này nói về điều gì. Khi biết nội dung liên quan đến vấn đề nhân quyền và tự do tại Nga, bà thốt lên: “Cuối cùng thì cũng có người hướng sự chú ý của cộng đồng đến vấn đề đó! Về phương diện này, nước Nga đang quay lại thời kỳ Liên Xô. Cám ơn quý vị rất nhiều. Đây quả là công việc tốt!”.

Khi một phụ nữ ở Chelyabinsk được mời nhận một tờ chuyên đề, bà cho biết: “Tôi đọc rồi. Tôi hoàn toàn ủng hộ quý vị. Tôi chưa thấy một tôn giáo nào bảo vệ niềm tin một cách có tổ chức như quý vị. Tôi thích cách ăn mặc và cư xử lịch thiệp của quý vị. Rõ ràng quý vị có niềm tin mạnh mẽ. Chúa đang ở cùng quý vị”.

Tại Saint Petersburg, các Nhân Chứng hỏi một người đàn ông rằng ông có thích những gì mình đọc trong tờ chuyên đề không. Ông trả lời: “Có chứ. Tôi đã xúc động đến rơi lệ. Bà tôi đã bị bỏ tù [dưới thời Xô Viết]. Bà kể cho tôi về những người ở tù chung với bà. Có nhiều người là tội phạm, nhưng cũng có những người vô tội bị bắt giam vì niềm tin của họ. Tôi nghĩ mọi người nên biết những gì đã xảy ra. Quý vị đang làm điều đúng”.

Điều gì sẽ xảy ra ở Nga?

Hai thập kỷ qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã phần nào được tự do và họ quý trọng điều đó. Nhưng từ những kinh nghiệm trong quá khứ, họ ý thức rằng sự tự do đó rất mong manh. Liệu làn sóng vu khống gần đây có cho thấy nước Nga đang trở lại thời kỳ đàn áp đen tối không? Thời gian sẽ trả lời.

Dù sao đi nữa, các Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn quyết tâm rao truyền thông điệp mang lại sự bình an và hy vọng từ Kinh Thánh. Điều này được tóm tắt trong tờ chuyên đề như sau: “Sự bắt bớ sẽ không ngăn được chúng tôi. Chúng tôi sẽ không ngưng nói với người khác về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Lời của Ngài là Kinh Thánh, với sự tử tế và tôn trọng (1 Phi-e-rơ 3:15). Chúng tôi đã không lùi bước trước sự tàn ác của Đức Quốc Xã, không lùi bước trong thời kỳ đàn áp đen tối của đất nước này, và bây giờ, chúng tôi cũng sẽ không lùi bước.—Công-vụ 4:18-20”.

^ đ. 13 Nhiều giờ trước cuộc họp báo, các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Moscow đã bắt đầu đợt phân phát.