Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chữ hình nêm và Kinh Thánh

Chữ hình nêm và Kinh Thánh

Chữ hình nêm và Kinh Thánh

Sau khi ngôn ngữ của loài người bị làm lộn xộn ở Ba-bên, nhiều hệ thống chữ viết đã được phát triển. Dân sống ở Mê-sô-bô-ta-mi, chẳng hạn như dân Sumer và Ba-by-lôn, dùng chữ hình nêm, gồm những dấu hình tam giác vẽ bằng bút trâm trên đất sét mềm.

Các nhà khảo cổ đã khai quật được những văn bản chữ hình nêm nói về những dân và sự kiện đề cập trong Kinh Thánh. Chúng ta biết gì về hệ thống chữ viết cổ xưa này? Và những văn bản ấy đưa ra bằng chứng nào về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh?

Những ghi chép tồn tại lâu

Các học giả tin rằng lúc đầu, hệ thống chữ viết ở Mê-sô-bô-ta-mi là chữ tượng hình, lối chữ dùng ký hiệu hay hình vẽ để tượng trưng cho một từ hoặc một ý. Thí dụ, lúc đầu, ký hiệu tượng trưng cho con bò trông giống cái đầu con bò. Khi nhu cầu lưu trữ tài liệu gia tăng, chữ hình nêm đã được phát triển. Cuốn NIV Archaeological Study Bible giải thích: “Giờ đây, các ký hiệu không chỉ tượng trưng cho từ mà còn cả âm tiết, một số ký hiệu có thể được kết hợp với nhau để thể hiện các âm tiết của một từ”. Cuối cùng, với khoảng 200 ký hiệu khác nhau, chữ hình nêm đã “thể hiện được lời nói, với tất cả sự phức tạp của từ vựng và ngữ pháp của lối chữ này”.

Đến thời Áp-ra-ham, khoảng 2.000 năm TCN, chữ hình nêm đã được phát triển khá phức tạp. Trong vòng 20 thế kỷ tiếp sau đó, khoảng 15 ngôn ngữ đã dùng chữ viết này. Hơn 99% các văn bản chữ hình nêm đã tìm thấy đều được viết trên những bảng đất sét. Trong 150 năm qua, rất nhiều bảng này đã được tìm thấy ở U-rơ, Uruk (Ê-rết), Ba-by-lôn, Nimrud, Nippur, Ashur, Ni-ni-ve, Mari, Ebla, Ugarit và Amarna. Tạp chí Archaeology Odyssey nói: “Các chuyên gia ước tính có từ một đến hai triệu bảng chữ hình nêm đã được khai quật, và khoảng 25.000 bảng khác được tìm thấy mỗi năm”.

Dịch những bản văn đó là công việc rất to lớn cho các học giả chữ hình nêm trên khắp thế giới. Theo một ước tính, “chỉ khoảng 1/10 những bản văn chữ hình nêm còn tồn tại là đã được đọc, nhưng chỉ một lần, trong thời hiện đại”.

Việc phát hiện những văn bản chữ hình nêm được viết trong hai hay ba ngôn ngữ là chìa khóa để giải mã dạng chữ này. Các học giả nhận thấy những tài liệu này thể hiện cùng một nội dung trong những ngôn ngữ khác nhau và đều được viết bằng chữ hình nêm. Họ cũng nhận ra rằng những tên, tước hiệu, gia phả của các vị vua và ngay cả những lời tự ca tụng thường được lặp đi lặp lại; điều này giúp ích cho việc giải mã.

Đến thập niên 1850, các học giả có thể đọc được ngôn ngữ chung bằng chữ hình nêm của vùng Trung Đông cổ xưa là tiếng Akkadian, cũng gọi là Assyro-Babylonian. Cuốn Encyclopædia Britannica (Bách khoa từ điển Anh Quốc) giải thích: “Khi tiếng Akkadian được giải mã thì có thể hiểu được điều cơ bản của hệ thống chữ viết này, và bản mẫu đầu tiên được lập ra để hiểu những ngôn ngữ chữ hình nêm khác”. Những văn bản này liên hệ thế nào đến Kinh Thánh?

Bằng chứng hòa hợp với Kinh Thánh

Kinh Thánh nói rằng các vua Ca-na-an cai trị Giê-ru-sa-lem cho đến khi Đa-vít chiếm được thành này, khoảng năm 1070 TCN (Giô-suê 10:1; 2 Sa 5:4-9). Nhưng một số học giả đã nghi ngờ điều đó. Tuy nhiên, vào năm 1887, một phụ nữ nông dân tìm thấy một bảng đất sét ở Amarna, Ai Cập. Cuối cùng, khoảng 380 văn bản được tìm thấy tại đó chính là thư từ quan hệ ngoại giao giữa những nhà cai trị Ai Cập (Amenhotep III và Akhenaton) và các nước ở Ca-na-an. Sáu lá thư là của ‘Abdi-Heba, nhà cai trị Giê-ru-sa-lem.

