Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự phục sinh của Chúa Giê-su bị thẩm định

Sự phục sinh của Chúa Giê-su bị thẩm định

Sự phục sinh của Chúa Giê-su bị thẩm định

“Thành thật mà nói, tuy có thể xác quyết là Chúa Giê-su đã từng sống..., chúng ta không dám quả quyết là Ngài đã được Đức Chúa Trời phục sinh”. Đấy là lời phát biểu của Tổng Giám Mục xứ Canterbury, một chức sắc cao cấp của Anh Giáo.

SỨ ĐỒ Phao-lô đã không phát biểu dè dặt như thế. Trong chương 15 của lá thư thứ nhất được soi dẫn gửi tín hữu thành Cô-rinh-tô xưa, Phao-lô viết: “Trước hết tôi đã dạy-dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận-lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh-thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh-thánh”.—1 Cô-rinh-tô 15:3, 4.

Chính đức tin nơi sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ đã thúc đẩy các môn đồ ngài truyền giảng phúc âm “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”—tức trong khắp thế giới La-Hy thời bấy giờ. (Cô-lô-se 1:23) Thật thế, sự phục sinh của Chúa Giê-su chính là nền tảng đức tin của đạo Đấng Christ.

Tuy vậy, ngay từ ban đầu đã có nhiều người nghi ngờ hoặc bác bỏ sự phục sinh của Chúa Giê-su. Người Do Thái nói chung, cảm thấy các môn đồ Chúa Giê-su rất phạm thượng khi dám tuyên bố người đàn ông bị hành quyết trên trụ hình là Đấng Mê-si. Còn đối với phần lớn giới trí thức Hy Lạp, là những người tin linh hồn bất tử, thì ngay ý tưởng về sự phục sinh đã là một điều không thể chấp nhận được.—Công-vụ 17:32-34.

Những người nghi ngờ thời nay

Trong những năm gần đây, một số học giả tự xưng là tín đồ Đấng Christ đã cho xuất bản một số sách và bài viết nói rằng sự phục sinh của Chúa Giê-su chỉ là chuyện hư cấu, và khởi xướng một cuộc tranh luận dữ dội về “niềm tin này”. Khi nghiên cứu về “nhân vật lịch sử Giê-su”, nhiều học giả cho rằng các lời tường thuật của Phúc Âm về ngôi mộ trống không và những lần xuất hiện của Chúa Giê-su sau khi sống lại chỉ hoàn toàn là chuyện bịa đặt, được thêu dệt khá lâu sau cái chết của ngài nhằm ủng hộ những tuyên truyền về quyền năng trên trời của ngài.

Chẳng hạn, hãy xem xét quan điểm của học giả người Đức, Gerd Lüdemann, giáo sư Tân Ước và cũng là tác giả của cuốn What Really Happened to Jesus—A Historical Approach to the Resurrection (Điều gì đã thật sự xảy ra cho Chúa Giê-su—Một nghiên cứu về sự phục sinh qua lịch sử). Ông nói rằng sự phục sinh của Chúa Giê-su là “một tuyên bố vô căn cứ” mà những người nhìn “thế giới theo quan điểm khoa học” phải bác bỏ.

Giáo sư Lüdemann cho rằng sứ đồ Phi-e-rơ đã nhìn thấy Đấng Christ sống lại chẳng qua vì quá bị dằn vặt bởi nỗi đau đớn và tội chối Chúa của mình. Và theo Lüdemann, sự hiện ra của Chúa Giê-su cho hơn 500 môn đồ xem thấy chỉ là hiện tượng “ảo giác tập thể”. (1 Cô-rinh-tô 15:5, 6) Tóm lại, nhiều học giả xem những tường thuật của Kinh Thánh về việc Chúa Giê-su sống lại như sản phẩm của trí tưởng tượng con người, nhằm củng cố niềm tin và hâm nóng bầu nhiệt huyết truyền giáo nơi các môn đồ.

Dĩ nhiên, nhiều người không quan tâm đến những tranh cãi lý thuyết. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về sự phục sinh của Chúa Giê-su đáng để tất cả chúng ta quan tâm. Tại sao? Bởi vì nếu ngài đã không được sống lại, thì nền tảng của đạo Đấng Christ chỉ là giả dối. Bằng trái lại, nếu sự phục sinh của Chúa Giê-su là một sự kiện lịch sử có thật, thì đạo Đấng Christ dựa trên căn bản sự thật. Khi đó, mọi tuyên bố cùng lời hứa của Chúa Giê-su đều đáng tin cậy. Ngoài ra, nếu có sự sống lại, thì sự chết không phải là một kẻ chiến thắng vẻ vang mà là một kẻ thù có thể bị đánh bại.—1 Cô-rinh-tô 15:56.

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

From the Self-Pronouncing Edition of the Holy Bible, containing the King James and the Revised versions