Timgad—Thành phố bị chôn vùi tiết lộ bí mật
Nhà thám hiểm gan dạ không thể tin vào mắt mình. Trước mặt ông là một khải hoàn môn của La Mã! Một phần của nó bị chôn vùi trong cát sa mạc Algeria. Khi nhà thám hiểm người Scotland là James Bruce phát hiện ra khải hoàn môn ấy vào năm 1765, ông không biết là mình đang đứng trên tàn tích của một thành lớn nhất từng được xây ở Bắc Phi—thành phố cổ Thamugadi, nay gọi là Timgad.
Hơn một thế kỷ sau, vào năm 1881, các nhà khảo cổ người Pháp bắt đầu khai quật những phần được bảo tồn tốt của thành Timgad. Họ kết luận rằng dù sống trong môi trường khắc nghiệt và khô cằn nhưng dân thành này từng hưởng đời sống sung túc và tiện nghi. Nhưng điều gì thúc đẩy người La Mã xây vùng thuộc địa thịnh vượng ở một nơi như thế? Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ thành phố cổ và dân cư thành này?
MỤC ĐÍCH CHÍNH TRỊ BÍ MẬT
Khi La Mã mở rộng quyền thống trị sang Bắc Phi vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, họ gặp phải sự chống đối dữ dội từ một số bộ tộc du cư. La Mã sẽ thiết lập hòa bình với dân bản địa bằng cách nào? Ban đầu, lính của Quân Đoàn Augustus Đệ Tam đã xây nhiều trạm gác và doanh trại kiên cố tại vùng núi rộng lớn mà ngày nay thuộc miền bắc Algeria. Sau đó, họ xây thành Timgad, nhưng với một mục đích hoàn toàn khác.
Người La Mã tuyên bố lập thành Timgad cho các cựu chiến binh của mình nhưng thật ra họ xây thành này với mục tiêu làm suy yếu sức chống cự của các bộ tộc bản địa. Kế sách của họ đã thành công. Không lâu sau, đời sống thoải mái tại Timgad đã thu hút dân địa phương khi vào thành để bán hàng. Vì mong muốn được sống trong thành này, nơi chỉ có công dân La Mã được phép sinh sống, nên nhiều người bản địa sẵn sàng gia nhập Quân đoàn La Mã trong kỳ hạn 25 năm để họ và các con trai có được quyền công dân La Mã.
Chưa thỏa lòng với quyền công dân La Mã, với thời gian một số người châu Phi thậm chí đạt được những địa vị cao tại Timgad hoặc những thành phố thuộc địa khác. Kế sách tinh vi của La Mã nhằm đồng hóa dân địa phương đã rất thành công, vì chỉ nửa thế kỷ sau khi được xây dựng, Timgad có dân số chủ yếu là người Bắc Phi.
CÁCH LA MÃ THU PHỤC LÒNG NGƯỜI
Khu chợ có các cây cột tao nhã và quầy bán hàng
Làm sao La Mã có thể thu phục lòng dân bản địa nhanh đến thế? Một lý do là vì họ đẩy mạnh
sự bình đẳng giữa các công dân—một nguyên tắc do lãnh đạo gia La Mã là Cicero giảng dạy. Đất được phân chia đồng đều cho các cựu chiến binh La Mã và những công dân gốc châu Phi. Thành phố được bố trí rất khéo léo, các dãy nhà có diện tích 20x20m được ngăn cách bởi những con đường nhỏ. Chắc chắn, cách sắp xếp đồng đều và trật tự như thế rất thu hút người dân.Như nhiều thành phố khác của La Mã, dân cư thành này có thể gặp gỡ nhau tại những nơi công cộng vào các ngày họp chợ để nghe tin tức mới nhất hoặc vui chơi. Chắc hẳn, dân bản địa từ những vùng núi khô cằn kế cận thường ao ước được dạo bước dưới bóng của những cây cột vào ngày nóng bức khô hạn, hoặc thư giãn tại một trong nhiều nhà tắm công cộng miễn phí và nghe tiếng nước chảy róc rách. Có thể họ cũng hình dung mình ngồi trò chuyện với bạn bè bên những vòi phun nước mát mẻ. Hẳn với họ, mọi thứ ấy như trong mơ.
Một bia mộ có hình thần bộ ba
Nhà hát ngoài trời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu phục lòng dân. Với sức chứa hơn 3.500 người, nhà hát này có đủ chỗ cho dân của Timgad và các thành nhỏ lân cận. Trên sân khấu, các diễn viên cho khán giả nếm thử những trò giải trí tục tĩu của La Mã qua những vở kịch mang tính vô luân và hung bạo.
