Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được lợi ích nhờ gương trung thành của người thân yêu

Được lợi ích nhờ gương trung thành của người thân yêu

Tự Truyện

Được lợi ích nhờ gương trung thành của người thân yêu

DO KATHLEEN COOKE KỂ LẠI

KHI đến thăm bà con ở Glasgow, Scotland vào năm 1911, bà ngoại tôi là Mary Ellen Thompson có dịp nghe một bài diễn văn của anh Charles Taze Russell. Anh Russell là một thành viên nổi tiếng của nhóm Học Viên Kinh Thánh (về sau được gọi là Nhân Chứng Giê-hô-va). Bà ngoại rất thích những điều mình nghe. Khi trở về Nam Phi, bà liên lạc với nhóm Học Viên Kinh Thánh tại địa phương. Tháng 4 năm 1914 bà cùng với 15 người khác làm báp têm tại đại hội đầu tiên của Học Viên Kinh Thánh ở Nam Phi. Lúc đó mẹ tôi là Edith được sáu tuổi.

Sau khi anh Russell qua đời vào năm 1916, mối bất hòa nảy sinh giữa các Học Viên Kinh Thánh trên khắp thế giới. Ở Durban, con số những người giữ lòng trung thành giảm từ 60 xuống còn khoảng 12 người. Bà nội tôi là Ingeborg Myrdal và Henry, người con trai của bà và cũng là cha tôi sau này, thuộc trong số những người trung thành. Khi ấy cha là một thiếu niên vừa mới báp têm. Năm 1924, cha tôi trở thành người phân phát sách đạo, đó là tên gọi những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Trong suốt 5 năm sau đó, cha rao giảng ở nhiều vùng thuộc miền nam Phi Châu. Năm 1930, cha và mẹ tôi kết hôn, và ba năm sau tôi chào đời.

Một đại gia đình

Gia đình tôi sống ở Mozambique được một thời gian, rồi vào năm 1939 chúng tôi dọn đến sống với ông bà ngoại ở Johannesburg. Ông ngoại không chú ý đến lẽ thật Kinh Thánh và đôi khi còn chống đối bà ngoại nữa, tuy vậy, ông rất hiếu khách. Tôi có em gái tên Thelma, sinh năm 1940. Hai chị em tôi học được cách chăm sóc người già. Buổi cơm chiều của gia đình nhiều khi kéo dài vì chúng tôi hay kể cho nhau nghe những gì xảy ra trong ngày hoặc nhắc lại chuyện quá khứ.

Gia đình tôi rất thích tiếp đãi các anh chị Nhân Chứng, nhất là những người phụng sự trọn thời gian trong thánh chức. Những anh chị này thường dùng bữa và trò chuyện với chúng tôi. Những điều họ chia sẻ làm chúng tôi gia tăng lòng quý trọng di sản thiêng liêng, đồng thời củng cố ước muốn của hai chị em tôi để trở thành người tiên phong như họ.

Khi chúng tôi còn bé, cha mẹ và bà ngoại tập cho chị em tôi thói quen ham thích đọc sách. Họ thường đọc truyện hay Kinh Thánh cho chúng tôi nghe. Các buổi nhóm họp và công việc rao giảng là một phần không thể thiếu trong đời sống gia đình chúng tôi. Cha tôi là tôi tớ hội đoàn (ngày nay gọi là giám thị chủ tọa) ở Hội Thánh Johannesburg, do đó, cả gia đình phải có mặt sớm trước giờ nhóm họp. Tại những đại hội, cha thường bận rộn phụ giúp trong công việc điều hành, còn mẹ thì giúp các đại biểu về chỗ ở.

Một đại hội đặc biệt đối với chúng tôi

Đại hội năm 1948 ở Johannesburg thật là đặc biệt. Đó là lần đầu tiên có sự hiện diện của những thành viên thuộc trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Brooklyn, New York. Trong thời gian hai anh Nathan Knorr và Milton Hanschel ở đó, cha được giao nhiệm vụ dùng xe mình để đưa đón họ. Tại đại hội này, tôi đã làm báp têm.

Ít lâu sau đó, cha rất đỗi ngạc nhiên khi nghe ông nội nói rằng ông rất hối tiếc là sau khi anh Russell qua đời, ông đã để mình bị ảnh hưởng bởi những người tách khỏi các Học Viên Kinh Thánh. Vài tháng sau ông nội qua đời. Còn bà nội thì vẫn giữ lòng trung thành cho đến khi kết thúc đời sống trên đất vào năm 1955.