Tạp chí Biblical Archaeology Review nói: “Những bảng Amarna nói rõ Giê-ru-sa-lem là một thành chứ không phải điền trang, và ‘Abdi-Heba là... quan tổng đốc có một dinh thự và 50 binh lính Ai Cập đóng tại Giê-ru-sa-lem; điều này cho thấy Giê-ru-sa-lem là một vương quốc nhỏ vùng đồi núi”. Tạp chí này nói thêm: “Chúng ta có thể tin chắc rằng, dựa trên những lá thư ở Amarna, một thành phố, có tầm quan trọng trong thời đó, đã từng tồn tại”.

Những tên trong các bảng ghi chép của người A-si-ri và Ba-by-lôn

Người A-si-ri, và sau này người Ba-by-lôn, ghi lại lịch sử của họ trên những bảng đất sét cũng như trên ống hình trụ, lăng trụ và bia tưởng niệm. Vì thế, khi giải mã được chữ hình nêm của tiếng Akkadian, các học giả thấy những văn bản ấy đề cập đến những người cũng có tên trong Kinh Thánh.

Sách The Bible in the British Museum nói: “Trong bài diễn văn năm 1870, nói trước Hội Khảo cổ Kinh Thánh (Society of Biblical Archaeology) mới thành lập, tiến sĩ Samuel Birch đã xác định được [trong các văn bản chữ hình nêm tên của] các vua người Hê-bơ-rơ như Ôm-ri, A-háp, Giê-hu, A-xa-ria... Mê-na-hem, Phê-ca, Ô-sê, Ê-xê-chia và Ma-na-se, các vua A-si-ri là Tiếc-la-Phi-lê-se... [III], Sa-gôn, San-chê-ríp, Ê-sạt-ha-đôn và Ô-náp-ba (Ashurbanipal)... và các vua Sy-ri là Bên-ha-đát, Ha-xa-ên và Rê-xin”.

Cuốn The Bible and Radiocarbon Dating so sánh lịch sử của nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa trong Kinh Thánh với những văn bản chữ hình nêm cổ xưa. Kết quả là gì? “Tổng cộng có 15 hoặc 16 vua của Giu-đa và Y-sơ-ra-ên xuất hiện, trong những nguồn tài liệu nước ngoài, hoàn toàn giống với tên và thời của họ trong sách Các Vua [của Kinh Thánh]. Không một vua nào là không trùng khớp, và tất cả các tên được nói đến trong những nguồn tài liệu nước ngoài đều đã được đề cập trong sách Các Vua”.

Một mảnh khắc chữ hình nêm nổi tiếng được phát hiện vào năm 1879, gọi là Trụ đá của vua Si-ru, ghi lại rằng sau khi chiếm Ba-by-lôn năm 539 TCN, vua Si-ru đã áp dụng chính sách cho phép phu tù trở về quê hương. Trong số những người được hưởng lợi ích có dân Giu-đa, tức Do Thái (E-xơ-ra 1:1-4). Nhiều học giả ở thế kỷ 19 đã đặt nghi vấn về tính xác thực của chiếu chỉ được ghi lại trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, những văn kiện chữ hình nêm từ thời Ba Tư (Phe-rơ-sơ), bao gồm Trụ đá của vua Si-ru, cung cấp bằng chứng hùng hồn rằng lời ghi chép của Kinh Thánh là chính xác.

Vào năm 1883, có hơn 700 văn bản chữ hình nêm được tìm thấy ở Nippur, gần Ba-by-lôn. Trong số 2.500 tên được đề cập, khoảng 70 tên có thể được xác định là của người Do Thái. Sử gia Edwin Yamauchi nói rằng đó là tên của “các bên ký kết, nhân viên, người làm chứng, người thu thuế và viên chức của hoàng gia”. Bằng chứng về việc người Do Thái tiếp tục tiến hành những hoạt động đó gần Ba-by-lôn trong thời kỳ này là điều đáng chú ý. Nó chứng thực lời tiên tri trong Kinh Thánh rằng “một số” người Y-sơ-ra-ên lưu đày ở A-si-ri và Ba-by-lôn trở về Giu-đê, nhưng nhiều người thì không.—Ê-sai 10:21, 22.

Trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN, chữ hình nêm đã tồn tại song song với hệ thống chữ cái. Nhưng cuối cùng, người A-si-ri và Ba-by-lôn đã bỏ chữ hình nêm và sử dụng hệ thống chữ cái.

Hàng trăm ngàn bảng khắc chữ đang được cất giữ trong các viện bảo tàng vẫn chưa được nghiên cứu. Những bảng mà các chuyên gia đã giải mã cung cấp bằng chứng hùng hồn về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Có thể còn có những bằng chứng khác từ những văn bản hiện chưa được nghiên cứu.

[Nguồn tư liệu nơi trang 21]

Photograph taken by courtesy of the British Museum