Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi con bị sốt

Khi con bị sốt

Khi con bị sốt

“Mẹ ơi, con khó chịu quá!” Khi nghe con kêu khóc như thế, có lẽ bạn lập tức cặp nhiệt cho con. Nếu nó sốt, hẳn bạn cảm thấy lo lắm.

Một cuộc khảo cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu về Nhi Khoa Johns Hopkins tại Baltimore, bang Maryland, Hoa Kỳ, cho biết 91 phần trăm cha mẹ tin rằng “ngay cả một cơn sốt nhẹ cũng có thể gây ít nhất một tác hại như chứng co giật hoặc tổn thương não”. Cũng theo cuộc khảo cứu trên thì “89% cha mẹ cho con dùng thuốc hạ nhiệt khi thân nhiệt của con chưa tới 38,9°C (102°F)”.

Khi con bị sốt, bạn nên lo lắng đến mức nào? Biện pháp nào tốt nhất để hạ sốt?

Vai trò quan trọng của sốt

Điều gì gây ra sốt? Dù nhiệt độ trung bình của cơ thể khoảng 37°C (cặp nhiệt ở miệng), trong ngày thân nhiệt có thể thay đổi một vài độ. * Vào buổi sáng thân nhiệt thấp hơn buổi chiều. Vùng dưới đồi ở sàn não có chức năng kiểm soát thân nhiệt giống như một máy điều nhiệt. Khi vi khuẩn hoặc siêu vi xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch phản ứng bằng cách tiết ra trong máu chất gây sốt (pyrogen) nên ta bị sốt. Điều này khiến vùng dưới đồi chỉnh thân nhiệt cao hơn.

Dù sốt có thể gây khó chịu và mất nước, nhưng không hẳn là một triệu chứng xấu. Theo Viện Nghiên Cứu và Giáo Dục về Y Khoa Mayo, thì thật ra sốt có lẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại bệnh do vi khuẩn hoặc siêu vi gây ra. “Siêu vi gây cảm lạnh và những bệnh về đường hô hấp khác thích hợp với môi trường ở nhiệt độ thấp. Vì thế sốt nhẹ là phản ứng của cơ thể giúp diệt siêu vi”. Do đó, viện nghiên cứu trên cũng cho biết thêm: “Khi sốt nhẹ, việc hạ nhiệt không cần thiết mà còn có thể làm cản trở tiến trình phục hồi tự nhiên của cơ thể ”. Một bệnh viện ở Mexico thậm chí chữa trị một số bệnh bằng cách tăng thân nhiệt của bệnh nhân lên (còn gọi là phương pháp hyperthermia).

Bác Sĩ Al Sacchetti thuộc Đại Học Chuyên Khoa Cấp Cứu Hoa Kỳ giải thích: “Sốt tự nó không phải là bệnh. Nhưng nó có thể là dấu hiệu của tình trạng bị nhiễm trùng. Vì thế khi trẻ bị sốt, điều quan trọng không phải là đọc nhiệt độ nhưng quan sát trẻ xem có triệu chứng nào khác không”. Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ lưu ý: “Khi con bạn sốt dưới 38,3°C (101°F), thường không cần điều trị, trừ khi trẻ thấy khó chịu hoặc có tiền căn bị co giật. Ngay cả sốt cao hơn vẫn không nguy hiểm, ngoại trừ con bạn có tiền căn co giật hoặc bị một căn bệnh mãn tính. Điều quan trọng là theo dõi thể trạng trẻ. Nếu con bạn ăn ngủ và chơi bình thường, có lẽ không cần điều trị gì thêm”.

Cách hạ cơn sốt nhẹ

Nói như vậy không có nghĩa là bảo bạn không làm gì hết. Một số bác sĩ đề nghị một vài biện pháp hạ nhiệt sau: Để trẻ trong phòng thoáng mát. Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng. (Nếu không thì sốt sẽ tăng thêm). Cho con uống nhiều chất lỏng như nước, nước hoa quả pha loãng, và canh, bởi vì sốt có thể làm mất nước. * (Những thức uống có chứa cafein như nước ngọt chế biến từ lá cola, hoặc một số loại trà có tác dụng lợi tiểu nên gây mất nước). Nên tiếp tục cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Tránh những thức ăn khó tiêu vì khi bị sốt bao tử không hoạt động tốt.

