Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

“Mở truyền hình cả ngày, không dùng cơm chung và ngay cả việc dùng xe đẩy hướng mặt trẻ về phía trước” là những nguyên nhân cản trở mối giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Hậu quả là khi bắt đầu đi học, nếu không thể nói lên được ý của chúng thì con trẻ thường “la hét giận dữ””.—THE INDEPENDENT, ANH QUỐC.

Tây Ban Nha có 23% trẻ em là con ngoài giá thú. Pháp là 43%, Đan Mạch là 45% và Thụy Điển là 55%.—INSTITUTO DE POLÍTICA FAMILIAR, TÂY BAN NHA.

Một phần ba người dân nước Anh ngủ chưa đến 5 tiếng một đêm. Vì thế, rất có thể họ “tập trung kém, trí nhớ giảm [và] tâm trạng lên xuống thất thường”. Thiếu ngủ cũng có thể làm tăng “nguy cơ béo phì, tiểu đường, trầm cảm, ly dị và gây ra tai nạn xe cộ nghiêm trọng”.—THE INDEPENDENT, ANH QUỐC.

Đánh người “chỉ để giết thời gian”

Tờ El País của Tây Ban Nha cho biết: “Ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên đánh người, hạ phẩm giá người khác rồi quay phim những cảnh đó bằng điện thoại di động”. Một số nạn nhân đã không bao giờ bình phục sau khi bị đánh đập tàn nhẫn. Tại sao người trẻ lại làm điều độc ác như thế? Tạp chí XL cho biết lý do: “Chúng đánh người không phải vì muốn cướp của, phân biệt chủng tộc hoặc xử nhau giữa các băng đảng. Chúng làm thế vì một lý do khủng khiếp: chỉ để giết thời gian”. Nhà tâm lý học nghiên cứu về môn tội phạm là ông Vicente Garrido nói: “Khi đánh người thì có đứa say rượu, có đứa không, nhưng chúng có điểm chung là không hề cảm thấy hối hận về điều mình làm”.

Thờ ơ với những bệnh vùng nhiệt đới

Nghiên cứu y khoa thường không chú trọng đến những bệnh vùng nhiệt đới. Nhà sinh học phân tử của Đại học Dundee ở Scotland là ông Michael Ferguson nhận xét: “Thật đáng buồn là... ngành dược phẩm không cố gắng tìm ra [phương pháp trị liệu mới]”. Tại sao? Lý do có liên quan đến tiền. Các công ty dược phẩm nhận thấy đầu tư vào lĩnh vực này thì không có cơ may lấy lại vốn. Họ thiên về sản xuất những loại thuốc mang lại lợi nhuận cao như thuốc trị chứng mất trí (Alzheimer), béo phì và bệnh liệt dương. Tạp chí New Scientist cho biết trong khi đó, ước tính “trên thế giới mỗi năm có 1 triệu người chết vì sốt rét nhưng chưa hề có phương pháp trị liệu an toàn và hiệu quả nào”.

Những “nhà tiêu thụ” trẻ

Theo Đại học La Sapienza ở Rô-ma, Ý, trẻ em chỉ ba tuổi đã có thể nhận ra những thương hiệu trên thị trường, và đến tám tuổi thì trở thành “nhà tiêu thụ”. Tờ La Repubblica cho biết chương trình quảng cáo trên truyền hình đóng vai trò quan trọng trong việc biến chúng thành những “nhà độc tài”, chuyên ra lệnh cho cha mẹ phải mua loại hàng mà chúng muốn. Tờ báo ấy cũng nói thêm: “Điều nguy hiểm là cuối cùng những trẻ em này rơi vào một thế giới ảo tưởng, nơi mà mọi thứ được quảng cáo là điều cần thiết chúng phải có”.

