Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 MỘT SỰ THIẾT KẾ?

Tế bào thần kinh cảm biến của châu chấu

Tế bào thần kinh cảm biến của châu chấu

Châu chấu di cư theo đàn dày đặc với mật độ lên tới “80 triệu con trên một kilômét vuông” nhưng lại không đụng nhau. Bí quyết của chúng là gì?

Hãy suy nghĩ điều này: Nằm sau mỗi con mắt của cặp mắt kép châu chấu là một tế bào thần kinh cảm biến được gọi là bộ phận dò chuyển động (lobula giant movement detector). Khi sắp có sự va chạm, những tế bào thần kinh này liền gửi thông điệp đến cánh và chân, khiến châu chấu hành động ngay tức khắc. Thật vậy, phản xạ của nó nhanh gấp năm lần một cái nháy mắt.

Mắt và các tế bào thần kinh của châu chấu tạo cảm hứng cho các nhà khoa học sáng chế một hệ thống máy tính. Hệ thống này giúp các rô-bốt di động nhận diện và tránh những vật thể đang đến gần mà không cần ra-đa hoặc các thiết bị dò phức tạp khác dùng tia hồng ngoại. Các nhà nghiên cứu đang ứng dụng kỹ thuật này để trang bị cho xe cộ hệ thống báo động nhanh chóng và chính xác nhằm giảm thiểu sự va chạm. Giáo sư Shigang Yue của trường đại học Lincoln, Vương quốc Anh, nói: “Có rất nhiều điều để học từ loài côn trùng đơn giản như châu chấu”.

Bạn nghĩ sao? Tế bào thần kinh cảm biến của châu chấu là do tiến hóa? Hay do được thiết kế?