Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trên Biển Ga-li-lê

Trên Biển Ga-li-lê

Trên Biển Ga-li-lê

LỜI tường thuật ghi nơi Mác 4:35-41 cho biết Chúa Giê-su và các môn đồ xuống thuyền sang bờ bên kia Biển Ga-li-lê. Chúng ta đọc: “Có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước; nhưng Ngài [Chúa Giê-su] đương ở đằng sau lái, dựa gối mà ngủ”.

Đây là trường hợp duy nhất mà từ Hy Lạp được dịch là “gối” xuất hiện trong Kinh Thánh. Vì vậy, các học giả không biết nghĩa chính xác của từ được dùng trong văn cảnh ở đây. Hầu hết các bản Kinh Thánh đều dịch là “gối”. Nhưng, cái gối đó là gì? Trong nguyên ngữ, Mác dùng một mạo từ cho biết từ “gối” mang tính xác định, hàm ý đó là một trong những thiết bị của thuyền. Một con thuyền được khai quật ở gần Biển Ga-li-lê vào năm 1986 đưa ra ánh sáng một sự giải thích khả dĩ về nghĩa của từ Hy Lạp mà Mác đã dùng, được dịch là “gối”.

Nghiên cứu cho thấy con thuyền dài 8 mét ấy chạy bằng buồm và mái chèo. Đó là thuyền đánh cá có mạn hay sàn nơi đuôi thuyền để buộc lưới kéo lớn và nặng. Người ta ước tính con thuyền này có từ khoảng năm 100 TCN đến năm 70 CN, và có thể là loại thuyền được Chúa Giê-su và các môn đồ dùng. Ông Shelley Wachsmann, người tham gia vào cuộc khai quật, tác giả cuốn The Sea of Galilee Boat—An Extraordinary 2000 Year Old Discovery (Chiếc thuyền của Biển Ga-li-lê—Một di tích kỳ diệu 2.000 năm tuổi) cho rằng cái “gối” mà Chúa Giê-su dùng để gối đầu là một bao cát nhằm giữ cho thuyền thăng bằng. Một người đánh cá từng trải ở Jaffa, dày dạn kinh nghiệm trong việc đánh cá bằng lưới kéo nói: “Khi còn trai trẻ, những con thuyền mà tôi làm việc trên Biển Địa Trung Hải luôn luôn chở theo một hoặc hai bao cát... Những bao cát này giúp thuyền giữ thăng bằng. Nhưng khi không dùng đến, chúng được cất ở trong khoang dưới mạn thuyền. Vì vậy, nếu mệt, một người có thể trườn vào khoang, dùng bao cát như một cái gối để ngủ”.

Nhiều học giả tin rằng Mác miêu tả Chúa Giê-su ngủ, gối đầu trên một bao cát ở trong khoang, là nơi an toàn nhất trong cơn bão. Dù cái gối ấy là gì đi nữa, điểm quan trọng hơn là sự việc xảy ra sau đó. Với sự hỗ trợ và quyền năng của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã làm dịu đi mặt biển động mạnh. Ngay cả các môn đồ cũng nói với nhau: “Người nầy là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?”