Những sự kiện quan trọng trong đời

Tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều vào ngày 1-2-1949. Ít lâu sau, anh em vô cùng phấn khởi khi nghe thông báo về đại hội quốc tế được tổ chức ở Thành Phố New York vào năm sau. Gia đình tôi rất muốn đi dự đại hội, nhưng không có đủ tài chính. Rồi vào tháng 2 năm 1950, ông ngoại qua đời, bà ngoại dùng số tiền được thừa hưởng để trả chi phí cho chuyến đi của cả năm người.

Vài tuần trước khi chúng tôi khởi hành, tôi nhận được một lá thư từ trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Brooklyn, New York. Đó là thư mời dự khóa thứ 16 của Trường Ga-la-át để đào tạo giáo sĩ. Tôi hết sức vui mừng vì lúc đó tôi chỉ mới 16 tuổi! Tôi là một trong mười học viên đến từ Nam Phi dự khóa học. Đây là một đặc ân hiếm có.

Sau khi tốt nghiệp vào tháng 2 năm 1951, tám trong số mười người chúng tôi trở về Nam Phi phụng sự với tư cách giáo sĩ. Những năm sau đó, một người bạn giáo sĩ và tôi phần lớn rao giảng ở những thị trấn nhỏ, nơi người dân nói tiếng Afrikaans. Thoạt đầu, tôi không nói thạo ngôn ngữ đó. Tôi còn nhớ có lần vừa khóc vừa đạp xe về nhà vì cảm thấy mình thiếu khả năng. Tuy nhiên, với thời gian tôi tiến bộ và Đức Giê-hô-va ban phước cho tôi vì đã cố gắng phụng sự Ngài.

Kết hôn và công việc lưu động

Năm 1955, tôi quen với anh John Cooke. Trước và sau Thế Chiến II, anh góp phần mở rộng công việc rao giảng ở Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Anh được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở Phi Châu vào năm tôi và anh gặp nhau. Sau này anh viết: “Ba điều làm tôi rất ngạc nhiên trong cùng một tuần... Một anh bạn đã rộng rãi cho tôi chiếc xe hơi nhỏ; tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ địa hạt; và tôi đã biết yêu”. * Chúng tôi kết hôn vào tháng 12 năm 1957.

Trong thời gian tìm hiểu, anh John hứa rằng cuộc đời của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ buồn chán, và anh đã nói đúng. Chúng tôi đến thăm những hội thánh khắp Nam Phi, đa số ở trong vùng của người da đen. Tuần nào chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc xin giấy phép vào những vùng nói trên, nói gì đến việc ngủ qua đêm. Vài lần, vợ chồng tôi ngủ trên sàn một cửa tiệm bỏ trống gần vùng của người da trắng, tránh không để người qua lại thấy. Anh John và tôi thường phải tạm trú ở nhà những anh chị da trắng sống gần đó nhất, tuy vậy nơi họ ở cũng thường cách xa nhiều cây số.

Chúng tôi cũng gặp trở ngại về những địa điểm hội nghị sơ sài ở vùng đất hoang dã. Chúng tôi trình chiếu phim do Nhân Chứng Giê-hô-va sản xuất để giúp người ta hiểu thêm về đoàn thể anh em trên thế giới. Anh John và tôi phải đem theo máy phát điện riêng, vì ở những nơi như thế thường không có điện. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đương đầu với khó khăn tại những nước dưới quyền của Anh Quốc, nơi cấm đoán các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Thêm vào đó, việc học tiếng Zulu cũng là một khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi rất vui được phục vụ các anh em.

Tháng 8 năm 1961, anh John trở thành giảng viên đầu tiên dạy khóa học dài bốn tuần của Trường Thánh Chức Nước Trời ở Nam Phi. Khóa học này nhằm huấn luyện các giám thị trong hội thánh. Anh có tài dạy dỗ, biết động đến lòng người nghe bằng cách lý luận đơn giản và dùng minh họa sống động. Trong gần một năm rưỡi, chúng tôi đi từ nơi này đến nơi khác để dạy những khóa học bằng tiếng Anh. Trong khi anh John dạy học, tôi đi rao giảng với các anh chị Nhân Chứng địa phương. Rồi vợ chồng tôi bất ngờ nhận được thư mời đến phục vụ ở văn phòng chi nhánh Nam Phi gần Johannesburg, bắt đầu ngày 1-7-1964.