Tôn giáo của La Mã cũng góp phần vào cuộc chinh phục này. Sàn và tường của các nhà tắm đều được trang trí cầu kỳ bằng đá ghép tranh đủ màu sắc với những cảnh từ truyền thuyết ngoại giáo. Vì tắm là điều không thể thiếu trong đời sống thường ngày nên người dân dần quen thuộc với tôn giáo và các thần của La Mã. Mưu kế nhằm khiến người châu Phi hòa nhập với văn hóa La Mã hiệu quả đến mức trên những bia mộ thường có hình thần bộ ba, gồm các thần của dân bản địa và La Mã.
THÀNH PHỐ XINH ĐẸP BỊ CHÌM VÀO QUÊN LÃNG
Sau khi hoàng đế Trajan thành lập Timgad vào năm 100 công nguyên (CN), La Mã đẩy mạnh việc sản xuất ngũ cốc, dầu ô-liu và rượu trên khắp Bắc Phi. Chẳng bao lâu, vùng này trở thành vựa lương thực của La Mã, cung cấp những mặt hàng thiết yếu ấy cho đế quốc này. Như những thành thuộc địa khác, Timgad thịnh vượng dưới sự cai trị của La Mã. Với thời gian, dân số của thành gia tăng và thành được mở rộng ra ngoài các tường thành kiên cố.
Dân trong thành và các địa chủ phát đạt nhờ giao thương với La Mã, nhưng nông dân địa phương chỉ nhận được rất ít lợi nhuận. Vào thế kỷ thứ ba CN, vì bị đối xử bất công và đánh thuế nặng nên những nông dân nhỏ bé ấy đã dấy lên nổi loạn. Trong số đó có những tín đồ Công giáo đã gia nhập phái Donatists, một nhóm nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su và nổi lên chống lại sự đồi bại trong Giáo hội Công giáo.—Xem khung “ Phái Donatists không phải là ‘giáo hội thuần khiết’”.
Sau hàng thế kỷ chìm đắm trong các cuộc xung đột tôn giáo, nội chiến và xâm lược tàn khốc, nền văn minh La Mã đã mất tầm ảnh hưởng trên Bắc
Phi. Đến thế kỷ thứ sáu CN, Timgad bị thiêu rụi bởi những bộ tộc Ả Rập địa phương và cuối cùng bị chìm vào quên lãng trong hơn 1.000 năm.“THẾ MỚI LÀ SỐNG!”
Dòng chữ khắc bằng tiếng La-tinh tại nơi hội họp công cộng, đó là “Săn bắn, tắm mát, vui chơi, cười đùa—thế mới là sống!”
Những nhà khảo cổ khai quật phần còn lại của thành Timgad rất thích thú khi tìm ra một dòng chữ khắc bằng tiếng La-tinh tại nơi hội họp công cộng, đó là “Săn bắn, tắm mát, vui chơi, cười đùa—thế mới là sống!”. Một sử gia người Pháp đã nói: “Có lẽ triết lý sống ấy không cho thấy tinh thần cầu tiến nhưng sẽ có một số người xem đó là bí quyết của sự khôn ngoan”.
Thật vậy, người La Mã đã theo đuổi lối sống đó trong một thời gian dài. Phao-lô, một môn đồ của Chúa Giê-su sống vào thế kỷ thứ nhất, đã đề cập đến những người có triết lý sống: “Chúng ta hãy ăn, uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết”. Dù sùng đạo nhưng người La Mã lại tận hưởng thú vui phút chốc, ít nghĩ đến ý nghĩa và mục đích thật sự của đời sống. Phao-lô cảnh báo anh em đồng đạo hãy cảnh giác với những người như thế khi ông nói: “Đừng để bị lừa dối; kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt”.—1 Cô-rinh-tô 15:32, 33.
Dù dân thành Timgad sống cách đây khoảng 1.500 năm, nhưng quan điểm sống của người thời nay không khác là mấy. Nhiều người chỉ sống cho hiện tại. Với họ thì quan điểm sống của người La Mã rất hợp lý, bất kể hậu quả là gì. Tuy nhiên, Kinh Thánh nhận xét ngắn gọn và thực tế rằng: “Hiện trạng thế gian này đang thay đổi”. Vì thế, sách này khuyên chúng ta là ‘không tận dụng thế gian này’.—1 Cô-rinh-tô 7:31.
Những tàn tích của Timgad xác minh một sự thật: Bí quyết để có đời sống hạnh phúc và ý nghĩa không phải là làm theo dòng chữ khắc đã bị chôn vùi trong cát lâu năm tại Bắc Phi, mà là làm theo lời nhắc nhở sau của Kinh Thánh: “Thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 Giăng 2:17.