Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Máu: Chọn lựa của ai và lương tâm của ai?

Máu: Chọn lựa của ai và lương tâm của ai?

Phụ lục

Máu: Chọn lựa của ai và lương tâm của ai?

do Bác Sĩ J. Lowell Dixon

Được New York State Journal of Medicine cho phép in lại, 1988; 88:463-464, copyright by the Medical Society of the State of New York.

BÁC SĨ có nhiệm vụ áp dụng sự hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm của họ để chống bệnh tật và sự chết. Song, nếu một bệnh nhân từ chối một liệu pháp đề nghị thì sao? Điều đó rất có thể sẽ xảy ra nếu bệnh nhân là một Nhân Chứng Giê-hô-va và liệu pháp là máu toàn phần, hồng cầu đặc, huyết tương hay tiểu cầu.

Khi vấn đề là việc dùng máu, một bác sĩ có thể cảm thấy rằng việc bệnh nhân chọn lựa phương pháp không dùng máu sẽ trói tay những nhân viên y tế tận tụy. Thế nhưng, ta không nên quên rằng vẫn có những bệnh nhân khác không phải Nhân Chứng Giê-hô-va thường quyết định không làm theo lời đề nghị của bác sĩ. Theo Appelbaum và Roth,1 19% bệnh nhân tại các bệnh viện có chương trình giảng dạy đã từ chối ít nhất một liệu pháp hay phương pháp, dầu 15% các từ chối đó “có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”.

Quan niệm thông thường “bác sĩ biết rõ nhất” khiến đa số bệnh nhân vâng theo kỹ năng và sự hiểu biết của bác sĩ họ. Nhưng thật là điều nguy hiểm ngấm ngầm khi một bác sĩ hành sự như thể lời này là một thực tế khoa học và theo đó mà điều trị bệnh nhân. Đành rằng sự đào tạo, giấy phép hành nghề và kinh nghiệm của chúng ta về y khoa cho chúng ta đặc quyền đáng kể trong lãnh vực y khoa, nhưng bệnh nhân của chúng ta có quyền. Và, như chúng ta có lẽ biết, luật pháp (ngay cả Hiến Pháp) xem quyền là quan trọng hơn.

Trên tường của hầu hết các bệnh viện, người ta thấy treo “Bản Tuyên Ngôn về Quyền của Bệnh Nhân”. Một trong các quyền này là sự ưng thuận có hiểu biết, hay có lẽ gọi một cách đúng hơn là sự chọn lựa có hiểu biết. Sau khi được cho biết các kết quả có thể xảy ra của các cách điều trị (hoặc của việc không điều trị), người bệnh tự chọn điều nào họ muốn theo. Tại Bệnh Viện Albert Einstein ở Bronx, New York, bản dự thảo chính sách về truyền máu và Nhân Chứng Giê-hô-va viết: “Bất cứ bệnh nhân trưởng thành nào không mất năng lực đều có quyền từ chối sự điều trị cho dầu sự từ chối đó có thể nguy hại cho sức khỏe của người đó”.2

Trong khi bác sĩ có thể bày tỏ mối quan tâm về đạo đức hay trách nhiệm pháp lý, tòa án đã nhấn mạnh ưu thế của quyền chọn lựa của bệnh nhân.3 Tòa Thượng Thẩm ở New York nói rằng: “Quyền của bệnh nhân được quyết định cách điều trị cho họ [là] quan trọng nhất... [Một] bác sĩ không thể bị buộc tội là vi phạm trách nhiệm pháp lý hay nghề nghiệp khi ông tôn trọng quyền của một bệnh nhân trưởng thành có năng lực, từ chối sự điều trị y khoa”.4 Tòa án đó cũng nhận xét rằng “tính chính trực trong nghề y khoa, tuy quan trọng nhưng không thể vượt qua những quyền căn bản cá nhân được xác nhận ở đây. Chính nhu cầu và nguyện vọng của cá nhân là tối quan trọng, chớ không phải những đòi hỏi của thể chế”.5

Khi một Nhân Chứng từ chối máu, bác sĩ có thể bị lương tâm giày vò vì dường như họ sẽ không tận dụng được những kỹ thuật sẵn có. Nhưng điều mà người Nhân Chứng yêu cầu các bác sĩ tận tâm là điều trị bằng phương pháp khác tốt nhất có thể được trong hoàn cảnh đó. Chúng ta thường phải thay đổi cách điều trị để thích nghi với hoàn cảnh, như bệnh áp huyết cao, bị dị ứng trụ sinh nặng, hoặc là thiếu vài dụng cụ đắt tiền. Với một bệnh nhân Nhân Chứng, bác sĩ được yêu cầu xử lý vấn đề y khoa hay phẫu thuật phù hợp với sự chọn lựa và lương tâm của người bệnh, quyết định đạo đức/tôn giáo của người đó là kiêng máu.