Robot “mang thai”

Đội ngũ y bác sĩ khoa sản thường thực tập trực tiếp trên bệnh nhân. Nhưng hiện nay, hãng thông tấn Associated Press cho biết loại “robot giả vờ sinh con”, gọi là Noelle, “bắt đầu được sử dụng phổ biến”. Robot “mang thai” này cũng có mạch máu và cổ tử cung giãn nở. Chúng được cài đặt chương trình để có một số vấn đề khi sinh nở và có thể sinh nhanh hoặc sinh chậm. “Em bé” mà Noelle cho ra đời có thể có màu hồng cho thấy khỏe mạnh, hoặc màu xanh cho thấy bị thiếu oxy. Tại sao lại thực tập trên robot? Báo cáo trên cho biết lý do: “Thà sai sót trên một robot trị giá 20.000 đô la còn hơn là trên một bệnh nhân thật”.

Trong 35 năm từ năm 1970 đến 2005, có đến 1/4 các loài động vật có xương sống bị tuyệt chủng như cá, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú.—SÜDDEUTSCHE ZEITUNG, ĐỨC

Trong nỗ lực đối phó với việc bị lạm phát 2,2 triệu phần trăm, vào tháng 8 năm 2008, nước Zimbabwe đã bỏ mười số “0” trong tờ bạc của mình. Thế nên, tờ bạc 10 triệu bây giờ chỉ trị giá 1 “zimdollar” (đô la Zimbabwe). —AGENCE FRANCE PRESSE, ZIMBABWE.

“Thống kê cho biết năm 2005 có hơn 12.000 vụ giết người bằng súng ở Hoa Kỳ. Nhưng con số bị thương và sống sót sau các cuộc tấn công như thế thì cao hơn nhiều, chẳng hạn năm 2006 có đến gần 53.000 người phải vào cấp cứu”.—THE SEATTLE TIMES, HOA KỲ.

Giáng sinh “vui vẻ”?

Tờ Sunday Telegraph của thành phố Sydney cho biết khoảng 20% trường hợp ly dị ở Úc xảy ra ngay sau Lễ Giáng Sinh và Lễ mừng năm mới. Luật sư chuyên về các vụ ly dị là ông Barry Frakes nói: “Có rất nhiều cặp cãi nhau và muốn ly dị đến chỗ chúng tôi ngay khi văn phòng vừa mở cửa trở lại”. Ông nói thêm: “Người ta mong chờ Lễ Giáng Sinh sẽ tuyệt vời như trong quảng cáo và chương trình truyền hình”, nhưng khi đời sống không được “lý tưởng” như thế thì họ tìm cách ly dị. Tuy nhiên, người đại diện của Hội Gia đình Úc là bà Angela Conway nhận xét: “Khi ly dị, người ta ít khi nào giải quyết được các vấn đề lâu dài hay có được cảm giác bình an và hạnh phúc như mong muốn”. Và bà khuyên: “Tốt hơn là người ta nên cố gắng giữ lấy hôn nhân của mình và tìm cách giải quyết vấn đề”.

“Nhà chờ sanh” cứu mạng nhiều người

Nước Peru đang nỗ lực giảm tỉ lệ tử vong ở các sản phụ. Trong thập kỷ qua, chính phủ Peru khuyến khích các bà mẹ người Peru sanh con ở bệnh viện để được điều trị tốt hơn thay vì sanh con ở nhà. Họ đã xây 390 “nhà chờ sanh” ở cạnh bệnh viện phụ sản. Phụ nữ mang thai và gia đình có thể ở trong các nhà này đến khi sanh nở. Cơ quan thông tấn xã Reuters từ thành phố Cuzco cho biết một trong những điều thu hút các sản phụ là bệnh viện đã kết hợp “giữa y học hiện đại và phương pháp truyền thống”. Chẳng hạn, “cách đứng khi sanh” đã “giúp người mẹ đỡ mất sức và rút ngắn thời gian... cũng như cho phép người mẹ quan sát rõ quá trình sinh nở hơn là nằm khi sanh”.

Không lúc nào đúng giờ

Theo một báo cáo của ngành Giao thông Vận tải ở Hoa Kỳ năm 2008, có khoảng 30% các chuyến bay của nước này đến nơi trễ 15 phút. Những chuyến từ bang Texas đến California thì không lúc nào đúng giờ cả