Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mari—Đế đô cổ của vùng sa mạc

Mari—Đế đô cổ của vùng sa mạc

Mari—Đế đô cổ của vùng sa mạc

“ĐÊM đó sau khi chung vui với các đồng sự, mãi tới lúc đi ngủ tôi vẫn còn ngất ngây về điều may mắn của chúng tôi”, nhà khảo cổ người Pháp André Parrot nhớ lại. Tháng Giêng năm 1934, tại Tell Hariri, gần thị trấn nhỏ Abu Kemal nằm dọc theo sông Ơ-phơ-rát ở Sy-ri, ông Parrot và các bạn cùng nhóm đã khai quật được một bức tượng có khắc dòng chữ: “Lamgi-Mari, vua của thành Mari, vị chủ tế của thần Enlil”. Họ rất đỗi vui mừng trước khám phá này.

Cuối cùng thành Mari đã được tìm thấy! Khám phá này mang đến cho các học viên Kinh Thánh điều thú vị nào?

Tại sao lại thú vị?

Tuy các văn bản cổ xưa có nói về sự hiện hữu của thành Mari nhưng vị trí chính xác của thành từ lâu vẫn còn là điều bí ẩn. Theo các viên thư lại người Sumer, thành Mari là đế đô của một vương triều có lẽ đã một thời cai trị toàn vùng Mê-sô-bô-ta-mi. Tọa lạc trên bờ sông Ơ-phơ-rát, thành Mari nằm ở một vị trí chiến lược tại vùng giao nhau của các con đường thương mại nối Vịnh Ba Tư với xứ A-si-ri, vùng Mê-sô-bô-ta-mi, vùng Anatolia và bờ biển Địa Trung Hải. Từ thành này, hàng hóa gồm gỗ, kim loại, và đá—những vật liệu khan hiếm ở Mê-sô-bô-ta-mi—được chuyển đến những nơi khác. Thuế đánh trên các vật liệu này mang lại nhiều nguồn lợi cho thành Mari, giúp thành có thể khẳng định vị trí của mình trong khu vực. Tuy nhiên, đến khi Vua Sa-gôn của vùng Akkad chinh phục xứ Sy-ri thì thành Mari bị mất vị trí này.

Sau cuộc chinh phục của Vua Sa-gôn, thành do các tướng lĩnh quân đội lần lượt cai trị trong khoảng 300 năm. Dưới sự cai trị của họ, thành lại phần nào phồn thịnh như trước. Nhưng tới thời vị vua cuối cùng, Zimri-Lim, thì vị thế của thành bắt đầu suy yếu. Vua Zimri-Lim tìm cách củng cố đế chế của mình bằng hàng loạt những cuộc chinh phục, những hiệp ước, và những cuộc hôn nhân mang tính chính trị. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1760 TCN, Vua Hammurabi của Ba-by-lôn đã chinh phục và tiêu diệt thành này, đánh dấu chấm hết cho cái mà ông Parrot xem là “một trong những nền văn minh tiến bộ nhất của thế giới cổ xưa”.

Khi san bằng thành Mari, vô tình đạo quân của Hammurabi đã giúp rất nhiều cho các nhà khảo cổ và các sử gia thời nay. Khi phá đổ những bức tường bằng gạch bùn không nung, họ đã chôn vùi một số tòa nhà, có chỗ sâu đến năm mét, nhờ vậy những tòa nhà này được bảo toàn khỏi sự hủy phá của thời gian. Các nhà khảo cổ khai quật được tàn tích của những ngôi đền, cung điện cùng với vô số đồ thủ công và hàng ngàn chữ khắc, đã làm sáng tỏ nền văn minh cổ xưa.

Tại sao những tàn tích của thành Mari là điều thú vị đối với chúng ta? Hãy xem thời tộc trưởng Áp-ra-ham còn sống. Ông sinh năm 2018 TCN, 352 năm sau trận Nước Lụt. Ông thuộc thế hệ thứ mười kể từ Nô-ê. Theo lệnh Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham rời quê nhà ở thành U-rơ để đến Cha-ran. Năm 1943 TCN, ở tuổi 75, Áp-ra-ham lại rời Cha-ran đến xứ Ca-na-an. Nhà khảo cổ người Ý Paolo Matthiae nói: “Thời điểm những chuyến di cư của Áp-ra-ham từ thành U-rơ đến thành Giê-ru-sa-lem [thuộc xứ Ca-na-an] trùng với thời điểm thành Mari hiện hữu”. Vì vậy, việc khám phá về thành Mari giúp chúng ta mường tượng được thế giới mà Áp-ra-ham, người tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, đã sống. *Sáng-thế Ký 11:10–12:4.

