Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể thấy Đức Chúa Trời vô hình không?

Bạn có thể thấy Đức Chúa Trời vô hình không?

“Đức Chúa Trời là thần linh” tức vô hình, con người không thể thấy ngài (Giăng 4:24). Nhưng Kinh Thánh ghi lại một số người, theo một nghĩa nào đó, đã thấy Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:27). Làm sao có thể được? Bạn có thể thật sự thấy “Đức Chúa Trời vô hình” không?—Cô-lô-se 1:15.

Có thể ví tình trạng của chúng ta với người bị mù bẩm sinh. Có phải vì bị mù mà người ấy hoàn toàn không thể nhận thức về thế giới xung quanh? Không hẳn. Người mù tiếp nhận thông tin qua nhiều cách, do đó vẫn có thể nhận thức về người, đồ vật và các hoạt động xung quanh mình. Một người mù nói: “Nhận thức không đến từ mắt, nhưng từ trí óc”.

Tương tự, dù không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời bằng mắt thường, bạn có thể dùng “con mắt trong lòng” để thấy ngài (Ê-phê-sô 1:18, Bản Dịch Mới). Hãy xem ba cách để làm thế.

QUA CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO

Người mù thường có xúc giác và thính giác nhạy bén hơn, các giác quan này giúp người ấy nhận thức những điều không nhìn thấy được. Tương tự, bạn có thể dùng các giác quan để tìm hiểu về thế giới xung quanh và nhận thức về Đức Chúa Trời vô hình, đấng đã tạo nên muôn vật. “Dù Đức Chúa Trời là vô hình, nhưng từ lúc thế gian được dựng nên, khi xem xét những vật ngài tạo ra thì người ta có thể thấy rõ các đặc tính của ngài”.—Rô-ma 1:20.

Chẳng hạn, hãy nghĩ về ngôi nhà chung của chúng ta. Trái đất được thiết kế một cách vô cùng đặc biệt, không chỉ có khả năng duy trì sự sống nhưng còn cung cấp những điều giúp chúng ta vui hưởng đời sống. Khi cảm nhận làn gió mơn man, tắm mình trong nắng ấm áp, thưởng thức trái cây chín mọng hay lắng nghe tiếng chim hót ngân nga, chúng ta cảm thấy thích thú. Chẳng phải những món quà này phản ánh sự chu đáo, dịu dàng và rộng rãi của Đấng Tạo Hóa hay sao?

Bạn có thể học được gì về Đức Chúa Trời qua vũ trụ vật chất? Một điều là bầu trời chứng tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời. Một bằng chứng khoa học gần đây cho thấy vũ trụ đang giãn nở, thậm chí với tốc độ ngày càng nhanh! Khi ngắm nhìn bầu trời về đêm, hãy tự hỏi: “Đâu là nguồn của năng lượng làm cho vũ trụ giãn nở và với tốc độ ngày càng nhanh?”. Kinh Thánh nói Đấng Tạo Hóa có ‘sức mạnh lớn lắm’ (Ê-sai 40:26). Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời cho thấy ngài là “Đấng Toàn-năng”.—Gióp 37:23.

‘ĐẤNG ĐÃ GIẢI THÍCH VỀ CHA CHO CHÚNG TA BIẾT’

Một người mẹ có hai con bị khiếm thị chia sẻ: “Trò chuyện là một trong những cách trọng yếu để giúp con học hỏi. Hãy tường thuật và giải thích cho con mọi điều bạn thấy và nghe. Bạn là đôi mắt của con”. Cũng giống như vậy, dù “chưa từng có người nào thấy Đức Chúa Trời” nhưng Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su, ‘đấng ở bên cạnh Cha, đã giải thích về Cha cho chúng ta biết’ (Giăng 1:18). Là tạo vật đầu tiên và Con một của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su trở thành “đôi mắt” cho chúng ta để thấy những điều trên trời. Ngài là nguồn thông tin tốt nhất giúp chúng ta thấy Đức Chúa Trời vô hình.

Hãy lưu ý một số điều mà Chúa Giê-su, đấng đã ở bên Cha hàng thiên niên kỷ, giải thích về Đức Chúa Trời:

  • Đức Chúa Trời làm việc không biết mệt mỏi. “Cha tôi vẫn làm việc cho đến nay”.—Giăng 5:17.

