Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Từ “hoạn quan” được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa gì?

Chi tiết hình chạm trổ một hoạn quan người Sy-ri

Đôi khi từ này có thể đề cập đến một người đàn ông bị hoạn. Vào thời Kinh Thánh, một số người đàn ông bị hoạn do bị trừng phạt, bị bắt hoặc làm nô lệ. Người bị hoạn đáng tin cậy coi sóc khu vực của phụ nữ hoặc nơi hậu cung trong gia đình hoàng gia. Chẳng hạn, hoạn quan Hê-gai và Sa-ách-ga làm giám hộ cho hoàng hậu và cung phi của vua A-suê-ru nước Ba-tư (Phe-rơ-sơ), người cũng được biết đến là Xerxes I.—Ê-xơ-tê 2:3, 14.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người mà Kinh Thánh gọi là hoạn quan đều bị hoạn thật sự. Một số học giả nói rằng từ này cũng được dùng theo nghĩa rộng hơn để nói đến một viên quan được giao nhiệm vụ trong cung vua. Dường như đây là trường hợp của hoạn quan Ê-bết-Mê-lết, người thân cận với Giê-rê-mi, và hoạn quan người Ê-thi-ô-bi vô danh mà môn đồ Phi-líp truyền giảng cho. Ê-bết-Mê-lết rõ ràng là một quan chức có địa vị cao vì được tiếp cận trực tiếp với vua Sê-đê-kia (Giê-rê-mi 38:7, 8). Và hoạn quan người Ê-thi-ô-bi được cho là quan cai quản ngân khố hoàng gia “đã đến thành Giê-ru-sa-lem để thờ phượng”.—Công vụ 8:27.

Tại sao người chăn thời Kinh Thánh tách chiên ra khỏi dê?

Khi miêu tả về thời điểm phán xét trong tương lai, Chúa Giê-su nói: “Khi Con Người đến trong sự vinh quang,... ngài chia họ thành hai nhóm, như người chăn tách chiên ra khỏi dê” (Ma-thi-ơ 25:31, 32). Tại sao người chăn vào thời Kinh Thánh lại chia những loài vật này ra?

Thường thì chiên (cừu) và dê đi theo đàn và cùng ăn cỏ chung trong ngày. Đến tối, chúng sẽ được lùa vào chuồng để tránh khỏi thú hoang, kẻ cắp và lạnh giá (Sáng-thế Ký 30:32, 33; 31:38-40). Hai loài vật này sẽ vào hai chuồng riêng để những con chiên hiền lành được bảo vệ, nhất là con cái hoặc con non, không bị những con dê hung hăng tấn công. Sách All Things in the Bible cho biết người chăn cũng tách chiên ra khỏi dê trong thời kỳ “sinh sản, vắt sữa và hớt lông”. Do đó, minh họa của Chúa Giê-su gợi đến những sinh hoạt và hình ảnh quen thuộc với người nghe nơi thôn quê của người Y-sơ-ra-ên thời xưa.