Trong thời gian này, sức khỏe của anh John làm chúng tôi hoang mang lo lắng. Năm 1948, anh nhiễm bệnh lao phổi, và sau đó thường thiếu sinh lực. Anh có những triệu chứng như bệnh cúm nên phải nằm ở nhà nhiều ngày liền, anh thường không thể làm gì hoặc gặp ai. Ít lâu trước khi được mời đến chi nhánh, chúng tôi đi khám bệnh và bác sĩ chẩn đoán anh John mắc bệnh trầm cảm.

Tuy bác sĩ khuyên chúng tôi cần giảm bớt công việc, nhưng chúng tôi không hề muốn nghĩ đến điều đó. Tại chi nhánh, anh John được chỉ định phục vụ trong Ban Công Tác, còn tôi làm công việc đọc và sửa bài. Thật vui mừng là vợ chồng tôi có được một phòng riêng! Trước khi chúng tôi kết hôn, anh John từng phục vụ trong những khu vực nói tiếng Bồ Đào Nha. Do đó, vào năm 1967, các anh mời chúng tôi giúp một gia đình Nhân Chứng duy nhất người Bồ Đào Nha ở địa phương, để rao giảng cho cộng đồng đông đảo người Bồ Đào Nha tại Johannesburg và vùng phụ cận. Vậy là tôi cần phải học thêm một ngôn ngữ nữa.

Cộng đồng Bồ Đào Nha ở rải rác khắp khu vực rộng lớn, do đó chúng tôi phải đi đến nhiều nơi, đôi khi đi xa đến 300 cây số để gặp những người chú ý. Vào thời điểm này, Nhân Chứng nói tiếng Bồ Đào Nha từ Mozambique bắt đầu đến dự các hội nghị với chúng tôi, điều này giúp những người mới rất nhiều. Trong vòng 11 năm rao giảng trong cánh đồng Bồ Đào Nha, chúng tôi thấy được một nhóm nhỏ từ 30 người lớn mạnh thành bốn hội thánh.

Những thay đổi trong gia đình

Trong thời gian đó, có một số thay đổi ở nhà cha mẹ tôi. Năm 1960, em gái tôi là Thelma lập gia đình với John Urban, một tiên phong đến từ Hoa Kỳ. Năm 1965, em gái và em rể tôi dự khóa 40 của Trường Ga-la-át, và từ đó họ trung thành phụng sự với tư cách giáo sĩ ở Brazil suốt 25 năm. Đến năm 1990 họ trở về Ohio để chăm lo cho cha mẹ của John bị đau ốm. Dù gặp nhiều áp lực và căng thẳng trong việc trông nom người đau ốm, họ vẫn phụng sự trong thánh chức trọn thời gian cho đến nay.

Bà ngoại tôi kết thúc đời sống trên đất vào năm 1965, bà vẫn trung thành với Đức Chúa Trời ở tuổi 98. Năm đó, cha tôi cũng về hưu. Khi anh John và tôi được mời phụ giúp trong cánh đồng Bồ Đào Nha ở địa phương, cha mẹ cũng tình nguyện đi với chúng tôi. Sự trợ giúp của cha mẹ làm nhóm vững mạnh, và sau vài tháng hội thánh đầu tiên được thành lập. Ít lâu sau, mẹ bị bệnh ung thư và qua đời vào năm 1971. Bảy năm sau cha tôi cũng qua đời.

Đối phó với bệnh tật của anh John

Đến thập niên 1970, tình trạng sức khỏe của anh John rõ ràng không khá hơn. Dần dần anh phải giao lại cho các anh khác một số đặc ân phụng sự mà anh yêu thích, kể cả việc điều khiển Buổi Học Tháp Canh hàng tuần tại chi nhánh cũng như những cuộc thảo luận Kinh Thánh buổi sáng. Anh không còn phục vụ trong Ủy Ban Công Tác nữa mà được chuyển đến Phòng Thư Tín và rồi làm việc chăm sóc vườn tược.

Ý chí phấn đấu của anh John làm anh khó thay đổi. Khi tôi cố thuyết phục anh giảm bớt công việc, anh nói đùa rằng tôi là sợi dây xích anh lại, và rồi thường quàng tay ôm tôi cách trìu mến. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ là nên rời cánh đồng Bồ Đào Nha để cùng phụng sự với hội thánh họp ở Phòng Nước Trời tại chi nhánh.