Các phế tích cho thấy điều gì?

Ở thành Mari, tôn giáo thịnh hành như ở những nơi khác của vùng Mê-sô-bô-ta-mi. Tôn thờ thần thánh được xem là bổn phận của con người. Trước khi quyết định một chuyện quan trọng, con người luôn cầu hỏi thần thánh. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy phế tích của sáu ngôi đền. Trong số đó có Đền Thờ Sư Tử (có người cho là đền thờ thần Đa-gan, theo Kinh Thánh là Đa-gôn), đền thờ thần Ishtar là nữ thần của sự sinh sản, và đền thờ thần mặt trời Shamash. Trong các ngôi đền này trước đây đều có tượng của vị thần mà người ta dâng lễ vật và cầu xin. Họ đặt trên các băng ghế ở đền thờ những hình nộm đang cười được làm theo hình họ và tin rằng những hình nộm đó sẽ thay thế họ tiếp tục thờ phượng thần của mình. Ông Parrot cho biết: “Hình nộm đó tương tự như cây nến được dùng để thờ phượng trong đạo Công Giáo, nhưng mang một ý nghĩa lớn hơn vì trên thực tế nó thay thế cho người tín đồ đó”.

Một khám phá gây ấn tượng nhất ở Tell Hariri là phế tích của khu cung điện rộng lớn mang tên người chủ cuối cùng là Vua Zimri-Lim. Nhà khảo cổ người Pháp Louis-Hugues Vincent mô tả khu cung điện này là “kỳ công của kiến trúc Phương Đông cổ xưa”. Chiếm diện tích hơn 2,5 hecta, khu cung điện bao gồm khoảng 300 phòng và sân trong. Ngay cả vào thời cổ đại, cung điện này được xem là một trong những kiệt tác tầm cỡ thế giới. “Nó nổi tiếng đến nỗi vua thành Ugarit, thuộc vùng ven biển Sy-ri, đã không ngần ngại phái con trai mình vượt qua đoạn đường khoảng 600 kilômét [370 dặm] để đến vùng đất này chỉ với mục đích duy nhất là thăm ‘nhà của Zimri-Lim’ ”, tác giả Georges Roux viết trong cuốn Ancient Iraq (Iraq cổ đại) của ông.

Trước khi vào một khoảng sân rộng, các vị khách muốn vào cung điện kiên cố phải đi qua một lối vào duy nhất có hai tháp ở hai bên. Trên bệ cao là ngai vàng của Vua Zimri-Lim, vị vua cuối cùng của thành Mari. Nơi đó ông lo các việc triều chính liên quan đến quân đội, thương mại, và những vấn đề ngoại giao, ra những phán quyết, tiếp khách và các sứ thần. Cũng có chỗ ở cho các vị khách thường được vua thết đãi bằng những bữa tiệc linh đình. Thực đơn gồm các món bò rô-ti, nướng, hoặc luộc, thịt cừu, linh dương, cá và các loại gia cầm—tất cả đều được ăn kèm với nước sốt ớt tỏi, các loại rau và phô-mai. Thức ăn tráng miệng gồm trái cây tươi, khô, và mứt cùng bánh nướng với nhiều kiểu cầu kỳ. Để giải khát, khách được phục vụ bia và rượu.

Trong cung điện được trang bị đầy đủ hệ thống vệ sinh. Các nhà tắm được khám phá thấy có những bồn tắm bằng đất nung, và hố xí. Nền và chân tường được bảo vệ bằng một lớp hắc ín. Nước thải thoát ra những ống máng bằng gạch, và đường ống bằng đất sét được trét một lớp hắc ín để chống thấm đến nay khoảng 3.500 năm vẫn còn sử dụng được. Khi có ba phi tần bị mắc một căn bệnh chết người, các luật lệ nghiêm khắc được ban hành. Những phụ nữ mắc căn bệnh này phải bị cách ly. “Không ai được ăn chung bàn, uống chung ly và ngồi chung ghế với người đó”.