Nhiều báo cáo về đại phẫu thuật nơi bệnh nhân Nhân Chứng cho thấy rằng nhiều bác sĩ có thể thỏa mãn đòi hỏi không dùng máu, với lương tâm tốt, một cách thành công. Ví dụ, năm 1981, ông Cooley xem lại 1.026 phẫu thuật tim-mạch, 22% nơi trẻ em. Ông xác định “rằng nguy hiểm về phẫu thuật nơi nhóm bệnh nhân Nhân Chứng Giê-hô-va không cao hơn bao nhiêu so với những nhóm khác”.6 Ông Kambouris7 kể lại những đại phẫu thuật nơi Nhân Chứng, một số người trong nhóm này đã bị “từ chối giải phẫu dù điều đó cấp thiết vì họ không chịu nhận máu”. Ông nói: “Tất cả bệnh nhân đều được cam kết trước khi mổ là niềm tin tôn giáo của họ sẽ được tôn trọng, bất chấp mọi hoàn cảnh xảy ra trong phòng mổ. Chính sách này không có hậu quả tai hại nào cả”.

Khi một bệnh nhân là Nhân Chứng Giê-hô-va, vấn đề không phải là sự chọn lựa mà là lương tâm. Ta không thể chỉ nghĩ đến lương tâm của bác sĩ. Còn lương tâm của bệnh nhân thì sao? Nhân Chứng Giê-hô-va xem sự sống là sự ban cho của Đức Chúa Trời, tượng trưng bằng máu. Họ tin vào điều răn của Kinh Thánh là tín đồ Đấng Christ phải ‘kiêng huyết’ (Công-vụ 15:28, 29).8 Vậy, nếu một bác sĩ, hành quyền gia trưởng, vi phạm niềm tin sâu đậm và lâu dài đó của bệnh nhân, kết quả có thể bi thảm. Giáo hoàng John Paul II nhận xét rằng ép một người vi phạm lương tâm của họ “là giáng vào nhân phẩm một đòn đau đớn nhất. Về một ý nghĩa nào đó, điều này còn tệ hơn làm chết thể xác, tức giết chết”.9

Trong khi Nhân Chứng Giê-hô-va từ chối máu vì lý do tôn giáo, càng ngày càng có nhiều bệnh nhân không phải Nhân Chứng quyết định không dùng máu vì những nguy cơ như bệnh AIDS, viêm gan không-A không-B, và các phản ứng miễn dịch. Chúng ta có thể trình bày với họ quan điểm của chúng ta về vấn đề những nguy cơ đó có lẽ nhỏ so với lợi ích không. Nhưng, như Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ nêu ra, bệnh nhân là “người cuối cùng có quyền quyết định mình sẽ chấp nhận sự may rủi với cách điều trị hoặc phẫu thuật bác sĩ đề nghị, hay là đánh liều không nhận nó. Đó là quyền căn bản của cá nhân, điều mà luật pháp thừa nhận”.10

Liên quan đến điều này, Macklin11 đưa ra vấn đề lợi ích/rủi ro về một Nhân Chứng “không chịu nhận máu dù có thể bị chảy máu đến chết”. Một sinh viên y khoa nói: “Khả năng suy luận của ông ấy còn nguyên vẹn. Bạn làm gì khi niềm tin tôn giáo đối lập với cách điều trị độc nhất?” Macklin lý luận: “Chúng ta có thể nghĩ chắc chắn rằng người đàn ông này quyết định sai lầm. Nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va tin là truyền máu... [có thể] đưa tới sự trừng phạt đời đời. Chúng ta được huấn luyện để phân tích lợi ích-rủi ro trong ngành y khoa, nhưng nếu bạn cân nhắc sự trừng phạt đời đời so với sự sống còn lại trên đất, thì sự phân tích này lại có một khía cạnh khác”.11

Vercillo và Duprey12 trong số báo Journal này đề cập đến In re Osborne để làm nổi bật mối quan tâm về việc bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhưng vụ này được giải quyết ra sao? Vụ này liên quan đến một người bị thương nặng; ông có hai đứa con nhỏ. Tòa án quyết định là nếu ông chết, bà con thân thuộc sẽ lo cho con ông về vật chất và thiêng liêng. Vì thế, cũng như trong những vụ kiện khác gần đây,13 tòa án thấy không có công ích nào bị ảnh hưởng đến nỗi phải gạt qua một bên sự chọn lựa của bệnh nhân về cách điều trị; sự can thiệp của tòa án cho phép tiến hành cách điều trị mà bệnh nhân kịch liệt phản đối là không chính đáng.14 Với cách điều trị khác bệnh nhân đã bình phục và tiếp tục lo cho gia đình của ông.