Khi trẻ sốt cao hơn 38,9°C thường có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt mua không cần toa như acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuy nhiên điều quan trọng là vẫn phải theo liều lượng trên nhãn. (Không nên cho trẻ con dưới hai tuổi uống thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ). Vì không có tác dụng kháng siêu vi, nên thuốc hạ sốt không giúp trẻ mau hết cảm hoặc những bệnh tương tự nhưng chỉ giúp cho bớt khó chịu. Một số chuyên gia khuyên không nên dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ dưới 16 tuổi vì có thể dẫn tới hội chứng Reye, một căn bệnh có nguy cơ gây tử vong. *

Lau mát cho trẻ cũng giúp hạ sốt. Để trẻ ngồi trong bồn chứa vài centimét nước ấm và dùng khăn lau người cho trẻ. (Không dùng những chất xoa bóp có chứa cồn vì có thể gây độc hại).

Trong khung bên cạnh, bạn sẽ tìm thấy một số thông tin hữu ích để biết khi nào nên đưa con đến bác sĩ. Đặc biệt những người sống ở những vùng hay có dịch sốt nguy hiểm như sốt xuất huyết, cúm Ebola, sốt thương hàn, hoặc sốt vàng thì nên để ý đến việc đi khám bệnh.

Nói chung, cách tốt nhất là làm sao để con bạn thấy dễ chịu hơn. Nên nhớ là sốt hiếm khi nào nặng đến mức gây tổn thương hệ thần kinh hoặc tử vong. Ngay cả khi sốt gây co giật, dù có thể khiến bạn hốt hoảng, nhưng thường không để lại biến chứng khác.

Dĩ nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là dạy con phép vệ sinh căn bản. Nên dạy chúng rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi ở những nơi công cộng đông người, hoặc vuốt ve chó mèo. Dù đã cẩn thận hết sức nhưng con bạn vẫn bị sốt nhẹ, đừng mất bình tĩnh. Như chúng ta đã biết, có nhiều cách để giúp con bạn khỏe lại.

[Chú thích]

^ đ. 6 Thân nhiệt khác nhau tùy theo nơi cặp nhiệt và loại nhiệt kế.

^ đ. 10 Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-4-1995, trang 11, để biết công thức pha loại nước uống nhằm bổ sung lượng nước khi bị sốt kèm theo tiêu chảy hoặc ói mửa.

^ đ. 11 Hội chứng Reye, một bệnh cấp tính về hệ thần kinh, là biến chứng của một bệnh nhiễm siêu vi.

[Khung nơi trang 27]

Khi trẻ bị sốt, nên đưa đến bác sĩ nếu:

▪ Độ cặp nhiệt ở hậu môn lên đến 38°C hoặc cao hơn đối với trẻ ba tháng tuổi hoặc nhỏ hơn

▪ Độ cặp nhiệt lên đến 38,3°C hoặc cao hơn đối với trẻ từ ba đến sáu tháng tuổi

▪ Độ cặp nhiệt lên đến 40°C hoặc cao hơn đối với trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên

▪ Trẻ không muốn ăn uống và có dấu hiệu bị mất nước

▪ Trẻ bị co giật hoặc lờ đờ

▪ Sốt không hạ trong vòng 72 tiếng

▪ Trẻ khóc dỗ không nín, hoặc ở trong tình trạng lơ mơ, mê sảng

▪ Trẻ phát ban, khó thở, tiêu chảy hoặc ói mửa nhiều lần trong ngày

▪ Cổ bị cứng hoặc có những cơn nhức đầu dữ dội

[Nguồn tư liệu]

Nguồn: Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