Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Dạy tôn trọng uy quyền

Một thiên phóng sự trên tờ The Toronto Star viết: “Ngày nay mức độ tôn trọng uy quyền mà cha mẹ đòi hỏi nơi con cái thật ít oi đến độ chính điều này đã làm giảm thiểu lòng tự trọng của chúng”. Chuyên gia về hành vi, Ronald Morrish, ghi: “Thật ra, việc trẻ con biết được giới hạn của mình đáp ứng nhu cầu tiên liệu của chúng và khiến chúng yên tâm—hai điều này sẽ giúp chúng cảm thấy tự trọng hơn. Chính những đứa trẻ không có ý thức về qui tắc và trách nhiệm mới cảm thấy kém yên tâm và thiếu tự tin khi lớn lên”. Ông nói thêm: “Tôi biết có những đứa bé mới lên sáu mà đã tự định đoạt giờ đi ngủ. Tôi thấy những bà mẹ cố thuyết phục con mình mới lên ba đừng tinh nghịch bằng cách giải thích cho bé biết sự tinh nghịch sẽ ảnh hưởng đến mẹ như thế nào”. Morrish nói rằng trẻ con cần học tuân theo qui tắc trong gia đình, và ý tưởng cho rằng càng lớn chúng càng ít vâng lời là sai. Ông hỏi: “Chúng ta mong đợi mỗi năm trẻ con lại thâu thập được thêm nhiều kiến thức. Vậy tại sao chúng ta không trông đợi mỗi năm chúng cũng biết vâng lời hơn? Nếu bạn không nghiêm nghị bảo một em bé cất đồ chơi nó đi được, thì khi đến tuổi vị thành niên, bạn cũng sẽ không thể bắt nó về nhà đúng giờ qui định”.

Nạn tự tử tăng vọt ở Nhật

Theo tường thuật của tờ The Daily Yomiuri, năm 1998 ở Nhật có nhiều người tự tử hơn bất cứ năm nào khác trước đó. Theo Cục Cảnh Sát Quốc Gia Nhật, vào năm 1998 đã có 32.863 người tự sát—gấp ba lần số tử vong trong các tai nạn giao thông ở Nhật. Người ta cho rằng nguyên nhân của phần lớn sự gia tăng này là các khó khăn về tài chính do nạn thất nghiệp gây ra; nạn thất nghiệp này đã ảnh hưởng mạnh trên cả nước sau cuộc suy thoái kinh tế gần đây. Nạn tự tử là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ sáu ở Nhật.

“Chất tối cần cho sự sống”

Tờ nhật báo Toronto Star báo cáo: “Nước là chất tối cần cho sự sống, vì hầu như toàn bộ cơ thể là chất lỏng. Ngay cả khi cơ thể mất đi chỉ 20 phần trăm lượng nước cũng có thể dẫn đến tử vong”. Nước không chỉ điều hòa thân nhiệt của chúng ta mà còn “tải chất bổ đến các bộ phận và thải đi chất bài tiết, qua hệ thống tuần hoàn máu và các hệ thống của cơ thể. Nước cũng làm trơn tru các khớp xương và ruột kết, ngăn ngừa chứng táo bón”. Mỗi ngày một người lớn trung bình cần từ hai đến ba lít nước. Uống cà phê, soda hoặc rượu thật ra có thể làm gia tăng nhu cầu nước nguyên chất vì các thức uống này có thể góp phần làm cơ thể bị mất nước. Theo một nhà dinh dưỡng học, bạn không nên đợi khát mới nhớ uống nước, vì nếu đợi đến lúc đó rất có thể bạn đã mất đi khá nhiều nước rồi. Tờ nhật báo nói rằng “nhu cầu nước của phần đông người sẽ được thỏa mãn, nếu uống một ly nước mỗi giờ”.

Chăm sóc lưỡi

Một báo cáo trên tờ nhật báo Prince George Citizen nói rằng vi khuẩn nấp ở phần sau lưỡi có thể sản sinh các khí lưu huỳnh khiến miệng hôi. Bản báo cáo nói: “Vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhiều trong môi trường khô ráo, thiếu oxy. Đó là lý do tại sao chúng sống trong những kẽ hở và những cái hốc xa luồng không khí mà chúng ta hít vào phổi. Đánh răng và dùng chỉ để làm sạch răng sẽ có ích, nhưng đánh răng thôi chỉ loại được 25 phần trăm vi khuẩn. Nha sĩ Allan Grove tin rằng việc nạo lưỡi, một truyền thống xưa ở Âu Châu, là “điều tối quan trọng bạn có thể làm để ngăn không cho miệng hôi”. Tờ Citizen nói rằng “so với bàn chải đánh răng”, dùng một cái nạo lưỡi bằng nhựa “để giữ cho lưỡi được sạch và đỏ hồng sẽ hiệu quả hơn”.

Rắn rung chuông trả đũa

Tờ New Scientist tường thuật: “Rắn rung chuông một khi chết rồi vẫn còn có thể làm hại bạn—và thật đáng kinh ngạc là hình thức trả thù kỳ lạ sau khi chết này rất thường xảy ra”. Hai bác sĩ nghiên cứu hiện tượng này nói rằng trong số 34 bệnh nhân được điều trị vì bị rắn rung chuông cắn ở Arizona, trong một thời gian hơn 11 tháng, 5 người nói rằng họ đã bị rắn cắn sau khi nó đã bị giết. Một nạn nhân đã bắn chết một con rắn, cắt đầu nó, đợi cho nó hết động đậy và rồi nhặt cái đầu của nó. Cái đầu đó lao đến cắn cả hai tay ông. Tờ báo ghi rằng các cuộc nghiên cứu trước đó cho thấy là một cái đầu rắn rung chuông đã bị chặt đứt “sẽ tìm cách tấn công những vật gì nhúc nhích trước mặt nó cho đến một giờ sau khi chết”. Những nhà nghiên cứu loài bò sát tin rằng đây là “một hành động phản xạ được điều khiển bởi các dây thần kinh nhạy cảm tia hồng nội trong ‘bộ phận hốc’, một cấu trúc có chức năng qui định thân nhiệt nằm giữa lỗ mũi và mắt”. Bác sĩ Jeffrey Suchard cảnh cáo rằng ta nên xem một cái đầu của rắn rung chuông bị chặt đứt như là một “con rắn rất ngắn”. Ông nói: “Nếu bạn thật sự phải đụng đến nó, tôi đề nghị bạn dùng một cây gậy thật dài”.