Chẳng phải là đại đa số các trường hợp mà bác sĩ đương đầu, hay rất có thể sẽ đương đầu, đều có thể được xử lý mà không dùng máu hay sao? Những gì chúng ta học và biết rõ nhất đều liên quan đến các vấn đề về sức khỏe, nhưng bệnh nhân là những con người mà giá trị và mục đích cá nhân không thể bị lờ đi. Họ biết hơn ai hết các ưu tiên của họ, giá trị đạo đức và lương tâm của họ, là những điều làm cho đời sống họ có ý nghĩa.

Tôn trọng lương tâm tín ngưỡng của bệnh nhân Nhân Chứng có thể thách thức kỹ năng của chúng ta. Nhưng khi vượt qua được thách thức này, chúng ta nhấn mạnh những quyền tự do quý giá mà tất cả chúng ta đều quý trọng. Như ông John Stuart Mill viết một cách thích đáng: “Nói chung nếu không tôn trọng các quyền tự do này, thì không có xã hội nào là tự do, dù theo chính thể nào đi nữa... Mỗi người là kẻ bảo hộ chính đáng cho chính sức khỏe mình, dầu là thể xác, hoặc tinh thần và thiêng liêng. Loài người được nhiều lợi ích hơn khi để cho nhau sống theo cách họ nghĩ là tốt thay vì ép nhau phải sống theo cách người khác nghĩ là tốt”.15

[TÀI LIỆU THAM KHẢO]

1. Appelbaum PS, Roth LH: Những bệnh nhân từ chối sự điều trị trong bệnh viện. JAMA 1983; 250:1296-1301.

2. Macklin R: Quá trình hoạt động bên trong một ủy ban đạo đức: Cuộc chiến mới nhất về Nhân Chứng Giê-hô-va. Hastings Cent Rep 1988; 18(1):15-20.

3. Bouvia v Superior Court, 179 Cal App 3d 1127, 225 Cal Rptr 297 (1986); In re Brown, 478 So 2d 1033 (Miss 1985).

4. In re Storar, 438 NYS 2d 266, 273, 420 NE 2d 64, 71 (NY 1981).

5. Rivers v Katz, 504 NYS 2d 74, 80 n 6, 495 NE 2d 337, 343 n 6 (NY 1986).

6. Dixon JL, Smalley MG: Nhân Chứng Giê-hô-va. Thách thức về phẫu thuật/đạo đức. JAMA 1981; 246:2471-2472.

7. Kambouris AA: Những phẫu thuật bụng nghiêm trọng nơi Nhân Chứng Giê-hô-va. Am Surg 1987; 53:350-356.

8. Jehovah’s Witnesses and the Question of Blood. Brooklyn, NY, Watchtower Bible and Tract Society, 1977, trang 1-64.

9. Giáo Hoàng lên án sự đàn áp ở Ba Lan. NY Times, ngày 11-1-1982, trang A9.

10. Office of the General Counsel: Medicolegal Forms with Legal Analysis. Chicago, American Medical Association, 1973, trang 24.

11. Kleiman D: Triết gia bệnh viện đối diện với những quyết định về sự sống. NY Times, ngày 23-1-1984, trg B1, B3.

12. Vercillo AP, Duprey SV: Nhân Chứng Giê-hô-va và việc truyền các chế phẩm máu. NY State J Med 1988; 88:493-494.

13. Wons v Public Health Trust, 500 So 2d 679 (Fla Dist Ct App) (1987); Randolph v City of New York, 117 AD 2d 44, 501 NYS 2d 837 (1986); Taft v Taft, 383 Mass 331, 446 NE 2d 395 (1983).

14. In re Osborne, 294 A 2d 372 (DC Ct App 1972).

15. Mill JS: On liberty, in Adler MJ (ed): Great Books of the Western World. Chicago, Encyclopaedia Britannica, Inc, 1952, tập 43, trg 273.