Sức khỏe của anh John ngày càng sa sút. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy mối quan hệ mật thiết của anh với Đức Giê-hô-va. Những khi anh John thức giấc giữa đêm trong tâm trạng trầm cảm nặng, chúng tôi nói chuyện với nhau cho đến khi anh bình tĩnh lại để cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Về sau, anh có thể tự mình đối phó với những lúc như thế bằng cách ép mình chậm rãi lặp lại câu Phi-líp 4:6, 7: “Chớ lo-phiền chi hết...” Như thế anh lấy lại bình tĩnh và bắt đầu cầu nguyện. Tôi thường thức giấc và lặng lẽ nhìn đôi môi anh mấp máy những lời khẩn cầu tha thiết với Đức Giê-hô-va.

Vì trụ sở chi nhánh không còn đủ chỗ nên các anh em bắt đầu xây một chi nhánh lớn hơn ở ngoài Johannesburg. Anh John và tôi thường đến thăm địa điểm mới yên tĩnh, xa tiếng ồn ào và sự ô nhiễm của thành phố. Điều giúp anh John rất nhiều là việc chúng tôi được dọn đến ở một nơi tạm thời trong khu vực đó cho đến khi trụ sở mới được xây xong.

Những thử thách mới

Khả năng suy nghĩ và lý luận của anh ngày càng kém, hoàn tất công việc được giao cũng trở nên khó khăn cho anh. Tôi vô cùng cảm động trước những nghĩa cử các anh em bày tỏ để hỗ trợ những nỗ lực của anh John. Chẳng hạn, khi một anh đi đến thư viện công cộng để nghiên cứu, anh thường đưa anh John đi theo. Anh John để đầy túi những tờ giấy mỏng và tạp chí cho chuyến đi như thế. Điều này giúp anh cảm thấy mình còn hữu dụng.

Cuối cùng bệnh đãng trí Alzheimer làm anh John không thể đọc được nữa. Chúng tôi thật biết ơn về những băng ghi âm các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và bài hát Nước Trời. Vợ chồng tôi nghe đi nghe lại những băng này. Nếu tôi không ngồi nghe chung với anh, anh lộ vẻ bồn chồn, vì vậy tôi tận dụng nhiều giờ ngồi với anh để đan và may vá. Thế nên vợ chồng tôi có rất nhiều áo len và chăn!

Với thời gian, bệnh tình của anh John cần thêm sự chăm sóc của tôi. Dù nhiều lúc không còn sức để đọc hay học, nhưng tôi vẫn rất vui được chăm sóc anh đến cuối đời anh. Năm 1998, anh qua đời bình yên trong vòng tay tôi ở tuổi 85. Anh đã giữ lòng trung kiên cho đến cuối cùng. Tôi thật mong gặp lại anh khi anh sống lại, trong thể xác và tâm trí hoàn toàn!

Được khích lệ

Sau khi anh John qua đời, tôi cảm thấy khó sống một mình. Tháng 5 năm 1999, tôi đến thăm Thelma và em rể tại Hoa Kỳ. Thật khích lệ khi gặp lại nhiều người bạn thân thương, trung thành—đặc biệt trong chuyến thăm viếng trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va tại New York! Đây đúng là một sự bồi bổ về thiêng liêng mà tôi cần.

Ngẫm nghĩ về đời sống trung thành của những người thân yêu gợi tôi nhớ đến rất nhiều lợi ích mà tôi đã nhận được. Nhờ sự dạy dỗ, gương mẫu và sự trợ giúp của gia đình, tôi đã học cách nới rộng vòng tay yêu thương đến những người thuộc dân tộc và chủng tộc khác nhau. Tôi học được tính kiên nhẫn, nhịn nhục và khả năng thích ứng. Trên hết, tôi cảm nghiệm được lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va, Đấng nghe lời cầu nguyện. Tôi có cùng cảm nghĩ với người viết Thi-thiên: “Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần, đặng ở nơi hành-lang Chúa: Chúng tôi sẽ được no-nê vật tốt-lành của nhà Chúa”.—Thi-thiên 65:4.

[Chú thích]

^ đ. 18 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-8-1959, trang 468-472.

[Hình nơi trang 8]

Bà ngoại và các con gái

[Hình nơi trang 9]

Với cha mẹ lúc tôi làm báp têm năm 1948

[Hình nơi trang 10]

Anh Albert Schroeder, giám học Trường Ga-la-át và mười học viên đến từ Nam Phi

[Hình nơi trang 10]

Với anh John năm 1984