  • Đức Chúa Trời thấu hiểu nhu cầu của chúng ta. “Cha của anh em là Đức Chúa Trời đã biết anh em cần gì, trước khi cầu xin ngài”.—Ma-thi-ơ 6:8.

  •  Đức Chúa Trời ban cho dồi dào. “Cha trên trời... làm mặt trời mọc lên soi sáng người ác lẫn người hiền và làm mưa cho người công chính lẫn người tội lỗi”.—Ma-thi-ơ 5:45.

  • Đức Chúa Trời quý trọng mỗi cá nhân chúng ta. “Chẳng phải hai con chim sẻ chỉ bán được một xu sao? Thế nhưng, không một con nào rơi xuống đất mà Cha trên trời không biết. Ngay cả tóc trên đầu anh em cũng được đếm hết rồi. Vậy chớ sợ! Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.—Ma-thi-ơ 10:29-31.

ĐẤNG PHẢN ÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI VÔ HÌNH

Người mù thường nhận thức các khái niệm khác với người sáng mắt. Trong tư duy của người mù, bóng râm có thể không phải là vùng tối không có ánh sáng mặt trời nhưng là vùng mát không có hơi ấm mặt trời. Như người mù không thể nhìn thấy bóng râm lẫn ánh sáng, chúng ta không thể tự mình hiểu Đức Giê-hô-va. Vì vậy, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một người phản ánh hoàn hảo các đức tính của ngài.

Người đó chính là Chúa Giê-su (Phi-líp 2:7). Chúa Giê-su không chỉ nói cho chúng ta biết về Cha nhưng cũng cho thấy Cha là đấng như thế nào. Môn đồ của Chúa Giê-su là Phi-líp xin: “Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi”. Chúa Giê-su trả lời: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha” (Giăng 14:8, 9). Bạn có thể “thấy” gì về Cha qua các việc làm của Chúa Giê-su?

Chúa Giê-su là người nồng ấm, khiêm nhường và dễ gần (Ma-thi-ơ 11:28-30). Những đức tính của ngài khiến người khác khoan khoái và được thu hút đến gần với ngài. Chúa Giê-su đồng cảm với niềm vui và nỗi đau buồn của người khác (Lu-ca 10:17, 21; Giăng 11:32-35). Khi đọc hoặc nghe những lời tường thuật trong Kinh Thánh về Chúa Giê-su, hãy vận dụng các giác quan và làm cho câu chuyện sống động trong trí mình. Suy ngẫm về cách Chúa Giê-su đối xử với người khác có thể giúp bạn thấy rõ hơn các đức tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời và đến gần với ngài.

XÂU CHUỖI CÁC MẢNH VỚI NHAU

Liên quan đến cách người mù cảm nhận thế giới xung quanh, một nhà văn viết: “Người ấy tiếp nhận những thông tin rời rạc từ nhiều nguồn (sờ, ngửi, nghe...), rồi bằng một cách nào đó xâu chuỗi chúng lại thành một tổng thể”. Tương tự, khi quan sát các công trình sáng tạo, đọc những gì Chúa Giê-su nói về Cha và xem xét cách Chúa Giê-su phản ánh các đức tính của Đức Chúa Trời, bạn sẽ thấy được một bức tranh tuyệt đẹp về Đức Chúa Trời. Ngài sẽ trở nên có thật với bạn hơn.

Gióp, một người sống cách đây rất lâu, đã cảm nghiệm điều đó. Lúc đầu ông nói những điều ông “không hiểu” (Gióp 42:3). Nhưng sau khi cẩn thận xem xét các kỳ công sáng tạo của Đức Chúa Trời, Gióp thốt lên: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài”.—Gióp 42:5.

‘Nếu con tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cho con gặp’

Bạn cũng có thể cảm nghiệm như Gióp. Kinh Thánh nói: “Nếu con tìm-kiếm [Đức Giê-hô-va], Ngài sẽ cho con gặp” (1 Sử-ký 28:9). Nhân Chứng Giê-hô-va rất sẵn lòng giúp bạn tìm kiếm Đức Chúa Trời vô hình.