Chúng ta học gì từ những văn bản được lưu lại

Ông Parrot và những người bạn cùng nhóm với ông đã phát hiện khoảng 20.000 bảng chữ hình nêm bằng tiếng Akkad. Các bảng đó bao gồm thư từ cũng như những văn bản về hành chính và kinh tế. Trong số các văn bản này, chỉ có một phần ba được công bố mà đã có đến 28 bộ. Chúng có giá trị gì? Jean-Claude Margueron, trưởng Đoàn Khảo Cổ Thành Mari, nói: “Trước khi khám phá ra những văn bản của thành Mari, chúng tôi hầu như không biết gì về lịch sử, xã hội và đời sống hàng ngày của vùng Mê-sô-bô-ta-mi và xứ Sy-ri vào đầu thiên niên kỷ thứ hai TCN. Nhờ các văn bản này mà chúng tôi có thể viết về lịch sử thời đó”. Như ông Parrot bình luận, những văn bản này “cho thấy nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa các dân tộc được nói đến trong văn bản và những gì Cựu Ước cho chúng ta biết về thời các Tộc Trưởng”.

Những bảng đá được tìm thấy ở thành Mari cũng làm sáng tỏ ý nghĩa của một số câu Kinh Thánh. Chẳng hạn, các bảng đá cho biết là việc lấy các bà vợ của kẻ thù là “một hành động thường thấy của vua chúa vào thời đó”. Việc kẻ phản nghịch là A-hi-tô-phe đã xúi giục Áp-sa-lôm, con trai của Vua Đa-vít, ăn nằm với các cung phi của cha mình không phải là chuyện mới lạ.—2 Sa-mu-ên 16:21, 22.

Có 41 cuộc khai quật ở Tell Hariri từ năm 1933. Tuy nhiên, tới nay chỉ có 8 trong số 110 hecta đã được khảo sát. Rất có thể sẽ còn nhiều khám phá thú vị ở thành Mari, đế đô cổ của vùng sa mạc.

[Chú thích]

^ đ. 8 Rất có thể là những người Do Thái bị lưu đày sang Ba-by-lôn sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN đã đi ngang qua phế tích của thành Mari.

[Bản đồ nơi trang 10]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Vịnh Ba Tư

U-rơ

MÊ-SÔ-BÔ-TA-MI

Sông Ơ-phơ-rát

MARI

A-SI-RI

Cha-ran

ANATOLIA

CA-NA-AN

Giê-ru-sa-lem

Địa Trung Hải (Biển Lớn)

[Hình nơi trang 11]

Trong bảng đá này, Vua Iahdun-Lim của thành Mari đã khoe khoang về công trình xây dựng của mình

[Hình nơi trang 11]

Nhờ phát hiện ra tượng Lamgi-Mari này, người ta mới nhận ra thành Mari

[Hình nơi trang 12]

Ebih-Il, quan cai quản thành Mari đang cầu nguyện

[Hình nơi trang 12]

Bệ trong cung điện, có lẽ trước kia là nơi đặt một tượng nữ thần

[Hình nơi trang 12]

Phế tích của thành Mari cho thấy các bức tường bằng gạch bùn không nung

[Hình nơi trang 12]

Một nhà tắm trong cung điện

[Hình nơi trang 13]

Bia khắc chiến thắng của Vua Naram-Sin, người chinh phục thành Mari

[Hình nơi trang 13]

Khoảng 20.000 bảng đá chữ hình nêm được tìm thấy nơi phế tích của cung điện xưa

[Nguồn tư liệu nơi trang 10]

© Mission archéologique française de Tell Hariri-Mari (Syrie)

[Nguồn tư liệu nơi trang 11]

Bảng đá: Musée du Louvre, Paris; tượng: © Mission archéologique française de Tell Hariri-Mari (Syrie)

[Nguồn tư liệu nơi trang 12]

Tượng: Musée du Louvre, Paris; bệ và nhà tắm: © Mission archéologique française de Tell Hariri-Mari (Syrie)

[Nguồn tư liệu nơi trang 13]

Bia khắc chiến thắng: Musée du Louvre, Paris; phế tích của cung điện: © Mission archéologique française de Tell Hariri-Mari (Syrie)